Sáng tác

Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Tống Ngọc Hân
Truyện
11:50 | 08/08/2024
Baovannghe.vn - Trăng mười tư tròn ngơ ngác như khách của bầu trời. Khách đến sau một trận mưa đầu mùa nho nhỏ mà nhà nông gọi là “tráng ướt đầu cỏ”.
aa
Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Minh hoạ Phạm Hà Hải

Trăng hay không trăng thì giờ điện đã giăng mắc mọi nẻo đường quê, ít người còn trông đợi trăng.

Ông Thuận gạt chốt cửa, tháo then sắt rất thuần thục để mở cổng đi vào. Nhà ông Thời, anh trai ông, có cái sân gạch rất rộng, bày cùng lúc ba chục mâm cỗ còn dư chỗ. Nhà trưởng họ thì phải thế chứ. Cái sân không phơi gì ngoài trăng và hương hoa mộc đang ngào ngạt.

Ông Thuận bước vào nhà khi đứa cháu dâu vừa kịp dọn dẹp những thứ vỏ thuốc trên bàn. Với kinh nghiệm của người thường xuyên ra vào bệnh viện, ông Thuận kịp thời nhìn thấy tờ đơn thuốc bị cái cái gạt tàn đè lên. Ông hỏi một cách thân tình. Bố cháu mệt à? Đứa cháu dâu đành nói thật. Bố cháu vừa uống thuốc. Để cháu gọi bố cháu nhé? Ông Thuận ra dấu không cần gọi. Ông rút tờ giấy trong túi áo ngực ra, vuốt cho phẳng phiu rồi gấp tư, đưa cho cháu dâu. Ông dặn. Nhẽ ra, chú phải trao đổi trực tiếp, nhưng bố cháu đang mệt thì thôi vậy, cháu đưa cái này cho ông, mai khỏe ông xem. Cũng chưa vội lắm đâu. Nói xong thì ông Thuận đứng dậy, ánh mắt gửi gắm lấp lánh nhìn đứa cháu dâu vốn là người cẩn thận chu đáo. Cho chú chào ông nhé.

Ông Thuận là em trai ruột của ông Thời, nhà ở đầu làng, hiếm có ngày nào ông Thuận không vào chỏm ông anh đã ngoài bảy mươi của mình một lần. Thế mà lại còn phải giấy bút, ghi chép cẩn thận. Có lẽ là thói quen của ông trong những lần bàn bạc với anh trai những việc quan trọng. Trong họ, ông Thuận là người chỉ một bề gái, nên ít nhiều tâm tư. Mà tâm tư thì viết ra giấy, đọc từ từ vẫn hơn. Ông thích cái cảm giác ngồi nhìn anh trai đọc những điều mình viết trên giấy. Vậy mà nay ông ấy ốm. Cũng không biết ốm thế nào. Mới hôm qua sang vẫn thấy ông anh đang cuốc vườn bảo để quải ít hạt rau muống Nhật mai bữa nắng lên còn có cái luộc chấm tương ăn. Ở cái tuổi này rồi, bệnh tật thì nhiều, hỏi thăm ai, khi nào, không ai biết trước được.

Ông Thuận vừa ra khỏi ngõ, tiếng chốt cổng rít lên kèn kẹt thì ông Thời từ buồng đi ra. Bảy lăm tuổi nhưng ông Thời còn đĩnh đạc phong độ lắm. Cộng với tác phong quân ngũ ăn sâu, thì dù có ốm, trông cũng chả ai biết. Thấy bố chồng đi ra, Hoài hỏi khẽ. Bố đỡ rồi ạ? Ông Thời gật đầu. Bố chưa muốn bàn công việc với chú ấy vào lúc này. Thằng Phong, nếu có điện về thì con bảo là bố có việc cần trao đổi nhé. Nhìn vẻ mặt đầy lo lắng của bố chồng, Hoài khẽ dạ rồi ngồi xuống bên bàn, tiếp tục với chồng bài kiểm tra đang chấm dở. Phong là chồng cô, là con thứ hai, cũng là con út trong nhà. Anh là sĩ quan biên phòng, có lúc vài tháng mới về nhà. Đồn ở tận biên giới, xa lắm, Hoài mới đến đơn vị của chồng hai lần. Có việc gì mà bố chồng cô không gọi luôn cho con trai, lại đợi con gọi về? Hoài tò mò muốn biết ông Thuận viết gì trong tờ giấy, nhưng ông Thời đã cầm lấy, nhét vào túi áo ngực, cài cúc áo cẩn thận.

Hoài chưa đọc xong một bài tập làm văn của học sinh lớp 6 thì nghe tiếng chuông điện thoại. Đúng là nhạc chuông dành riêng cho chồng. Cô chạy lại đầu giường cầm điện thoại lên. Con bé Phương hỏi toáng ngay khi Hoài vừa a lô. Bố ơi, bố sắp về chưa ạ? Hai vợ chồng nói chuyện với nhau vài phút, chủ yếu về sức khỏe của ông nội bọn trẻ. Thông thường, sau khi nói chuyện với chồng, Hoài sẽ đưa điện thoại cho các con để chúng lần lượt nói chuyện với bố. Con Phương thì đã đứng chầu ở đó, còn thằng Tuấn đã bước vào tuổi mười hai, có vẻ bẽn lẽn, đợi mẹ gọi vào nói chuyện với bố thì mới vào. Nhưng lần này, Hoài đi ra cửa, đưa điện thoại cho bố chồng. Ông Thời cầm điện thoại đi ra sân, tít phía gốc ngâu rồi mới nói. Tiếng ông rủ rỉ đủ nghe nên Hoài không đoán được giữa bố con họ có chuyện gì mà bí mật thế. Hàng chục phút trôi đi chậm chạp trong sự thấp thỏm của cả ba mẹ con Hoài. Mười ba năm làm dâu, đây là lần đầu tiên Hoài thấy bố chồng và chồng có những trao đổi kín trước mặt cô như thế. Ông Thời vừa trả điện thoại cho Hoài thì tiếng then cổng lại rít lên, lần này có cả tiếng khóa cổng lạch cạch. Chắc chắn là mẹ chồng cô đã về, vì bà thường mang theo chìa khóa mỗi khi ra khỏi nhà, để khóa cổng luôn, đỡ mất công quay ra. Thi thoảng bà Thời vẫn ra bà bạn thân ngoài đê chơi như thế, ăn tối xong là đi và về nhà trước chín giờ đêm. Bố chồng cô như thể căn được giờ vợ về mà dừng lại cuộc trò chuyện. Hay chỉ là ngẫu nhiên thôi thì Hoài không biết.

Mẹ chồng cô vừa đến sân là đã vào chuyện. Ông ơi, ông đã xem cái cổng làng ngoài khu chín chửa? Cổng thế mới là cổng chứ. Người ta làm sau có khác. Làng mình làm trước tiên, giờ hóa lỗi thời, vừa hẹp vừa thấp, lọt thỏm giữa nhà lão Trần và bà Nhận. Ông Thời không nói gì, đứng vẩn vơ trên thềm. Bà Thời làm thêm tràng nữa thì ông mới nói. Bé hay xấu thì cũng chỉ có thế thôi, không ai đập ra làm lại. Bà Thời hạ giọng mát mẻ. Làng thì có đến hai tiến sĩ, bốn ông đại tá và một giám đốc sở, vậy mà cổng làng thì cái xe con phải chui nghiêng mới lọt. Ông Thời nghe nói đến đấy thì xẵng. Này, tôi cấm bà kể lể với thằng Hoàng chuyện cổng giả đấy nhá. Có nào dùng thế. Bà Thời im lặng không nói gì nữa. Hoài chột dạ. Sao bỗng dưng bố chồng cô lại nói tới anh Hoàng nhỉ? Anh Hoàng là anh trai của Phong, năm nay bốn bảy tuổi, anh ấy là vị giám đốc sở mà mẹ chồng cô vừa nhắc đến đấy. Làng này, đi đến đâu cô cũng được nghe người ta bàn tán nhà ông Thời có hai thằng con giỏi giang làm mát mặt cả dòng họ, làng xã. Giỏi giang thì họ gộp hai làm một, còn ngưỡng mộ thì họ tách bạch ra. Họ ngưỡng mộ anh Hoàng hơn chồng cô. Bởi vì anh là người vừa tài vừa có tâm với làng, với dòng họ này. Đúng chuẩn “một người làm quan cả họ được nhờ”. Cái cổng làng này hồi xưa xây mất hơn hai trăm triệu, thì mình anh Hoàng đã công đức một trăm, còn lại các gia đình góp vào. Xây nhà văn hóa thì anh đài thọ toàn bộ gạch và xi măng. Hôm khai trương anh cũng chi toàn bộ tiền tiệc mặn. Rồi con đường bê tông chạy quanh làng, anh cũng góp vào đấy một phần ba dù có khi cả tháng xe anh mới lăn bánh một lần qua con đường ấy. Gần nhất là xây chùa làng, anh gia tâm cả tiền và hiện vật cũng bạc trăm. Bố chồng cô thì luôn dặn anh. “Gia tâm thì cũng lượng sức mình thôi con ạ. Còn để mà lo cho con cái”. Chị dâu, vợ anh Hoàng là người lanh lợi tháo vát lắm. Bố chị ấy, tức ông bà thông gia, gia thế, gia phong có nền tảng, thừa sức lo cho chị một chỗ ngồi đàng hoàng trong biên chế nhà nước nhưng chị không theo sự sắp đặt ấy mà tự kinh doanh đồ nội thất. Ngược lại với tính cách giản dị của bố chồng, mẹ chồng Hoài là người sính mẽ. Tức là có tư tưởng trên tài. Cái gì con bà cũng phải hơn con người bà mới thỏa. Học giỏi, đỗ đạt cao, đã hơn người rồi. Đến cả việc công đức, bà cũng không muốn con mình thua kém ai. Có đáng là bao. Tiền gia tâm là tiền gửi ngân hàng. Sau này đời đời con cháu an hưởng phúc đức. Thì đừng có tiếc. Bà luôn quán triệt tư tưởng hai thằng con trai của bà như thế dù chúng đã có vợ con, gia đình riêng, có quyền lựa chọn những việc nên làm và từ chối những điều không phù hợp. Nhưng nếu các con không đáp ứng nguyện vọng của bà thì bà sẽ hờn giận, trách móc rồi cho rằng con cái bất hiếu. Và thế là, bao năm nay, hai anh con trai ngấm ngầm bị chính mẹ mình thao túng. Bà Thời biết điều này hơn ai hết. Hễ làng trên xóm dưới, đình gần chùa xa, đâu có kế hoạch xây dựng, trùng tu cần đến nguồn kinh phí xã hội hóa, là bà đều có mặt để thám thính. Sau đó bà thì thụt gọi điện, kể lể và hối thúc anh Hoàng. Để anh đem tiền về tài trợ. Sau đó bà sẽ gọi điện cho chồng Hoài và nói, anh con đã ủng hộ bấy nhiêu, thì con cũng bàn với vợ để thu xếp ít nhiều. Vợ chồng anh Hoàng như thế nào thì Hoài không rõ. Và nhà anh chị khá giả, chuyện ấy có thể không có gì to tát. Theo như mẹ chồng cô nói thì hưởng lộc cũng phải biết tán lộc, làm quan, lộc lá nhiều, tán bớt là hợp lý. Nhưng vợ chồng cô thì mấy phen sóng gió vì mệnh lệnh của mẹ chồng. Mẹ chồng cô không chỉ “lũng đoạn” trong lĩnh vực tiền bạc. Bà còn giao việc cho anh Hoàng trong cả những vấn đề khó khăn, phức tạp hơn. Con cháu họ nội họ ngoại, đứa nào học xong ra trường, chưa có công ăn việc làm mà đến có nhời với ông bà thì bà đều tìm cách nhờ anh Hoàng “tác động” “đẩy thuyền”. Thậm chí có đứa bị vi phạm giao thông, công an giữ phương tiện, bà cũng cho số điện thoại của Hoàng để nó gọi nhờ vả. Bà đã bao đồng lại ưa hón nữa. Nên lời mặn ngọt họ rót vào tai, bà đều tưởng thật. Bà tin rằng cái họ Phạm của các con bà là họ to và danh giá nhất làng. Cái làng này lại nổi tiếng nhất xã. Cái xã này lại vinh quang nhất huyện. Huyện này giàu thành tích nhất tỉnh. Tài là, không ai cản được cái sự suy diễn của bà. Kể cả ông. Mà suy cho cùng, có bà mẹ nào lại không tự hào khi có đứa con giỏi giang. Mà anh Hoàng giỏi thật sự. Từ bé tí đã xuất chúng, thầy cô, bạn bè ngợi khen. Nhà nhà lấy anh làm gương cho con cái họ. Gia cảnh nhà chồng cô ngày xưa nghèo khổ, lam lũ lắm. Giờ thì nhìn xuống, chả ai bằng.

Ông Thời đứng ở sân nhìn trăng một lúc rồi đi ra cổng. Hoài nghe rõ tiếng ông mở khóa. Bà Thời đi theo ra ngõ hỏi chồng. Ông đi đâu hở? Khuya rồi. Ông Thời nói ngắn gọn. “Tôi đi dạo một lát, giời bức quá”. Bà Thời ngún ngoảy đi vào. Điệu đi nhảy chân sáo rất hồ hởi vui vẻ. Bức gì mà bức, mới tháng ba. Hoài không chế ngự được nỗi tò mò mỗi lúc một lớn. Cô cầm điện thoại nhắn tin cho Phong. “Có chuyện gì thế anh? Em thấy bố lạ lắm”. Nửa giờ sau chưa thấy Phong đọc tin nhắn, Hoài lẳng lặng thu hồi. Hay là bố chồng cô định làm di chúc rồi tính chuyện thừa kế cho hai con trai? Mới đầu tháng, vợ chồng anh Hoàng về ăn giỗ ông nội, có thấy bố đả động gì đâu nhỉ? Chắc chắn không phải việc thừa kế vì cô biết cả chồng cô và anh Hoàng đều không nhòm ngó gì đến chút đất đai hương hỏa của bố mẹ. Anh Hoàng nhà cửa bên thành phố đề huề. Vợ chồng cô cũng mua được mảnh đất nhỏ dưới thị trấn từ hai năm trước. Nhưng nhà ít người, các con còn bé, bố mẹ chồng muốn mẹ con Hoài ở đây thì cô cứ ở thôi. Sau này chồng cô chuyển về gần rồi tính. Hay là việc chú Thuận định trao đổi với bố khiến bố khó nghĩ. Là cô cứ đoán vậy thôi.

Ông Thời lững thững trên đường làng. Trăng cùn cụt theo sau. Xóm làng yên ả lim dim vào giấc. Vài tiếng chó sủa đổng bất lực trong cánh cổng sắt. Con đường bê tông từ lõi làng chạy ra cổng làng loang loáng dưới trăng, hai bên đường là hai hàng xoan tơ đang trổ hoa tím biếc. Mùi hoa xoan thơm dìu dịu thanh khiết làm duyên dáng cả mảnh đất quê cỗi cằn. Những năm gần đây làng xóm đẹp đẽ lên rất nhiều. Nhà nhà khang trang, ngõ ngõ sạch đẹp. Nhưng hàng xoan bên đường nay có gì lạ lắm. Ông lại gần thì phát hiện ra. Mỗi gốc xoan đều dán một tờ giấy có dấu đỏ chói. Ông Thời đứng lặng người giây lát rồi lột một tờ giấy đưa lên mắt. Trăng lúc này sà xuống thấp, tỏ hơn đèn. Từng chữ được phóng to ra để ông đọc hết. Đọc xong thì ông co rút người lại, ngực đau thắt, chân đứng không vững. Ông dựa lưng vào gốc xoan hồi lâu, thở dốc. Trăng lại lùi xa, như thể tìm kiếm thứ gì. Ánh trăng mười bốn sóng sánh giống như những liều thuốc giảm đau thần kỳ. Ông chỉ cần hít sâu thở đều một lúc là thấy tâm can không còn nhức nhối. Ông đến từng gốc xoan, lột từng tờ giấy có dấu đỏ ra, chấp lại, cuộn tròn. Đi hết hàng xoan là tới cổng làng. Chạm tay vào cổng làng, niềm tự hào còn đây, đầy ắp trong ông. Nhưng thứ tràn ra lênh láng cả con đường là nỗi chua chát, đắng cay, nhục nhã. Chiếc cổng làng này là công trình đầu tiên của làng. Khi ấy, dân hồ hởi lắm. Mỗi hộ dân góp vào hai trăm nghìn cũng còn chật vật. Thế mà, khi thằng Hoàng đem về những cọc tiền mới tinh, vuông vức thơm phức, vợ ông còn chau mày. Bấy nhiêu vẫn chưa đủ con ạ. Đời người, chỉ làm cái cổng làng có một lần. Ông với tay, giật mạnh tờ giấy bám chặt vào cổng làng, cuộn lại. Ánh trăng như đu vào cánh tay ông, ẩm ướt, trĩu nặng như trì níu, khuyên can. Nhưng ông kiên quyết bước tiếp. Vẫn con đường bê tông ấy đưa ông đến nhà văn hóa của khu. Trời đất hỡi, rất nhiều mảnh giấy có dấu đỏ. Tờ thì dán vào cột, tờ dán tường, tờ dán trên áp phích. Cả tấm lưới bóng chuyền cũng dán giấy. Ông miệt mài gỡ hết, cuộn lại. Trăng như quả bóng bị đập mạnh bay quá đà qua mái nhà lân cận và rơi xuống ao làng, trời vụt tối sầm. Cái nhà văn hóa này xây xong ba năm thì chập điện cháy hết trang thiết bị. Xây gọi con, cháy lại gọi con. Thằng con ngoan ngoãn phóng khoáng, hễ nghe mẹ gọi là thưa, là không bao giờ chậm trễ. Còn một nơi nữa ông cần phải đến. Đấy là chùa làng. Ngôi chùa to nhất vùng với kinh phí xây dựng và đúc chuông lên tới trên hai tỷ đồng, hoàn toàn là tiền của dân góp vào và các mạnh thường quân tài trợ. Chùa mới xây lại trên nên chùa cũ nhưng con đường lên thì vẫn thế. Nếu là ngày xưa, ông còn khỏe, chỉ mất năm phút là ông đã có mặt ở khuôn viên chùa rồi. Nơi vừa thờ Phật vừa có bia thờ liệt sĩ của làng. Cả làng, ai cũng coi ngôi chùa là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Ông thấy đầu gối nhức mỏi vô cùng. Đoạn đường dốc không quá dài mà mất cả chục phút ông mới lên tới nơi. Cổng chùa khép hờ chứ không khóa, những tờ giấy có dấu đỏ chói như máu giăng kín hai cánh cổng. Ông lật đật tiến lại, gỡ lần lượt từng tờ một. Trăng ướt át núp trên ngọn sấu nhìn lơ đễnh xuống sân chùa, như chẳng liên quan. Mai rằm rồi, bà con đi chùa sớm lắm. Ông phải gỡ bằng hết. Bước vào sân chùa, ông phát hiện ra những tờ giấy dán khắp tam tòa, dán lên cả chân tượng Phật, dán cả vào đại hồng chung. Mồ hôi vã ra như tắm dù trời xuân còn mát mẻ. Ông Thời rồi cũng lột hết những mảnh giấy có dấu đỏ. Xuống đến chân dốc chùa. Ông tựa lưng vào bức tường rào của một nhà trong làng để thở và ngẫm nghĩ. Còn nơi nào nữa họ có thể dán giấy không? Ông phải bằng mọi cách thu hết lại trước bình minh và đem tiêu hủy. Phải rồi, còn kênh thủy nông, trường mẫu giáo, khu mộ dòng họ, khu vườn cây thanh niên. Trăng dường như đã hết kiên trì. Nó bỏ mặc ông, trốn vào một vầng mây xám. Một mình ông Thời đơn côi, lặn lội giữa đất trời mênh mang và đau đớn tận cùng.

Ông Thời về nhà lúc ba giờ sáng. Con dâu và hai đứa cháu nội đang ngon giấc. Chỉ có bà Thời là vẫn còn thức đợi ông. Ông đặt bó giấy cuộn tròn xuống tràng kỷ, chiêu một tách trà nguội ngắt, nhấp giọng rồi bảo vợ. Bà đợi tôi làm gì, sao không ngủ đi. Bà Thời run run. Ông ạ. Tôi không ngủ được. Giữa đêm khuya khoắt ông đi đâu? Ông Thời chỉ cuộn giấy trên tràng kỷ và bảo. Bà đọc đi. Tôi đi thu hồi những tờ giấy này. Cũng tại bà cả đấy. Bà Thời ngạc nhiên. Giấy nào, giấy gì? Sao lại tại tôi hả? Ông Thời gằn giọng. Thế có phải bà lúc nào cũng hô hào con, vận động con phải thế này phải thế kia, buộc vào cổ nó bao như thứ trách nhiệm mà tự bà vẽ ra không? Bà nghĩ xem, lương nó bao nhiêu? Tiền đâu ra mà cứ trăm triệu này, chục triệu kia ròng rã bao năm trời hết gia tâm lại tài trợ, từ thiện? Bà có nghĩ rằng tiền ở đâu ra không? Con trai chúng ta, thằng Hoàng ấy, bị bắt rồi. Tên thằng Hoàng đây này. Bà Thời bủn rủn lả người trên ghế, môi mấp máy. Ai bắt con? Nó tội... tội... gì mà... bắt... bắt...

Ông Thời thở hắt ra, nói như người trăng trối. Thì tội nhận hối lộ, tội buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chứ còn tội gì. Bà đọc đi, lệnh bắt người, dấu của viện kiểm sát đỏ chót đấy. Bà Thời nhìn theo tay ông, rồi lại nhìn vào mặt ông. Miệng bà méo xệch. Ông ơi, ông làm sao thế? Tôi có thấy gì đâu mà đọc? Ô hay, lệnh bắt nó, người ta dán khắp làng này... chỗ nào con bà đưa tiền vào, người ta đều dán giấy!

Bà Thời òa lên nức nở, chộp tay vào chỗ ông Thời để cuộn giấy nhưng bà không thấy gì. Bàn tay bà cứ xoa xoa, rờ rệt trên tràng kỷ. Con ơi là con. Mẹ biết con có nhiều tiền nhưng không biết con làm gì mà có nhiều tiền thế. Mẹ vận động con gia tâm, công đức là để giải nghiệp cho con thôi mà. Mẹ muốn con dùng hết tiền thiên trả vào cõi địa. Mẹ đâu có muốn con lún sâu vào tội lỗi. Ông trời ơi, tội là ở con, xin trừng phạt con, đừng bắt con của con...

Trong buồng. Hoài nằm im không nhúc nhích, mồ hôi vã ra đầm đìa. Cô thoáng nghĩ đến Phong. Dù hai chân tê cứng nhưng Hoài vẫn nhỏm dậy, gượng bước ra nhà ngoài. Bố mẹ chồng cô ngồi đối diện nhau trên tràng kỷ. Phăng phắc như hai pho tượng. Hoài ngồi xuống cạnh bố chồng. Cô nhẹ nhàng hỏi. Có chuyện gì vậy bố? Bố nói ai bị bắt? Bố chồng Hoài nhìn chằng chẳng vào cái đồng hồ quả lắc treo trên tường. Giọng ông thảng thốt. Anh chúng bay bị bắt rồi. Hoài cố lấy bình tĩnh hỏi lại. Ai nói với bố thế? Ông Thời lắc đầu. Không ai nói với bố cả. Bố linh cảm thế. Bố linh cảm điều tồi tệ ấy hằng năm nay rồi. Lỗi là ở bố. Bố đã không dạy bảo anh con tới nơi tới chốn. Bố cứ tưởng, với đứa thông minh, giỏi giang thì không cần phải dạy bảo nhiều. Vừa rồi, nóng ruột quá, bố đi kiểm tra. Quả nhiên, lệnh bắt anh con dán khắp nơi. Bố đem về đấy, cả trăm tờ. Con xem đi. Hoài nhìn về phía tay bố chồng cô chỉ. Cô không thấy gì cả. Ông Thời bo đầu, nói với Hoài. Bố có lỗi lớn với các con, với dòng họ, làng xã. Căn nhà này, mảnh vườn này, bố định để lại cho các con, nhưng tới đây bố sẽ bán, để anh con khắc phục hậu quả. Hoài thật sự sửng sốt. Cô chưa kịp nói gì thì đã thấy bố chồng vơ tay lên mặt ghế như bốc thứ gì đó. Ông cầm theo cái bật lửa đi ra sân.

Cả đêm Phong không chợp mắt dù anh đã tắt điện thoại. Cuộc nói chuyện với bố khiến lòng anh lo lắng khôn nguôi. Bố anh kể cho anh nghe những linh cảm của ông về sự lụn bại của gia tộc. Ông còn khó nghĩ về việc của chú Thuận. Chú Thuận không có con trai nối dõi. Chú Thuận luôn thúc giục anh mình cắt ra một mảnh trên đất hương hỏa để làm nhà thờ họ, lấy chỗ hương khói cho những người như chú về sau. Chú lo rằng, từ đường xây đã lâu, sau này nhỡ các cháu đập đi xây mới theo lối hiện đại thì sẽ không còn không gian thờ cúng truyền thống nữa. Chú nói, tiền đền bù đất đai vừa rồi, chú sẽ đưa cả cho bố, chỉ cần anh Hoàng và Phong góp thêm vào là có thể tiến hành. Thật ra, chuyện xây nhà thờ không khiến Phong lo lắng. Điều anh lo thắt ruột là chuyện sức khỏe của bố. Nghe vợ nói, anh không thể nào tin được. Không thể nào tin một người lính già như bố lại bị căn bệnh trầm cảm quật ngã. Vấn đề là chính bố không biết bố đang bị bệnh. Mẹ cũng không biết. Chỉ là vợ anh hoài nghi và xin tư vấn bác sĩ để mua thuốc về cho ông uống. Chủ yếu là thuốc bổ để giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn. Nhưng Hoài nói thuốc không có tác dụng. Anh đã quyết định lấy phép trong tháng này để đưa bố đi khám ở một bệnh viện uy tín. Hy vọng bố ổn từ nay đến đó. Anh đã nói với bố mấy lần rồi, bố đọc báo và xem thời sự vừa thôi, những cái tin bắt bớ, tù tội, ám vào người rồi sinh bệnh. Ai cũng cả nghĩ như bố thì ai còn dám cho con cái làm cán bộ.

Ông Thời ngồi ở góc sân, đánh lửa đốt mớ giấy gom về. Phải đốt sạch trước lúc trời sáng, khi hai đứa cháu nội thức dậy sẽ không thấy gì nữa. Lửa bén giấy, bốc khói. Ngọn lửa lạ chưa, chúng có mùi rơm rạ, mùi trấu, mùi thóc lép, mùi của những tháng năm đói rài rạc, vợ ông cắp rá vay gạo khắp làng mỗi lần ông và mấy đồng đội ghé qua nhà. Ngọn lửa khê khét mùi chinh chiến, thuốc súng, bom đạn. Ngọn lửa có mùi lá khô, có mùi nhựa cây những đêm đông giữa rừng già, anh em đồng chí chụm tay sưởi. Ngọn lửa cứ cháy mãi, cháy mãi. Những tờ giấy cứ cháy xong lại hiện hình trở lại. Chữ rõ hơn, con dấu đỏ hơn. Bầu trời tối dần, trước khi giao ban ánh ngày, đêm thường trở về khoảnh khắc nguyên thủy như thế này. Vẫn biết, đời người, suy cho cùng là một chuỗi những thành công và thất bại nối tiếp. Ai có thể đứng dậy sau thất bại thì mới bước đến thành công. Nhưng tại sao ngọn lửa này có thể hoàn nguyên?

Ông Thời dùng cái xẻng, hì hục đào một cái hố dưới gốc cây trạng nguyên. Những cây trạng nguyên hoa đỏ chói ông trồng để răn con. Sau này, con ông đỗ đạt thành tài, cả làng đến xin giống về nhân ra, nhà nào cũng có cây trạng nguyên hoa đỏ. Cái hố đào xong, ông đem hết cái mớ giấy mà lửa không thể đốt cháy chôn xuống, lấp đất lên. Ngẩng đầu lau mồ hôi, ông nhìn thấy những bông trạng nguyên bừng đỏ như máu đang rùng mình chuyển sang màu hoa trắng. Ông mỉm cười, ngây thơ như đứa trẻ.

Chứng kiến những việc làm kỳ quặc của bố chồng. Hoài không thể cầm lòng. Cô đi vào buồng, chốt cửa, bấm điện thoại cho chị dâu. Đến hồi thứ hai chị dâu mới nghe điện thoại. Tiếng chị dâu ngái ngủ có phần hoảng hốt. Có việc gì mà gọi giờ này hả em? Mồ hôi ướt đầm bàn tay và cả chân tóc, Hoài lập cập hỏi. Anh Hoàng... đâu... đâu rồi chị? Anh đang ngủ, có việc gì thím nói luôn đi. Hoài bối rối ngập ngừng một lát. Bố...bố...Bố làm sao? Bố bảo anh Hoàng bị bắt rồi. Ôi giời. Ai bảo anh bị bắt, bắt tội gì? Hoài đã bớt run. Bố nói anh bị bắt vì tội tham ô, tham nhũng, đem tiền về làng công đức sắm sửa. Phía bên kia lặng đi một lúc rồi tiếng chị dâu vọng đến, chua chát nhưng vẫn độ lượng. Em bảo với bố mẹ là chả ai thừa hơi đi bắt ông tiến sĩ của bố mẹ đâu. Bao nhiêu năm nay, tiền bạc ở cái nhà này một tay chị lo liệu, thu vén đấy. Mỗi lần mẹ gọi đến anh Hoàng, thúc giục anh Hoàng, anh đều ăn không ngon, ngủ không yên, lương anh thì được mấy đồng mà tài trợ cho ai? May là công việc buôn bán của chị thuận lợi, thì cũng mới có vài đồng mà giúp anh ra oai với họ hàng làng xã. Em nói với bố mẹ, chủ nhật này anh chị đưa các cháu về. Thôi ngủ đi!

Tống Ngọc Hân | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn dự thi của Bùi Việt Phương Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Trở về - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.