Các chú bộ đội đến trường của bé Tương có ba ngày, tấm biển đề tên trường tạm thời được phủ lên một tấm lụa đỏ chót có hàng chữ vàng lấp lánh: “Sở chỉ huy Thống nhất- PT 11” thế là trường tiểu học bỗng biến thành một doanh trại quân đội, cờ đỏ sao vàng cắm hai hàng thẳng hơn hàng bạch đàn từ ngoài ngã ba vào tới tận cửa lớp của Tương như muốn xem các bạn học bài. Tương và các bạn bỗng biến thành chú bộ đội. Oai cực kì luôn. Không phải là ngày thứ hai chào cờ, Tương vẫn diện áo trắng có phù hiệu của trường, đóng thùng đoàng hoàng, đầu đội mũ ca nô, dõng dạc đi bộ từ ngoài cổng vào mà không đòi mẹ lai tận vào cửa lớp như trước nữa. Không cứ gì Tương đâu, bạn nào cũng vậy hết. Còn các bác phụ huynh thì phải tắt máy từ xa đứng bên ngoài nhìn con đi vào lớp mà thôi.
Trong lớp, Tương vẫn học, đến giờ ra chơi thì cùng các bạn nô đùa ở sân trường khu A, còn ở sân khu B trước cửa nhà Hiệu bộ, các chú bộ đội bắc bạt quây kín như tổ tò vò khổng lồ, rồi các chú vào trong làm một việc gì đó rất bí mật. Tương và các bạn đoán già đoán non. Đến ngày thứ hai làm việc, các chú mới vén tấm bạt lên cao quá đầu người lớn, như vén tấm màn sân khấu, bí mật dần hé mở. Hôm ấy, giờ thi viết chữ đẹp trong lớp, Tương và mấy bạn hoàn thành trước nên trống tùng ba cái là được ra chơi trước trong khi các bạn khác còn chưa hoàn thành bài viết. Tương rón rén đến gần để xem. Trong cái lán ấy, dưới nền sân trường các chú đổ bê tông thành một hình chữ nhật và trên cái hình chữ nhật đó, Tương nhìn rõ con sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Cái, cả sông Bèo trước cửa nhà Tương, nhìn thấy đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, trường mầm non, trường tiểu học, những cánh đồng lúa xanh ngút ngát, lại cả đường Năm mà một lần mẹ đưa Tương đi xuống cung thiếu nhi để đu quay và đạp vịt… Bạn Như, bạn Tới cũng đang chạy vòng quanh để nhìn cho rõ.
Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội. Tác giả: Nguyễn Mỹ Trà. Nguồn: báo Chính Phủ |
Tương đánh bạo hỏi một chú:
- Chú ơi, cái này là cái gì đó chú, để làm gì vậy ạ?
- À, đây là mô hình toàn tỉnh mình đấy, cụ thể nhất là huyện mình đấy. Các chú làm mô hình để chuẩn bị diễn tập phòng thủ cho toàn đơn vị ấy mà.
- Diễn tập phòng thủ là gì hả chú?
Tương chưa hiểu. Chú bộ đội vừa uốn lại dòng sông bằng lụa trắng vừa giảng:
- Giống như các cháu luyện viết chữ cho tròn cho đúng dòng kẻ, kích cỡ. Còn các chú cũng luyện tập thật tốt như bắn súng này, để bảo vệ Tổ quốc.
- Thế thì giống như ông ngoại cháu kể rồi.
Tương đã hiểu “ diễn tập phòng thủ” là gì.
Trong mô hình, cao nhất xã vẫn là ngôi trường mới xây của Tương vì có cắm cờ và tấm băng đỏ có hàng chữ “Sở chỉ huy Thống nhất PT-11” bé tí teo. Bảy thôn đều nằm quay đầu về khu trung tâm xã, về phía có hai ngôi trường ngói đỏ. Cạnh thôn Đình là con sông Bèo chảy qua, gần đó có hai viên đá cuội trắng nằm nổi lên giữa màu xanh cánh đồng, một tấm biển cũng tí xíu cắm cạnh đó, ghi: “TTSB”. Tương nhớ có lần mẹ lai đến nhà bạn Tới thôn Đình. Mẹ và mẹ bạn Tới ngồi bàn chuyện trong nhà, Tương và Tới chơi búng bi ở cổng, cậu bé nhìn thấy hai ngọn đồi nhỏ như hai cái bát ôtô đại úp xuống mâm đất giữa cánh đồng, chỉ cần chạy maratông một mạch là đến, nhưng Tới bảo: “Hôm nay chỉ được ở trong đất liền, không được ra đảo”. Thì ra bọn Tới gọi hai quả đồi nhỏ ấy là đảo xa. Tương thấy cũng giống với mấy hòn đảo trên chương trình dự báo thời tiết, cách đất liền chỉ một đốt tay. “Đảo này tên là gì?” “ Nó là đồi Sông Bèo nhưng bọn tớ đặt tên là Trường Sa. Cậu thấy có hay không? Tớ hay lái tàu ra đó hái tò vò, sung để ăn. Hôm nay, Trường Sa có các chú bộ đội về luyện tập. Để hôm khác tớ dẫn cậu ra Trường Sa!” Trường Sa giữa đất liền, thế mà tận hai tuần sau thì Tới mới lái tàu bốn chân, biết gặm cỏ cày ruộng chở Tương ra Trường Sa. Bạn Tới bằng tuổi Tương mà giỏi ghê, điều khiển cả một con trâu to bằng con voi phải nghe lời. Hai đứa chăn trâu và chơi quanh quẩn dưới chân đồi, hái tò vò chén, cái quả vừa đắng vừa chát mà vẫn thấy ngon. Phía Tây đồi có một ngọn tháp nhỏ đã rêu phong, có khắc chữ nho hẳn hoi. Tới thuyết minh: “Bà tớ kể đó là tháp báo ân có từ ngày xửa ngày xưa cơ.” Vậy là quả đồi Sông Bèo đã có từ xa xưa, cái tên Trường Sa mới là của riêng bọn Tới, và bây giờ là của cả Tương nữa. Tương ra Trường Sa còn mang được quà về, đó là mấy viên đá cội rất đẹp để cho vào cái hộp bút bằng giấy bìa chị Mây bắt chước làm theo trên ti vi. Hộp bút chắc chắn hơn, mỗi khi có gió đến không còn đổ ụp xuống bàn như trước nữa.
Trong mô hình diễn tập phòng thủ, Tương và Tới đã nhận ngay ra hai viên cuội trắng chính là biểu tượng cho hai quả đồi đó - cho Trường Sa của bọn trẻ. Nhưng có điều, sao các chú bộ đội lại đặt tên cho hai quả đồi ấy là: TTSB? Tương lại tỉ tê:
- À, đó là thao trường, còn gọi là: Thao trường Sông Bèo.
Thì ra là vậy. Các chú gọi tên theo công việc. Thầy giáo của các chú ấy dễ tính thật đấy, cho phép viết tắt rất nhiều trên mô hình, chứ là cô giáo của Tương thì không được viết tắt như thế đâu. Cô bảo viết tắt là làm mất một chữ, rồi nó quen tay đi.
Không chỉ trong sân trường, mà trên sân cỏ ngoài cổng trường, các chú còn tạo rất nhiều lô cốt, đường hào, ụ súng, lại còn dựng cả lều bạt như trại hè thiếu nhi để diễn tập phòng thủ. Chiều thứ sáu, đi học về qua, Tương đứng lại ngắm rõ lâu, xem các chú trườn bò trên cỏ rồi lại ẩn vào mấy cái lều làm bằng bạt đó y chang con nít chơi trốn tìm.
Ngày thứ bảy, chủ nhật, Tương được nghỉ học. Tương mang sách trèo lên tít sân thượng tầng ba ngồi học nhưng mỗi khi có tiếng súng ì ùng phát ra từ phía sân cỏ nơi trung tâm xã, trước cổng trường Tương, cậu bé lại nghển cổ lên nhìn dù chỉ nhìn thấy khói và mấy cái tàu bay điều khiển bé như con chuồn chuồn đang liệng trên ngọn mấy cây cột điện giữa cánh đồng rồi lại hạ cánh. Không ai được đến gần để xem đâu. Các chú đang diễn tập phòng thủ mà.
Các chú bộ đội rút quân, để lại tặng trường Tương mô hình diễn tập phòng thủ của cả huyện. Đúng ngày thành lập Quân đội nhân dân, cả trường Tương tập hợp thành một đại đội, các chú bộ đội tí hon hành quân khắp xã. Ông ngoại lấy cành nhãn làm cho cháu trai một tấm lá nguỵ trang hình quả trứng, ông lại chặt cho Tương một cái gậy tre cao bằng Tương, để: “khi nào mỏi chân thì chống gậy Trường Sơn này” ông nói. Trường đã chia làm hai trung đội khác nhau hành quân theo đường cánh cung. Trung đội một là các em lớp Một hành quân ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương rồi về nơi tập kết, còn trung đội hai từ khối Hai đến khối Năm hành quân đi qua bốn thôn còn lại, đích là chân đồi Sông Bèo, rồi băng qua con đường đồng có hàng bạch đàn rủ bóng mát để quay về sân trường. Vừa hành quân vừa hát liên khúc theo lời bắt nhịp của bạn liên đội trưởng đi đầu hàng, nào là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” rồi “Cháu yêu chú bộ đội” các chú bộ đội còn ca cả “Em yêu trường em” “Cháu lên ba” nữa. Khối lớp Hai bé hơn đi sau cùng, mặt ai cũng ròng ròng mồ hôi, dù rằng hôm đó trời không có nắng. Tiếng hát bắt đầu nhỏ dần. Lúc đầu Tương và các bạn còn múa gậy như Lão Tôn nhưng đi qua thôn An Bình, đến đầu thôn Đình, thì gậy Như Ý biến thành gậy Trường Sơn thật. Chân ai cũng mỏi. Nhiều bạn chống gậy như bà còng. Tương nghe bụng réo như sôi nước, vì sáng ra, Tương hồ hởi quá nên chẳng ăn đáng là bao. Thỉnh thoảng, Tương lại tháo bình tông nước, thực ra là bằng vỏ chai lavi, tu ừng ực. Cây gậy choãi dài, liêu xiêu, chân Tương đã bước ngắn bước dài. Cô giáo Loan thấy thế, bảo:
- Tương và Mai, Hà có mệt lắm không? Hay cho mấy em nghỉ chân dưới gốc tre này nhé!
Tương bật lên như lò xo:
- Em không nghỉ đâu!
- Em cũng không nghỉ đâu cô!
Có bạn nói theo.
Làm sao có thể vì mệt mà bỏ cuộc hành quân này. Tương phải đến được Trường Sa của bọn Tương cùng các bạn chứ. Các bạn đang làm chú bộ đội. Và Tương cũng thế. Trên sân trường, Trường Sa của bọn Tương là hai viên cội trắng hiện lên giữa cánh đồng lúa xanh ngút ngát, chỉ khom người cúi xuống là Tương chạm tay tới. Còn bây giờ, Tương sắp hành quân đến Chân đồi Sông Bèo, ngọn đồi có tò vò, cỏ lau, và đá cuội, sắp đến Trường Sa rồi, sao lại nghỉ lúc này trong khi các bạn vẫn đang hành quân. Tương ưỡn thẳng lưng, mắt nhìn về phía trước, giọng dõng dạc:
- Em không mệt đâu ạ. Em sẽ tiếp tục hành quân.
Nguyễn Thu Hằng