Diễn đàn lý luận

Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố

Ngô Minh
Tác phẩm và dư luận
06:31 | 30/10/2024
Baovannghe.vn- Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873- 1945) có thể nói là một công trình toàn diện, sâu sắc và đầy mới lạ của TS. Đào Thị Diến về một đối tượng đã có rất nhiều tác phẩm khai thác trước đó.
aa

Ra mắt đúng 70 năm kỷ niệm Giải phóng thủ đô (1954 – 2024), tác phẩm Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) có thể nói là một công trình toàn diện, sâu sắc và đầy mới lạ của TS. Đào Thị Diến về một đối tượng đã có rất nhiều tác phẩm khai thác trước đó.

Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố
Tác phẩm Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873- 1945)

Công trình có nhiều tính mới

Trong đó tính mới nằm ở phương pháp mà bà sử dụng khi thông qua việc khai thác một cách cẩn trọng các tư liệu lưu trữ nguyên gốc từ các phông lưu trữ ở Hà Nội cũng như Aix-en Provence (Pháp). Với kinh nghiệm hơn 3 thập kỷ làm việc ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (từ 1975 – 2008) và cũng đồng thời là chủ biên của 2 tập Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954), hơn ai hết, TS. Đào Thị Diến là người tiếp xúc nhiều nhất với các tư liệu này. Được biết đây là một kho thông tin chưa có quá nhiều tác giả sử dụng và bởi tính chuẩn xác của người thực hiện và các trao đổi qua lại mang tính đối chứng mà nguồn dữ liệu này có nhiều giá trị tham khảo cũng như độ tin cậy, từ đó mang đến một tác phẩm vừa ấn tượng, mới lạ nhưng cũng đảm bảo được sự chính xác về tính khoa học.

Ngoài ra tính toàn diện cũng nằm ở cấu trúc của cuốn sách này. Tác phẩm theo đó đã khảo sát quá trình nằm giữa 2 mốc thời gian là 1873 - mở đầu cho cuộc tấn công Thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp; và 1945 - sự kiện xây dựng công trình khu học xá Đông Dương ở Hà Nội, phần nào khẳng định quá trình biến khu nhượng địa thành thuộc địa đã cơ bản hoàn thành. Từ đó mà cấu trúc của cuốn sách cũng được chia theo ý đồ nói trên gồm 2 phần, trong đó phần đầu gồm 5 bài viết về thời kì bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng, phá hủy; và phần còn lại gồm 35 bài viết nói về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa thành một “thành phố Pháp”, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân.

Từ cấu trúc này ta thấy tác giả đã giúp cuốn sách có sự thuyết phục theo cả chiều dọc cũng như chiều ngang. Nếu chiều dọc là sự tuyến tính thời gian để từ 2 lần tấn công thành Hà Nội mà thực dân Pháp bắt đầu biến đổi thủ đô, thì ở chiều ngang bà đã khảo sát quá trình chuyển biến nói trên qua nhiều lĩnh vực, từ địa giới, tổ chức hành chính, giao thông… cho đến văn hóa, xã hội, giáo dục, bảo vệ cảnh quan… Ở những mục nhỏ bà cũng đào sâu vào nhiều vấn đề chưa được công bố một cách công khai, qua đó đảm bảo được độ sâu của tác phẩm này. Những điểm đặc biệt này đã giúp cuốn sách không chỉ chặt chẽ về mặt logic mà việc theo dõi của độc giả cũng rất dễ dàng, qua đó cho thấy được sự công phu của người chấp bút.

Ở phần đầu tiên, từ các tư liệu lưu trữ từng “bị bỏ quên” trong Phủ Thống đốc Nam Kỳ trước khi được chuyển ra Hà Nội là các báo cáo của Francis Garnier, Henri Rivière cho các tướng lĩnh, bà đã khắc họa 2 cuộc tấn công thành Hà Nội khốc liệt và đầy hấp dẫn. Đây có thể nói là những tài liệu có giá trị, phản ánh quá trình xâm lược Việt Nam của quân đội viễn chinh Pháp từ những ngày đầu ở Nam Kỳ, những cuộc thương lượng với triều đình Huế, quá trình "bình định" Bắc Kỳ và những "thử nghiệm" đầu tiên về bộ máy cai trị hành chính của chính quyền thực dân... Qua đó ta thấy chính quyền thực dân đã có âm mưu muốn chiếm Hà Nội ngay từ rất sớm. Ngoài ra, những điều này cũng cho thấy bản lĩnh của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu và sự anh dũng của quân dân Hà Nội trong việc kháng cự quyết liệt chống lại quân đội xâm lược Pháp, quyết không đầu hàng bọn giặc cướp nước.

Sau khi đã thành công chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, thì từ “nhượng địa” bắt đầu xuất hiện trong lịch sử Hà Nội khi Pháp thỏa thuận rút quân khỏi Hà Nội, giao trả lại thành cho triều đình nhà Nguyễn để đổi lấy một khu đất bên bờ sông Hồng nhằm xây dựng chỗ ở cho vị Công sứ và cho binh lính đội hộ vệ của y. Thế nhưng đây mới chỉ là bắt đầu, để rồi chỉ một năm sau, nhờ vào tài ngoại giao khôn khéo cộng với áp lực quân sự mà Pháp gây cho triều đình nhà Nguyễn qua thỏa ước Pháp - Việt, thì khu nhượng địa đã tăng quy mô lên gấp 7 lần từ 2,5 ha lên 18 ha để trở thành trung tâm chính trị và căn cứ quân sự để tấn công lần 2 vào Thành Hà Nội năm 1882, từ đó chính thức biến thành phố Hà Nội thành "nhượng địa" của Pháp qua việc ép vua Đồng Khánh xuống dụ số 567 ngày 1/10/1888. Như vậy, qua 5 bài viết về 2 cuộc tấn công này, tác giả Đào Thị Diến đã cho ta thấy những âm mưu rõ ràng và đầy thâm độc của “con sói” thực dân từ thò 2 chân để rồi sang cả 4 chân vào đất Hà Nội.

Những chuyển biến trong xã hội

Phần 2 cuốn sách tập trung nhiều hơn về những thay đổi mà chính quyền thực dân thực hiện để biến Hà Nội thành “thủ đô của Bắc Kỳ”, sau nâng lên thành “thủ đô của liên bang Đông Dương thuộc Pháp” cũng như tham vọng trở thành một “Paris thu nhỏ” trong nhiều lĩnh vực, như xây dựng hệ thống chính quyền thành phố, xác định và mở rộng ranh giới thành phố, quy hoạch và xây dựng thành phố.... Bà đã mang đến những thông tin thú vị ở nhiều lĩnh vực với cách tiếp cận từ rộng đến hẹp, từ đại cương đến chi tiết. Chẳng hạn trong chương về phố và đặt tên phố, sau khi đưa ra những quy định về cách đặt tên đường như ưu tiên cho các cá nhân có đóng góp lớn trong quá trình thuộc địa hóa sau đó mới đến các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, thì tác giả cũng cho ta biết từng có một con đường mang tên đại văn hào Victor Hugo ở Hà Nội cũng như những lần đổi tên đường Nguyễn Du từ một con hẻm thiếu vệ sinh do cư dân phát thải để chuyển sang một cung đường lớn hơn và phù hợp với vị thế của danh nhân văn hóa này...

Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố
TS. Đào Thị Diến

Bà cũng dành nhiều chương khảo sát cuộc sống của người Việt dưới chế độ thuộc địa, như quá trình hình thành và phát triển xe kéo tay ở Hà Nội và tính bất nhất của nó. “Hà Nội bừng bừng khói lửa” không khuất phục dưới ách áp bức cũng được bà thể hiện qua cụm chủ đề về giáo dục dưới thời Pháp thuộc, nhấn mạnh vào vai trò của trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi tập trung các tên tuổi như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can... từng là một nỗi lo lớn về sự nổi dậy đối với người Pháp, từ đó cho thấy ngọn lửa phản kháng luôn âm ỉ sâu trong giới tri thức nói riêng và người dân Hà Nội nói chung.

Một phần khác cũng được bà đặc biệt quan tâm là việc bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử gắn với sự ra đời của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Qua các sự việc như bảo vệ cảnh quan xung quanh đền thờ Hai Bà Trưng, cuộc đấu tranh bảo vệ cảnh quan quanh Hồ Tây và hồ Trúc Bạch cũng như các nỗ lực muốn phá hủy di tích Ô Quan Chưởng... trước thực tế là đầu thế kỷ 20 việc quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử ở Đông Dương không do một tổ chức nào đảm nhiệm, tác giả Đào Thị Diến đã cho ta thấy được tầm quan trọng của việc giữ gìn các địa điểm văn hóa nổi tiếng và là bài học cần thiết để ngày nay có thể học hỏi...

Có thể nói bằng nguồn tư liệu lưu trữ phong phú và đa dạng, tác giả - tiến sĩ Đào Thị Diến đã khai thác trên bình diện rộng và phân tích theo chiều sâu để khắc họa lại quá trình Hà Nội chuyển mình và dần thay da đổi thịt kể từ 2 cuộc tấn công vào Thành Hà Nội. Không chỉ đóng góp những thông tin mới qua công trình này, mà từ đây hứa hẹn tư liệu lưu trữ cũng sẽ có đời sống mới trong việc mở ra hướng nghiên cứu mới, cũng như gợi ý cho các chính sách quy hoạch ngày nay hay sử dụng trong việc sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời gian tới.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Hà Nội ngày về chiến thắng Từ Thăng Long tới Hà Nội Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội "Cái hôm nay" trong "Hà Nội những mùa cổ điển" 42 phim Việt tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII
Hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản kêu gọi tẩy chay các Tổ chức Văn hóa Israel

Hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản kêu gọi tẩy chay các Tổ chức Văn hóa Israel

Baovannghe.vn - Sally Rooney, Arundhati Roy và Rachel Kushner cùng hơn 1.000 nhà văn, chuyên gia xuất bản đã ký một thư kêu gọi tẩy chay các tổ chức văn hóa Israel do cáo buộc họ "đồng lõa hoặc im lặng trước sự áp bức người Palestine." Thư kêu gọi này nhấn mạnh rằng các tác giả sẽ không hợp tác với các nhà xuất bản, lễ hội, hoặc cơ quan văn học Israel có hành vi vi phạm quyền của người Palestine.
Một tương lai tươi đẹp cho các em

Một tương lai tươi đẹp cho các em

Baovannghe.vn - Hẳn là đa phần các ông bố bà mẹ đều yêu thương con cái mình. Thế nhưng, có khi vì thiếu hiểu biết nên đã gây ra những tổn thương nơi những đứa trẻ... Tránh đi những ấn tượng xấu và tạo lập những giá trị tốt tích cực nơi tuổi thơ là cách chắc chắn để định hình xây dựng nên một tương lai tươi đẹp cho các em.
Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Baovannghe.vn - Trần Tiến người làng Điền Trì, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11 năm Kỉ Sửu (1709), tên tự là Khiêm Đường, cũng có tên tự khác là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, là con Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ thượng thư - Diệu Quận Công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam.
Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Baovannghe.vn - Như Bình chọn tập viết là “tạp bút”, như một sự định danh thể loại hết sức linh hoạt, đủ không gian để trút vào con chữ những sắc thái biểu cảm.
Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Baovannghe.vn- Cảng - Phố - Thanh - Tùng/ Mùa phương Nam réo gọi