Sự kiện & Bình luận

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Dân là Nước

Mai Nam Thắng
Chính trị xã hội
06:00 | 02/09/2024
Baovannghe.vn - Trong không khí hân hoan mừng ngày thống nhất nước nhà, có nhà thơ lớn đã viết: Tự hào thay non sông đất nước/ Từ Trường Sơn vươn tới Trường Sa / Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước / Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa…
aa

Mới đây về công tác ở Đoàn công binh Hải quân M31, đơn vị gần nửa thế kỷ qua đã trực tiếp tham gia xây dựng các công trình dân sinh và kinh tế - quốc phòng ở huyện đảo Trường Sa, tôi được biết một điều thú vị: Nhiều năm nay, mỗi khi chở hàng ra huyện đảo, đơn vị lại chuẩn bị rất nhiều những bao tải đất phù sa màu mỡ để mang theo làm quà cho quân và dân Trường Sa. Bà con, anh em mình ở ngoài đó rất yêu thích “quà đất” để trồng các loại rau xanh, hoa quả thích hợp thổ nhưỡng như ở quê nhà. Và đặc biệt là có “quà đất” để đỡ nhớ… đất liền!

Dân là Nước
Ngày Hội thống nhất non sông - Quốc khánh 2/9. Tranh của họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Không chỉ riêng Đoàn M31 mà từ lâu, tàu vận tải của các đơn vị bạn và cả tàu đánh cá của ngư dân trong bờ, mỗi dịp ra Trường Sa đều mang theo những món quà như thế. Những hạt phù sa từ mọi miền quê trên đất nước ta đã góp phần bồi đắp cho Trường Sa ngày càng xanh tươi, vững mạnh; như biết bao thế hệ nhân dân Việt Nam đã bền bỉ khai phá, bảo vệ và dựng xây phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi… Gần đây, quân và dân huyện đảo Trường Sa lại có sáng kiến tặng đá san hô và cây bàng quả vuông cho đất liền. Nghi lễ trao tặng những món quà trên đây đã được tổ chức trang trọng tại nhiều địa phương như: Gia Lai, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng… Được biết, rồi đây lần lượt tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước đều được đón nhận những món quà Trường Sa như thế. Những tảng san hô mang về từ Trường Sa có gắn biển đề tên những hòn đảo nước ta đang quản lý, là tượng trưng những bia đá chủ quyền của Tổ quốc. Những cây bàng quả vuông thể hiện sức sống mãnh liệt của quân và dân huyện đảo giữa bão tố phong ba. Và như thế, Trường Sa ngày ngày hiện hữu trên mọi miền quê đất nước, gần gũi thân thương và nhắc nhở mọi người…

Lại nhớ hơn bốn chục năm trước đây, trong không khí hân hoan mừng ngày thống nhất nước nhà, có nhà thơ lớn đã viết: Tự hào thay non sông đất nước/ Từ Trường Sơn vươn tới Trường Sa / Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước / Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa… Giữa những ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hôm nay (1945-2024), đọc lại những câu thơ ấy, chợt rưng rưng nghĩ về những món quà đặc biệt vừa kể trên đây. Đất đai, cây cỏ Việt Nam dẫu đầu non cuối bể hay tận ngoài hải đảo xa xôi… đều là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; là những đứa con của Đất Mẹ đang trấn ải nơi đầu sóng ngọn gió. Và những món quà ý nghĩa trên đây như những gợi ý tiếp tục có thêm những sáng kiến hay, những cách làm thiết thực và hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vừng quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ trong thời kỳ mới!

Câu chuyện trên đây, cùng với rất nhiều nghĩa cử khác trong phong trào cả nước hướng về biển - đảo thân yêu, đều xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân ta, một tình yêu truyền thống được nhân lên trong chế độ mới, khai sinh từ cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945. Nhớ lại những ngày cuối tháng 4-1975, hòa cùng khí thế trời long đất lở của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tổ chức Đảng bí mật ở Côn Đảo, nơi địch giam cầm hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng trung kiên qua các thời kỳ, đã chớp thời cơ lãnh đạo tù chính trị và quân dân trên đảo vùng lên chiến đấu, tự giải phóng hoàn toàn Côn Đảo vào ngày 1-5-1975. Hôm sau, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định liên lạc vô tuyến được với Đảo ủy lâm thời và hỏi: Anh em cần gì để đất liền gửi ra? Đại diện Đảo ủy lâm thời trả lời: Chỉ cần nhiều cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ! Mấy ngày sau, theo chuyến tàu đầu tiên khởi hành từ đất liền, hàng ngàn lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ đã được chuyển ra, tung bay rực rỡ khắp đảo, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Côn Đảo vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn lúc ấy, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng…

Việt Nam là một Quốc gia Biển, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia có biển, với trên 3.260 ki-lô-mét bờ biển và diện tích hơn 1 triệu ki-lô-mét vuông vùng biển chủ quyền; trong đó có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ cùng 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc, tạo nên nhiều dấu ấn văn hóa biển đặc trưng. Truyền thống văn hóa biển của Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể; thể hiện trong nghề đi biển, giao thương biển, tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục... và đặc biệt là truyền thống kiên cường dũng cảm chống giặc ngoại xâm để bảo tồn bờ cõi.

Văn hóa biển Việt Nam nảy nở và bồi đắp trên đất nước có chiều dài đường bờ biển gấp đôi đường bộ, nơi một bộ phận khá lớn cư dân cật lực mưu sinh, cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển. Phải vậy chăng mà trong tiếng Việt, khái niệm Tổ quốc, cương vực, bờ cõi quốc gia... được gọi là “Đất Nước”? Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/ Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi/ Thời gian đằng đẵng/ Không gian mênh mông/ Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng... (Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm). Rõ ràng Đất Nước chính là Nhân Dân. Dân là Nước. Thời nào cũng vậy, sức Dân cường thịnh, lòng Dân đồng thuận, thì vận Nước hanh thông. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mở đầu bằng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 người con xuống biển, 50 người con lên rừng. Đó là thông điệp thể hiện tư duy sơ khai về chinh phục biển, bám biển và giữ biển của tổ tiên ta từ xa xưa. Nói cách khác, văn hóa biển Việt Nam gắn liền với văn hóa giữ nước và truyền thống quật cường bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Trong thời đại hội nhập toàn cầu, biển không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo lập không gian sinh tồn, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa biển trong môi trường mới, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển đang là vấn đề nóng của các quốc gia biển; nhất là các biển ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Vì vậy, việc phát huy giá trị văn hóa biển là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, làm nền tảng quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (khóa XII) đã nhấn mạnh: Để trở thành quốc gia biển hùng mạnh thì chủ quyền biển - đảo phải được bảo vệ vững chắc, phát triển kinh tế biển phải gắn liền bảo tồn văn hóa biển. Để thực hiện được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững, thịnh vượng... thì một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay là nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa biển-đảo, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển-đảo, xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển, là cơ sở cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Giá trị tiêu biểu của văn hóa biển Việt Nam là tình yêu biển-đảo, yêu quê hương đất nước, gắn bó và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển-đảo thiêng liêng. Đó là những giá trị văn hóa được hun đúc bởi chính lịch sử của dân tộc để trở thành một động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy biết bao nhiêu thế hệ nhân dân kiên cường và dũng cảm hi sinh để giành độc lập và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Hơn 500 năm trước, Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn...”

Truyền thống yêu nước là hạt nhân của tình yêu hòa bình và khát vọng đất nước được bình yên, phát triển phồn vinh trong thời đại mới. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, to lớn, nặng nề... nhưng dựa vào lòng dân và sức dân thì chắc chắn sẽ thành công, bởi Dân là Nước!

Mai Nam Thắng | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ra mắt cuốn sách "Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nghệ thuật Kon Tum: Động đất liên tiếp, cảnh báo công tác quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội Hòa mình vào cuộc sống người khác để thấy tác phẩm của ta trong xã hội Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.