Sáng tác

Nắng Ô Châu - Truyện ngắn dự thi của Lê Vũ Trường Giang

Lê Vũ Trường Giang
Truyện
14:10 | 03/07/2024
Tôi ngây người dừng xe, lặng ngắm dung ảnh từ mộng bước ra... Và tôi đã đi theo Châu Phương qua từng con đường thành Huế, qua bốn mùa gọi tên mưa nắng Ô Châu.
aa

Tiếng chim líu lo trên hàng cây hoàng yến đang độ thắm vàng kéo tôi thức dậy sau giấc ngủ nặng nề. Một buổi sáng trong lành với những hạt sương còn bám ô kính mờ. Tôi ngắm những bông hoa mỏng manh sắc vàng đang tàn úa theo vòng quay tháng ngày. Chú chim đã ngưng bặt âm thanh yên vui thuở nào và như tôi, nó đang lặng ngắm bông hoa giữa nền trời u ám. Sống lưng tôi chợt lạnh buốt. Tôi quay sang nhìn Hằng Khánh vẫn còn mơ màng trong giấc ngủ ngọt ngào. Tôi muốn một vòng tay lúc này. Vớ lấy cái remote, bản tin buổi sáng hiện lên với khuôn mặt buồn buồn của cô biên tập viên. Cô cố đọc bản tin chồng chất vô số sự kiện xấu đâu đó trên đất nước này, trên địa cầu này như muốn thoát ra ngoài. Lũ lụt ở nhiều bang nước Mỹ gây cái chết cho hàng ngàn người; Nga đánh nhau với Ukraina; nước Nhật toàn người già; châu Âu khủng hoảng năng lượng; Trung Quốc xua tàu hải giám tràn xuống biển Đông; Toà xử vụ chuyến bay giải cứu; Đường cao tốc mới làm đã đầy ổ gà… Tôi bật sang kênh khác tìm chút tích cực. Cái remote gãy vụn trên tay tôi sau khi bật liên tục gần hai mươi kênh nhưng cũng chẳng chạy thoát nổi những tin tức đeo bám lo toan kia. Ngay cả kênh MTV, YanTV, Yeah1TV cũng chỉ là dòng tâm sự của các ca sĩ tiếng tăm về sự nghiệp của họ, nền âm nhạc sắp biến mất và dăm ba bài hát vớt lấy những tâm hồn đang chao đảo.

Căn phòng trở nên yên ắng. Nàng vẫn say giấc nồng, vẫn ngọt ngào mơ. Nàng đã quá mệt mỏi với tôi trong mấy tháng qua. Tôi nhẹ nhàng đặt lên môi nàng một nụ hôn. Phút êm đềm trôi qua, tôi thấy mình mạnh mẽ lên chút ít, bản năng sống trào rực lên trong xác thân chực chờ mục rã. Nàng đã mở mắt, âu yếm nhìn tôi. Anh ngủ tiếp đi? Đôi mắt to và ướt luôn làm tôi vững tâm trước những giông bão. Tôi mỉm cười và nhìn ra cửa sổ. Từng mảng trời dường như bị rách toạc đi, vung vãi đây đó từng mảnh nhỏ thê lương. Bầu trời đen đúa đến thảm hại. Bóng một anh lính ôm súng lầm lũi bước đi. Có tiếng ho khan trong gió. Chợt khối u kì lạ như phình to thêm choán chật cả ngực phải. Tôi dụi mắt bước ra vườn, anh lính đã đi đâu mất. Quái. Tôi đứng dưới cây hoàng lan hòng cố tìm sự vuốt ve của một cơn gió. Khu vườn vắng lặng, lẻ loi một đóa hồng nhỏ bé nhô ra từ một bụi rậm lâu ngày không phát dọn. Gió đã không đến. Người tôi khô cằn như một sa mạc. Tôi đang sống không bằng một hơi thở.

*

Hồi đó, lâu lắm rồi, mới dứt ăn bo bo được vài năm thì nàng đưa tôi về nhà trên đường Kim Long. Thuở thiếu thời, bạn bè mách rằng, nếu muốn biết con gái Huế mình đẹp như thế nào hãy lên đường Kim Long mỗi sớm mai, mỗi chiều tà để mục sở thị từng bóng, từng đoàn nữ sinh thướt tha trên đường. Một lần tình cờ, tôi có việc lên Kim Long, nhằm đúng buổi hoàng hôn đi về bắt gặp khoảnh khắc từng đoàn áo dài trắng lả lướt đạp xe đi về như từng cánh bướm nhỏ. Dòng Hương ngập khói sóng, xa xa, mây phủ vờn Kim Phụng. Đôi hàng cây bằng lăng trổ hoa tím, điệp trổ hoa vàng trên đường Kim Long làm cảnh hậu nổi bật cho những tà áo dài chầm chậm đi trong chiều muộn. Tôi ngây người dừng xe, lặng ngắm những dung ảnh từ mộng bước ra, cố nhiên không phải là giấc mơ, là thực, những cô gái Huế dịu dàng với tà áo dài trắng, duyên dáng đi trong nắng thưa, trong sương khói, gieo mộng mơ lên ai. Và tôi đã đi theo Châu Phương qua từng con đường thành Huế, qua bốn mùa gọi tên mưa nắng Ô Châu.

Nắng Ô Châu - Truyện ngắn dự thi của Lê Vũ Trường Giang
Nắng Ô Châu - Minh họa Nguyễn Đăng Phú

Một đêm dịu dàng của thành Huế, khi nàng chỉ có một mình, tôi đến nhà sau mấy tháng thư đi tin lại. Chúng tôi hôn nhau từ con đường hai bên trồng hải đường hoa đỏ cho đến căn buồng cuối nhà. Chúng tôi lên giường trong khi vẫn kéo nụ hôn lê thê đi qua những mùi hương cổ kính trong ngôi nhà rường, mùi hương của trăm thứ cỏ cây ngoài vườn. Ánh trăng lờ nhờ toả lên vườn bưởi trĩu quả. Tôi đi vào sâu thẳm. Im lặng bám trên khung rường vơi tiếng mọt gỗ. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến bưởi, ai đã trồng nó, những ông cố, ông nội làm quan nhà Nguyễn đã trồng hay những gia nhân. Nàng đang nghĩ gì mà mỉm cười mãn nguyện. Hai bàn tay tôi vẫn còn mân mê làn da nàng và thả những ý nghĩ về bưởi trôi qua từng ngọn gió đêm. Nàng vẫn cười sâu hút trong cảm giác không dễ gì gọi tên. Tôi bước xuống giường đi về phía tủ lạnh. Nàng nhìn theo đắm đuối. Một thân hình cao ráo, lực lưỡng, cuồn cuộn những bắp thịt từ bờ vai cho đến gót chân, đã không mất công tôi đến phòng tập gym suốt những năm đại học. Lúc đó, nàng nói ở mông anh có vết gì ấy. “Anh xăm hình hả?! Sao lại xăm chỗ độc vậy?” Nàng bĩu môi hỏi.

“Ở, anh xăm hồi nào?” Tôi ngạc nhiên.

“Thế ở mông là cái gì vậy?” Nàng cật vấn.

Tôi cười toe: “Cái bớt của anh thôi. Lúc nhỏ nghe đâu đã có rồi. Anh không quan tâm lắm.”

Nàng vẫn không chịu thua, chạy đến chỉ tay vào vết bớt:

“Bớt gì mà to thế, gần bằng cả bàn tay. Không tin đâu.”

Tôi đưa cho nàng một lon nước yến. Nàng hét toáng lên:

“Ối, cái bớt có chữ, lại còn sáng lấp lánh nữa chứ.”

Tôi lồm cồm bò dậy. Ánh điện bật lên. Tôi lại đứng trước gương. Ừ, đúng là thế thật. Nàng phải soi kính lúp hàng giờ mới chép ra được một dòng chữ loạn xà ngầu nét ngang nét dọc, kiểu cổ ngữ ít thấy. Những ý nghĩ về bưởi biến mất, trong tâm trí tôi chỉ còn nhớ đến những dòng chữ không hiểu nổi. Tôi định dắt xe ra về, vừa mở cửa đã đụng phải ai đó đang ngồi trên bậc tam cấp. Một bà cụ tóc bạc đang nhai trầu. Mắt cụ nhìn ra khu vườn tĩnh mịch. Cụ nói: “Họ đến rồi, cả một đoàn mang đầy súng ống. Đừng bắn! Đừng bắn! Tôi không có tội.” Tôi định chào cụ và dường như cụ chẳng mấy quan tâm đến sự xuất hiện của tôi. “Chết rồi! Chết rồi! Nhiều máu quá!” Tôi bỗng nghe thấy tiếng súng nổ đì đoàng đâu đó trong xóm, trong khu vườn gió từ đâu về lạnh. Có tiếng Châu Phương nói: “Anh về đi, về đi anh!”

*

Nhiều năm rồi tôi không nói với Hằng Khánh về vết bớt kì lạ đó. Tôi đem cái văn bản quái gở trên cái mông mình đi tìm anh bạn giỏi Hán Nôm nhất Huế. Nhưng chịu. Hôm nay, tôi mời bạn bè đến dự kỉ niệm tình yêu trong khu vườn nhỏ. Tôi nói nhiều và cười cũng rất nhiều trong câu chuyện đêm trăng đó với Hằng Khánh, với bạn bè. Tôi sẽ cưới nàng, mọi người có thể tin vào điều này. Lúc đó, tôi đã không để ý đến cái ngày kinh hoàng đang đến gần và làm như nó chẳng thể hiện diện được nữa. Ông nội xem tử vi nói rằng tôi sống đến chín mươi tuổi như ông. Và tôi cũng nghĩ thế. Mọi người cười tán thưởng. Bàn tay tôi lần xuống nắm chặt lấy tay Hằng Khánh. Nàng cũng cười, rất tươi. Vậy mà lần đầu tiên sau bao năm quen nàng, tôi thấy sự toan tính trong nụ cười đó. Mười giờ, tiệc tàn, tôi tỉnh rụi, vì say làm sao tỉnh táo để nhìn cuộc đời đáng yêu đang trôi qua được. Bạn bè loạng choạng ra về. Đóng cổng lại và nhìn thấy Hằng Khánh đang chờ tôi ở chiếc xích đu gần hồ nước nhỏ. Tôi lại gần, ngồi bên nàng. Chúng tôi ôm nhau trên chiếc xích đu, tìm kiếm điều hạnh phúc nhỏ nhoi rơi rớt. Trên kia, bầu trời thương hại để lộ một cái giếng trời nho nhỏ và tôi thấy những vì sao. Chúng lung linh và đầy nước mắt. Những cánh hoa hoàng yến rơi xuống tóc nàng, nhẹ nhàng như một giấc ngủ. Tôi bế nàng vào phòng. Khi tất cả xiêm áo đã nằm dưới đất, tôi buột miệng hỏi: “Em có nhìn thấy chữ trên cái bớt sau mông anh không?” Hằng Khánh lắc đầu. “Từ ngày anh bệnh, cái bớt cũng biến mất mà chữ cũng không thấy?” Nàng đã biết từ lâu nhưng nàng không hỏi. Tôi bỗng dưng nguội lạnh. Nàng không nói gì, ngáp dài rồi nằm lăn ra ngủ.

*

Tôi thẫn thờ mở cửa bước vào bóng đêm hun hút ngoài kia. Bước chân vô định theo những con phố hẹp. Huế đã ngủ sâu. Tôi nhớ Hằng Khánh ngày nào cùng tôi dưới bầu trời tháng Năm rất trong. Nắng rất nhẹ và tôi nằm trên cỏ, bên cạnh nàng. Hai ý nghĩ chen chúc nhau. Nàng muốn tôi nắm lấy tay mình, thả những ước mơ bay lên không trung. Chúng sẽ hóa thành đám mây bay giữa bầu trời trong ngần, thanh khiết. Còn tôi muốn bay, bay lên đỉnh thăng hoa chỉ có tôi và nàng xoắn lấy nhau như hai con sên trần. Tôi bắt đầu trở mình, thoáng chốc đã nằm trên người nàng.

Em muốn bay không? Trong không trung ấy à? Phải, anh làm được, trong những run rẩy. Anh đùa em. Thật đấy. Em không thấy anh đang bay. Nhưng em không muốn. Em muốn thấy mình nhẹ nhõm trong buổi chiều hôm nay, lúc bầu trời rất trong và nắng rất nhẹ. Em không muốn làm mây à? Sẽ được bay đấy! Lúc này em muốn là gió. Chẳng ai thấy gió cả, gió sẽ không choán bầu trời. Anh sẽ là ngọn cây. Vì sao? Vì sẽ cho gió biết gió đang đi hướng nào. Việc đó gió thừa sức biết. Em muốn ngắm bầu trời trong thôi. Anh sẽ cưỡi lên gió và che bầu trời ấy. Anh…

Hậu quả lớn lắm đấy. Đây là nơi thanh tịnh, không nên à. Đồng cỏ thì có nghĩa gì? Nơi những linh hồn lãng mạn và cô độc đang bay. Khi sống, họ ước mơ. Vắng vẻ càng tốt mà em. Không nên, không nên anh à!

Tôi nhanh tay nắm lấy váy nàng, kéo tuột xuống rồi quăng trên bãi cỏ. Nàng thảng thốt, không chống cự. Nàng ngắm nhìn bầu trời vẫn đang rất trong. Bầu trời như một tấm gương huyền diệu, soi vào nhưng chẳng thấy gì, có lẽ chỉ thấy khi ta chẳng còn thấy gì nữa ngoài nó. Chúng ta sẽ thấy sau khi soi vào đó rất lâu. Bầu trời như một hố mắt xanh thẳm, sẽ có những người khác nhìn thấy mình từ hố mắt ấy. Không hẳn thế, nhưng hố mắt nhìn trong ra hay ngoài vào. Nàng đang thắc thỏm rồi chừng như chật chội lại. Hằng Khánh hồi đó mới đáng yêu biết bao. Trong lòng đất, chúng tôi nghe tiếng cựa quậy. Có tiếng thở dài. Tiếng khóc hờ. Về thôi anh! Mình về thôi!

*

Tôi đi xuyên đêm, cố quên trái tim đang dần mất đi. Ăn cháo gà ở Trang Ngõ Vắng. Uống trà hút thuốc lào ở ga. Đi bộ giữa mênh mông phố. Tôi nhớ những chiều lang thang trên đường Lê Lợi, dưới những tán long não dầm mình trong hương thu. Nhớ những ngôi nhà đậm chất kiến trúc Pháp ẩn tàng bóng cây gợi nhớ bao lời ca sương khói. Màu vôi vàng truyền thống, những phần họa tiết tinh xảo, những mái ngói đỏ, những ô cửa vòm mộng mơ, thu hút sự hiếu kì tuổi trẻ. Tiếng ve trong tàng cây của những biệt thự Pháp trên đường Lý Thường Kiệt ru chúng tôi trong những giấc hè. Những người bạn xưa đi về cùng nhau, trú mưa dưới những mái hiên dài ủ rũ, nhạt nhòa theo năm tháng. Nhưng một ý nghĩ lạ nảy mầm trong tôi rằng những con người phương xa ấy bây giờ sống thế nào, thật sự như thế nào. Rồi tôi ho, sụ sụ trong thanh vắng, xé toang cả màn đêm thành Huế yên tĩnh. Giờ tôi đang đứng trong khu vườn chỉ có một bông hồng và nhớ về Châu Phương, em giờ ở đâu, trôi dạt phương nào rồi trong căn nhà cổ có năm đời tổ tiên làm quan cho nhà Nguyễn…

Độ ba giờ sáng, vầng trăng héo hắt hiện ra, nhỏ những giọt sáng dịu lên đầu tôi. Chăm chăm nhìn lên bầu trời, tôi bắt đầu có một linh cảm rầu rĩ về cuộc đời. Mặt trăng con người quen nhìn hàng triệu năm nay giờ đã biến dạng bị băm thành từng mảng, kéo thành một rẻo dài trên nền trời. Những bài thơ lãng mạn đã chết. Nhưng trăng không chết, trăng đã phân thân thể mình để ôm cánh tay bé nhỏ vào địa cầu đang hấp hối trong tôi. Dấu chân của Neil Amstrong vĩnh viễn chỉ là một kỉ niệm.

Đêm rồi cũng tan mau. Mặt trời nhú lên ở phía kia Cồn Hến. Thời gian bây giờ chẳng khác nào ly nước lọc đang còn lại những giọt cuối cùng. Thời gian trong tôi nhỏ tí tách, chầm chậm ném tôi về bên kia thế giới. Tôi chợt khát sống. Xứ sở này có còn chứa chấp tôi như kẻ ở trọ, mủi lòng cùng núi cùng sông. Mũi tôi ngửi thấy thành phố tanh tưởi mùi xác chết, ngay cả con sông Hương thơ mộng cũng chẳng khác nào dòng sông thủy táng, bốc lên mùi xú uế. Đó là khi tôi đi qua cầu Trường Tiền, đi dọc bờ sông và nhờ ân điển của gió để ngửi những mùi vị trầm lãng giờ thành quá khứ. Những đoàn người đầy vệt máu thất thểu đi trên đường. Họ đi, đi mãi, chẳng nói năng gì. Những hố sâu mở ra đây đó. Có tiếng cuốc đào đất. Có tiếng búa đập vào thứ gì đó rốp… rốp. Súng nổ, đanh và gọn. Dòng sông rực sáng hoa đăng. Đoàn người biến mất. Ai đó nắm lấy tay tôi. Về đi.

Tôi lẩn thẩn bước về nhà, cố tìm một giấc ngủ. Hằng Khánh ngồi uống trà bên hiên, đợi tôi. Nàng nói, chúng mình ra ngân hàng rút hết tiền đi anh. Để làm gì? Hãy đi đâu đó thật xa! Tôi không buồn suy nghĩ, gật đầu và đưa hết sổ tiết kiệm, thẻ ATM cho nàng. Tôi đọc được nụ cười mờ mờ của Hằng Khánh sau gương mặt ủ dột một đêm. Đứng lặng trước căn biệt thự sang trọng bậc nhất bờ Nam sông Hương bao năm gắn bó, lòng tôi buồn khôn tả những đổ vỡ đang đến gần. Tôi muốn hét lên với tất cả và một cơn nóng khủng khiếp dội ngược lên cuống họng như một lò thiêu.

Nóng. Ngột.

Hằng Khánh thấy mình không thuộc về nơi này. Nàng ở đâu?!

Bầu trời rất trong và nắng rất nhẹ. Nàng làm gió và bay vào không trung. Tôi hì hục cưỡi trên ngọn gió. Rồi chợt nhận ra, chỉ là gió mà thôi. Tôi đang tự mình đẩy đưa trong gió. Nhìn lại, tôi trần truồng bên một đống xương. Xương trắng, nặng chắc. Phần sọ có một vết cuốc bổ. Thân thể tôi xây xát, đau rát, đờ ra, hổn hển thở. Nhìn xung quanh chiếc váy vẫn nằm trên mép cỏ. Những ngọn cỏ rì rào. Chúng cười man dại. Hôm ấy, bầu trời rất đục và nắng biến mất. Hằng Khánh, em đi đâu?!

*

Gió buổi sáng ngày mới chạy vờn qua mái tóc điểm sương. Tôi nằm đợi Hằng Khánh trở về. Nhìn ra vườn, bông hồng lẻ loi nay chỉ còn ba cánh rạc rời. Có ai đó ru con. Ru em em théc cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Tôi nhắm mắt. Mơ. Tôi đội mũ đồng đứng trong ụ đại liên, đạn đã lên nòng. Chỉ huy phất cờ ra lệnh. Bắn. Các khu vực trận địa trên toàn tuyến bắt đầu khai hỏa, dồn dập như mưa lửa về phía con đường và cánh đồng trước mặt. Các bệ pháo quanh đấy nổ lên tiếng ầm ầm rung chuyển mặt đất. Bắn cái gì? Tôi không biết mục tiêu. Tiếng chỉ huy thét các khẩu đội khác tiếp tục bắn, đập. Đùng. Đùng. Một bàn tay xô tôi ra nằm sõng soài dưới đất. Mục tiêu đang đến gần. Tôi lồm cồm bò dậy. Thấp thoáng phía xa giữa khói súng là một đoàn người dài vô tận. Những chiếc xe bọc thép đi lên phía trước. Những người mặc áo xanh cầm súng ngã xuống sau đợt bắn đầu. Những người gánh thúng chạy đằng sau. Có tiếng trẻ con khóc. Bắn. Đùng. Đùng. Người người ngã lên nhau. Những củ khoai bay vút lên không trung. Một đứa trẻ nhảy ra khỏi thúng chạy bơ vơ. Bóng người đàn bà ôm lấy con. Bắn. Vồng khoai nhuộm đỏ. Lửa cháy trên đầu. Hàng chục người chạy xuống ao sen. Đùng. Đùng. Nước cũng thay màu. Tôi úp mặt khóc. Những tiếng nổ xung quanh vẫn vang lên đều đặn, dữ dội, mặt đất rung chuyển như muốn nứt ra. Tôi thấy một luồng sáng chớp qua. Ầm ầm ầm. Bóng tối phủ lên đầu tôi. Tôi bắn, tôi bắn. Tỉnh ra, đũng quần tôi đầy tinh dịch. Tôi bàng hoàng, vội rửa mặt rồi ra xích đu ngồi thẫn thờ. Cổng vẫn khép và Hằng Khánh, vẫn chưa thấy em đâu.

*

Nhiều tiếng động ồn ào đã đánh thức tôi dậy trong trạng thái mơ màng. Tôi nghĩ đến cõi chết và vô số sinh linh như tôi đang chen chúc nhau gây ra tiếng ồn ào đó. Hằng Khánh lấy ô tô chở tôi phóng vút ra quốc lộ, về phía Tây như tìm một sự chở che hằng hữu. Chiếc xe vật lộn với con đường chật chội như một dòng sông chảy ngược. Hôm nay, mọi người đều ra đường, ai có xe đều chạy, như một mệnh lệnh. Biển người lũ lượt gồng gánh chạy băng băng trên con đường không xác định nổi chiều rộng. Những xác người nằm rải rác trên con đường mù mịt khói bụi, cả nguyên vẹn và nát bấy. Điều gì đang xảy ra, người tôi cứng đơ, các câu trả lời đều đóng băng. Hằng Khánh như một robot im lặng lái xe chở tôi đi.

Cái chết là gì nhỉ? Xe dừng, chúng tôi leo lên một ngọn núi. Tôi gặp một vị sư đang thuyết pháp cho nhiều người nghe dưới một gốc cây xanh. Một bài kinh dài có nhắc đến những điểm tận cùng của sự sống và kết thúc bằng câu:

“Hai cõi chết và sống chia cách bởi một tấm màn mỏng như sương khói. Chỉ cần vén màn lên là có thể tiếp xúc được với nhau.”

Tôi lại gần và hỏi:

“Thưa ngài, thế làm sao chúng ta đến và rời khỏi thế giới này một cách nhẹ nhàng?”

Đem vào là nhờ gió

Tống ra cũng gió đưa

Sự hô hấp tuần hoàn

Tất cả đều do gió

Một phen gió nghiệp dừng

Thân này như khúc gỗ1.

Lòng tôi rối ren. Có bao giờ bạn nghĩ là mình sẽ chết, một cái chết cô đơn tận cùng trong đôi mắt lửa đỏ của chúng ta. Một cái chết tiêu tan chớp nhoáng, vĩnh viễn hay vẫn tiếp tục trầy trật một kiếp tái sinh lận đận.

*

Buổi sáng, chúng tôi thức dậy khá sớm sau khi ngủ một giấc dài trên bãi cỏ xanh dưới chân núi. Gương mặt Hằng Khánh rạng rỡ, nụ cười thăm thẳm trong hố sâu của đôi mắt nhắm nghiền. Tôi nắm tay Hằng Khánh, bước đi giữa cánh đồng đầy hoa trắng muốt lên tận sườn núi. Chúng tôi đi mãi, đi để chờ đợi điều đau đớn ập xuống. Kia, có phải Châu Phương vận áo dài trắng, nón nghiêng, guốc mộc đợi tôi bên gò cỏ loang. Tôi chạy tới, nắm lấy tay nàng. Hương bưởi đậm vấn vít cả một không gian. Hằng Khánh không nói gì, mỉm cười đắc ý, ra chiều khó hiểu. Ba chúng tôi cứ đi mãi trên cánh đồng hoa, quên cả đói, cả khát. Chúng tôi lướt êm êm giữa biển hoa cỏ, lắng nghe diệu âm và ngửi hương thanh khiết. Tôi cài một bông hoa trắng lên mái tóc nàng.

Châu Phương nói bầu trời trong xanh lạ thường, xanh sâu thẳm, ngút ngát như có thể nhìn thấy những gì sau màn xanh đó. Tôi hỏi em có còn nhớ những chữ lấp lánh trên vết bớt sau mông của tôi không. Châu Phương gật đầu: “Điều đó rồi cũng qua đi!” Chẳng phải vua Solomon đã bẽ bàng khi nhận ra sự phù du của thế tục này khi nghe câu trả lời. Tôi đã quên ý nghĩa của dòng chữ trên vết bớt.

Chúng tôi đi về phía cuối đồng xanh. Cầu vồng hiện lên khắp nơi, hàng ngàn, hàng vạn chiếc cầu vồng trên nền trời xanh. Cầu vồng chi chít to, nhỏ, lớn, bé. Cầu vồng tỏa thứ ánh sáng diệu kì lan khắp nơi, quấn trong cây cỏ, rơi trên đôi mắt ngập đầy châu lệ. Ánh hào quang rạng ngời xuất hiện bốn phía chân trời, cùng với cầu vồng tạo nên một bức tranh đẹp chưa từng có. Tôi đứng giữa, tay phải nắm tay Hằng Khánh, tay trái nắm tay Châu Phương. Tay phải tôi ấm nóng, tay trái tôi lạnh băng. Hằng Khánh là thực, Châu Phương là mộng. Hằng Khánh chỉ vừa đi rút tiền từ ATM mới đây thôi và hình như nàng vẫn còn chưa về. Châu Phương chẳng phải nàng theo cha mẹ vượt biên, dạt trôi bao nhiêu năm tháng và nàng cũng chưa về. Có tiếng bà cụ nói trong gió: “Chạy đi! Không họ bắn đó.” Bóng cụ bên triền dốc, tay cầm củ khoai mới luộc còn bốc khói, ruột củ khoai màu đỏ. “Ăn đi, ăn cho có sức mà chạy!” Không, không phải, không phải vậy đâu.

Hoàng hôn xuống, lạnh lẽo và giá băng. Không một âm thanh, tiếng động. Tất cả đều yên ắng lạ thường… chờ đợi. Tôi không biết cái chết như thế nào nhưng chắc rằng nó lớn hơn một giọt nước mắt. Giọt nước mắt nóng hổi rơi trên mí mắt, lăn xuống gò má rồi mằn mặn ở môi Châu Phương. “Một người con gái đẹp như em không nên khóc nhiều như thế.” Tôi nói với nàng. Câu nói ấy, tôi cũng đã nói trong buổi chiều cuối cùng em hẹn tôi lên Thiên Mụ giã biệt. Lúc này, tôi không thể tin nổi là mình có thể khóc, nhưng mặc kệ, nước mắt vẫn rơi cho giây phút cuối cùng. Một hơi lạnh thoáng qua… Có cái gì đó đè nặng lên đầu tôi với một trọng lực khủng khiếp. Một bóng đen khổng lồ che lấp ánh hoàng hôn…

Tôi hỏi hai nàng: “Đằng sau cái chết là gì nhỉ?”

“Em không biết. Em chỉ nhớ là mình chưa tiêu hết tiền giùm anh thôi.” Hằng Khánh đáp hờ hững. Nàng buông tay. Em đã đi đâu? Em chỉ đi tiêu tiền giúp anh thôi mà. Hằng Khánh thoáng chốc đã thành một làn sương mảnh dạt về phía xa.

“Chúng ta chỉ đang tập chết thôi anh! Chết chẳng là gì, không sống mới đáng sợ.” Châu Phương nói bằng kinh nghiệm đã trải qua. Rồi nàng hòa mình vào ánh nắng còn sót lại, lóe lên như ngọn sao băng. Tôi nắm tay hai chiếc bóng bước đến bên bờ vực dành sẵn cho mình. Còn mỗi mình tôi. Tiếng bước chân thình thịch đằng sau. Anh lính tôi hay thấy đã chạy đến, tay không còn ôm súng. Hôm nay hoà bình rồi. Một thứ ánh chớp lóe lên trong màn đêm đen. Ngọn gió xanh trườn tới buồng tim, lạnh và đầy mơ. Gió buông tiếng thở dài, tự do thả âm thanh não ruột kia lan khắp các vì tinh tú.

1. Thơ Thích Thanh Từ

Báo Văn Nghệ số 25/2024

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn