Sáng tác

Johannes R.Becher: Một tượng đài thơ của nước Đức

Trần Đương
Văn học nước ngoài
08:59 | 10/09/2024
Baovannghe.vn - Với văn học Đức, ở Việt Nam, phần đông độc giả biết nhiều về Bertolt Brecht - chủ yếu là qua các vở kịch đặc sắc đã được trình diễn trong nhiều thập kỷ; Becher chưa xuất hiện nhiều ở nước ta, tác phẩm của ông mới được giới thiệu qua những ý kiến về lý luận thơ, một ít bài thơ trữ tình (dịch qua tiếng Pháp và tiếng Nga).
aa
Johannes R.Becher: Một tượng đài thơ của nước Đức
Johannes R.Becher

Đối với riêng nước Đức, J.R.Becher được coi là một trong hai nhà thơ lớn nhất của Cộng hòa dân chủ Đức. Tuy nhiên, cũng như Bertolt Brecht, Becher không chỉ là người nổi tiếng nhất trên lĩnh vực thi ca. Người Đức nói riêng và bạn đọc đông đảo trên thế giới nói chung còn hâm mộ Bertolt Brecht với tư cách nhà soạn kịch, nhà đạo diễn và nhà lý luận sân khấu vĩ đại bậc nhất; và J.R.Becher đi vào lịch sử văn học với gương mặt ưu tú của một nhà lý luận thơ ca, nhà lãnh đạo nhà nước xuất sắc, người có công đầu trong việc xây dựng nền văn hóa mới trên đát Đức. Giới phê bình văn học Đức tôn ông là “một tượng đài vĩnh cửu trong nền văn học xã hội chủ nghĩa của Đức”, là “một trong những thi sĩ lớn nhất thế kỷ 20”.

Với văn học Đức, ở Việt Nam, phần đông độc giả biết nhiều về Bertolt Brecht - chủ yếu là qua các vở kịch đặc sắc đã được trình diễn trong nhiều thập kỷ; Becher chưa xuất hiện nhiều ở nước ta, tác phẩm của ông mới được giới thiệu qua những ý kiến về lý luận thơ, một ít bài thơ trữ tình (dịch qua tiếng Pháp và tiếng Nga). Mãi đến cuối năm 2002, mới có một tập thơ trữ tình của ông được ấn hành bằng tiếng Việt (Trần Đương tuyển dịch từ nguyên bản tiếng Đức). Với Becher, tôi như kẻ còn mắc nợ ông rất nhiều, bởi vì tôi đọc ông từ khi còn là một thiếu niên, một chú bé. Cũng từ ngày ấy, tôi dự định sẽ dịch và giới thiệu thơ ông, những trang lý luận thơ đặc sắc của ông, thế nhưng cho đến nay, tôi chưa làm được bao nhiêu, ngoài tập thơ nói trên và bài nghiên cứu “Mấy ý kiến của J.R.Becher về thơ” đăng trên Tạp chí Văn học nước ngoài và một số tạp chí khác. Năm nay kỷ niệm lần thứ 60 ngày mất của ông, từ bao nhiêu dự định, bao nhiêu ý tưởng, tôi lại nhớ đến ông, nhớ đến món nợ mà mình phải trả. Và câu nói ngày nào của ông lại vang lên trong lòng tôi như một lời căn dặn và khích lệ:

Lao động, chỉ có lao động mà thôi, các bạn hãy nhớ cho điều đó, chớ có ham muốn tiến lên phía trước bằng các lối tắt. Những lối tắt có thể có ích, song đến một lúc nào đó, phần lớn các lối tắt đem đến cho các bạn nhiều thiệt hại hơn là ích lợi, bởi vì chúng sẽ làm cho các bạn phụ thuộc tệ hại vào chúng để rồi đau khổ trước tình trạng đó. Bạn ạ, hãy lao động khi thấy buồn bã. Lao động là biện pháp duy nhất xua đi nỗi buồn…Con người làm việc thì cánh sẽ mọc, nó nâng lên cao hơn cả chính mình. Bạn hãy giương đôi cánh ra; đôi cánh ấy lấp lánh ngay cả lúc bốn bề phủ kín mây đen và tăm tối mịt mùng”.

Nhà thơ lỗi lạc này là một tấm gương ngời sáng về tinh thần lao động. Cả đời ông lao động không ngừng, không nghỉ. Ngoài những trọng trách mà ông gánh vác, có thể nói, ông đã dồn hết thời gian, sức khỏe, tài năng cho thơ. Ông từng viết: “Thơ ơi, ta từng rất yêu mình, yêu tới mức, bằng chính mắt mình, ta đọc được bao ý nguyện của thơ và lòng ta sẽ chẳng lúc nào nguôi khi chưa thực hiện được các ý nguyện đó của thơ. Thơ ơi, đó là tình yêu về cái nhìn của thuở ban đầu”.

Becher là tác giả của trên 150 tác phẩm văn học, gồm kịch, bút ký, hồi ký, tiểu thuyết, lý luận, nhưng chủ yếu là thơ. Ông là thi sĩ đầu tiên của Tây Âu nồng nhiệt chào mừng Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại Nga bằng một bài thơ, trong đó có hai câu thường được trích dẫn:

Nhà thơ chào mừng Anh: nước Cộng hòa Xô Viết

Vỡ tan rồi những nền dân chủ phương Tây”

Như một duyên nợ trong đời, cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác văn chương của ông đã gắn bó với Liên Xô từ tháng 5-1933, sau khi bọn Quốc xã công khai đốt các tác phẩm của ông, đồng thời tước quyền công dân Đức của nhà thơ ưu tú này. Ông ra đời và lớn lên ở München, miền nam nước Đức, là con trai vị chánh án của một tiểu vương quốc. Năm 1911, ông vào đại học: ông học ngành y, triết học và lịch sử văn học tại thành phố quê hương (München), rồi ở Jena, Berlin.

Con đường hoạt động văn học - nghệ thuật của Becher có thể được tính từ năm 1912, khi ông làm cộng tác viên của tạp chí “Hành động” (Aktion). Một năm sau đó, ông và Heinrich Bachmair xuất bản tạp chí “Nghệ thuật mới”. Những năm này, ông thuộc trong số tín đồ của trường phái ấn tượng chủ nghĩa, tích cực chống lại thế giới tư sản, ra sức tìm tòi những hình tượng mới, hình thức mới.

Về mặt chính trị, ông trở thành đảng viên Đảng liên minh xã hội dân chủ Đức - một trong những tiền thân của Đảng cộng sản Đức - từ năm 1917. Năm 1918, là thành viên Hội Spartakus, từng là nghị sĩ của Đảng cộng sản Đức trong quốc hội Đức. Các thế lực phản động đã đưa ông ra tòa vì “tội có hành động chuẩn bị phản quốc” bởi tập thơ “Xác chết trên ngai vàng” (1925) và tác phẩm “Levisiti hay là cuộc chiến tranh chính nghĩa duy nhất” (1926) mà Maxim Gorki đánh giá là “có tính bao quát nhất…”. Với tác phẩm này, Becher kêu gọi cảnh giác trước nguy cơ của cuộc chiến tranh hơi ngạt sắp tới mà các nước đế quốc phương Tây đang mưu toan tiến hành. Nhờ có sự phản đối quốc tế (trong đó có các văn hào Gorki, Roland, Brecht, T.Mann) vụ án nói trên đã bị đập tan. Năm 1927, lần đầu tiên Becher sang thăm Liên Xô. Cũng năm đó, ông xuất bản “Tập san tin tức vô sản”. 1928, là sáng tác lập viên, đồng thời là Thư ký thứ nhất của Hội các nhà văn cách mạng vô sản”, sáng lập tạp chí “Đường vòng trái”. Với những hoạt động đắc lực của mình, ông đã góp phần quan trọng vào nền văn học cách mạng vô sản. Ông đã trình bày những bản tham luận xuất sắc nói lên nguy cơ chiến tranh và nhiệm vụ của các nhà văn cách mạng tại các hội nghị quan trọng ở Nga, Pháp…Trong hai năm 1934-1935, ông là Tổng biên tập tạp chí chống phát xít có tên là “Văn học thế giới - bản tiếng Đức”. Ông trở thành Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Đức và từ 1943 là Ủy viên Ủy ban toàn quốc nước Đức tự do.

Tháng 6-1945, Becher là một trong những người đầu tiên trở về Đức, sáng lập và làm Chủ tịch Hội các nhà hoạt động văn hóa, sáng lập Nhà xuất bản “Xây dựng”, tuần báo “Chủ nhật”, tạp chí “Nội dung và hình thức”, viết lời cho bài Quốc ca Cộng hòa Dân chủ Đức.

Từ 1953 đến 1956, Becher là Chủ tịch Viện hàn lâm nghệ thuật.

Từ năm 1954 cho đến lúc qua đời (1958), ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

Ông hai lần được trao Giải thưởng quốc gia, năm 1952 được trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin.

Nói về những đỉnh cao trong sáng tác thi ca của Becher, có thể kể đến tập thơ đầu tay “Suy vong và chiến thắng” (1914); tiếp đến là: “Kế hoạch vĩ đại” (1931); “Người đi tìm hạnh phúc và bảy gánh nặng” (1938) mà đại văn hào Thomas Mann đánh giá là một cuốn sách lớn, hình như đó là tập thơ đại diện xứng đáng cho thời đại chúng ta và cả những khó khăn mà chúng ta gánh chịu”; “Nước Đức gọi” (1942), “Cảm ơn Stalingrat” (1943); “Trở về” (1946), “Nhân dân đổi thay trong bóng tối”; Những bài dân ca mới” (1954); “Hạnh phúc nơi xa chói sáng gần” (1951)’ “Những bước đi giữa thế kỷ” (1958), “Tình yêu khôn nguôi” (1961). Riêng về lý luận thơ, tiêu biểu nhất là các tập “Bảo vệ thi ca - về cái mới trong văn học” (1952), “Thú nhận thi ca” (1954), “Quyền lực thi ca” (1957)…

Nhìn tổng thể, sự nghiệp văn học phong phú và đa dạng của Becher gắn chặt với hoạt động chính trị, do đó phản ánh con đường cách mạng đầy khó khăn và mâu thuẫn, mà cũng hết sức kiên định, từ một nhà thơ của chủ nghĩa ấn tượng trở thành nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa lỗi lạc.

Về sáng tác và lý luận thơ, ông là người dốc toàn bộ cuộc đời mình để mở đường cho các thế hệ thi sĩ của đất nước tiến lên trong sự nghiệp cao cả của chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Becher, Cáo phó của Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã viết sau khi ông qua đời:

Toàn bộ sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông gắn bó một cách hữu cơ, không chia cắt nổi với phong trào công nhân cách mạng Đức, và trong hoạt động của ông với cương vị một nhà yêu nước, một nhà chính trị xuất sắc, lòng trung thành tuyệt đối với những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin… để lại cho nhân dân ta tấm gương của một nhà thơ vô sản lớn, một chiến sĩ và một nhà lãnh đạo nhà nước. Sự nghiệp văn học của ông là viên đá tảng vững chắc đối với nền văn học xã hội chủ nghĩa của dân tộc Đức”.

Là một trong những người bạn thân thiết của Becher, Maxim Gorki từng nói: “Thế kỷ 20 không có nhiều tài năng xuất chúng. Becher là một trong số đó”.

Lãnh tụ Đảng và Nhà nước của Cộng hòa Dân chủ Đức Erich Homecker từng đánh giá rất cao những cống hiến toàn diện của J. R. Becher trên các lĩnh vực: lãnh đạo nhà nước, quản lý văn hóa - nghệ thuật và sáng tác văn học. Ông nói:

Hoạt động của J.R. Becher là tấm gương cho các nghệ sĩ nước ta noi theo trong việc tham gia trực tiếp công tác lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Chúng tôi luôn luôn coi trọng và đánh giá cao việc các nghệ sĩ, các nhà văn hóa tham gia công tác xã hội”. Erich Honecker cảm động nhắc đến tác phẩm “Bài ca về lá cờ xanh” do Becher sáng tác, được nhạc sĩ Hanns Eisler phổ nhạc, đã hát vang lên ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của thanh niên Đức năm 1950 và tại Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 3 tại Beclin năm 1951.

Nước Đức hôm nay đã hoàn toàn đổi khác, nhưng các cống hiến của Becher được lịch sử mãi mãi ghi nhận, coi ông như người tạo dựng một nền văn hóa tiến bộ ở Đức. Tác phẩm và các di sản của ông đang được nghiên cứu, đánh giá tại Trung tâm Becher ở Pankow (Berlin).

Trần Đương | Báo Văn nghệ

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Văn học đương đại Trung Quốc trong mắt một nhà Hán học nước ngoài TÌNH HÌNH TIẾP THU LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI HIỆN NAY Tổ chức Hội nghị đối thoại về quy định của pháp luật về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài Thân phận con người trong một số tiểu thuyết hậu chiến nước ngoài Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn