Sáng tác

Lời giục giã của mùa xuân

Đỗ Trọng Khơi
Tản văn
07:00 | 14/01/2025
Baovannghe.vn - Tổ quốc - Đất nước - Non sông - Quê hương... là những từ thiêng liêng, cao quí nhất trong đời sống con người. Sông núi nước Nam vua Nam ở... Lời tuyên ngôn của nòi giống Tiên Rồng vang lên tư thế đại định, độc lập, tự hào.
aa

Sông là nước, núi là đất đá. Nếu ta chỉ nhìn chúng ở dạng vật thể, vật chất một cách tách chia đơn lẻ thì thấy chúng thật giản dị bình thường, thậm chí tầm thường như bao thứ vật thể vô tri, vô tâm, vô linh khác ở trên đời. Hãy tưởng tượng một viên đá lăn lóc ven đường, một hòn núi ở nơi nào đó vô tình bước lữ hành ta gặp; và nhìn xem một vũng nước, một con sông ở nơi xa lơ xa lắc xứ quê nào... Có gì thân thuộc lay động tâm can con người đâu nhỉ? Nhưng lạ lùng khi từ Sông và Núi kia được đặt bên nhau trong nghĩa Tổ quốc - Quê hương xứ sở thì xiết bao lay động lòng ta. Mắt ta bỗng rưng dòng lệ vui sướng hay hờn căm lo nghĩ khi Núi Sông có niềm biến đổi. Con người trước Núi Sông bao đời trong tình cảm hiến dâng. Lao động - Dựng xây - Hy sinh - Dâng hiến. Đã bao sức lực mồ hôi của con người đổ xuống cho cuộc xây dựng Sông Núi. Và đã bao dòng lệ, dòng máu thắm tươi đổ xuống vì sự trường cửu yên bình của Non Sông gấm vóc.

Chẳng phải vô cớ mà người xưa đã lấy chữ sông - núi để tượng hình cho xứ sở. Từ những dòng sông mà hình thành nên đất đai, bờ cõi. Đất gắn chặt với đời sống muôn loài trong việc quần cư, cộng sinh, mùa vụ. Còn “núi” trên mặt đất này, trong thế giới vật thể không gì to lớn, kỳ vĩ hơn núi.

Lời giục giã của mùa xuân
Dãy Hoàng Liên Sơn. Ảnh: internet

Những dải núi điệp trùng, những ngọn núi cao ngất đã hằng đời và sẽ mãi mãi còn ẩn giấu bí mật, thách thức ý chí con người. Núi chứa vô vàn bí ẩn mà núi cứ như không. Núi lớn lao, bền vững mà núi cứ như không. Cái tư thế “vô vi mà đại định" (thơ Thi Hoàng) núi hiện hữu giữa đời kia chẳng phải đáng tôn vinh, chiêm bái lắm ư? Chẳng đáng nêu làm biểu tượng của muôn đời, cho con người ta theo đấy mà nuôi ý chí, mà nương tình, định tâm an tính lắm ư?

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Câu ca dao này là người Việt Nam hẳn không ai không biết. Tình cảm tổ tiên đã mượn hình sông thế núi mà hát ru, truyền dạy đạo lý ở đời. Thái Sơn thì to lớn, suối nguồn thì vô tận vô cùng. Lại gặp một câu nói, cách xác định tâm thế của người xưa: Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thuỷ. Nghĩa là, người có đức nhân thì hợp tượng núi, người có đức trí thì hợp tượng nước. Núi thì tĩnh lặng, vững vàng. Nước thì lưu động, thấm thía vô cùng. Nước khi mạnh mẽ thì hoá ghềnh thác, hợp tụ lại thì thành biển cả mênh mông. Ấy vậy mà lại với không gì tế vi nhuần thấm hơn nước. Nước ẩn tàng vào cơ thể sống của mọi dạng vật chất ở chốn hoàn cầu này. Trong lòng núi đồi, trong ruột cây sắc lá, trên làn mây bay, tầng khí quyển, nơi tận cùng âm ti địa ngục thẳm sâu... Không đâu nước không có mặt mà nói lời quyết định sự sinh tồn. Chao ôi, với bao lẽ thiêng liêng, kỳ diệu vậy khiến cha ông ta đã mượn hình, cậy lượng, sở tình, dụng tính của Núi và Sông để lập thế an cư, định nghĩa trần gian này.

Ở quê hương xứ sở ta, sự gắn bó thiết thân máu thịt tình Sông- Núi với con người là vô cùng sâu nặng. Có ở nơi nào trên Hoàn cầu này đã ngàn đời lấy thế Núi - Sông làm luỹ thành phên dậu mà giữ gìn lấy đất đai Tổ quốc. Kia ải Chi Lăng, đèo Mã Phục, dải Hoàng Liên, Trường Sơn... từng vây khốn quân thù. Bao ngọn núi quê hương dâng tảng ngực trần uy nghiêm, bền gan, kiêu dũng che bom đỡ đạn, ngăn chặn bão giông. Dựa vào thế Núi mà giữ Đất. Núi đã được ông cha ta dùng trong nghĩa Núi Sông còn là do nghĩa vậy chăng? Và kia bến Bồ Đề, cửa Hàm Tử, dòng Đằng Giang, Hồng Hà, Cửu Long... đã bao đời nhuộm huyết do hồng quân giặc.

Lấy Núi làm Cha, Sông làm Mẹ. Núi ngăn bước thù, Sông trôi máu giặc. Núi che gió bão, Sông chở phù sa. Còn ở nơi nào nghĩa Núi - Sông gắn bó với con người hơn thế nữa. Hẳn là không xứ sở nào nghĩa Núi - Sông mang tính máu thịt hơn xứ sở mang danh Nam Quốc Sơn Hà thiêng liêng này...

Trong những giây phút đầu tiên của một mùa xuân mới, cảm xúc về quê hương, đất nước; ý thức về cội nguồn và hào khí dân tộc vốn đã thành căn cốt và tâm hồn mỗi người Việt Nam nói chung, và mỗi người cầm bút nói riêng, lại chợt như bừng thức trong những cảm xúc sáng tạo và tiếp nhận mới, để mỗi người từ đó lại náo nức xếp lại hành trang và mở lòng trong cuộc đồng hành cùng đất nước và dân tộc, trong lời giục giã hối hả của mùa xuân...

Văn nghệ, số 1+2/2013
Đón đọc báo Văn nghệ số 3/2025

Đón đọc báo Văn nghệ số 3/2025

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 3 ra ngày 18/1/2025 có các nội dung sau đây:
Đọc truyện: Tiếng gọi đêm cuối năm. Truyện ngắn dự thi của Bùi Thị Như Lan

Đọc truyện: Tiếng gọi đêm cuối năm. Truyện ngắn dự thi của Bùi Thị Như Lan

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết

Baovannghe.vn - Bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan)
Hội đồng Lý luận Trung ương: Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới

Hội đồng Lý luận Trung ương: Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới

Baovannghe.vn - Ngày 14/1, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương họp Kỳ thứ mười nhiệm kỳ 2021-2026 tổng kết năm 2024, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025
Trầu Gia Cát thơm ngát hương quê

Trầu Gia Cát thơm ngát hương quê

Baovannghe.vn - Từ nhiều trăm năm trước, làng Gia Cát đã nổi tiếng thiên hạ bởi có nghề trồng trầu không. Trầu Gia Cát là giống trầu quế là nhỏ, dày, màu xanh hanh hanh vàng, ăn giòn và thơm cay, được người tứ xứ rất ưa chuộng, như một đặc sản nổi tiếng, đã vào ca dao cổ.