Vào một ngày cuối năm 2004, khi mà cuộc tranh cử giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump và bà Kamala Devi Harris đang diễn ra quyết liệt, một người bạn, một nhà văn thân thiết của tôi bỗng hỏi: “Theo anh, trách nhiệm của nhà văn ta trong thời đại này là gì?”
Câu hỏi tưởng như không cần nghĩ.
Ấy vậy mà nghiêm túc ra, đó là một vấn đề lớn, thật không dễ trả lời.
Trước hết, thời đại này là thời đại nào?
Nước láng giềng đang “giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, tuyên bố hoàn thành cuộc cách mạng trăm năm lần thứ nhất, hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đặt mục tiêu đến năm 2030 có nền kinh tế lớn nhất thế giới; bước vào trăm năm thứ hai trong cuộc phục hưng Trung Quốc vĩ đại.
Ở Mỹ, Donald Trump và đa số người Mỹ đều nhiệt tình cổ vũ cho việc đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, chốt giữ vị trí hàng đầu về kinh tế và công nghệ, làm chủ không gian.
Nga đang trong quá trình phục hưng mạnh mẽ, là một cường quốc hạt nhân, người lãnh đạo khối BRICS là tên chữ cái đứng đầu của các nước Brazil, Russia, India, China và South Africa - khối 30% diện tích và 45% dân số, 27% tổng GDP của thế giới; xác định vai trò của mình là người định vị lại địa chính trị thế giới, xóa bỏ thế giới đơn cực do Mỹ chi phối.
Châu Âu già cỗi đang bừng tỉnh ngộ, nhận ra những mâu thuẫn nghiêm trọng trong nội tại khối và những trì trệ, khiếm khuyết. Và chắc chắn họ cũng sửa mình, trỗi dậy.
Cách đây năm năm, rất ít người có thể nghĩ rằng chiến tranh lớn lại có thể nổ ra, mà lại nổ ra tại Nga và U-crai-na, hai nước từng là anh em.
Cuộc chiến tranh làm cho cho nhiều sự thật được bắn ra như những viên đạn vút khỏi nòng.
Đó là những xung đột giữa các khối nước và mâu thuẫn sắc tộc chưa từng chấm dứt. Kẻ phát động chiến tranh, hưởng lợi từ chiến tranh luôn là những tên lái súng, bất chấp sinh mạng của hàng triệu người, bất chấp sự tàn phá cả một đất nước hay cả một khu vực. Chiến tranh luôn tiềm ẩn và người dân luôn nghe những lời nói dối, những lời nói dối càng ngày càng trắng trợn.
Thật đau xót biết bao, ngay trên đất nước ta, đất nước mà nhân dân phải hy sinh núi xương sông máu cho độc lập tự do, cho sự đổi mới hôm nay, thì một số kẻ tham nhũng lớn lại khoác tấm áo lý tưởng thiêng liêng để nói những lời hoa mỹ dối trá!
Nghĩ đến đâu, nói đến đấy thì nhà văn trước hết phải là người nói lên sự thật, phải tập hợp nhau lại để bóc trần mọi sự dối trá, tập hợp được đông đảo quần chúng để đấu tranh cho sự thắng lợi của chân lý; kiên quyết không xu phụ, a dua cường quyền. Điều mà trong mọi cuộc kháng chiến, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đã hình thành nên là hình mẫu nhà văn - chiến sĩ. Nhà văn phải đứng ở hàng đầu cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác và dám chấp nhận hy sinh; bền bỉ trong mình và truyền tới người đọc những khát vọng cao đẹp.
Nếu như văn học kháng chiến từng có những cứng nhắc, sơ lược; còn thiếu phần nào thể hiện những góc khuất của con người cá nhân cần được tôn trọng; thì văn học (và nghệ thuật nói chung), dứt khoát không phải sinh ra để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, thể hiện cái tôi một cách cực đoan. Như thế, cùng lắm nó cũng chỉ thể hiện được vẻ đẹp của một cô gái phô diễn vẻ đẹp của một thứ thời trang (mà thế nào cũng sớm lỗi mốt). Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng phải đồng hành cùng dân tộc, vì sự phát triển của dân tộc và thời đại; là từ sự cộng cảm mà tạo nên một nguồn lực xã hội mạnh mẽ. Nhờ nghệ thuật mà mọi cái xấu xa phải bị phơi bày. Nhờ nghệ thuật mà mọi cái ác phải quỳ gối.
*
Thời đại ngày nay là thời đại như trên đã nói, các nước lớn đều quyết vươn lên và giữ vững vị thế nước lớn. Họ đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau nhưng cũng sẵn sàng thỏa hiệp; khống chế và chi phối những nước nhỏ hơn, trong đó có nước ta. Hòa bình, hội nhập, các bên cùng có lợi là một xu thế lớn, nhưng nguy cơ chiến tranh, tham vọng chiếm đoạt tài nguyên, lãnh thổ, bóc lột trá hình vẫn luôn hiện hữu. Thế giới có nhiều quy luật, trong đó có một quy luật là người giàu luôn làm giàu từ người nghèo, nước lớn luôn làm giàu từ các nước nhỏ. Thời đại ngày nay là thời đại của những thách thức càng ngày càng lớn. Không chỉ có kinh tế sụt giảm mạnh (ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng của thập niên này chỉ khoảng 2%) mà còn nguy cơ từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, từ nhiều thứ quái quỷ khác mà “con người thông minh” có thể nghĩ ra, trong đó có cả trí tuệ nhân tạo - rất có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại.
Nhà văn phải làm cho con người nhận thức rõ những thách thức đó, bồi dưỡng cho con người những phẩm chất mới để vượt qua thách thức, không thờ ơ, vô cảm trước những nguy cơ.
*
Với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, nhiều người tưởng rằng không còn Đảng Cộng sản, không còn CNXH. Thực tế, CNXH đang tươi xanh trở lại bằng sự thành công của nhiều nước theo mô hình này, trong đó có biểu hiện sáng đẹp từ hiện thực ở nước ta. Ngày 6-11-2024, một cuộc biểu tình của nhân dân Hy Lạp dưới sự lãnh đạo của Đảng CS Hy Lạp đã chặn đứng một đoàn xe bom và tên lửa hướng về U-crai-na với những khẩu hiệu đanh thép “Không chiến tranh”, “NATO hãy về nhà”.
Sự xanh tươi của CNXH ở nước ta là ở sức sống của chủ nghĩa Mác, ở sự kết hợp với tinh thần văn hóa Việt Nam, ở niềm tin của nhân dân vào con đường Bác Hồ đã chọn.
Người Việt định cư ở phương Nam (so với Trung Quốc) thật không dễ. Thiên tai, địch họa liên miên. Vậy mà người Việt lại yêu da diết vùng đất này đến tận cùng máu thịt. Như Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Như Phan Bội Châu đặt tên mình là Sào Nam, con chim làm tổ ở trời Nam. Như Nguyễn Văn Trỗi, xé băng bịt mắt để nhìn lại một lần nữa hình ảnh quê hương, đất nước trước khi bị bắn… Vì đất nước này chứa chất giàu đẹp và những giá trị nhân văn.
Văn hóa lúa nước sinh ra một người Việt là một người nông dân. Để giữ nhà, giữ nước, một người Việt sinh ra là một người lính.
Một truyền thống lâu đời của người Việt là “ngụ nông ư binh”, hòa bình thì cấy cày gặt hái; chiến tranh thì làm người lính, kể cả khi Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu, bầu ngòi/ Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Một ưu việt trong tính cách người Việt là ở tính cách nước, mà GS Cao Xuân Huy đã tổng kết. Nó vừa xiết bao mềm mại, uyển chuyển lại vô cùng mạnh mẽ, trong sự hòa hợp, trong sự đi tới không ngừng.
Là nhà văn Việt có nghĩa phải là người thuyết phục mọi người tin tưởng thời đại ngày nay chính là thời đại tươi xanh của CNXH, của sự cất cánh Việt Nam, bằng việc kết hợp CN Mác Lê-nin và tinh hoa văn hóa Việt Nam. Có lẽ không có xác tín ấy, không có gì để nói, để bàn.
*
Trong Lời cuối sách Quần thư khảo biện, Lê Quý Đôn viết: “Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có “một”. Chí lý thay chữ một. Lấy chữ một ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù có bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao đổi qua lại, mọi xem xét đánh giá vẫn đều rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy.”
Mượn ý của nhà bác học, tôi trả lời bạn tôi: Là người Việt Nam phải là người yêu nước, là người chiến sĩ. Đã là văn học Việt Nam, phải là văn học yêu nước. Là nhà văn Việt Nam, đương nhiên phải là nhà văn - chiến sĩ như cha ông ta nghìn xưa vẫn vậy.