Sáng tác

Ngày vui sướng nhất đời. Truyện ngắn của Lộ Dao

Lộ Dao / Châu Hải Đường dịch
Văn học nước ngoài
06:00 | 01/10/2024
Baovannghe.vn - Tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm, tôi quay về dạy một trường tiểu học trong thị trấn huyện nhà. Ngoài việc dạy học, tôi được giao bảo quản chiếc đài cassette
aa
Ngày vui sướng nhất đời. Truyện ngắn của Lộ Dao
Nhà văn Lộ Dao

Lộ Dao (1949 - 1992) tên thật là Vương Vệ Quốc, quê quán Thiểm Bắc (tức bắc Thiểm Tây), Trung Quốc.

Ông là nhà văn đương đại, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Thiểm Tây. Sau khi tốt nghiệp khoa Trung văn, Đại học Diên An, Lộ Dao từng làm biên tập tại Báo “Văn nghệ Thiểm Tây” (nay là Báo “Diên Hà”).

Năm 1980 ông có tiểu thuyết “Màn kịch kinh tâm động phách”, giành được giải thưởng truyện vừa ưu tú toàn quốc lần thứ nhất.

Năm 1982 ông ra mắt tiểu thuyết “Nhân sinh”, năm 1988 hoàn thành trường thiên tiểu thuyết “Thế giới bình thường”, nhờ đó năm 1991 đã giành được giải thưởng văn học Mao Thuẫn.

Chuyện bắt đầu từ một chiếc đài cassette.

Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm trong vùng, tôi quay về dạy học ở một trường tiểu học trong thị trấn huyện nhà. Ngoài việc dạy học ra, tôi còn được giao nhiệm vụ bảo quản chiếc đài cassette duy nhất của nhà trường.

Vào thời gian nghỉ đông, vì lí do an toàn, nhà trường cho tôi mang theo bảo bối ấy về nhà trông giữ. Tôi vô cùng vui sướng đón nhận nhiệm vụ ấy. Tôi vẫn còn độc thân, nhà lại ở nông thôn, có cái đài này làm bạn, thì cả kì nghỉ sẽ không cảm thấy buồn tẻ nữa.

Khỏi phải nói, nông thôn miền núi bây giờ cũng đã tương đối đủ đầy rồi, nhưng một cái đài hàng hiệu cao cấp thế này còn chưa thấy nhiều, nếu không muốn nói là chẳng ai có thể mua nổi. Với đại đa số nông dân mà nói, một thứ đồ vật có giá tiền đắt đỏ thế này, lại không có giá trị thực dụng gì cả, bỏ ra bao nhiêu tiền như thế chỉ để mua cái “hộp đồ chơi” này, chẳng thà mua lấy mấy con lợn béo mà ăn.

Thế nhưng sau khi tôi mang cái đài cassette về nhà, mọi người trong thôn lại cảm thấy nó vô cùng tân kì, bởi nghe nói rằng cái của này chẳng những có thể hát, mà còn có thể “thu” được cả âm thanh của người ta vào nữa. Vì thế, cứ đến tối là không thể không có rất nhiều người kéo nhau đến nhà tôi vây lấy cái đài làm náo loạn một hồi. Họ hứng thú nhất là tiết mục kể chuyện của Hàn Khởi Tường1, trong đó thính giả nhiệt thành nhất chính là bố tôi. Bố tôi tuy tuổi tác đã gần sáu mươi, một chữ bẻ đôi không biết, nhưng với bất cứ việc hi hữu nào cũng rất quan tâm. Có lúc thậm chí còn quan tâm tới cả nước ngoài, ví như ông thường hỏi thăm tôi về tình hình ở Albania chẳng hạn. Với chiếc đài này, hẳn nhiên là ông kinh ngạc thán phục không hết lời. Mặc dù, phát thanh truyền hình hữu tuyến đã nghe bao nhiêu năm rồi, nhưng có một điểm đến tận bây giờ ông vẫn không thể lí giải được là: làm sao bên trong cái hộp cỏn con này lại có thể “chứa” được lắm người thế!

Ngày vui sướng nhất đời. Truyện ngắn của Lộ Dao
Ảnh minh hoạ

Chớp mắt đã đến ba mươi Tết. Đó là ngày lễ lớn long trọng nhất một năm chỉ có một lần ở nông thôn. Tối tất niên, không khí vui mừng bao trùm khắp làng quê của tôi. Nhà nào nhà nấy đều thắp đèn lồng trước cửa sổ, trên mặt đất trong sân phủ dày một lớp xác pháo xanh xanh đỏ đỏ. Trong những gian buồng dán câu đối và hoa giấy trên cửa sổ, cả gia đình cùng ngồi quây quần ăn “Tám bát”. Nói là “Tám bát”, nhưng trên thực tế, chủ yếu là dùng thịt mỡ chế biến thành các kiểu, các hình dạng khác nhau rồi đựng vào tám cái bát thôi. Người nông thôn dẫu là đã giàu, nhưng ăn thịt còn chưa tới trình độ bỏ mỡ chọn nạc như người thành phố. Khẩu vị của họ vẫn cần có dầu mỡ. Được, thế thì cứ thoải mái ăn thôi. Chọn miếng mỡ béo mà ăn, cứ ăn thỏa sức thôi, năm mới tết nhất thế này, lại là lợn của nhà nuôi được, không ăn thì làm cái gì!

Bố tôi ăn một tô thịt mỡ (phải đến một cân2 rưỡi), lấy tay áo lau miệng, rồi với vẻ thỏa mãn hài lòng cầm cái tẩu thuốc, khoanh chân ngồi xếp bằng trên tấm thảm lông dê đen, vừa mỉm cười một mình vừa hút thuốc. Giờ khắc ấy, bên ngoài hàng loạt tiếng pháo đã nổ vang trời. Kẻ trước người sau, cả nhà cùng buông bát đũa xuống. Mấy đứa em trai, em gái tôi vội vàng chạy sang nhà hàng xóm tìm lũ bạn cùng đi đốt pháo, còn mẹ thì sấp ngửa rảo bước sang căn buồng bên cạnh chuẩn bị món sủi cảo để sáng mai ăn. Khoảnh khắc, trong phòng chỉ còn lại tôi và bố. Một khoảng tĩnh lặng sung sướng và thích thú.

Bố tôi thư thái nhả từng bụm khói, rồi nói với tôi: “Mang cái hộp hát của mày ra đây, tối nay bố với mày nghe một bữa cho ra trò nào.” Rồi ông nhàn nhã ngả mình tựa lưng vào cuộn chăn - một điệu bộ đầy tôn quý no đủ. Dáng vẻ hưởng lạc của ông khiến tôi cao hứng. Phải, mấy năm lại đây điều kiện trong nhà mỗi năm một tốt hơn lên, thời khắc này bố tôi cũng nên được trải qua một buổi tối mà người ta đều mừng vui như thế.

Tôi vội vàng lấy cái đài cassette ra, bật chương trình kể chuyện của Hàn Khởi Tường mà ông thích nghe. Bố tôi hai mắt khép hờ, vừa nghe, vừa đưa tay nhàn nhã vuốt chòm râu dê dưới cằm. Giọng nói mang khẩu âm vùng Thiểm Bắc của Hàn Khởi Tường, trong đôi tai của ông không khác gì tiếng hót của chim bách thanh. Mỗi khi nghe được cái gì hay ho, bố tôi lại không nhịn được nhe hàm răng đã mất hết răng cửa ra cười hì hì mãi không thôi, y như một bà lão. Tôi bèn chăm chú ngước mắt nhìn lên tấm ảnh của bà nội treo ở trên tường. Lúc này trông bố giống hệt như bà nội đã mất của tôi. Dưới tấm hình của bà nội là bức ảnh chụp chung của bố mẹ tôi. Trong tấm ảnh ấy, bố mẹ tôi trông còn chưa có gì là già cho lắm, nhưng bây giờ thì đã già lão như bà nội rồi. Tôi nghĩ, có lẽ chả mấy năm nữa, thì tấm hình chụp chung của bố mẹ tôi cũng lại trở thành di ảnh. Sự liên tưởng ấy thật không tốt lành. Tôi nguyện thầm trong dạ, chúc cho cha mẹ được mạnh khỏe, sống lâu muôn tuổi. Tôi còn nhớ, tấm ảnh của bà nội là bố tôi sắp xếp và chụp cho bà lúc sinh tiền, còn tấm hình của bố mẹ là tôi chụp cho hai người mấy năm trước. Từ khi việc chụp ảnh trở nên phổ biến, có một việc được những người ở quê rất coi trọng, ấy là: chụp cho song thân cao tuổi một tấm hình, sau đó phóng to, treo lên trên tường để làm kỉ niệm mãi mãi về sau. Ở quê, bất luận đến nhà ai chơi đều có thể trông thấy ảnh của mấy ông bà cụ được treo trên vách. Họ đều ăn mặc chỉnh tề, hai bàn tay thô ráp của người lao động đặt ngay ngắn trên đầu gối, ôn tồn hiền hậu chăm chú nhìn ra ngôi nhà mà họ đã sống cả đời và những con cái cháu chắt của họ vẫn đang sống trong ngôi nhà ấy…

Lúc này, câu chuyện của Hàn Khởi Tường đang đến hồi gay cấn, giọng kể gấp gáp hòa cùng với tiếng đàn tam huyền, tiếng phách cầm nhịp dồn dập, nghe hệt như một chiếc xẻng chiên đang đảo đậu rang nổ trong chảo gang. Cảm xúc của bố tôi cũng đang dâng cao đến cực điểm, đến nỗi ông cũng lấy giọng theo thổ âm Thiểm Bắc, nói thành lời theo Hàn Khởi Tường, hoa chân múa tay, vừa nói vừa hát. Ông đã nghe câu chuyện này nhiều lần, cơ hồ đã thuộc như cháo chảy rồi.

Tôi bị bố làm cho bật cười ha hả, đến nỗi cảm thấy nóng bừng bừng trong tròng mắt. Bố à, bố cứ vui vẻ hết mình đi. Bố nên vui vẻ. Bố với những người cao tuổi ở nông thôn giống như bố, bây giờ có thể đón nhận được những việc hay trong đời như thế, thực là một sự may mắn.

Trông thấy bố nhập tâm quên cả bản thân vừa nói vừa hát, tôi bỗng nhiên nảy ra một ý tưởng mới: Sao mình không dùng cái đài cassette này ghi lại một đoạn lời của bố? Như vậy thì sau khi bố qua đời rồi, những kẻ hậu sinh chúng tôi chẳng phải chỉ có thể nhìn thấy dung mạo của bố trên ảnh, mà còn có thể nghe thấy giọng nói của bố trong băng ghi âm nữa. Phải đấy, những thiết bị hiện đại hóa này có thể lưu lại tiếng nói của vĩ nhân, thì tiếng nói của những người nông dân cũng có thể lưu lại được.

Đợi Hàn Khởi Tường kết thúc câu chuyện, tôi bảo bố: “Bố à, để con ghi âm lại tiếng bố nói nhé.”

“Tiếng tao nói?”

“Vâng.”

“Có thể ghi lại được à?”

“Có chứ.”

Tôi thay một cái băng trắng, ấn nút, rồi bảo bố: “Không tin bố thử nói đi xem. Bây giờ bố cứ tùy ý nói một câu gì đó xem nào.”

Bố tôi bỗng giãy nảy lên, rối rít xua tay, bảo: “Tao không biết nói đâu! Tao không biết nói đâu!”

Tôi nhanh chóng nhấn nút tắt ghi âm, rồi bật lại cho ông nghe. Từ trong cái cassette vang ra giọng nói của bố: “Tao không biết nói đâu! Tao không biết nói đâu!”

Bố tôi ngạc nhiên kêu lên: “Đấy chẳng phải là giọng tao đấy như?”

“Chính là giọng bố đấy. Thế này nhé, bố cứ tùy ý, nói cái gì cũng được, để con ghi âm lại tiếng bố nói, sau này dẫu bố có không còn trên đời nữa, chúng con và đời sau cũng vẫn thường xuyên có thể được nghe lời bố nói.”

“Sợ là để lâu năm rồi, lời nói cũng bay đi hết…”

“Bay làm sao được! Cái băng này hỏng, thì có thể sao sang cái băng khác.”

Bố tôi rõ ràng cảm thấy vô cùng hứng thú với việc này. Ông nhấp nhổm muốn thử, nhưng lại hơi có vẻ ngại ngùng, vươn thẳng lại lưng vẻ rất hồi hộp, tựa như phải làm một nghi thức long trọng gì đó, hai tay đưa lên chỉnh ngay ngắn lại cái mũ dạ trên đầu, nghiêm chỉnh đằng hắng một tiếng. Rồi ông bỗng đỏ mặt lên như trẻ con, hỏi tôi: “Tao nói cái gì bây giờ?”

Tôi không nhịn được bật cười, bảo bố: “Bố cứ tùy ý nói cái gì cũng được. Ví dụ như bố nói về một ngày vui sướng nhất trong đời của bố…”

Một ngày vui sướng nhất trong đời? Ôi dà, nói thế nào nhỉ… Thôi, để bố nghĩ một chút đã. Ồ, đúng rồi, nếu nói về một ngày vui sướng nhất, thì đương nhiên đó chính là ngày tao thành hôn với mẹ chúng mày… À mà mày đợi đã! Nói gì nhỉ!? Ồ, đúng rồi, bố nghĩ ra rồi, chúng ta nói cái này nhé…

Hôm ấy, cũng giống như ngày hôm nay, đúng ba mươi tết… Bố nói như thế mày xem có được không! Được! Tốt rồi, vậy bố lại nói tiếp nhé …

Nhắc đến đầu năm ấy, thật khiến người ta chẳng biết nói thế nào. Vào thời gian mùa đông, công xã đưa dân công rút từ các đại đội tập trung cả đến thôn Tự Phật, giống như đi lính cũng chia thành tiểu đội, trung đội, đại đội, ban ngày thì lao động, tối thì chiến đấu, liên tục cho đến cuối năm, vẫn chưa được nghỉ. Một ngày trước tết, thư kí công xã đến tuyên bố: phải cách mạng hóa tết, ăn tết cũng không nghỉ! Mọi người vừa nghe thấy thế đều ầm ĩ lên. Sáng sớm ngày ba mươi tết, tất cả dân công đều bỏ chạy về sạch. Hơ hơ, lúc đầu bố còn không dám chạy, sau thấy mọi người đều chạy cả rồi, nên bố cũng chạy về theo.

Chẳng biết mày còn nhớ không? Sáng sớm hôm ấy, lúc bố chạy về đến nhà, mấy mẹ con mày rách rưới như ăn xin, ngồi quây lại một chỗ trên lò sưởi sụt sùi khóc lóc. Trông tình cảnh ấy, mày không biết trong lòng bố buồn thế nào đâu. Khóc cái gì cơ chứ? Có ai chết à? Đầu năm ấy, người cả thôn chỉ có một nồi cháo loãng, ai cũng nghèo rớt mồng tơi, ăn tết mà chẳng có một cái gì. Nhà ta càng không cần phải nói nữa. Nhà hàng xóm ít nhiều cũng còn mua được mấy cân thịt, còn nhà ta bố không về kịp, đến miếng bì lợn cũng không có. Chắc mày còn nhớ, khi ấy tư nhân không được phép nuôi lợn, mà lợn của tập thể nuôi lại không giết được, phải để nộp cho nhà nước. Lúc ấy ấy mà, trong đội có được bao nhiêu lương thực nuôi lợn? Nuôi mấy con lợn, bán cho nhà nước, nhà nước lại phát cho ít phiếu mua thịt, đến được từng nhà, cũng chỉ được mấy cân như thế thôi. Phiếu thịt mấy cân của nhà ta thì đã nhường cho cậu mày mang về để lo làm đám cưới cho con rồi. Với lại, dù có phiếu mua thịt, thì mẹ mày cũng có xu nào trong tay đâu!

Lúc ấy, bố liền quay lưng chạy lên thị trấn huyện. Bố không dám khóc trước mắt mấy mẹ con, nhưng suốt dọc đường đi bố đã bật khóc mấy lần. Vì sao mà khóc? Là vì trong lòng thương xót mẹ mày và mấy đứa trẻ con chúng mày! Sắp tết đến nơi rồi, mà một miếng thịt cũng không có ăn. Bố giận chính bố. Thân là một thằng đàn ông mà lại bất tài như thế! Khi đó bố nghĩ, hôm nay bố đi có phải ăn cướp cũng phải mang được mấy cân thịt về.

Lên đến thị trấn thì đã giữa trưa. Bố vội vàng chạy đến cửa hàng thực phẩm thì thấy họ đã khóa cửa chặt từ bao giờ. Ôi, hôm nay tất niên, người ta đều nghỉ làm sớm rồi.

Khi ấy, không còn hi vọng gì nữa, bố thở dài một tiếng, rồi ôm đầu ngồi xuống bệ đá trước cửa hàng thực phẩm, chỉ muốn khóc thật to cho thỏa.

Ngồi đó hồi lâu, thầm nghĩ, khóc thì làm cái quái gì. Cứ đi ra phía cửa sau xem xem có ai không.

Bố vòng ra phía cửa sau, thì cửa cũng khóa rồi, nhưng vẫn nghe thấy bên trong có tiếng người ho hắng. Bố đứng đó, không dám gõ cửa. Vì sao? Vì sợ. Sợ cái gì? Lúc ấy cũng không thể nói rõ được. Một lúc sau, bố bỗng nhiên nảy ra một sáng kiến. Hừ! Đừng tưởng ông bố già của mày là lão nhà quê ngu ngốc nhé, đến lúc khẩn cấp, đầu óc cũng thông minh lắm đấy! Bố nghĩ, nếu như mình nói mình là họ hàng của bí thư huyện ủy, thì người trong cửa hàng lại dám không bán thịt cho mình ư? Bí thư huyện ủy huyện ta khi ấy tên là gì? Phùng Quốc Bân, đúng không? Phải rồi, chính là Phùng Quốc Bân. Nhưng khi ấy, bố cũng không biết quý danh của ông ấy, chỉ biết là họ Phùng, bí thư Phùng thôi. Được, bây giờ mình chính là họ hàng của bí thư Phùng.

Thế là, bố liền đánh liều gõ cửa sau của cửa hàng thịt. Đầu tiên, cánh cửa chỉ mở hé ra một khe hẹp, để lộ ra một gã mập phía sau. Không đợi gã mập ấy cất lời, bố liền lên tiếng trước luôn, rằng mình là họ hàng của bí thư Phùng của huyện. Gã mập hỏi có việc gì, bố nói với gã là bí thư Phùng bảo các anh cắt cho mấy cân thịt.

Hừ, còn phải nói, lúc đầu gã mập ấy nào có chịu tin ngay bố là họ hàng của bí thư Phùng. Gã nhìn bố từ đầu đến chân một lúc lâu. Sau đó lại có vẻ tin. Những cán bộ lớn của Đảng chẳng phải phần lớn đều xuất thân từ dân nghèo ư? Có lẽ họ cũng có những họ hàng nghèo khó chứ. Ông cán bộ béo mập bèn không nói gì nữa, mở cửa ra, cho bố bước vào.

Gã đích thân dẫn bố vào kho chứa thịt. Ôi chao, trong giây phút bố chỉ biết đứng ngây ra, trông thấy trong kho thịt, thịt lợn chất thành đống cao hơn người, miếng nào miếng nấy đều ngon nhất mỡ màng nhất. Ông cán bộ mập hỏi bố cần mấy cân. Bố lập cập móc toàn bộ số tiền trong người ra - tất thảy có bốn đồng. Bố hỏi gã bao nhiêu tiền một cân. Gã nói tám hào một cân. Bố bảo, thế thì cắt cho năm cân đi. Nhưng, lúc ấy bố lại chợt nghĩ trong lòng: Bố vốn chỉ muốn kiếm lấy hai cân thịt, để cho mấy mẹ con chúng mày ăn một bữa là được rồi. Chứ bố không cần ăn, vì năm nay bố đi dân công, trên bếp ăn tập thể đã được ăn hai bữa thịt rồi, chỉ có mẹ con chúng mày là dễ cả năm chưa được húp một muỗng canh có mùi thịt. Bố nghĩ, hơn hai đồng bạc còn dư lại, để cho mẹ mày mua một cái khăn len - cái khăn len trên đầu bà ấy đã đội mấy năm rồi, vừa bẩn vừa rách, còn lại thì mua ít pháo tết cho mấy đứa trẻ con chúng mày.

Ăn thịt, đốt pháo, thế mới gọi là tết chứ! Nhưng, lúc này bố lại nghĩ, một người họ hàng của bí thư huyện ủy, mất công đi cửa sau, sao có thể chỉ mua hai cân thịt được? Bố đành chỉ còn cách cắn răng tiêu hoang cả bốn đồng vậy. Tuy bố mạnh tay mua hết cả bốn đồng bạc thịt rồi, nhưng tên cán bộ mập ấy thì rõ ràng vẫn đang cười nhạo người họ hàng nghèo khổ của bí thư Phùng. Tất nhiên gã không nói ra, nhưng bố vẫn nhìn ra điều ấy trên khuôn mặt gã.

Song bất luận thế nào, bố cũng đã mua được thịt rồi, hơn nữa lại còn được thêm một miếng thịt gáy béo mầm nữa!

Bố bước ra ngoài đường, vui sướng đến độ không biết nên làm sao cho xứng đáng nữa. Bố nghĩ đến lúc bố mang chỗ thịt này về nhà, mẹ mày, mấy đứa trẻ chúng mày trông thấy sẽ sung sướng ra sao! Chúng ta phải ăn một cái tết đủ đầy thôi!

Bố đang rảo bước trên đường, thì một tên ăn mày chặn đường bố lại. Bố vừa nhìn sang, thì hóa ra đó không phải ăn mày nào cả, mà chính là Cao Ngũ ở thôn Cao Gia, người cùng đi dân công với bố. Vợ ông ấy bị bệnh, tình cảnh còn khó khăn hơn cả nhà ta. Bản thân ông ấy cũng đã chịu vất vả đủ đường, người chỉ còn lại bộ khung xương.

Cao Ngũ mặc cái áo bông rách bươm, ngang bụng thắt một sợi thừng đay, chặn bố lại giữa đường, hỏi bố mua ở đâu mà được miếng thịt lợn ngon thế. Bố không dám nói thật cho ông ấy biết, bố sợ ông ấy biết được cách đó, lại học theo cũng đi nhận vơ là họ hàng của bí thư huyện. Như thế có được không? Lại chả khiến công an người ta vào cuộc điều tra ra, thì không khéo phải vào ngồi nhà đá! Bố bèn nói dối ông ấy rằng, bố mua miếng thịt của một người từ nơi khác mang đến. Cao Ngũ vội hỏi bố, người ấy bây giờ đang ở chỗ nào. Bố bảo, người ta đã đi khỏi lâu rồi. Cao Ngũ khuôn mặt như chực khóc, bảo bố, mấy hôm trước lúc nhà nước bán thịt, thì ông ấy không có xu nào trong tay. Tận đến sáng hôm nay mới xin vay mượn được người ta mấy đồng, nhưng bây giờ đến chút thịt cũng không thể mua được. Ông ấy bảo, người lớn thì thế nào cũng xong, không ăn thịt cũng chả gác tết sang một bên được, nhưng lũ trẻ con thì không nghe, hết gào lại khóc… Ông ta liếc nhìn miếng thịt bố đang xách trong tay, nói vẻ rất tội nghiệp, rằng có thể để lại cho ông ấy một ít không. Nói thật là, bố cũng thương hại ông ấy, nhưng chia cho ông ấy miếng thịt ngon này thì cũng tiếc. Bố bảo Cao Ngũ là thịt này mua giá cao lắm. Ông ta vội hỏi, bao nhiêu tiền một cân. Bố thuận miệng nói một đồng sáu một cân. Chẳng ngờ, Cao Ngũ nói, một đồng sáu thì một đồng sáu, anh cứ để lại cho tôi hai cân.

Trí não bố bắt đầu hoạt động, nghĩ bụng, lúc đầu mình cũng chỉ định mua hai cân thịt thôi, chi bằng bây giờ cứ để lại cho ông ấy hai cân đi. Sự thực là, thằng nhóc mày có biết không, khi ấy bố nghĩ, nếu bán cho Cao Ngũ một đồng sáu một cân, thì mỗi cân thịt bố đã ăn không được tám hào rồi! Cầm số tiền ấy, bố có thể mua cho mẹ mày và mấy đứa trẻ con chúng mày chút quà năm mới rồi. Việc mua bán này hời quá. Bố chần chừ giây lát, rồi bảo ông ấy, vậy cũng được, chúng ta chia đôi chỗ thịt này nhé. Cao Ngũ đáng thương nét mặt đang sầu não chợt tươi cười hẳn lên.

Thế là, Cao Ngũ lấy hai cân rưỡi thịt, cầm bốn đồng bạc dúi vào tay bố, cười hớn hở ra về, tựa hồ ông ấy đã giành được phần hời từ bố. Tốt quá, lúc đi bố mang theo bốn đồng, bây giờ vẫn còn nguyên bốn đồng, nhưng trên tay lại xách thêm hai cân rưỡi thịt nữa. Số thịt này có khác nào bố đã vớ không trên đường. Quá là may mắn!

Bố lập tức đi vào cửa hàng mua cho mẹ mày một cái khăn len mới, mua cho mấy đứa trẻ chúng mày vài bánh pháo. Còn lại bảy hào bạc, lại mua mấy chục cái kẹo mềm cho mấy đứa chết thèm chúng mày...

Bố đi rảo như chạy về nhà. Dọc đường vừa đi vừa ngoác miệng cười hỉ hả. Hớ hớ, chính bố còn nghe thấy tiếng mình cười. Nếu không phải đã suốt một ngày chưa ăn cơm, cái bụng đang réo sôi ùng ục, thì không chừng bố còn vui sướng hát được cả đoạn kịch nữa ấy chứ… Chẳng phải là mày muốn bố kể về một ngày vui sướng nhất trong đời ư? Đúng thế, trong đời bố chẳng có ngày nào vui sướng hơn ngày hôm đó. Vui sướng vì lẽ gì? Vui sướng vì mẹ mày và lũ trẻ chúng mày năm ấy cuối cùng đã được ăn cái tết có thịt rồi. Hơn nữa, mẹ mày còn có khăn mới, lũ trẻ con chúng mày được đốt pháo, ăn kẹo mềm…

Tôi tắt phụt cái cassette, không nói một câu nào, bỏ lại bố tôi ngồi đó, một mình bước ra ngoài sân mà trong lòng nặng trĩu. Giờ khắc ấy, trên bầu trời trong vắt nhấp nháy đầy những ngôi sao sáng, soi ánh cùng những chiếc đèn lồng treo đung đưa trước cửa sổ mọi nhà trong thôn, tạo nên một quang cảnh thật giàu đẹp. Từ xa vẳng lại tiếng trống, tiếng phèng la, cùng tiếng sáo tiếng đàn nhộn nhịp, hòa lẫn với những tiếng cười vui sướng của đàn trẻ nhỏ.

Làng quê đang chìm ngập trong không khí của ngày tết. Xa xa gần gần tiếng pháo nổ chỗ rộ lên, chỗ lại lắng xuống, khói pháo của hòa bình lan tỏa khắp bầu không. Giây phút này đây, tất cả những điều ấy đã mang đến cho tâm hồn tôi một niềm an ủi và sự ấm áp vô cùng…

Châu Hải Đường | Báo Văn Nghệ

Dịch từ nguyên bản tiếng Trung

1. Hàn Khởi Tường (1915 - 1989), người Thiểm Bắc, Trung Quốc, là nghệ sĩ kể chuyện - cùng gọi là “thuyết thư” là nghệ thuật lâu đời, chuyên kể những câu chuyện theo các bộ sách nổi tiếng của Trung Quốc xưa.

2. Cân: cân truyền thống Trung Quốc, tương đương 0,5kg.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bên lề bản thảo - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Chuyện ếch - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Mắt - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Chim ngọc trai - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài Những ngày không sách - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở
Hội Nhà văn TP.HCM: Tổ chức Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V

Hội Nhà văn TP.HCM: Tổ chức Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V

Baovannghe.vn - Với chủ đề "Đồng hành khát vọng phương Nam", Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V, sẽ được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức ngày 11/10 tại hội trường 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM
Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Baovannghe.vn - Những trận chiến ác liệt. Những cây thốt nốt và cánh rừng khộp vào mùa thay lá. Những cơn mưa rừng kéo dài lở đất, lở rừng... người lính ví như cuộc viễn chinh trên sa mạc
Bản tin Văn nghệ: Tiếp tục chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

Bản tin Văn nghệ: Tiếp tục chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

Baovannghe.vn - Ngày hội Văn hoá vì Hoà bình; Chương trình nghệ thuật "Những cảm xúc tháng 10" và Triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” là điểm nhấn.
Tin buồn và Danh sách Ban Tang lễ nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Tin buồn và Danh sách Ban Tang lễ nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Baovannghe.vn - Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: