Chuyên đề

Mùa cấm én - Truyện ngắn của Tuyền Nguyễn

Tuyền Nguyễn
Văn học thiếu nhi
15:00 | 15/12/2024
Baovannghe.vn - Nước ngập xăm xắp bờ ruộng, từng đàn én kéo nhau bay về, chao liệng trên không trung, tạo thành vô số chấm đen điểm xuyết trên nền trời xanh cao vời vợi. Cả cánh đồng như đang vào ngày hội chim én.
aa

Tranh thủ những ngày hồ thủy lợi dẫn nước về, mọi người sạ lúa cho vụ đông xuân. Những gié lúa chét mọc lên từ nửa thân cây lúa đã bị cắt từ vụ trước, được ngậm nước đầy, rồi trổ bông, kết hạt. Nước ngập xăm xắp bờ ruộng, từng đàn én kéo nhau bay về, chao liệng trên không trung, tạo thành vô số chấm đen điểm xuyết trên nền trời xanh cao vời vợi. Cả cánh đồng như đang vào ngày hội chim én.

Hôm ấy, đi học về, tôi thấy anh Nhí vác rựa ra sau nhà chặt hai cây tầm vông thiệt to. Anh róc sạch nhánh rồi ôm hai thân cây đã được cưa thành từng đoạn dài khoảng ba gang tay vào sân.

“Anh làm gì vậy?” - Tôi tò mỏ hỏi.

“Làm bẫy én.”

Anh vừa chẻ khúc tầm vông vừa đáp. Ống tầm vông bị chẻ làm đôi, làm ba, văng ra sân quanh chỗ anh ngồi.

“Ủa, sao anh biết làm hay vậy?”

“Tao mà! Gì lại không biết.”

Anh Nhí vênh mặt đáp rồi tỉ mỉ vót từng cây. Hàng trăm cái cọc xếp thành đống, trên đầu cọc cột một cái thòng lọng rồi cắm một thanh thép nhỏ có gắn mồi.

Chiều hôm sau, trời vừa xế bóng, vừa thấy anh Nhí đội nón, ôm đống bẫy đi, tôi đã chạy ra chắn trước mặt.

“Cho em đi với!”

“Ở nhà! Trời nắng, bệnh.”

“Em đội nón!”

Tôi bướng bỉnh nói, một tay chồm lấy cái nón trên móc đội lên đầu.

Nhưng thái độ anh Nhí rất kiên quyết, giơ tay đòi cốc lên đầu. Tôi tiu nghỉu chạy ra đường nhìn theo anh ôm bó bẫy đi về xóm dưới. Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi đi ra, đi vô không biết bao nhiêu vòng ngóng anh về.

Mùa cấm én - Truyện ngắn của Tuyền Nguyễn
Cả cánh đồng như đang vào ngày hội chim én. Ảnh minh họa: Pixabay

Chạng vạng, anh Nhí vác trên vai bó bẫy ướt mèm, nước còn nhỏ tong tỏng xuống đất, trên tay anh, ba xâu chim én cột thành một sợi dài. Tôi trố mắt nhìn mấy chục con én béo núc ních. Có con còn đập cánh, kêu “éc éc”.

“Ở đâu có nhiều én vậy?”

“Bắt chớ đâu.”

Anh Nhí vừa nghiêng vai bỏ bó bẫy xuống vừa nói.

“Cho em con sống này đi.”

Tôi lay đầu chú én nhỏ bị cột cánh, không thể bay được, miệng kêu liên hồi.

Anh Nhí bỏ con én vào cái lồng cho tôi. Tôi thích thú xách chiếc lồng ra treo trước nhà, cạnh vườn hoa của ông ngoại.

Anh Nhí xách mấy xâu chim còn sống lên chợ bán. Số còn lại ông ngoại làm thịt rô ti cho bữa cơm tối. Én rô ti lớp da vàng ruộm, thịt ngọt, béo ngậy, vừa nhìn thôi đã thèm nhỏ dãi, tôi ăn liền một lúc năm con, miệng tèm lem mỡ, nhìn anh nói:

“Mai cho em đi bắt én với nha!”

Anh Nhí không trả lời, đưa mắt nhìn sang ngoại. Ngoại cười hiền từ.

“Mai dẫn em đi chơi, nhớ đội nón kẻo bệnh.”

Trên cánh đồng nắng chang chang, hàng chục anh trạc tuổi anh tôi, có cả người lớn nữa cùng tụ tập bắt chim én, người dân ở đây thường gọi hoạt động này là “cấm én”. Những thửa ruộng để lúa chét, người ta không cho vịt lội hoặc trâu vào ăn. Nhưng anh Nhí tôi và một số anh lội vào để cắm bẫy én, mỗi cái bẫy cách nhau chừng một mét. Mỗi người cắm tập trung một khoảng riêng, để khỏi lộn với bẫy của người khác. Cứ thế, mỗi thửa ruộng đều có chừng hai, hay ba chục cái bẫy anh Nhí cắm. Rồi sau đó, các anh rủ nhau đi nơi khác, tụ tập trên bãi đất trống đánh trỏng, quay cù… để không làm động đến không gian đánh bẫy. Tôi không chạy theo anh mà ngồi dưới bóng mát của gốc me, dõi mắt ra đồng, những chiếc bẫy cắm dày đặc xen giữa những gié lúa non đang rình rập từng con én ham mồi.

Nền trời xanh ngăn ngắt chỉ điểm vài cụm mây trắng lơ thơ dạt dần về phía cuối chân trời. Không gian như càng lúc càng mở rộng ra. Ánh nắng rót xuống cánh đồng một gam màu vàng rực rỡ. Sắc màu ấy phủ xuống mặt nước phẳng lặng của những thửa ruộng vừa sạ lúa xong, trông như nhiều tấm gương lớn đặt cạnh nhau, được chia ô bởi những bờ ruộng nhỏ. Nắng chạy tung tăng trên mặt nước tạo nên muôn vàng tia phản chiếu sáng lóa cả cánh đồng. Những thửa ruộng ấy như một bức tranh hỗn hợp với gam màu vàng chủ đạo được họa sĩ tô lên một cách ngẫu hứng. Sắc màu ấy vẽ lên màu xanh của lá lúa, màu vàng của những gốc rạ và màu xanh mơn mởn của gié lúa non. Bức tranh ấy được chấm phá thêm màu đen tuyền của đàn chim én đang chao liệng trên không rồi sà xuống, bay cách mặt nước không đầy một mét rồi bỗng nhiên xoải cánh vút bay lên tận trời xanh.

Những cái bẫy đứng im lìm như người hiền lành đã chuẩn bị sẵn một phần mồi ngon dành tặng cho những chú chim én sau một chặng đường bay mệt mỏi. Một con én đang bay bỗng nhiên sà xuống cắp lấy miếng mồi được gắn trên những đầu bẫy én, rồi lao vút lên, nhưng nó đã không còn cơ hội để trở lại bầu trời tự do nữa, đầu bị vướng vào dây thòng lọng, càng tung lên cao, dây càng siết chặt vào cổ. Tôi gần như nín thở trong giây phút chim én gặp hiểm nguy ấy. Lòng háo hức muốn xem quá trình một con én dính bẫy như thế nào. Tôi hồi hộp nhìn chú én nhỏ vẫy vùng để thoát ra, nhưng vô ích, càng vùng vẫy dây càng siết chặt thêm.

“Dính rồi! Dính bẫy rồi!” - Tôi reo lên. Nhìn về phía anh Nhí đang chơi trong sân, định bảo anh đi gỡ én nhưng có vẻ như anh không màng tới lời tôi nói, chỉ nhắc:

“Ngồi im, đừng la um sùm. Én nó sợ không dám tới.”

Chợt hiểu ra, tôi tiếp tục ngồi quan sát. Chú én ban nãy sau một hồi tìm cách thoát thân đã kiệt sức, cái bẫy ngã xuống nước, con én nhỏ nổi trên mặt nước, toàn thân ướt sũng. Lạ thay, khi nhìn thấy cảnh vẫy vùng trong tuyệt vọng của chú chim én nhỏ, lòng tôi bỗng dưng thấy xót thương. Mới vài phút trước còn thấy chú én nọ chao nghiêng đôi cánh trên không trung, giờ đã nằm thoi thóp trên mặt nước thế kia, dường như có một thứ gì đó đã bóp nghẹn tim tôi lúc ấy.

Mùa cấm én - Truyện ngắn của Tuyền Nguyễn
Một con én đang bay bỗng nhiên sà xuống cắp lấy miếng mồi được gắn trên những đầu bẫy én, rồi lao vút lên. Ảnh minh họa: Pixabay

Đàn én kéo về càng lúc càng đông, những con én bay ngang cắp miếng mồi đa số đều bị vướng vào dây thòng lọng. Mười con vô tư sà xuống thì cũng có năm con hí hửng bay lên cao sau khi nuốt trọn con cào cào nhỏ. Nhưng tới lần thứ hai, thứ ba chúng đã mắc cổ vào một cái thòng lọng khác đã được cắm sẵn trên khắp cánh đồng. Những món mồi ngon tiềm ẩn nguy hiểm nhưng những chú chim én đang hân hoan kéo về cánh đồng tìm mồi kia không thể biết được. Tôi nhổm lên nhổm xuống, hai tay vẫy vẫy khi thấy một con én nào đó sà xuống.

“Ê, đừng, đừng, mắc bẫy bây giờ.”

“Bành! Sao mày la um sùm vậy? Én sợ bay hết tao cho ăn đòn bây giờ.” - Anh Nhí dứ nắm đấm nói với ra.

Tôi lấm lét nhìn anh, ngồi im được vài phút rồi lại lén lấy đất chọi ra ruộng đánh động. Nhưng những hòn đất cùng với lực ném yếu xìu của tôi làm sao có thể khuấy động toàn bộ cánh đồng để đàn én sợ hãi bay đi được. Cùng lắm chỉ cảnh báo được cho những con ở gần tôi giật mình bay lên dáo dác rồi lại sà xuống cách đó không xa.

Mặt trời vừa đáp xuống ngọn tre, các anh chạy ra đồng thu bẫy. Tôi cũng đi theo cầm bẫy giúp anh, nhưng mỗi lần thấy anh rút cái bẫy lên với một con én tòng teng dưới dây thòng lọng, tôi lại nhăn mặt, rùng mình. Nhìn ánh mắt mệt mỏi và tiếng kêu lạc bầy yếu ớt của chúng, trái tim tôi thắt lại.

“Em không ăn thịt én nữa đâu.” - Trên đường về, tôi ngập ngừng nói.

“Sao vậy?”

“Tội mấy con én quá!”

“Vậy chiều nay tao bảo bà ngoại rô ti đủ mình tao ăn thôi nghen. Còn nhiêu bán hết nghen.” - Anh Nhí nói tỉnh rụi.

Nghĩ tới mùi vị thơm lừng, beo béo của món thịt én, lòng không cưỡng lại được, tôi chép miệng thèm thuồng. Nhưng khi nhìn lên một chú chim én lẻ bầy kêu bi ai trên khoảng không trước mặt, tôi lại kiên quyết:

“Em không thèm!”

“Nhớ nha!”

Anh Nhí nheo mắt cười, ôm bẫy, xách xâu chim bước nhanh về nhà.

Mặt trời đã khuất sau bãi rạng phía trời tây, chỉ còn những cánh chim lẻ loi giữa ánh chiều tà đang sẫm dần. Làn khói bốc cao rồi tan nhanh giữa không trung, cánh chim cô đơn kia chợt mất hút giữa nền trời xám đặc. Hình ảnh đó làm tôi nhớ đến những chiều ngồi một mình trên ban công nhà cô Ba mà nhớ má, cảm giác bơ vơ làm tôi cảm thấy ngạt thở và khát khao được sum vầy cùng má biết nhường nào. Trong những cánh chim kia, có con nào mà ba má vừa bị dính bẫy đang nằm trong sân nhà tôi hay không?

Anh Nhí chạy ra nhà sau uống nước, để xâu chim nằm trên sân. Tôi nhìn những con én bị cột, ngước đôi mắt đen láy nhìn tôi, miệng khẽ kêu như van xin như trách móc. Tôi nhìn chúng, rồi nhìn theo cánh chim xoải cánh trên bầu trời. Có lẽ chúng muốn trở lại bầu trời tự do kia, cũng như tôi muốn về nằm ngủ trong ngôi nhà cũ. Nhưng cả tôi và nó đều không thể thực hiện mong ước của mình.

“Chim đâu hết rồi? Bành, mày đâu rồi?” -Vừa quay lại, anh Nhí hét váng lên.

Tôi nấp bên hiên nhà, run cầm cập.

“Bành! Mày ra đây, mày thả chim của tao đúng không?”

Anh Nhí săm soi mấy mối dây nằm ngổn ngang trên sân, giận dữ quát.

Chỗ sân anh Nhí ngồi, chỉ còn những chú én nhỏ đuối sức không thể bay được nữa, đôi cánh xệ xuống, thoi thóp. Những con chim còn khỏe đã tung cánh bay lên bầu trời, hòa vào lớp sương lam ban chiều khi tôi tháo những mối dây buộc vào cánh. Bị cột lâu, đôi cánh chúng mệt mỏi, sau một vài giây chao đảo cũng đủ sức bay trở về với cuộc sống tự do. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi chúng mất hút phía chân trời, lòng thầm nghĩ biết đâu chúng sẽ gặp lại đàn vừa lạc mất, hy vọng chúng sẽ không vì một miếng mồi ngon mà lại phải gặp nguy hiểm trong những cái thòng lọng giống cái anh tôi cắm khắp cánh đồng.

“Mày ra đây!” - Anh Nhí túm lấy cổ áo kéo tôi ra.

“Ai cho mày thả chim của tao? Biết tao bắt đám chim này khổ cực lắm không hả?”

Anh Nhí cốc côm cốp lên đầu tôi mấy cái liền. Nhưng tôi cắn răng không khóc, xoa lia lịa lên đầu cho bớt đau. Không hề có một chút hối hận nào về việc mình vừa làm. Suốt chặng đường về nhà, dù lòng thấy tội lũ chim én nhưng tôi không hề có ý định thả chúng đi. Cho đến khi tôi sững sờ nhìn con én hôm qua anh Nhí cho nằm chết trong chiếc lồng nhỏ để cạnh vườn hoa, lũ kiến kéo lên bu quanh chú chim tội nghiệp. Hình ảnh ấy thôi thúc tôi thả tất cả bọn chúng đi mà không màng tới hậu quả.

“Chuyện gì vậy Nhí?”

Nghe tiếng quát giận dữ của anh, bà ngoại chạy ra hỏi.

“Nó thả hết én của con rồi ngoại.”

Anh Nhí hậm hực kể.

“Sao vậy Bành?”

Ngoại quay sang nhìn tôi.

“Tại… tại con thấy… thấy tội mấy con chim.”

Tôi chạy tới nép sau lưng bà.

“Con hông ăn thịt én nữa đâu.”

“Chim đâu nữa mà ăn? Mà có tao cũng không cho mày ăn.” - Anh Nhí quát.

Bà ngoại nhìn những con én nằm thoi thóp trên sân, cười, giải thích cho tôi nghe.

“Con thương động vật vậy là tốt. Nhưng chim én của anh bắt, muốn thả thì phải hỏi ý kiến anh nghe chưa.”

Nói xong, ngoại giải thích:

“Năm nào mùa én về cũng có nhiều người đi bắt én bán kiếm tiền ăn gạo. Chúng ta có thể xem thịt én như một món ăn ngon như ông ngoại đã làm hôm qua cho con ăn đó.”

Tôi trầm ngâm một lúc, như hiểu được lời ngoại nói. Nghĩ tới chiều nay không được ăn thịt én rô ti nữa, tôi cũng thấy tiếc. Tôi ngập ngừng.

“Nhưng chim én dễ thương lắm. Lúc nhìn nó bị mắc bẫy con thấy tội quá!”

“Vậy thì đừng theo anh đi bắt én nữa.”

Ngoại xoa đầu tôi nói, rồi đưa mắt nhìn anh Nhí đang hậm hực đem những con én còn lại ra sau nhà.

Suốt buổi chiều hôm đó, anh Nhí không thèm nói chuyện với tôi. Món én rô ti béo ngậy nằm trên cái đĩa giữa mâm cơm trông rất ngon lành, dù thèm nhưng tôi cũng nhất quyết không ăn. Lúc hai anh em đi ngủ, anh quay mặt vào vách, tôi rón rén kéo áo anh.

“Anh Nhí…”

“Bỏ tay ra!” - Anh Nhí hất mạnh tay tôi, trùm mền kín mít.

“Hồi chiều em nhìn thấy con én bay một mình trên trời, thấy nó giống y chang em hôm bữa ở nhà cô Ba. Ngồi có một mình trên lầu buồn thiu hà. Bữa đó em mà biết bay như chim én, em sẽ bay về nhà bà ngoại ở luôn. Anh đừng bắt chim én nữa, tội nghiệp nó.”

Tôi bắt chuyện, thủ thỉ, mặc kệ anh Nhí có trả lời hay không. Tôi cứ nói huyên thuyên một lúc rồi ngủ lúc nào không hay. Trong mơ tôi gặp lại những chú chim én ban chiều, chúng quây quần, đậu trên vai, trên tay tôi như thể chúng tôi là bạn bè thân thiết.

Chiều hôm sau, khi ngủ trưa dậy, tôi không thấy anh Nhí đâu cả. Đến lúc chạng vạng, anh xách về bốn xâu én, con nào cũng còn sống, ngoác miệng kêu gào thảm thiết, đập cánh bạch bạch lên nền gạch sân nhà tôi. Tôi trố mắt nhìn anh.

“Anh đi bắt én nữa hả?”

Anh Nhí không trả lời, cẩn thật cột dây vào chân từng con rồi quay sang nhìn tôi.

“Mày mà thả nữa là ăn đòn với tao nghe chưa.”

Anh dứ nắm đấm về phía tôi trước khi bước ra nhà sau.

Nhớ tới cú cốc đầu đau điếng hôm qua, tôi không có can đảm thả thêm lần nữa. Ngồi nhìn từng con én bị cột một chân, nhảy tành tạch trên sân.

“Tội mày quá! Ai biểu ham ăn làm chi cho mắc bẫy. Mai mốt đói bụng thì tự đi bứt lúa ăn nghe chưa.”

Nói xong tôi mới sực nhớ ra.

“Mà mày bị bắt mất rồi, làm gì còn cơ hội có lần sau.”

Tôi nâng chú én nhỏ nhất trên tay, sự cảm thương dâng trào trong lòng làm mắt tôi rưng rưng.

“Má mày có biết mày bị bắt không? Chiều tối rồi chắc mày nhớ má lắm hả? Tao cũng nhớ má lắm, nhưng má tao ở xa lắm. Tao mà có cánh như mày sẽ bay vô Sông Ray tìm má, méc má tội anh Nhí đi bắt chim én cho má đánh ảnh tét đít luôn. Hồi trước ở nhà, má không cho ảnh bắt chim đâu. Má nói là “sát sinh”, không tốt.”

Mùa cấm én - Truyện ngắn của Tuyền Nguyễn
Nền trời xanh ngăn ngắt chỉ điểm vài cụm mây trắng lơ thơ dạt dần về phía cuối chân trời. Ảnh minh họa: Pixabay

Tiếng bước chân anh Nhí dừng lại sau lưng tôi một lúc lâu nhưng mải nói chuyện cùng đám chim nhỏ nên tôi không biết. Cho đến khi anh Nhí cúi xuống xách mấy xâu chim đi ra cổng tôi mới hay. Lòng tôi buồn rười rượi khi nghĩ đến chỉ một lát nữa thôi chúng sẽ được những người đi chợ mua về, vặt lông, chế biến thành một món ăn hấp dẫn trên đĩa. Còn đâu nữa cuộc sống tự do? Đột nhiên anh Nhí dừng trước cổng, gọi tôi:

“Phụ tao tháo dây ra coi.”

Anh Nhí nói, tay thoăn thoắt tháo mối dây cột vào chân từng con chim. Tôi sững sờ nhìn anh.

Từng chú chim vỗ cánh, loạng choạng vài bước rồi tung bay lên không trung. Chúng hoảng sợ lao đi không một lần nhìn lại nơi vừa bị cầm tù, tưởng rằng sẽ kết thúc cuộc đời tự do ở đó.

“Con này bị thương không bay được."

Tôi bế chú chim nhỏ ban nãy lên tay.

“Nhốt vào lồng dưỡng cho nó hết bệnh rồi thả.”

Anh Nhí bước đến lấy lồng chim treo ở góc sân.

Gió chiều miên man thổi, tôi dõi mắt nhìn ra cánh đồng thênh thang trên bầu trời, tiếng chim én lại reo vui. Lòng tôi vô cùng hân hoan khi thấy những đàn chim bay qua ngõ. Thầm mơ một ngày gia đình mình lại được ăn cùng nhau trong bữa cơm chiều, má gắp thức anh cho tôi, còn anh Nhí lại thách tôi xem ai ăn nhanh hơn như ngày nào. Với loài én, có hạnh phúc nào hơn được sum vầy cùng bầy đàn tận hưởng cuộc sống tự do tự tại kia chứ?

(Trích từ truyện dài Miền quê ngoại, Nxb Văn học, 2024 của tác giả Tuyền Nguyễn)

Tuyền Nguyễn | Báo Văn nghệ

Ðồi phượng hoàng. Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Ðồi phượng hoàng. Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Baovannghe.vn - Đoàn đi tìm mộ liệt sĩ lên đồi Phượng Hoàng có năm người, bà Nghề, mẹ liệt sĩ Đỗ Hồng Sơn; bà Dưỡng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh. Hai người đàn ông Vương, Quang - em trai liệt sĩ Sơn. Ông Thạch, dân địa phương dẫn đường. Tâm trạng nhất là ông Thạch, người đã tham gia bốc bốn ngôi mộ trên đồi Phượng Hoàng về nghĩa trang Cam Lụa.
Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Baovannghe.vn- Mùa này, sương phủ trắng sườn đồi. Người qua đường cởi nón dừng lại một chút sương đã bám vào mái đầu. Càng đi càng mất hút trong sương. Sương bám vào khuôn mặt lạnh tanh của những người khi ngang qua nhà tôi.
Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng

Baovannghe.vn- Tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới cũng đang làm cuộc chuyển mình với những tìm tòi, đổi mới trong quan niệm thẩm mĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
50 năm văn học Đà Nẵng nhìn từ hai chân dung thơ: Đông Trình - Tần Hoài Dạ Vũ.

50 năm văn học Đà Nẵng nhìn từ hai chân dung thơ: Đông Trình - Tần Hoài Dạ Vũ.

Baovannghe.vn - Đông Trình và Tần Hoài Dạ Vũ là hai chân dung có những điểm tương đồng và có nhiều dị biệt - dị biệt giữa họ và người cùng thời - điều làm nên cá tính sáng tạo cho mỗi nhà thơ. Và nhìn từ hai chân dung thi ca ấy cũng có thể thấy phần nào sự biến động và hệ quả của các khuynh hướng, trong mỗi giai đoạn văn học.
Tăng cường các giải pháp, thúc đẩy Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tăng cường các giải pháp, thúc đẩy Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 133/CĐ-TTg về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06