Chuyên đề

Đi thăm bà. Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Vũ Thị Huyền Trang
Văn học thiếu nhi
15:00 | 08/12/2024
Baovannghe.vn - Cuối tuần nào cũng vậy, hai anh em thằng Cá đeo trên lưng chiếc ba lô nhỏ xíu rồi dắt díu nhau đi bộ xuống bến xe buýt ngồi chờ từ mờ sớm.
aa

Thị xã mới tỉnh giấc, cây cối và bụi đường còn ngái ngủ giữa sự im ắng dễ chịu tuyệt đối. Trong lúc chờ đợi, thằng Cá đi lại xung quanh nghiêng tai tìm kiếm những tiếng chim. Én ngồi tại điểm chờ, chân đung đưa từng nhịp, bàn tay nhỏ xíu lục lại hành trang mẹ gói cho anh em xuống phố. Cô bé giở bọc xôi ra nhấm nháp từng miếng nhỏ, lưỡi thích thú liếm láp những hạt vừng mằn mặn dính trên môi. Cá cười, nó ngoắc tay bảo “nhìn anh nè”. Rồi chầm chậm thè lưỡi hứng một giọt sương trong vắt rớt từ lưng lá. “Ngọt cực. Em thử không?” Én nhảy phóc khỏi ghế chờ, nó vừa tập hứng sương vừa liếc mắt nhìn anh. “Ngọt thật. Thơm nữa chứ.” Chúng tíu tít đùa nghịch cùng nhau cho đến khi chuyến xe buýt đầu tiên lừng lững tiến đến. Bác lái xe có lẽ đã quá quen thuộc với hai vị khách nhỏ này nên vẫy tay chào từ phía xa. Thằng Cá nhảy nhoi nhoi vẫy tay chào lại, chẳng mấy chốc xe đã dừng trước mặt mở cửa đón hai đứa nhỏ vào lòng. Én chìa nắm xôi mời bác lái xe, đáp lại là tiếng cười sang sảng. “Xôi ngon nhưng sao nó nhỏ xíu thế nhỉ. Bác sợ vừa bỏ vào miệng chưa kịp nhai nó đã trôi tuột xuống dạ dày.” Én cười ngỏn ngoẻn ngồi vào ghế, nó ghé tai bảo anh: “Chiếc nốt ruồi trên má bác tài hôm nay chuyển sang màu đỏ.”

Đi thăm bà. Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
Chúng tíu tít đùa nghịch cùng nhau cho đến khi chuyến xe buýt đầu tiên lừng lững tiến đến. Ảnh minh họa: Pixabay

Nhưng chỉ vài giây sau chiếc nốt ruồi không còn là nỗi bận tâm của hai đứa nhỏ. Chúng áp má vào cửa kính nhìn cảnh vật hai bên đường chạy giật lùi. Én bảo:

-Nếu nhắm mắt vào em thấy như mình đang chạy đua cùng với cây. Chạy bằng chân mình hẳn hoi chứ không phải bằng bánh ô tô đâu nhé.

-Cây không biết đi. Rõ ràng là chúng đứng im một chỗ.

-Bà nói những chiếc cây có thuật biến hình mà anh Cá. Sắp đến đoạn có cây xoài già rồi. Lần này chắc chắn quả xoài đã lớn hơn. Vì mấy lần trước anh em mình toàn ngủ quên đúng đoạn ấy.

-Em quên à. Mấy hôm nọ mưa đá chắc gì còn quả nào.

-Em cá với anh là còn. Bác tài ơi, đi đến đoạn cây xoài bác nhớ đi chậm giùm con nhé.

-Đoạn đấy đang xuống dốc mà cháu nặng quá nên xe tự trôi nhanh bác không phanh được.

Én cười, mắt vẫn chăm chú nhìn cảnh vật bên đường. Thằng Cá đã ngồi quay lưng lại cửa kính. Nó để ý đến những hành khách quen thuộc đang ngồi trên xe. Một cụ già đeo kính, tay xách chiếc làn nhựa. Chỉ một lúc nữa thôi cụ sẽ xuống xe ở chợ thành phố. Không phải cụ đi mua sắm gì mà là ghé thăm gia đình cô con gái bán buôn đồ hàng mã trong chợ. Con cháu đều bận rộn, cả năm có khi cũng không về thăm cụ. Nên cứ nhớ con cháu là cụ đi “đi đến khi hai khớp chân không thể nào cử động được nữa thì thôi.” Ấy là cụ kể thế với bác Tài chứ Cá đâu dám hỏi. Có vài lần cụ cho anh em Cá bánh gai, bánh rán hay mấy thanh kẹo lạc.

Cá đưa mắt nhìn cô sinh viên có nước da trắng hồng, hình như tên Thơm. Sáng nào cô cũng đón xe buýt đến trường kể cả ngày nghỉ. Cô ít nói, lúc nào cũng ngồi im lìm, vai buông thõng, mắt nhìn đăm đăm ra cửa kính. Cá chưa khi nào nhìn thấy cô cười nhưng Én bảo cô ấy cười đẹp hơn cả cô giáo Thu. Nói thế là biết đẹp đến cỡ nào rồi, Én trông vậy mà số hên ghê. Bỗng bác Tài kêu: “Ê nhóc, đừng mải ngắm hoa hậu của xe nữa. Sắp đến đoạn cây xoài già rồi kìa.” Bác vừa dứt câu đã thấy Én nhỏ reo vang: “Ôi chao. Từng chùm xoài sai lúc lỉu kìa anh Cá ơi.” Mới chỉ nghe thôi cũng đủ ứa nước miếng rồi. Cây xoài mẹ trồng dưới Hải Phòng mùa này có khi cũng đã bói hoa. Bỗng Cá thấy nhớ căn nhà nhỏ bé thân thuộc dưới thành phố cảng. Mới đó mà ba mẹ con Cá đã phải xa nó tròn hai năm trời. Giờ chỉ còn bố ở lại đó một mình, không biết bố có chăm sóc vườn rau mini trên sân thượng của Cá tốt không. Hôm rời phố về quê Cá đã kịp ươm thêm ít hạt rau giống mới. Đủ để bố không phải mua rau chợ.

Mẹ nói sống ở quê bình yên tựa thiên đường. Cá không biết thiên đường là ở đâu, Cá chỉ biết sống ở nơi nào có cả bố lẫn mẹ thì vẫn là vui nhất. Nhưng mẹ bảo rồi: “Ở đời không phải lúc nào cũng sống được theo ý mình muốn. Có đôi khi phải ly biệt cũng vì quá yêu thương.” Điều này thì đến Én bé thế mà nó còn hiểu nữa là Cá. Mẹ thương ông bà ngoại tuổi già sức yếu sống cô độc không ai chăm sóc. Nên mẹ phải dắt díu anh em Cá về quê để tiện trông nom ông bà ở tuổi xế chiều. Hồi mới nghe mẹ nói sẽ về quê sống hẳn Cá khóc suốt. Làm sao mà Cá có thể xa mấy đứa bạn thân cùng ngõ phố, xa trường, xa lớp học thân yêu. Cá cũng không thể sống xa bố, không muốn bố buồn khi bị bỏ lại một mình. Cũng như không thể tưởng tượng nổi phải bắt đầu cuộc sống ở quê ngoại như thế nào khi mọi thứ khác xa thành phố. Nhưng cuối cùng Cá cũng nín khóc khi nghe mẹ hỏi “nếu sau này bố mẹ già rồi, con có bỏ mặc bố mẹ sống thui thủi một mình mà chẳng biết lúc ốm đau sẽ ra sao?” Cá không thể làm vậy và nó hiểu mẹ cũng đâu thể làm thế được.

Mẹ cũng không đành bỏ anh em Cá lại phố. Bố đi làm nay ca ngày mai ca đêm đâu thể tiện chăm sóc, đưa đón hai anh em đi học. Cá quệt nước mắt gói ghém đồ đạc. Hôm ngồi lên xe rời phố, Cá còn cố ngoái nhìn lại cho đến khi những bông hoa giấy trên sân thượng chỉ còn là chấm nhỏ lập lòe trong đáy mắt. Sau này trong giấc mơ Cá hay gặp lại hình ảnh Bố đứng ở cổng nhà vẫy tay chào. Tất cả mọi thứ đều nhòe nhoẹt trong nước mắt. Én lí nhí dỗ dành “về quê vui mà anh Cá”. Ừ vui…

Đi thăm bà. Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
Mẹ nói anh em Cá là cầu nối giữa hai bờ thương yêu. Ảnh minh họa: Pixabay

Quê ngoại cách quê nội tròn ba mươi cây số. Cuối tuần nào hai anh em Cá cũng bắt xe xuống thăm bà nội. Nhà bà nội ở thành phố ngã ba sông, nhịp sống nơi đây chậm buồn khác hẳn với Hải Phòng. Nhà bà nội nằm sâu trong ngõ nhỏ, Cá không sợ quên đường vì cứ đến điểm xe buýt cây đa là hai anh em xuống đi bộ. Nhằm thẳng hướng ba cây cau cao chót vót là tìm được nhà bà. Một thành phố xanh mướt, đi đâu người ta cũng tìm dấu cây mà đi thì sẽ chẳng bao giờ sợ lạc. Cây cau của bà trồng đã lâu năm, thỉnh thoảng lại có chim ri về làm tổ ngay trên bẹ. Ông mất sớm, bà sống một mình nhưng xung quanh toàn họ hàng, anh em nên lúc trái gió trở trời cũng bớt lo. Nhiều người hỏi mẹ sao không đón ông bà hai bên về Hải phòng ở cùng cho tiện chăm sóc. Nhưng ông bà chẳng ai chịu đi bởi không nỡ bỏ lại quê cha đất tổ, thành ra nhà Cá phải xẻ đôi. Khi nào được nghỉ hưu thì bố sẽ về thành phố ngã ba sông trông nom bà nội. Anh em Cá sẽ vẫn đón xe buýt cuối tuần từ quê ngoại về quê nội để mang ít bánh gạo, vài ba thang thuốc nam, cũng có khi là chục trứng gà ri mẹ gói ghém cả sự áy náy của mình vào đó. Đôi lúc mẹ đã ước mình phân thân được làm đôi để có thể vừa báo hiếu công sinh thành dưỡng dục lại vừa sống trọn phận dâu con với gia đình chồng. Vai Cá lúc nào cũng mỏi vì trong chiếc ba lô chứa đựng bao nhiêu yêu thương mẹ gửi gắm cho bà nội. Mỗi ngày mỗi đầy, mỗi ngày mỗi nặng. Mẹ nói anh em Cá là cầu nối giữa hai bờ thương yêu. Cá biết ngày cả gia đình sum họp như xưa chắc còn xa lắm. Nhưng Én nói nó không mong đợi ngày ấy vì nó muốn ông bà sống càng lâu càng tốt. Én bé nhỏ thế thôi nhưng chuyện gì cũng hiểu.

Xe đổ dốc cua một đường cánh cung rồi dập dềnh trôi giữa cánh đồng lúa đang trổ đòng xanh non thơm ngát. Én ngoẹo đầu gục vào vai anh ngủ ngon lành. Có thể nó vẫn đang đếm những quả xoài non trong giấc mơ và thích thú reo vui. Bà cụ mải ngồi nói chuyện với bác tài mà không để ý thấy con gà trống đã giãy giụa tuột dây buộc chân. Nó nhảy ra khỏi chiếc làn nhựa tìm đường chạy thoát thân làm náo loạn cả xe. Mọi người cười ầm, vừa thích thú vừa co rúm người mỗi khi thấy chú gà mào đỏ tía tai lao về phía mình vỗ cánh phành phạch. Nó thậm chí đã đáp cả đôi chân sần sùi lên đầu Én, làm con bé choàng tỉnh giấc. Nó nhào vào người cô sinh viên đúng lúc cô đang say sưa đeo tai phone nghe nhạc. Bà cụ liên tục bảo “Ấy chết. Ấy chết. Làm thế nào mà nó có thể tuột ra như thế chứ. Thật là tai hại.” Trong lúc tìm đường thoát thân con gà bay trong khoang xe rồi hạ cánh bậu ngay trên vô lăng. Bác tài phải dừng xe để mọi người cùng xúm lại bắt gà. Nhìn bà cụ ngồi lom khom vuốt ve bộ lông óng mượt của chú gà trống bỗng nhiên làm Cá nhớ đến ông bà mình. Những người già thường rất giống nhau trong sự lầm lũi đáng thương và cũng rất đáng yêu. Thỉnh thoảng ngó ông bà ngồi sưởi nắng ngoài hiên mẹ hay bắt đầu mường tượng “sau này mẹ sẽ già như thế…” Câu nói ấy thường làm Cá buồn. Mẹ già rồi thì sao chứ? Đi chậm. Ăn chậm. Lúc nhớ lúc quên. Cũng có lúc không biết Cá là đứa nào, như bà ngoại vẫn thường xuyên quên mẹ. Có hề chi, anh em Cá vẫn sẽ thương yêu mẹ. Dù đi xa cũng sẽ về một nhà để chăm sóc cho nhau. Sẽ ngồi gỡ xương cá bón cơm cho mẹ. Sẽ may lại những chiếc cúc áo đã cũ nhưng mẹ rất nâng niu. Sẽ nuôi gà, trồng rau, gây bóng mát vườn nhà để mẹ vui. Sẽ ăn cùng nhau những bữa cơm đạm bạc mà không sợ tay mẹ run, cơm rơi cơm vãi.

Xe vẫn trôi dập dềnh. Dập dềnh. Bà cụ giờ này chắc đã ngồi trong sạp hàng mã vui đùa cùng các cháu. Cô sinh viên cũng gần đến điểm xuống, vai cô càng thêm trũng xuống. Bác tài hỏi sao cuối tuần không ở nhà mà đến trường làm chi cho mệt? Cô cười bảo “Nhà chẳng có ai. Bố mẹ cháu mất lâu rồi. Ở nhà chỉ thêm buồn, chi bằng đến chỗ nào đông vui cho lòng bớt lạnh.” Cá muốn nắm tay cô vỗ vào vai nhè nhẹ như cái cách mà Cá từng vỗ về mẹ qua nhiều đêm vắng bố. Nhưng cô sinh viên đã xuống xe lầm lũi đi lẫn trong dòng người qua lại ở ngã tư. Cá ôm trong tay chiếc ba lô nhỏ, khẽ nhắm mắt mường tượng ra cảnh bà nội giờ này đang ra ngõ ngóng trông…

Vũ Thị Huyền Trang | Báo Văn nghệ

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Vẫn đây lam lũ những phận người/ Áo nâu sờn rách nụ cười thôn quê
Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Baovannghe.vn - Giữa bạt ngàn thơ ca viết về biển đảo và hình tượng người lính hôm nay, thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn có chỗ đứng riêng bởi dư vị khác thường...
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người