Chuyên đề

Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội

Phạm Kim Thanh
Tư liệu
08:06 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Tiến sĩ Vũ Tông Phan không chỉ là một danh nhân văn hóa, mà còn là nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Ông đã mở trường Hồ Đình ở thôn Tự Tháp năm 1833, cho tu sửa đền Ngọc Sơn (khởi công năm 1841), sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị cao, góp phần phục hưng văn hóa dân tộc.
aa
Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội
Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1851) - Ảnh: Tư liệu

Vũ Tông Phan, tự Hoán Phủ, hiệu Đường Xuyên, Lỗ Am, sinh năm 1800 trên đất Thăng Long khi đất nước đau thương trước họa tham nhũng, lộng quyền của quan tham triều Nguyễn (Gia Long). Cảnh nhà bần hàn, Vũ Tông Phan theo cha - ông Tú Cửu dạy học ở các làng ven Thăng Long và xứ Đoài, cho đến khi đỗ Tú tài mới theo học cậu ruột là Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Thăng Long. Học cùng giảng đàn của thầy, các ông Vũ Tông Phan, Ngô Thế Vinh, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu đã trở thành "một chiếu bạn bút nghiên" thân thiết và được thầy rèn giũa, hướng đạo tư tưởng cứu nước, giúp đời.

Năm 1826, Vũ Tông Phan đỗ Tiến sĩ và hăm hở mang chữ Thánh hiền ra làm quan "vi dân". Nhưng rồi ông sớm nhận ra quan trường trong cảnh nhiễu nhương không hợp với khí chất thanh liêm của mình, cũng chẳng thể đem chữ Thánh hiền để hành Đạo như mong muốn. Sau bảy năm không hợp với cảnh "cá chậu chim lồng", ông cáo quan về nếp nhà đơn sơ ở thôn Tự Tháp năm 1833 rồi dựng ngôi nhà năm gian mở trường Hồ Đình dạy học. Bao tâm tư của kẻ sĩ thời tao loạn, ông gửi gắm tâm huyết trong thơ:

Sáng tối trăm năm đều thế cả

Một đời thực - giả khỏi bàn tay

Hồ Gươm vườn nước đầy thanh hứng

Nghĩ dựng thư phòng gửi sớm hôm.

(Ngẫu hứng ở nhà dạy học)

Ông đã cùng các bạn chí cốt đồng chí hướng phục hưng văn hóa Thăng Long, mở trường để đào tạo các sĩ tử có lòng yêu nước, giữ gìn văn hóa dân tộc: Nguyễn Văn Siêu mở trường Phương Đình ở Ngõ Gạch, Vũ Thạnh mở trường ở Thịnh Hào.

Học vấn đúng đắn mà uyên bác, nên thơ văn chính trực mà tinh hoa; Lễ ngày mỗi tôn kính, nên đức mỗi cao dày... Xuất hay xử vẫn là hành đạo, vẫn cùng với đời (Nguyễn Tư Giản khóc thầy Vũ Tông Phan trong bài viếng).

Ở ngôi trường nhỏ nhìn ra Hồ Gươm, ông say sưa truyền thụ kiến văn và tư tưởng yêu nước. Học trò theo học ông ngày càng đông, nhiều người đỗ đạt như Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên, Cử nhân Đỗ Thực, Đỗ Duy Ninh, Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng đều noi gương thầy giúp đời, cứu nước. Ông đã được vua Tự Đức ban cho bốn chữ "Đào thục hậu tiến" - ghi nhận công lao đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông còn sưu tập một số bài thi Hương, thi Hội năm 1846-1847 thành sách Thiệu Trị Đinh Vị khoa văn tuyển (Sau khi ông mất, con cháu ông tập hợp tiếp các bài thi cho đến khoa thi năm 1876 đời Tự Đức, rồi cho in).

Trong cảnh xã hội Đi buôn chửa giàu đã khoe của/ Sòng bạc tràn lan khắp gần xa/ Chiếu rượu sạp ca thâu sớm tối, Vũ Tông Phan không chỉ dạy học mà còn cùng các nho sĩ yêu nước quyết chí giữ lấy đạo của người cầm bút: Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau. Là Hội trưởng Hội Hướng thiện, ông còn chủ xướng xây dụng Văn chỉ Thọ Xương (1836) và dốc tâm sức vào việc xây dựng đền Ngọc Sơn (khởi công năm 1841), làm cho ngôi đền trở thành một trong những di tích và danh thắng đẹp nhất Hà Nội và cũng là trung tâm hoạt động để phục hưng văn hóa dân tộc của các sĩ phu yêu nước thời đó. Năm 1843, ông soạn văn bia Ngọc Sơn Đế quân từ ký, ghi lại việc Hội Hướng thiện cải tạo chùa Ngọc Sơn thành đền thờ Văn Xương đế quân. Sau đó, Nguyễn Văn Siêu đã cho trùng tu và dựng thêm một số công trình - đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút - tạo nên quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị giữa trung tâm Thăng Long và trở thành danh thắng nổi tiếng, niềm tự hào của người Hà Nội. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội. Ông soạn Văn bia ghi sự tích Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân - Trưng Vương sự tích bi ký; Văn bia ghi việc trùng tu miếu Hỏa thần - Trùng tu Hỏa Thần miếu bi ký; Văn bia ghi việc sửa mới lại nhà thờ Tam Nguyên của họ Bùi ở ngõ Phất Lộc.

Sau hơn mười năm dạy học, năm 1849, ông giao trường Hồ Đình cho con trai cả là Tú Kép Như Trâm, lui về sống và dạy học ở Giang Đình thục, thôn Kim Giang, tổng Đông Lỗ, huyện Sơn Minh (nay thuộc huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Dạy học trò nơi thôn dã, tâm hồn ông thư thái và ông có thời gian biên tập thơ văn của mình, công việc mà ông yêu thích, hợp với sở nguyện. Tiếp theo Tô Khê tùy bút tập gồm những bài thơ đầu tay, ông đã sáng tác trước khi đỗ Cử nhân (1825), Vũ Tông Phan tập hợp các những bài thơ ông viết sau 1825, nhưng chưa kịp xuất bản thì ông mất đột ngột ngày 26 tháng 6 năm Tân Hợi (1851) ngay tại ngôi nhà nhỏ ở thôn Kim Giang.

Yêu mến và thương tiếc ông, đầu năm 1852, các nhà in Hữu Văn Đường, Đa Văn Đường, Tự Văn Đường in lại bộ Cổ Văn hợp tuyển dày gần 1.400 trang; nhà in Hữu Văn Đường đã khắc in từ năm 1838. Làm tiếp những công việc dang dở của cha, Tú Kép Như Trâm tập hợp bản thảo cha để lại thành quyển Lỗ Am di cảo thi tập.

Trải bao cơn binh lửa loạn lạc, thật may mắn cho chúng ta, năm 1993, hậu duệ của họ Đỗ ở làng Mậu Hòa (nay thuộc phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm) là ông Đỗ Khắc Kiên đã giữ được Lỗ Am di cảo thi tập từ ông nội là Đỗ Khắc Phẩm truyền lại (Cụ Đỗ Khắc Phẩm đã kết nghĩa anh em với đích tôn của cụ nghè Tự Tháp là Vũ Như Hành. Năm 1898, do người của họ Vũ tham gia khởi nghĩa Vương Quốc Chính đánh Thành Hà Nội, gia tộc phải rời khỏi Mậu Hòa nên ông Vũ Như Hành đã giao di cảo của Vũ Tông Phan cho cụ Đỗ Khắc Phẩm)(1).

Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội
Cuốn sách "Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội"

Cùng với Thần Siêu, Thánh Quát, Vũ Tông Phan là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thi đàn Thăng Long cuối thế kỷ XIX. Khi ông mất năm 1851, thọ 52 tuổi, học trò đến viếng rất đông, tỏ lòng thương tiếc người thầy kính yêu, đạo cao đức trọng. Nguyễn Tư Giản, lúc đó đang làm ở Nội các triều đình đã khóc thầy trong bài viếng: "Học vấn đúng đắn mà uyên bác, nên thơ văn chính trực mà tinh hoa; Lễ ngày mỗi tôn kính, nên đức mỗi cao dày... Xuất hay xử vẫn là hành đạo, vẫn cùng với đời"(2). Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, một học trò nổi tiếng trong bài Tế Đốc học Tự Tháp Vũ Lỗ Am văn đã viết rõ cảnh tượng các môn sinh đông đủ hàng nghìn người ở khắp nơi về viếng thầy: "Tang lễ đây, hàng đệ tử, những ai chưa mất đều có mặt. Quy táng Bạch Mai, nước mây vời vợi! Bọn người sau, ta mất đi bậc lương tri rồi"(3). Năm 1855, mãn tang ba năm, môn sinh cùng con trai Lỗ Am tiên sinh dựng nhà thờ của người ngay trên nền trường cũ. Năm 1873, trong một chuyến đi tuần du từ Huế ra Bắc, Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản cùng các bạn đồng môn đã lập bia thờ thầy tại từ đường ở thôn Tự Tháp, trên có khắc văn bia: Lỗ Am tiên sinh từ đường ký, dựng trên nền trường Tự Tháp (nay là khu vực tượng Vua Lê - Báo Nhân dân). Ông soạn văn bia ghi công ơn thầy: "Người đời thường nói: Chẳng nhọc nhằn vì cầu phú quý, chẳng buồn phiền vì nỗi nghèo hèn. Thầy ta như vậy đó; ơn tác thành của tiên sinh bao la như hồ nước long lanh, tựa khói trăng bàng bạc. Vẫn y nguyên vậy. Ôi, tiên sinh là bất hủ"(4).

Ngày 15 tháng 8 năm 2001, kỷ niệm 150 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Vũ Tông Phan, trưởng tộc Vũ Đình Hòe dâng sách Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà NộiTuyển tập thơ văn Vũ Tông Phan tại hương án đền Ngọc Sơn để tưởng nhớ người đã soạn văn bia Ngọc Sơn đế quân từ ký nổi tiếng: "Ôi! Hồ Gươm là cảnh đẹp thiên nhiên, núi không cần cao, nước không cần sâu và cũng không cần có bàn tay khéo léo của con người mà tăng hay giảm giá trị... Hội Hướng thiện xin quẻ làm đền mà được, đó là do một lòng chân thành của người mà cảnh đẹp cũng được nhờ cậy. Từ nay thờ thần đã có nơi, kẻ sĩ phu kết bạn với nhau, yêu cảnh này, vì mến tên hồ này mà việc tu dưỡng, du ngoạn, nghỉ ngơi đều có nơi chốn. Hứng vui ngắm trăng dưới nước, hóng gió trên non có thể giúp nhiều điều thiện đâu chỉ riêng mình được hưởng".

Năm 2013, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Vũ Tông Phan, nhà văn hóa, người thầy tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

--------------------

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Kim Thanh, Hồn Việt trên đất Rồng thiêng (từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX), Nxb QĐND, tr.18.

2, 3, 4. Vũ Thế Khôi (chủ biên), Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long, Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, H., 2001, tr.251, 336, 340.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.