Văn hóa nghệ thuật

Giải thoát nghệ thuật khỏi diễn giải nghệ thuật

Tèo Phạm
Mỹ thuật
07:32 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Susan Sontag phát biểu: “Đừng diễn giải nghệ thuật, đừng cố nắm bắt ý nghĩa của nó mà hãy trải nghiệm nó”... hãy cảm nhận tác động nó mang lại
aa

Năm 1957, Mark Rothko được giao thực hiện một loạt các bức tranh cho một nhà hàng sang trọng ở New York. Vấn đề là Rothko không muốn tranh của mình được treo ở nơi người giàu đến ăn uống, nhưng đây có thể là một điều thú vị để xem liệu ông có thể vẽ được bức tranh tối tăm và ngột ngạt đến mức khiến thực khách không ăn được nữa hay không? Người hoạ sĩ đã thực hiện một bộ tranh sử dụng màu đen và nâu hạt dẻ, mang đến cảm giác rất âm u. Khi các bức tranh được hoàn thành, ông quyết định không giao chúng cho nhà hàng mà thay vào đó giao cho Tate Modern (một phòng tranh tại London, Anh). Chúng được gọi là The Seagram Murals.

Đó là một câu chuyện thú vị về sự thay đổi ý định của Mark Rothko - một trong những hoạ sĩ trừu tượng quan trọng nhất thế kỷ 20. Lựa chọn này của Rothko, đã đặt ra một câu hỏi: Vậy ý nghĩa cuối cùng của sáng tác là gì?

Mục đích của nghệ sĩ

Giải thoát nghệ thuật khỏi diễn giải nghệ thuật
Fountain (1917) của Marcel Duchamp.

Với một số triết gia, họ xem ý nghĩa của nghệ thuật là phần không nhìn thấy được của nó. Fountain (1917) của Marcel Duchamp là một tác phẩm tiêu biểu cho readymade art (nghệ thuật làm từ vật thể đã được sản xuất hàng loạt). Chiếc bồn tiểu của Duchamp về mặt vật lý không khác gì các chiếc bồn tiểu khác được mua về từ cửa hàng (ngoài chữ “R.Mutt” được viết lên nó). Sự khác biệt của nó chỉ xuất hiện khi Duchamp đặt cho nó một ý niệm về việc thách thức giới hạn của nghệ thuật truyền thống. Và “giá” cho ý nghĩa được thêm vào là 1.76 triệu USD. Từ Fountain của Duchamp, nghệ thuật ý niệm trở thành một xu hướng, và đi đôi với nó là những tranh cãi không hồi kết. Vậy giá trị của “ý nghĩa” quan trọng đến mức nào mà biến một bồn tiểu 15 USD trở thành một tác phẩm 1.76 triệu USD?

Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Michael Baxandall từng nhận xét: “Nghệ sĩ không thực sự có chủ đích cho công việc của họ như cái cách kiến trúc sư xây một cây cầu. Khi bạn xây cầu, bạn đã có tất cả kế hoạch và mục tiêu rõ ràng từ trước. Nhưng nghệ thuật không như vậy. Khi thêm vào mỗi nét cọ trên toan, mỗi dòng thoại trong kịch bản, mỗi nốt trong một bản nhạc thì nó sẽ thay đổi mối quan hệ giữa các chi tiết từ đó thay đổi cả một tổng thể. Khi bạn làm việc, ý định của bạn sẽ được phát triển. Nên nếu chúng ta cố gắng tái tạo lại ý định của người nghệ sĩ, thì phải bắt đầu từ đâu? Không hề có duy nhất một ý định, mà là một chuỗi vô hạn của chúng.”

Chúng ta không thể thực sự nắm bắt ý định ban đầu hay cuối cùng của tác giả, vì đó là một quá trình suy ngẫm và phát triển liên tục. Việc diễn giải sẽ luôn mang tính chủ quan, dù phân tích có tinh tế đến đâu. Ví dụ, khi người hoạ sĩ sáng tác một bức tranh, ý định ban đầu có thể chỉ là vẽ bằng hai màu trắng và đen. Nhưng khi thêm màu khác, tác phẩm có thể trở nên sống động hơn. Sau nhiều lần thay đổi, họ có một bức tranh hoàn toàn khác, và đến cả tác giả cũng không thể phân tích rõ ràng tác phẩm của mình. Vậy thì sao các nhà phê bình, phân tích có thể làm được?

Đọc nghĩa hay cảm nghĩa

“Xào nước lã” là cụm từ chỉ những tuyên ngôn hùng hồn cho một tác phẩm vô tri. Nghệ thuật ý niệm đã tạo nên một lứa nghệ sĩ viết quá nhiều về tác phẩm của họ đến mức quên mất là còn phải tạo ra nó một cách tử tế. Nếu một tác phẩm không có đủ sức mạnh để truyền tải nội dung họ muốn, thay vào đó phải đọc hàng trang bài viết giám tuyển để rồi bội thực ngôn từ, theo người viết, đó là một tác phẩm thất bại.

Không biết từ bao giờ, những người được đào tạo bài bản lại đứng vị trí thấp như vậy trong giới nghệ thuật thị giác. Thay vào đó là sự ưu tiên cho những “nghệ sĩ tuyên ngôn”, với châm ngôn là thị giác chỉ là thứ yếu. Họ có một định kiến về việc những người được đào tạo mỹ thuật ở trường lớp trong nước là những người lạc hậu, bảo thủ. Câu hỏi người viết hay nhận được nhất dưới tư cách là một nghệ sĩ thị giác là: “Bạn từng học đại học mỹ thuật mà sao bạn lại vẽ thế này?” Cũng vì mặc cảm này mà nhiều người bạn của tôi đã phải cố gắng tập nhồi nhét những ý nghĩa vào tác phẩm của họ một cách khiên cưỡng và thiếu hiệu quả dù biết rằng đó không phải công việc của họ.

Nghệ thuật không phải là những bài tuyên ngôn, cũng không phải lúc nào cũng có mục tiêu trả lời những câu hỏi lớn. Nếu vậy thì nghệ sĩ chỉ cần viết những điều đó ra là xong mà chẳng phải sáng tác. Nghệ thuật cũng không phải là triết học, mà chỉ là biểu hiện một phần nhỏ của triết học. Nghệ thuật là sự cảm nhận những cảm xúc mà nó mang lại cho chúng ta: vui, buồn, tức giận, cô đơn... khi nhìn vào chúng. Nghệ thuật là tìm kiếm sự liên tưởng và đồng cảm. Susan Sontag cũng nói như thế này trong Against Interpretation: “Diễn giải là sự trả thù của trí tuệ đối với nghệ thuật. Hơn nữa, nó là sự trả thù của trí tuệ với thế giới. Diễn giải là làm nghèo, làm cạn kiệt thế giới - để có thể tạo ra một thế giới ngầm của “ý nghĩa”. Nghệ thuật thực sự có khả năng làm chúng ta lo âu... Diễn giải chỉ khiến khiến nghệ thuật dễ quản lý và phù hợp hơn.”

Giá trị nghệ thuật được dẫn dắt bằng thị trường nghệ thuật

Hẳn bạn vẫn còn nhớ quả chuối được dán băng dính lên tường có mức giá 120,000 USD. Tác phẩm ấy có tên là Comedian của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan, được trưng bày ở Art Basel 2019, và bán được 3 phiên bản. Người mua sẽ không mua quả chuối mà mua “ý tưởng” của tác phẩm, điều chứng minh là mỗi người mua sẽ có được một “chứng nhận” sở hữu tác phẩm này đi kèm với hướng dẫn trưng bày nó. Hiện tại, Sotheby’s đang chuẩn bị đưa một trong ba “phiên bản” này lên sàn đấu giá với mức giá dự kiến từ 1 triệu đến 1.5 triệu USD.

Giải thoát nghệ thuật khỏi diễn giải nghệ thuật

Theo tôi, Comedian là một tác phẩm thú vị khi đã truyền tải được ý tưởng của người nghệ sĩ. Điều gây tranh cãi nhất của nó chính là giá trị tác phẩm, ai sẽ là người bỏ ra cả triệu đô để mua một quả chuối (hoặc một tờ “chứng nhận”). Giá trị của nó mang ý nghĩa gì mà người ta lại phải bỏ nhiều tiền đến vậy để sở hữu? Đối với một số nhà sưu tập, ý nghĩa của tác phẩm là “tài sản” hoặc thực tế hơn là một “phương pháp trốn thuế”.

Có thể lấy ví dụ một cá nhân giàu có mua một tác phẩm nghệ thuật, thường với giá chỉ một phần nhỏ so với giá trị mà họ sẽ tuyên bố sau này. Tác phẩm nghệ thuật sau đó được quyên góp cho một bảo tàng, và nhà tài trợ nhận một chứng nhận định giá cho biết giá trị của tác phẩm cao hơn nhiều. Giá trị phóng đại này sau đó được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế của nhà tài trợ, giảm bớt nghĩa vụ thuế của họ.

Vào năm 2014, nghệ sĩ và nhà phê bình Walter Robinson đã dùng cụm từ “Zombie Formalism” để mô tả một xu hướng mới trong hội họa trừu tượng, thực chất nó mang ý nghĩa ám chỉ xu hướng sưu tập hơn là nghệ thuật. Những bức tranh của các nghệ sĩ trẻ thời kì này được mua từ các gallery với mức giá vừa phải và nhanh chóng được truyền thông và bán lại tại các cuộc đấu giá với giá cao hơn nhiều lần so với ban đầu. Đó là một cách các “nhà sưu tập” thời kì ấy kiếm thật nhiều tiền bởi chiêu trò thổi phồng giá trị tác phẩm.

Lucien Smith được biết đến là một ngôi sao trong thời kì Zombie Formalism, trở nên cực kì nổi tiếng và giàu có bằng cách thổi phồng và gán ghép một đống ý nghĩa vào tác phẩm của anh để hợp lý hoá giá trị bán lại của chúng. Chẳng hạn trong trưng bày của anh tại Los Angeles, họ viết thật là “ngầu” như thế này: “Tác phẩm của Smith đóng vai trò như một khoảnh khắc hữu hình, một biên niên sử khám phá bằng cách đàm phán với tồn tại. Anh ấy gợi nhớ cho ta rằng quỹ đạo của một nghệ sĩ là một sự phản chiếu giác quan của một thể nghiệm độc lập.”

Rất nhiều nghệ sĩ thuộc thời kì ấy đã bị ảnh hưởng và rớt giá thậm tệ khi bong bóng ấy vỡ ra. Ngay cả Lucian Smith cũng chia sẻ: “Mô hình họ xây dựng cho tôi lúc trẻ không hề lành mạnh. Họ chỉ tập trung thu hút nhà sưu tập và cố gắng bán được giá cao nhất có thể. Nó không thật. Đó không phải nghệ thuật.”

Sau những ví dụ được nêu ở trên, chúng ta thấy được thị trường đã ảnh hưởng như thế nào đến ý nghĩa của một tác phẩm. Và nhiều người trong chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi một tư tưởng rằng “tác phẩm ấy phải có gì thì nó mới có thể có cái giá đó chứ”. Dù cho bị hoài nghi như thế nào, người ta vẫn phải làm như một số loại nghệ thuật có nghĩa, đó là một phần quá trình xây dựng sự “chất” xung quanh một nghệ sĩ mới. Thuyết phục rằng tác phẩm của họ đang nói điều gì đó to lớn.

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.