Sáng tác

Giấc phai. Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Nguyễn Phú
Truyện
10:00 | 01/09/2024
Baovannghe.vn - Đã qua những ngày đông giá, cả khu vườn nhà chị vẫn im lìm trong giấc ngủ say. Giấc ngủ như đã ngàn năm...
aa

1.Trăng huyết. Đào phai rã rời, tan nát. Những cánh hoa trôi nhức nhối đỏ thành một dòng sông máu. Chị la hét, giãy giụa trong dòng sông ấy. Nhưng không ai cứu chị. Tuyệt vọng. Chị lịm đi. Thân xác trôi trong mụ mị...Chị choàng tỉnh khi thấy mình nằm gọn trong một cánh tay ấm áp, mơ hồ nào đó…

Đêm qua, lại một đêm mơ.

Chị thở dài. Tiếng thở như cơn gió đông còn sót lại. Khi chú gà trống cuối cùng trong làng báo sáng, chị thẫn thờ bước ra vườn.

Đã qua những ngày đông giá, cả khu vườn nhà chị vẫn im lìm trong giấc ngủ say. Giấc ngủ như đã ngàn năm. Hàng trăm thân đào già nua tựa hồ bị rút hết sinh lực. Muôn triệu hạt sương lấp lánh như sao sa lạnh buốt trên những nhánh khô gầy. Vài cánh én đơn lạc thoi thót cuối trời mênh mang gió. Chị đứng tần ngần giữa vườn, mắt rời rợi. Hàng mi còn xanh rợp của chị vương đầy sương mai. Chị đếm từng gốc đào. Đếm tuổi chị. Ba mươi? Bốn mươi? Hay đã năm mươi? Từ lâu chị đã không còn nhớ nổi tuổi mình.

Giấc phai. Truyện ngắn của Nguyễn Phú
Giấc phai - Truyện ngắn của Nguyễn Phú

2. Khu vườn là tình yêu của bố dành cho mẹ chị.

Bố chị, một thương gia giàu có, si tình. Là người ngoại đạo, ông đã quyết trồng hàng trăm gốc đào trên ba sào vườn khi cưới được mẹ chị, cô gái đẹp nhất xứ đạo Bái Liêu. Mẹ chị say thơ, tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng. Và suốt một đời bà chỉ thổn thức trước những cánh đào phai mong manh, hư ảo. Mỗi độ xuân tàn, như Lâm Đại Ngọc giữa chốn đào nguyên, bà chôn xác hoa đào trong nỗi buồn vời vợi. Chị, đứa con của mối tình say đắm được sinh ra, đẹp hơn bất cứ bông hoa đào nào. Ngày ấy, khu vườn cùng cuộc sống giàu sang của gia đình chị trở thành đề tài bàn tán khắp một vùng. Kẻ ghen ghét. Người đố kị. Nhưng rồi giấc mơ chẳng được bao lâu, bố chị làm ăn thua lỗ. Gia sản khánh kiệt. Chỉ còn xác nhà và khu vườn. Ông bị cuốn trôi theo cơn lốc đá đỏ. Rồi ông nằm lại ở một góc rừng hay dưới một lòng suối nào đó. Có lẽ ông chưa kịp nhìn thấy sắc đỏ như máu tươi của loại đá cực kì quý hiếm ấy?

Mẹ chị suốt ngày khóc chồng. Bà không tin giấc mơ hồng đã tan biến. Bà khóc cho đến khi không còn nhìn thấy đời, không nhìn thấy sự thật. Từ đó, chị bắt đầu cuộc sống như lúa như khoai, lam lũ với ruộng đồng…

Vườn đào cổ thụ này đã bao mùa xuân không ra hoa kết trái. Nhưng dẫu sao nó cũng đã từng có một thời rực rỡ, huy hoàng. Còn chị, chị đã không có một mùa xuân của đời người con gái. Chị vừa mới chạm đến nó thì đời đã phũ phàng cướp nó đi khỏi chị. Để rồi đời chị chỉ còn là những ngày tê tái, tủi nhục.

Chị chưa bao giờ quên cái buổi tối mùa đông kinh hoàng đó. Giá chị chết đi được...

3. Bãi Giáng.

Hoàng hôn đang thoi thóp. Bóng đêm nuốt nhanh những ánh sáng yếu ớt cuối cùng. Tiếng người trên cánh bãi thưa dần. Chỉ còn tiếng gõ mạn thuyền xa xa của dân vạn chài bên kia sông. Đào vẫn thoăn thoắt gánh những thùng nước từ mép sông lên tưới nốt mấy luống ngô. Con gái mười bảy ăn không biết no làm không biết mệt. Đôi vai tròn lẳn. Tấm lưng eo con kiến. Đôi chân thuôn dài trắng muốt thoăn thoắt bước. Đôi thùng nước đung đưa. Trăng đung đưa. Trăng say cô gái đẹp lam làm. Đào nhìn ánh trăng trong thùng nước, tự dưng nhớ đến ánh mắt của lũ con trai mỗi khi thấy Đào. Đào biết mình đẹp. Đào là một dòng sông mê đắm và tất cả lũ con trai đều muốn chết chìm... Nghĩ thế thôi mà khuôn mặt trái xoan đã nóng bừng. Bông hoa mới hé. Bông hoa hay thẹn. Nào đã biết gì.

Những cây ngô mập mạp rung rinh lá nõn. Chúng đang uống trăng từ đôi tay ngà. Chúng hát. Những dòng trăng cuối cùng tung tóe. Đào mỉm cười.

Giờ này chắc mẹ mong Đào lắm. Đào bước vội như chạy. Đến chỗ cây gạo cụt ngọn Đào bỗng sởn da gà. Mẹ từng bảo: “Thần cây đa, ma cây gạo.” Dưới trăng, cây gạo cổ quái như loài mộc tinh. Những cánh tay nghều ngoào cào cấu vào da trời. Tiếng quạ xé đêm buốt lạnh. Chạy. Vấp ngã. Chưa kịp bò dậy thì một bóng đen ập lên Đào. Bị một nắm giẻ tống ập vào mồm, Đào không kêu được. Rên siết. Giãy giụa. Nhưng loài ác quỷ đã đè nghiến lên Đào. Mùi rớt dãi tanh nồng, mùi thuốc lá khen khét. Đào muốn nôn mà không nôn được. Cái gai gạo đâm thẳng vào lưng đau tận óc. Đào chỉ còn nghe thấy tiếng áo quần bị xé toàng toạc. Rồi một mũi khoan nóng buốt xẻ Đào ra làm đôi. Mũi khoan mỗi lúc càng thêm dồn dập, sâu lút vào trong. Rã rời. Tơ tướp. Máu. Tuôn chảy. Thả trôi trong dòng sông máu, Đào không còn biết gì nữa.

Đào tỉnh dậy. Cả cánh bãi chìm trong cái lặng câm của một nghĩa địa. Trăng tím bầm như miếng gan tên đồ tể nào đó xẻo vội phũ phàng quăng lên trời. Đào thấy mình được bọc trong một cái áo dạ. Chiếc áo dày, ấm sực một mùi hương lạ. Đào lao ra phía dòng sông...

4. Giậu cúc tần ngăn cách giữa nhà chị với nhà bên. Cúc tần bốn mùa ngằn ngặt xanh. Từ khi thằng con trai duy nhất ra thành phố học thì người đàn ông láng giềng sống càng lặng lẽ hơn. Suốt ngày ông quẩn quanh trong vườn thuốc nam. Khu vườn đó vốn là vườn dong riềng của người chủ cũ. Khi đến ông biến nó thành vườn thuốc. Khu vườn đã cứu sống nhiều người trong vùng.

Không ai biết ông đến từ đâu. Người ta bảo vợ ông bỏ chồng bỏ con đi theo một gã đàn ông mà chồng mình cứu mạng. Ông ôm con mang theo nỗi hận bỏ quê quán mà đi. Ông đi, cứ ngược mãi theo sông, rồi dừng lại ở làng chị. Chả biết thực hư thế nào.

Dạo ấy, hình như chị mười ba hay mười bốn.

Chị từng sang nhà người láng giềng vài lần khi lấy thuốc đau khớp cho mẹ. Nhưng sau cái đêm ấy, nhất là từ khi mẹ chết thì chưa một lần chị đến sát mép bờ giậu. Thi thoảng có lời bắt chuyện từ bên kia giậu cúc tần. Chị đều câm lặng. Chỉ đôi mắt truyền đi thông điệp: “Các người hãy để tôi yên!” Có những lần người láng giềng xé giậu đi sang, ông chưa kịp nói gì đã bị chị hét lên xua đuổi. Ông ta không còn sang nữa.

Dạo đầu năm, chị bị cảm lạnh. Nằm co ro trong góc nhà mấy hôm liền. Chẳng hiểu sao người láng giềng biết chuyện, ông ta lại xé giậu sang. “Cút đi!” Chị giận dữ gào lên, rồi ném tung tóe gói thuốc ông ta vừa đặt trên đầu giường. Ông ta về. Chị bỗng ôm mặt khóc. Chị thấy mình như một con điên. Đêm ấy, trong cơn sốt hầm hập, chị bước đi như người mộng du giữa vườn đào.

Hằng ngày, chị vẫn bắt gặp một ánh nhìn đau đáu sau những mắt lá từ bên kia bờ giậu. Ánh nhìn làm chị hốt hoảng. Nhưng rồi chị cho rằng đó chỉ là ảo giác. Với chị, người láng giềng và vườn thuốc nam là thế giới xa lạ. Hoàn toàn xa lạ.

Chị thấy nghi ngờ, chị sợ tất cả lũ đàn ông. Những cái nhìn sẻ chia hay lơi lả, những lời thành thật hay bướm ong giả dối đều làm chị dửng dưng hoặc căm thù.

Ấy thế mà chị mang cái án lăng loàn suốt bao năm. Chị là cái gương để người ta răn đe những đứa con gái mới lớn.

Giấc phai. Truyện ngắn của Nguyễn Phú
Vườn xuân - Ảnh từ Pixabay.com

5. Qua mỗi ngày, Đào cảm nhận rõ hơn một mầm sống lớn dần trong bụng. Giời đất ơi, Đào có chửa! Đời Đào đã nhục giờ còn nhục hơn. Đào muốn chết. Nhưng mỗi khi nhìn thấy người mẹ mù lòa lần sờ lẩn thẩn giữa vườn đào phai, Đào không đành lòng chết. Ăn lá đu đủ non, nhịn ăn, nhảy úp bụng từ trên bờ ao xuống nước... Sao cái giống oan nghiệt ấy vẫn không chịu ra khỏi Đào? Rồi đến ngày Đào không giấu được nữa. “Ới giời cao đất dày ơi!” Người mẹ mù lòa lặng câm bao năm bỗng rú lên như hóa điên khi người ta cố tình nói với bà đứa con gái của bà chửa hoang. Bà hờ chồng, khóc đời từ sáng đến đêm, từ đêm đến sáng. Rồi một đêm bà không hờ khóc được nữa. Bà trôi tuột về cõi vô tận.

Mẹ chết. Đào sợ. Đào lại muốn sống. Không còn ai bấu víu. Hằng đêm, Đào chỉ còn biết sờ vào bụng mình, chuyện trò với đứa trẻ. Dù gì nó cũng là máu thịt của Đào. Đào trở dạ vào một buổi sáng thun thút gió. Bò lê được tới trạm xá thì nước ối đã vỡ. Đứa trẻ không kịp cất tiếng khóc chào đời. Nó đen sì như một sinh vật xa lạ. Hình hài của nó làm người già trong làng nhớ đến những hài nhi bị vứt bỏ trên bãi Quạ sau những trận càn của bọn Tây đen bốt Hoàn Dương thời Pháp chiếm làng.

“Rõ là giống lăng loàn!” “Loại rạc dài!” “Ngôi nhà ma ám!”... Người ta rỉa rói vào đứa con gái không chồng mà chửa và ngôi nhà một thời chỉ làm cho người ta thấy cảm giác đớn hèn, thua thiệt. Hả hê. Sung sướng. Như trả được món nợ.

6. Chị mang chiếc áo dạ ra phơi. Chiếc áo còn nhẵn mịn, chưa bạc màu. Chị chỉ giặt duy nhất một lần. Nó đi cùng với nỗi buồn đau của chị suốt bao năm. Chị cũng không hiểu sao chị không vứt nó đi khi lần đầu tiên thấy nó. Hơi ấm và mùi hương lạ từ chiếc áo như lời gọi, như bàn tay vô hình níu giữ chị. Nếu không có chiếc áo đêm ấy chị đã chết vì mất máu, vì lạnh. Hoặc đã trầm mình trôi sông. Mỗi khi ốm đau, trái gió trở trời chị lại mang chiếc áo ra đắp. Hơi ấm, mùi hương của chiếc áo làm chị khỏe lên. Chị chưa bao giờ thôi tin chiếc áo ấy là của một người tử tế nào đó chứ không phải của kẻ khốn kiếp kia. Nhưng chị không thể tìm chủ nhân của nó. Và chị cũng không muốn.

7. Đợt gió mùa làm đất trời rét tê rét tái. Toàn thân chị nhức buốt như vừa bị một trận đòn chí mạng. Chị vẫn cố lết ra cuối vườn xem đống bao xác rắn người nào đó đã vứt vào góc vườn từ bao giờ. Cả thảy chục vỏ bao phân vi sinh. Ai đó đã rắc số phân này? Đêm ấy chị mất ngủ. “Ai đã bón phân cho vườn đào?” “Là ai?” “Ai?”... Những câu hỏi nối nhau thành những lớp sóng dập dồn...

Chị ốm. Ngày sốt nóng. Đêm sốt rét. Đến ngày thứ ba thì chị nằm bẹp không thể gượng dậy nổi. Những cơn mê man. Áo dạ... Đào phai... Lớp lớp không dứt...

Chị thấy mình là cô bé mười ba. Chị choàng chiếc áo dạ, nó thoắt biến thành đôi cánh bướm trong suốt lay động. Cả vườn đào rực hồng một màu phơ phới, huy hoàng. Chị lướt nhè nhẹ dưới những trận mưa hồng. Rồi chị đập cánh bay lượn trên khắp khu vườn...

Trận cuồng phong làm những gốc đào bật gốc. Ngàn vạn cánh đào phai tan xác. Chị rơi vào một hố đen sâu hun hút. Một tấm thân vững chãi đỡ lấy chị. Khắp không gian ướp nồng mùi hương ấm áp.

Chị mơ hồ nghe thấy tiếng gọi khe khẽ. Đôi mắt trĩu nặng chớp mở. Người đàn ông láng giềng hiện ra trước mặt. Trên tay là bát cháo nghi ngút khói và nắm lá xông xanh mướt. Ông mỉm cười với chị, rồi đặt vội bát cháo cùng nắm lá lên bàn. Ông nhìn chiếc áo dạ thật lâu và chạm nhẹ tay lên lớp dạ mịn mấy giây. Mắt ông ngời lên, vết chân chim giãn ra. “Đừng làm khổ mình nữa! Đào ăn đi, rồi xông nắm lá này... Tôi về...” Nói rồi ông lầm lũi bước đi.

Chị không hiểu nổi mình nữa. Sao không gào lên, hét lên chứ? Chị quay mặt vào tường, mặc cho nước mắt thầm thĩ chảy. Chị cố xóa nhưng gương mặt người đàn ông láng giềng cứ mỗi lúc thêm rõ nét hơn trong chị.

8.Tiếng rí rách của lũ chim chích kéo chị ra vườn. Chị dụi đi dụi lại đến đỏ mắt. Nắng xuân rải những sợi tinh khôi, cả khu vườn phủ ngập sắc hồng rực rỡ. Tim chị đập đến nghẹt thở. Ngỡ ngàng. Òa vỡ...

Chị nhận ra hơi ấm và mùi hương khi chiếc áo vừa được khoác lên chị từ phía sau. Chị ngoái lại. Người đàn ông láng giềng nhìn chị trìu mến. Ông thì thầm: “Cảm ơn em đã giữ chiếc áo này!” “Nó là?...” Chị hồi hộp. “Đêm đó, tôi đi tìm lá thuốc ven sông thì... Tôi sợ Đào thấy tôi lúc ấy,... sẽ không bao giờ còn nữa... giây phút này.” “Còn những bao phân vi sinh?” Đôi mi xanh của chị bắt đầu vương những giọt trong suốt. “Xuân về đào phải nở hoa. Lẽ ra, phải từ lâu, rất lâu rồi, Đào ạ!” Mắt ông chứa chan ấm áp. Nước mắt chị xối xả rơi...

Hàng trăm đôi bướm từ đâu bay về vây quanh hai người lung linh, chấp chới. Và từ lúc nào, bốn bàn tay đã tìm thấy nhau. Đan bện. Thấm thít.

Nguyễn Phú

Trường Sa giữa đất liền. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng Nắng tái sinh - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa Ngoại tình với đá. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt Truyện ngắn ở vùng kháng chiến Nam Bộ 1945-1954 Anh Chế liệt truyện. Truyện ngắn của Vũ Hải Sơn
Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Baovannghe.vn- Hôm nay thổ cẩm về xuôi/ mang hoa văn của núi đồi về theo/ này là suối nhỏ trong veo/ này là nắng quái chân đèo hoàng hôn
Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

TáBaovannghe.vn - Chị xắn quần. Chị xắn quần khéo như người cuốn bánh. Chân chị vẫn còn trắng lắm, trắng đến xót xa. Chị đặt chân phải xuống ruộng, lớp bùn nâu thẫm phủ lên kẽ chân.
Tìm - Thơ Tùng Bách

Tìm - Thơ Tùng Bách

Baovannghe.vn- Con tằm tìm đến lá dâu/ Quả cau tìm đến lá trầu quệt vôi/ Sim tìm Mua…tím sườn đồi/ Tìm Trâu chân mỏi – Cuội ngồi gốc đa