Sáng tác

Con chó nhỏ bên đường - Trích đoạn sách của nhà thơ Czesław Miłosz

Nhà thơ Czesław Miłosz
Văn học nước ngoài
08:00 | 11/07/2024
Tập sách nhan đề "Con chó nhỏ bên đường" của nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz gồm những bài thơ, tiểu luận ngắn, những suy nghĩ về cuộc sống và nghề văn.
aa

Nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz (1911-2004), giải Nobel Văn chương 1980. Tập sách nhan đề Con chó nhỏ bên đường của ông gồm những bài thơ, bài tiểu luận ngắn, những suy nghĩ về cuộc sống và nghề văn. Viết & Đọc xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này.

Con chó nhỏ bên đường - Trích đoạn sách của nhà thơ Czesław Miłosz
Nhà thơ Czesław Miłosz - Ảnh: Internet

Tôi đi thăm quang cảnh trong vùng bằng một cỗ xe hai ngựa kéo chở theo nhiều thức ăn dự trữ cho ngựa và một cái xô sắt tây buộc sau xe kêu ầm ĩ. Cái xô cần để đựng nước cho ngựa uống. Trải ra trước mắt tôi khi là những quả đồi và cánh rừng nhỏ, khi là những làng mạc nằm giữa cánh rừng dày có những đụn khói cuồn cuộn bốc lên trên các mái nhà như thể trong nhà có đám cháy - đấy là vì những ngôi nhà gỗ ở đây không có ống khói. Hoặc là tôi đi giữa các cánh đồng và ao hồ. Thật là thích thú khi cứ đi như thế, thả lỏng dây cương, và chờ đợi từ dưới các hàng cây hiện ra một ngôi làng nhỏ hay một vườn hoa. Bỗng một con chó con sủa ăng ẳng về phía chúng tôi; nó đang hăng hái thi hành bổn phận của mình. Một thế kỷ đã khởi đầu, bây giờ nó đang đi về cuối. Tôi suy nghĩ không chỉ về những người đã từng sống ở đây, mà còn về các thế hệ con chó đã tham dự vào cuộc sống bận rộn hàng ngày, và một hôm không hiểu từ đâu - có lẽ là trong giấc mơ khi đêm về sáng - tự nhiên nảy ra cái tên gọi buồn cười và trìu mến này: “Con chó nhỏ bên đường”.

VÌ SAO XẤU HỔ?

Thơ là một việc xấu hổ, vì sự mở đầu của nó rất gần với những việc thường được gọi là thầm kín.

Không thể tách thơ khỏi sự nhận biết cơ thể riêng của mình. Nó vừa gắn với thể xác vừa lìa khỏi xác, bay lên đỉnh cao, làm ra vẻ thuộc về một cõi riêng, cõi tinh thần - vì thế đáng xấu hổ cho nó.

Tôi xấu hổ việc tôi là nhà thơ, cứ như là bị lột trần quần áo, phô ra trước công chúng khiếm khuyết cơ thể của mình.

Tôi ghen với những người không làm thơ và vì thế tôi coi họ là những người bình thường - tôi nhầm ở chỗ đó, vì ít người xứng với định nghĩa như thế.

CẢM THẤY TỪ BÊN TRONG

Trong quá trình viết có một sự biến hóa xảy ra: những tài liệu trực tiếp - chẳng hạn, ý thức như sự cảm nhận mình từ bên trong - cho phép hình dung những người khác cũng cảm nhận mình từ bên trong, nhờ đó tôi có thể viết về họ, chứ không chỉ về mình.

CA TỤNG CÁC VỊ THẦN VÀ CÁC ANH HÙNG

Ranh giới giữa thơ trong đó “cái tôi” kể về mình, và thơ “ca tụng các vị thần và các anh hùng”, không lớn, vì cả hai đều mô tả những nhân vật huyền thoại. Tuy nhiên…

CÓ CẦN PHẢI THẾ KHÔNG?

Nhà thơ này, người được giáo dục theo đức tin công giáo, cần phải dùng mỗi lời của mình khẳng định học thuyết của Nhà Thờ là đúng đắn. Nhưng ông ta không thể làm việc này, ngay cả nếu rất muốn, vì thơ có chiến lược của mình. Văn chương ở thời ông ta mang tính bất khả tri, đôi khi là vô thần, và khi viết những bài thơ vinh danh Chúa ông ta không thể nào bước được lên con đường đúng, mà chỉ xứng danh tiếng của một nhà thơ hạng hai.

SỰ NGHÈO NÀN CỦA TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

Trí tưởng tượng của mọi người cũng hạn chế như tri thức của họ. Đó có phải là sự xói mòn trí tưởng tượng tôn giáo của chúng ta do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật không? Có thể, nhưng ta hãy xem xem điều này đã xảy ra như thế nào vào thời Trung đại. Trước cả khi Dante tạo ra Địa Ngục, đã có những sự miêu tả khác nhau về vực thẳm địa ngục; chúng mang tính giáo huấn, nhưng với chuỗi hình ảnh rất nghèo nàn. Và sẽ là vô ích nếu đi tìm giữa họ một cái gì giống như những tưởng tượng của Hieronymus Bosch (1450-1516, họa sĩ Hà Lan).

THẦN HỌC, THƠ CA

Những cái chạm đến chúng ta sâu nhất: sự ngắn ngủi của kiếp người, bệnh tật, sự nhỏ nhoi của các ý kiến và quan điểm - không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ của thần học, bộ môn nhiều thế kỷ qua đã đưa ra những câu trả lời tròn trịa và trơn phẳng giống như những hòn bi dễ lăn nhưng thực tế không xuyên thấu được. Cái chủ yếu nhất trong thơ thế kỷ XX: nó muốn nói đến điều chính yếu trong sự tồn tại của con người và tương ứng với điều này là tạo ra một thứ ngôn ngữ của mình mà thần học có thể dùng hoặc không dùng.

KHIẾM KHUYẾT

Thơ cũng như mọi nghệ thuật khác - là sự khiếm khuyết nhắc cho các cộng đồng người rằng chúng ta không khỏe mạnh đâu, dù là rất khó để thừa nhận điều này.

TÍNH TRẺ CON

Nhà thơ là đứa trẻ giữa đám người lớn. Hắn biết mình như trẻ con nên thường xuyên giả vờ như tham dự vào các việc của người lớn.

Khiếm khuyết: cảm thấy trong mình một đứa trẻ, tức là một sinh vật mang cảm xúc ngây thơ, không ngừng bị người lớn chế nhạo, châm chọc.

KHÔNG PHẢI VIỆC ĐÀN ÔNG

Người ta cho rằng làm thơ không phải là việc đàn ông. Làm nhạc hay làm họa thì ít bị phàn nàn hơn. Cứ như thơ nhận về mình sự căm ghét đối với tất cả các nghệ thuật bị ngầm buộc tội là yếu đuối.

Trong các bộ lạc làm những việc quan trọng, tức là đánh nhau hay kiếm thức ăn, nhà thơ được gán cho vai trò của anh hề, thầy mo đọc thần chú để giữ gìn, chữa trị hoặc gây hại.

GIỐNG CỦA THƠ

Thơ thuộc giống cái. Chẳng lẽ nàng thơ lại không phải là phụ nữ? Thơ tự mở ra và đợi người sáng tạo, thần linh, ma quỷ.

Có lẽ, Janna đã đúng khi nói cô không biết một ai có tính nhạc cụ như tôi, tức là thờ ơ với mọi giọng, giống như một nhạc cụ. Tôi nhận về mình cái bối rối của đứa trẻ giữa người lớn, của người bệnh giữa người khỏe, của kẻ nam mặc quần áo nữ giữa đám đàn ông. Người ta tấn công tôi, buộc tội tôi thiếu ý chí đàn ông, không biết nhận ra mình. Nhưng sau đó tôi phát hiện ra ở họ, những người được cho là can đảm và khỏe mạnh, điều mà tôi nghi ngờ: một chứng rối loạn thần kinh bị đè nén quá lâu đến nỗi nó biến thành điên loạn.

SỨC MẠNH CỦA TỪ NGỮ

“Cái không được nói ra là không tồn tại”. Thật kinh ngạc: bạn nghĩ về vô số sự kiện của thế kỷ hai mươi cùng những người tham gia vào đó và bạn hiểu rằng bất kỳ sự kiện nào trong đấy cũng xứng một bản anh hùng ca, một vở bi kịch hay một bài thơ trữ tình. Vậy mà chúng tan đi hết, chỉ để lại một vết mờ khó nhận ra. Có thể nói rằng ngay đến cả một cá nhân sung mãn, mạnh mẽ nhất, hoạt động nhất cũng chỉ là cái bóng so với một vài lời mô tả tinh tế, chính xác, chẳng hạn trăng lên.

QUẦN ÁO

Những cái áo choàng ngắn, những chiếc cà vạt kiểu Lavallière, những chiếc mũ đen rộng vành - bộ đồng phục của bohemia. Hoặc tóc buộc đuôi ngựa, chòm râu, quần jean, áo len đen. Những người, với sự giúp đỡ của quần áo, muốn chứng minh rằng họ là nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ. Không thích bộ đồng phục độc thân đủ tự tin vào giá trị do họ tạo ra để có thể bỏ qua những sự trang trí bề ngoài. Còn thành thật hơn cả là không che giấu nghề nghiệp của mình dưới vỏ bọc của những người bình thường: hãy xem, chúng ta đang phô ra cho mọi người thấy sự nhục nhã của những kẻ biến thái và những kẻ điên.

KHÁT VỌNG TỚI ĐÍCH

Để làm được một cái gì cần phải dâng hiến toàn bộ cho cái đó - những người thân thậm chí không thể hình dung ra một sự hy sinh như thế. Nó hoàn toàn không chỉ là khối lượng thời gian bị mất đi. Nó còn là vô số những mưu chước cảm xúc, là sự biến đổi dân dần toàn bộ con người cá nhân của mình, dường như một mục đích cao cả nằm ngoài ý chí và tri thức đã kéo đi theo một hướng và tạo nên số phận.

BỔN PHẬN VIẾT

Đây, tác phẩm đã viết xong. Nếu như mọi người biết được nó đã phải đổi bằng một giá thế nào… Họ chấp nhận nó không? Có quay đi vì thấy kinh sợ? Nhưng mà hắn, kẻ sáng tạo, một khi nào đó chỉ có một linh cảm mơ hồ là hắn đang ký một bổn phận. Và sự thật, đã không có cái phút khi mà ngòi bút rớm máu ngón tay bị cắt, chậm lại trước khi đặt chữ ký, khi mà vẫn còn có thể nói “không”.

NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC SỐNG

Giải thích thế nào mối liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống? Chẳng hạn, nhà văn tạo ra bức chân dung tâm lý về người anh hùng mà ở một mức độ lớn là dựa trên những gì hắn biết về mình. Nhân vật giống nhà văn, và hành động xấu xa của anh ta liên quan đến người thân có thể cảnh báo nhà văn, khuyến khích anh ta cư xử khác đi. Làm thế nào hắn không thấy rằng nhân vật này là chính hắn, rằng hắn thể hiện mình không phải dưới ánh sáng tốt nhất? Sự tự chủ của nhân vật được tạo ra, cho phép bay lên trên cuộc sống của người tạo ra nó, giống như quả bóng bay bị đứt dây, là do đâu mà có?

Những bức tranh về cảnh say do những người nghiện rượu không thừa nhận mình là nghiện vẽ ra, sự mô tả tính keo kiệt do những kẻ keo kiệt coi mình là hào phóng viết ra, những bức chân dung của những lão già hảo ngọt không ngờ rằng mình đã già và hảo ngọt dựng nên. Hoặc những lời ca ngợi về tình yêu thuần khiết và cao cả được viết bởi những kẻ bẩn thỉu, sự tôn vinh những chiến công anh hùng bởi những kẻ hèn nhát, sự ca ngợi lòng trắc ẩn do những kẻ hết sức ích kỷ phung phí.

CỘNG ĐỒNG CỦA CHÚNG TA

Sự ganh tị của các nghệ sĩ. Mặc dù trông buồn cười nhưng cảnh tượng không vui. Mỗi người đều sẵn lòng dìm chết bạn nghề. Anh quan sát việc này nhiều năm và không thể dứt khỏi những ý nghĩ đen tối. Nó gợi nhớ tới bức tranh cuộc sống con người, chỉ khác là khi đấu tranh vì cuộc sống, tiền bạc, tình yêu, sự an toàn, người nghệ sĩ chiến đấu vì những lợi ích trần thế nhìn thấy được ở đây và bây giờ, còn như vinh quang của bản trường ca hay bức tranh với những nét vẽ trên đó thì ở mức độ lớn là mang tính trừu tượng, bởi vì khi con người chết đi rồi cái vinh quang ấy chẳng để làm gì. Sự khen ngợi một thành công nào đó là tấm gương nịnh bợ, còn sự chê bai là tấm gương cong, qua đó những đường nét vốn không phải là xấu trở nên quái dị.

Điều tương tự cũng xảy ra trong quan hệ lẫn nhau của đàn ông và phụ nữ: tranh giành, thành công và bi kịch, và bao giờ cũng chỉ một điều: cái chính là suy nghĩ về mình, về sắc đẹp của mình, về sự hấp dẫn, nam tính, v.v...

SỰ HẠN CHẾ

Kiến thức của tôi không nhiều, não thì ngắn. Tôi cố hết sức học và đọc thật nhiều sách nhưng không ăn thua. Sách ở nhà tôi đầy giá, đầy sàn, đầy ghế, choán cả lối đi. Lẽ dĩ nhiên tôi không bao giờ đọc chúng nhưng mắt thì cứ tham lam lướt qua các tên sách mới. Nhưng nếu đúng ra thì bạn không phải lúc nào cũng cảm thấy sự hạn chế của mình: chỉ đôi khi bạn mới chợt nhận ra trí tưởng tượng của mình thật hẹp, xương sọ quá dày ngăn đầu óc bao quát được những cái lẽ ra nó phải có được. Lẽ ra tôi phải biết mọi việc xảy ra bây giờ ở mỗi xó xỉnh quả đất, biết ý nghĩ của những người sống cùng thời mình, của những người trẻ hơn mình vài ba thế hệ, cũng như của những người sống hai hoặc tám nghìn năm về trước. Lẽ ra là phải thế.

CẶP MẮT

Người thao tác: Anh nhìn đi. Tôi cho anh một phút có khả năng nhìn bông hoa sen cạn bằng mắt của con bướm và trở thành bướm. Cho anh nhìn đồng cỏ bằng mắt của kỳ nhông. Sau đó tôi cho anh cặp mắt của những người khác để anh nhìn một thành phố thôi nhưng theo những cách khác nhau.

Phải thú nhận là tôi quá tự tin. Sự tương đồng giữa các đường phố của thành phố này đối với tôi và chúng đối với những người đang đi bên tôi trên cùng một hè đường là không lớn. Và nếu như tôi còn tin rằng không có gì cả ngoài một tập hợp những ấn tượng và hình ảnh mang tính cá nhân không liên quan gì với nhau! Nhưng tôi đi tìm một chân lý duy nhất cho tất cả mọi người và hiện ra như nhau cho mỗi người, vì thế cái hiện ra với anh là thử thách và cám dỗ thì với tôi cũng là thế.

MẤT KIỂM SOÁT

Hắn không kiểm soát được các ý nghĩ của mình. Chúng cứ chạy lung tung và khi đuổi theo chúng hắn cảm thấy sợ hãi. Các ý nghĩ này không tốt lành và dường như trong chúng có sự độc ác. Hắn nghĩ thế giới quá là sầu thảm và mọi người chỉ xứng bị tuyệt diệt. Đồng thời hắn lại ngờ là có mối liên hệ nào đó giữa trí tưởng tượng độc ác và xung lực sáng tạo.

TÌM KIẾM

Ai cũng nghĩ hẳn phải có một văn bản phản ánh theo cách nào đó thực chất cái hoàn cảnh quái đản ở thế kỷ này. Anh đọc các nhật ký, hồi ký, phóng sự, tiểu thuyết, thơ ca – luôn với hy vọng và luôn với một kết quả: không phải cái đó. Chỉ có một ý nghĩ rụt rè hiện ra: sự thật về số phận của con người trên trái đất không phải là cái mà ta đã được dạy. Thậm chí ta còn hãi hùng tìm cách gọi tên nó.

PHIÊN TÒA

Hậu quả các hành động của chúng ta. Hoàn toàn không lường trước được - bởi vì những hành động của chúng ta bằng những cách rất khác nhau là gắn với các hoàn cảnh và hành động của những người khác, dù có lẽ dùng một cái máy tính hoàn hảo thì có thể tính được các hậu quả. Và với xác suất may rủi - vì làm sao tính được một viên bi-a va vào một viên khác sẽ chuyển động thế nào? Tuy nhiên có thể khẳng định rằng không có gì xảy ra ngẫu nhiên cả. Thế này hay thế khác thì khi đứng trước bản tổng kết được tính toán chính xác của cuộc đời mình (Ngày Phán Xử Cuối Cùng) cũng có lý do để bàng hoàng: sao tôi lại phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều ác đi ngược lại ý tôi? Sao ở đĩa cân bên kia lại có điều tốt mà tôi không có ý định tạo ra và cũng không ngờ tới?

ANIMA

Hắn luôn viết về các phụ nữ. Điều đó nghĩa là gì: cái anima bao năm bị đè nén đang đòi được thoát ra, dù là muộn màng? Hay đó là tiềm thức của hắn từ trước đến nay chỉ được tự do trong thơ, giờ đóng vai trò một nữ bác sĩ dịu dàng mà trước khi đụng vào cơ thể phải cởi bỏ hết mọi đồ đạc trên người hắn?

NHỮNG BÀ GIÀ

Những ông già bà già vẹo vọ, đặc biệt là những bà già chống gậy, chân đi lê lết xiêu vẹo. Thân hình từng một thời đẹp đẽ, mềm mại, đã phản bội họ, nhưng người nào cũng vẫn ngạc nhiên tự hỏi: “Mình đây ư? Không đời nào!”

Ý THỨC LÀ ĐỦ CHĂNG

Hồi nào tôi cảm thấy chỉ cần có ý thức là đủ để tránh được sự lặp lại, tức là tránh được số phận như ở những người phàm trần khác. Điều đó là vớ vẩn. Nhưng bản thân sự tách biệt ý thức khỏi cơ thể, sự thừa nhận sức mạnh ma thuật của nó - biết đủ để say mê - thì không phải là quá ngu ngốc.

ĐẶT MÌNH VÀO CHỖ TẠO HÓA

Nếu anh được ban cho quyền lực sáng tạo ra thế giới một lần nữa, anh sẽ nghĩ đi nghĩ lại mãi, cho đến khi rốt cuộc anh phải kết luận rằng anh không tài nào nghĩ ra được một thế giới nào tốt hơn thế giới hiện có. Hãy ngồi trong một quán cà phê và nhìn những người đàn ông đàn bà đi ngang qua. Vâng, đồng ý, đó có thể là những sinh vật thanh tao, không phải khuất phục thời gian, bệnh tật và cái chết. Nhưng nguyên nhân của sự giàu có vô hạn, sự phức tạp rắc rối, sự phong phú đa dạng nơi trần thế chính là ở sự mâu thuẫn vốn có của nó. Lý trí sẽ không hấp dẫn đến thế nếu nó không phải là tất cả những gì gợi lại mối liên hệ chặt chẽ của nó với vật chất: lò mổ, bệnh viện, nghĩa trang, phim khiêu dâm. Và ngược lại: những nhu cầu sinh lý sẽ chỉ còn là hành động thú vật nếu không có lý trí chơi đùa, bay bổng trên chúng. Sự mỉa mai, thành tố của ý thức, không thể phó mình cho công việc yêu thích của mình - theo dõi cơ thể. Giống như Đấng Tạo Hóa, mà hiện giờ người ta đang nghi ngờ những nguyên tắc đạo đức của Ngài, đã tuân theo trước hết ý muốn làm cho thế giới trở nên thú vị và vui nhộn nhất có thể.

SỰ CHÚ TÂM

Theo cuốn sách của một nhà sư tôi đang đọc thì bản chất của Phật giáo là mindfulness. Từ này có thể dịch là sự tập trung hay chú tâm. Ý nghĩa là thế này: phải chú ý đến cái đang tồn tại hiện giờ chứ không phải đến cái đã qua hay chưa tới. Đây là sự giải thoát cho những ai đang đau khổ lương tâm, đang dằn vặt với những chuyện đã qua, là sự cứu rỗi cho những người đang băn khoăn, sợ hãi hình dung chuyện mai này. Mong cho thơ tôi giúp được bạn đọc sống trong thời hiện tại. Mong cho tôi là một con người được chữa khỏi những bệnh tật của ký ức.

SỰ THAY THẾ

Hắn sửng sốt và ghen tị, nhưng không phải với những người giống hắn, hiến mình cho nghệ thuật. Đi lại trên mặt đất bên cạnh hắn là những bậc thánh anh hùng vĩ đại vì lòng nhân từ, sự đồng cảm và tình yêu. Họ có cái mà hắn thiếu nhất và đó là điểm hắn giống các bạn nghề của mình, những người làm nghệ thuật. Bởi hắn biết: nghệ thuật đòi phải hiến dâng toàn bộ, mà điều đó chao ôi nghĩa là phải dâng “cái tôi” của mình làm nô lệ. Khi thấy mình có cái giống như là tính ích kỷ trẻ con, hắn tự an ủi bằng ý nghĩ rằng giữa những người cùng nghề hắn không phải là ngoại lệ, rằng tất cả bọn hắn đều có chung một thói tật - thiếu tính người.

Nếu tôi sinh ra đã là thế thì mọi cố gắng thanh tẩy và giải phóng đều vô ích - hắn nói - thôi thì ít ra cái tôi tạo ra sẽ chuộc lại sự yếu đuối của tôi và giúp vinh danh vẻ đẹp của tâm hồn con người.

THỜI KHẮC ĐẶC BIỆT

Một thời khắc đặc biệt trong lịch sử nhiều thế kỷ của tôn giáo! Theo ý Thiên Khải những sự thuyết giáo và các luận văn thần học đã mất đi sự sắc bén của mình và chỉ còn lại thơ như một công cụ ý thức của con người đang suy tư về điều chính yếu nhất. Biết bao nhà thơ đã thấy ra căn cốt công việc ủ mình trong câu châm ngôn của Simone Weil (nhà triết học Pháp): “Sự tập trung tuyệt đối, không pha trộn chút gì, đó là lời kinh cầu nguyện”. Như vậy, nền văn minh buông thả bị các cha tinh thần và nền nghệ thuật của mình lên án đã có khả năng mang lại món quà đức tin.

TRÍCH DẪN

“Nhà thơ nữ Jill Valentine có nói trong một lần phỏng vấn: “Tất nhiên, thơ là lời kinh cầu nguyện. Chúng ta còn có thể hướng đến ai được nữa?”. Tôi rất muốn đồng ý với bà, nhưng tôi không chắc mọi điều đơn giản thế. Nền tảng của thơ có cái gì đó không thuộc về trần thế. Trong các nền văn hóa truyền miệng thời xưa cũng như trong văn hóa thời nay của chúng ta, mọi người phú cho thơ quyền nói lên chân lý về cuộc sống và cái chết, những chân lý mà không dùng cách nào khác đạt tới được. Ở nước Mỹ hiện nay thơ mang lại cho nhiều người - trong đó có các nhà thơ - niềm an ủi mà họ không tìm thấy trong tôn giáo truyền thống.

(Nhà thơ nữ Kathleen Norris. "Manoa. A Pacific Journal of International Writing", 1995).

SỰ ẤM ÁP

Cuộc sống nhất thời của cộng đồng các họa sĩ, nhà văn và học giả này là một sợi dây nối kết mỏng mảnh của các xung đột, tình bạn, các liên minh phòng thủ tấn công và trên hết là của các tin đồn về những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống riêng tư của ai đó. Việc đắm chìm vào sự nhất thời này bao trùm đến độ bản chất đặc biệt của giờ phút đó bị bỏ qua. Chỉ dòng chảy thời gian mới làm lộ ra đặc điểm này và khi đó chỉ còn biết ngạc nhiên thôi. Đột nhiên, vào một ngày đẹp trời, trên những khuôn mặt từng quá quen thuộc hiện ra dấu vết của những năm tháng đã sống qua; chúng nhăn nheo, úa tàn, đầu bạc đầu hói trông thấy rõ. Đi kèm với cảnh tượng đáng buồn này là điều vụt hiểu: phải, sự căng thẳng của cuộc sống được hỗ trợ chỉ bởi sự tham gia của thể xác và hơi ấm động vật của những người đàn ông và phụ nữ - những cá nhân và cũng là những cơ thể. Khi năng lượng sống và bức xạ của nó bị suy yếu, thì cái lạnh của thời kỳ băng hà đang đến sẽ trở nên rõ rệt. Bức tường khổng lồ của nó tiến đến gần không thể gì cản nổi, đè bẹp thỏ, ếch, con người với những thứ nực cười của chúng. Sau đó, chỉ còn lại lịch sử của nghệ thuật, khoa học và văn học. Thực ra, không thể tái tạo được gì hết, và các gã khoa học chỉ gắng công vô ích đào bới đến những chi tiết nhỏ nhất. Chỉ có một vài cái tên sẽ còn lại cùng một câu hỏi mà ngay từ đầu đã biết là không có câu trả lời: tất cả những cái này đã biến đi đâu?

CÁI ĐÓ

Cứ như thể tất cả cái có sẵn này - được làm đến từng chi tiết nhỏ nhất - đã đợi ngay ở đây, bên cạnh, trong một tầm tay với, và nếu tôi cầm lấy cái đó thì không phải tôi câu được một cái gì từ cõi hư vô vây bủa xung quanh, mà dường như tôi chỉ việc lấy một vật đã có sẵn từ trên giá xuống.

PHÁT HIỆN

Họ không hiểu sao nhà thơ này lại có thể viết những câu thơ vừa trơ trẽn vừa ái quốc, ca ngợi chính quyền đồng thời lại mạt sát nó. Vì sao hắn tỏ ra khi thì là người có đạo khi lại là kẻ hoài nghi, khi rất hân hoan khi lại rất bi quan. Nhưng tất cả những cái đó diễn ra vào cái thời khi cá nhân được coi giống như lâu đài hoặc pháo đài, từ đó diễn ra những cuộc đột nhập vào thế giới.

Sau mới hóa ra nền văn minh của con người là một tập hợp những giọng nói đan vào nhau, là một dàn nhạc trong đó mỗi người lần lượt là một nhạc cụ khác nhau. Như thế sự suy yếu của vật chất, sự hoài nghi mọi bản chất, sự luyến tiếc xứng đáng và thậm chí cái được mệnh danh là “cái chết của con người” đã mở ra cho chúng ta thấy một chiều đo mới của cái Theatrum không ngừng đổi khác.

HÀNH ĐỘNG VÀ LÒNG NHÂN TỪ

Tất nhiên, hy vọng sự Cứu Chuộc đã mờ nhạt, suy yếu đến nỗi không có hình tượng nào đi kèm với nó. Vì thế ngay cả khi anh tự nhủ: “Nếu tôi muốn cứu chuộc linh hồn mình thì tôi cần phải từ bỏ những cái thân thiết với tôi - từ bỏ sự sáng tạo, các quan hệ tình yêu, quyền lực, các cách thỏa mãn sự hiếu danh” - thì cũng rất khó để quyết được thế. Thời xưa, khi Cứu Chuộc nghĩa là thiên đường và thiên sứ mang cành cọ, còn phán xử là đau khổ đời đời trong lò lửa Địa Ngục thì hình như mọi người có động lực mạnh hơn hướng tới cái thiêng và giảm bớt những ham muốn vô độ của mình. Nhưng nay còn đâu! Họ đã giết người, ngoại tình, chiếm đất lân bang và thèm khát vinh quang. Rõ ràng, ở đây có cái gì không phải vậy. Có thể cái Thiên Đường như thấy trước mắt được hứa hẹn cho các tín đồ Hồi giáo ngã xuống trong cuộc chiến với dân ngoại đạo đã làm tăng thêm tinh thần chiến đấu, nhưng nói chung cuộc sống trần thế và tư tưởng Cứu Chuộc có lẽ là những hiện tượng khác loại không gắn với nhau theo nguyên tắc đối lập trực tiếp.

Không loại trừ Martin Luther đã ngụ ý điều này khi ông cho rằng sự Cứu Chuộc phụ thuộc không phải vào các hành động, mà vào lòng Nhân Từ của Chúa.

Nguyên Xuân (dịch từ tiếng Nga)

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Bạn đọc nói về Viết & Đọc Người viết với chuyên đề Viết & Đọc Hải âu lạc lõng - Truyện ngắn của Đào Quốc Minh Thơ Rodica Marian (Romania) Thơ Raymond Carver
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...