Diễn đàn lý luận

Mikhail Vizel: Nhà văn rất thiệt thòi khi thiếu các nhà phê bình

Trần Hậu
Chuyện văn chuyện đời
11:02 | 30/07/2024
Baovannghe.vn - Phê bình với tư cách là một thể loại, cũng như các nhà phê bình, hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hơn bao giờ hết, bạn đọc cần định hướng
aa
Mikhail Vizel: Nhà văn rất thiệt thòi khi thiếu các nhà phê bình
Nhà phê bình văn học Mikhail Vizel

* Xin ông cho biết hiện nay phê bình đóng vai trò gì trong tiến trình văn học?

- Ở mọi thời đại, phê bình văn học luôn luôn đóng vai hoa tiêu trên hành trình văn học. Đây là sự khác biệt giữa nhà phê bình văn học và nhà bình luận văn học, hay nói đúng hơn là nhà bình luận sách, người đóng vai trò hướng dẫn viên, cùng đồng hành với độc giả và chỉ cho anh ta những điều cần lưu ý.

Ở mọi thời đại, hai nghề giáp ranh này cùng song song tồn tại, nhưng ở những thời đại khác nhau, tỷ lệ của chúng khác nhau. Dưới thời Xô viết, khi sách ít và bất kỳ cuốn sách nào hay một chút cũng không cần quảng cáo, mà chỉ cần hiểu nó là gì và liên quan như thế nào đến nền văn học đương đại thế giới, thì có nhiều nhà phê bình hơn và họ có thể sống được bằng nghề phê bình. Do chưa có Internet và không tiếp cận được với các nguồn thông tin trong và ngoài nước, nghề phê bình đòi hỏi một trình độ chuyên môn cực kỳ cao, khó có thể chen chân vào đẳng cấp này, lĩnh vực này, nhưng đã vào được rồi thì có thể sống rất tốt, thậm chí không cần phải quá giả dối và hành động trái với lương tâm. Hiện nay sách rất nhiều, cần phải nói về chúng và và giúp định hướng trong đó, còn việc hiểu biết chúng, tiếc thay, là vấn đề thứ yếu.

* Theo ông, phê bình văn học theo phong cách của Vissarion Belinsky hiện nay có khả thi không, khi nhà phê bình đóng vai kẻ bề trên của nhà văn và dạy bảo anh ta?

- Có, nhưng để làm được điều đó, nhà phê bình phải có năng lực ngoài phê bình, anh ta còn phải là một người khác. Trước hết anh ta phải là một nhà văn nổi tiếng. Các nhà văn Nga đương đại như Akunin hoặc Prilepin có thể đảm đương được vị trí này. Nếu một số ngôi sao nào đó của giới showbiz muốn phát biểu về văn học, thì họ cũng sẽ được lắng nghe. Nhưng tôi chưa thấy nhà phê bình nào, giống như Munchausen (nhân vật trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nam tước Münchhausen” của nhà văn Đức Rudolf Erich Raspe), tự nắm tóc mình nhấc mình lên, tự tạo danh tiếng cho bản thân nhờ phê bình văn học.

* Các nhà văn có bị thiệt thòi vì không thể đối thoại với nhà phê bình không?

- Tất nhiên, nhà văn, nếu họ là những nhà văn đích thực, chứ không phải những kẻ hám danh, rất thiệt thòi khi thiếu các nhà phê bình, giống như một vị thuyền trưởng giàu kinh nghiệm thiếu hoa tiêu... Sự đối thoại giữa nhà phê bình đương đại với nhà văn đương đại thực sự vẫn tồn tại, nhưng đây là công việc mang tính chất cá nhân, nội bộ.

* Có hay không quá trình chuyên môn hóa của các nhà phê bình trong một thể loại văn học nào đó?

- Tất nhiên, quá trình này diễn ra như một phần của quá trình phân lập, phân tầng chung hơn của văn hóa, và nói rộng hơn, là của xã hội. Có những nhà bình luận chỉ chuyên về văn học kinh dị, hai mươi năm trước điều này rất khó hình dung: không có đủ văn học kinh dị để đi chuyên sâu về nó. Hoặc các nhà phê bình chuyên về văn học viễn tưởng cũng đang cảm thấy tuyệt vời trong lĩnh vực của mình ... Vâng, quá trình phân chia chung đang diễn ra.

Mới đây, tôi vừa đọc trên facebook "bài kiểm tra trình độ văn hóa" từ một tạp chí Liên Xô cách đây 50 năm. Theo đó, bạn không thể coi mình là người có văn hóa nếu không biết 5 tác phẩm văn học đương đại, 5 bản giao hưởng của Beethoven hay Dvořák. .. Hiện nay, một người rất am hiểu văn học, có thể hình dung một cách mơ hồ về Dvořák và không hề băn khoăn về điều đó. Không cần phải giữ trong đầu tất cả các bản giao hưởng của Dvořák, vì chỉ trong vài giây bạn có thể tìm thấy chúng trên Google, Wikipedia hoặc YouTube. Khả năng này đang bù lại cho sự phân tầng ngày càng tăng.

* Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các blogger? Điều này liên quan gì tới phê bình truyền thống, báo chí, bình luận văn học?

- Đang xuất hiện một lực lượng thứ ba như thế. Xin đơn cử một ví dụ từ lĩnh vực khoa học tự nhiên: hàng trăm năm nay, các nhà vật lý giải thích rằng có ba trạng thái vật chất là lỏng, rắn, khí, nhưng vào thế kỷ XX, họ đã xác định được trạng thái thứ tư của vật chất - huyết tương, và đây là một cái gì đó hoàn toàn khác biệt. Blog cũng giống như vậy: nó chẳng phải cái này, mà cũng chẳng phải cái kia. Và các nhà văn, nhà xuất bản, nhà tiếp thị và những người làm PR cần phải tính đến cái lực lượng ngày càng lớn mạnh này.

Ở đây hoàn toàn không có gì mới. Khi sách nói bắt đầu bùng nổ, ban đầu tôi cảm thấy hoảng hốt. Tôi là người hoàn toàn không yêu bằng tai, tôi yêu bằng mắt, về mặt này, tôi là một người rất cổ. Nhưng sau đó tôi nghĩ rằng ở đây không có gì mới, nó đưa chúng ta trở lại kỳ tiền Gutenberg, khi sách ít, rất đắt và hiếm, những người biết chữ lại càng hiếm và đọc thành tiếng là chuyện bình thường. Một phụ nữ quý tộc ngồi thêu với những người hầu gái của mình, và một người trong số họ đọc to lên một cuốn tiểu thuyết cho mọi người cùng nghe.

Khi ai cũng biết đọc biết viết, hiện tượng này biến mất, nhưng rồi nó lại quay lại dưới một hình thức khác, dưới dạng sách nói. Viết blog cũng vậy. Khi mọi người ai cũng biết đọc biết viết, thì việc một bác thợ tiện hay thợ cày có thể phát biểu ý kiến của mình dường như không thể chấp nhận được đối với những nhà trí thức khoa bảng cha truyền con nối nhiều thế hệ học tập ở các trường đại học. Không sao cả, mọi người đã quen với điều đó, mọi người đã học được cách phân biệt đâu là ý kiến của một viện sĩ và đâu là của bác thợ cày, và ứng xử phù hợp. Rồi chúng ta cũng sẽ học được cách phân biệt chúng và cùng tồn tại trong “dàn hợp xướng” này.

* Xin ông cho biết, đâu là ranh giới giữa thiện cảm của nhà phê bình đối với một tác phẩm mà anh ta có thể khen ngợi, giới thiệu với độc giả, và sự quảng cáo thiếu khách quan cho cuốn sách? Nhà phê bình có nên lúc nào cũng phê phán không?

- Từ “phê bình” trong tiếng Nga có hai nghĩa: phân tích và phê phán. Chúng gần như đồng nghĩa, nhưng dù sao vẫn có sự khác nhau. Tất nhiên, nhà phê bình không nhất thiết phải là một người hay phê phán. Những người dành thời gian và sức lực, thậm chí cả cuộc đời, để viết về sách của người khác, vốn rất yêu sách. Và dĩ nhiên, khi họ thích công việc đọc sách, thì nghĩa là họ yêu mến những người cho phép họ làm điều đó, tức là các nhà văn. Đây là tình cảm chân thành, hoàn toàn không vụ lợi.

Khi bạn làm công việc này một thời gian dài, khi bạn là dân phê bình và quen biết các nhà văn, tất nhiên không thể nói rằng bạn luôn giữ được sự công bằng, nhưng là những con người trưởng thành, những nhà trí thức, chúng ta lưu ý điều đó.

* Nhưng dù sao, ngoài việc chuyên môn hóa theo các thể loại văn học, giữa các nhà phê bình vẫn có sự phân hóa về quan điểm chính trị. Điều đó được thể hiện như thế nào?

- Vâng, tôi rất buồn khi phải thừa nhận rằng có hiện tượng đó ... Dù sao, chúng ta là những người lao động trí óc. Tiếc rằng chúng ta khác nhau, và không phải ai cũng phân biệt rõ ràng giữa cái riêng tư và nghề nghiệp. Tôi buồn lòng nhận thấy điều đó khi đọc một số tác phẩm ... Tính đảng trong văn học vẫn tồn tại, chúng ta không những phải đấu tranh chống lại hiện tượng đó mà còn phải giáo dục cho các thế hệ mới kỹ năng phân tích tác phẩm của người khác một cách khách quan. Đây là một trong những nhiệm vụ của giảng dạy văn học. Tôi hy vọng các nhà phê bình sẽ có cách tiếp cận chuyên nghiệp khi phân tích tác phẩm.

* Theo ông, nhà phê bình có thể trở thành nhà văn không?

- Một nhà phê bình trở thành nhà văn giống như một bác sĩ phụ khoa đẻ con: cái gì anh ta cũng biết, cũng hiểu, nhưng khi áp dụng cho bản thân thì... Cuốn sách mới của tôi có nhan đề Pushkin. Làng Boldino. Ký sự về tự cách ly năm 1830. Nó gồm các bài báo của tôi, dựa trên 19 bức thư Pushkin gửi từ làng Boldino cho vị hôn thê của mình Natalya Goncharova, bạn bè và đồng nghiệp của ông mùa thu năm 1830, khi nhà thơ cách ly dịch tả ở đây. Đầu tiên, tôi giới thiệu bản gốc bức thư, sau đó, nếu cần, bản dịch của nó từ tiếng Pháp, sau đó là lời bình của tôi: ý của Pushkin là gì, ở đây nhà thơ muốn ám chỉ điều gì, v.v... Chẳng hạn, tại sao Pushkin, nhà thơ Nga số một, lại chỉ viết một bức thư bằng tiếng Nga cho vị hôn thê của mình? Cuốn sách này là của tôi, tên tôi ở trên bìa, nhưng nó dựa trên những nghiên cứu văn học và tình yêu dành cho Pushkin, một sự kết hợp giữa phân tích và cảm nhận. Vì vậy, con đường của nhà phê bình, thông thường, đi qua văn học phi hư cấu, phía sau nó dễ ẩn nấp hơn, từ đó dễ xuất phát hơn. Còn tiếp theo là bơi tự do.

Trần Hậu (Theo Kultura.ru) | Báo Văn nghệ

Giám tuyển ACE LÊ: Nhà đầu tư nước ngoài đang nhanh chân hơn Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời Doanh thu ngành công nghiệp K-pop ở nước ngoài lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ won
Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Baovannghe.vn - Caravaggio, thiên tài nghệ thuật Baroque Ý, nổi tiếng với kỹ thuật chiaroscuro và những tác phẩm đầy sức sống, nay lại một lần nữa khuấy động giới nghệ thuật toàn cầu. Lần đầu tiên sau 60 năm kể từ khi được xác thực, bức chân dung "Monsignor Maffeo Barberini" của ông sẽ được trưng bày tại phòng trưng bày Palazzo Barberini, Rome, từ ngày 23 tháng 11 năm 2024 đến ngày 23 tháng 2 năm 2025. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật mà còn với công chúng yêu nghệ thuật.
Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Baovannghe.vn- Em về chạm ngõ chiêm bao/ Nghiêng vai trút hết chênh chao nửa đời
Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Baovannghe.vn - Ngày nay, đọc lại bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, người đọc như được sống lại không khí hào hùng không thể nào quên của một thời kỳ lịch sử, mang theo cả tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng của một thế hệ người lính xả thân để bảo vệ non sông.
Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!