Diễn đàn lý luận

Người canh chừng lãng quên

Nguyễn Trọng Tạo
Chuyện văn chuyện đời
08:38 | 14/02/2025
Baovannghe.vn - Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên
aa

Tài thơ phát ra từ mỗi người có khác nhau. Có người tài thơ phát ra từ nhỏ. Có người phát ra ở tuổi yêu. Lại có người phát ra khi đã qua kỳ trung niên hay lên lão… Giữ được khả năng sáng tạo thơ cũng mỗi người mỗi khác. Có người lóe lên rực rỡ như sao băng rồi vụt tắt. Có người sáng dần trên bầu trời đêm cho mãi đến rạng sáng mới thấy lấp lánh sao mai. Thậm chí có người tên nổi hơn thơ…

Tôi đọc thơ Vương Cường trên báo Quân đội khi anh mới hơn 20 tuổi. Bài thơ viết về một trận đánh ác liệt nơi chiến trường, nhưng tâm hồn người lính thì thật lãng mạn. Chính vì thế mà bài thơ của anh đã lay động tâm hồn người lính yêu thơ lúc ấy là tôi. Tôi đoán anh cũng xấp xỉ tuổi mình, lần theo số hòm thư lính ghi dưới tên anh ở cuối bài thơ, tôi đã viết một lá thư gửi anh khen bài thơ, và lưu giữ lại tờ báo ấy. Hơn 30 năm sau, tôi gặp Vương Cường, anh vẫn nhớ đã nhận được lá thư tôi gửi với cảm giác khó tả; khi được tôi tặng tờ báo có in bài thơ thuở nào thì anh đặc biệt bất ngờ. Thì ra Vương Cường vẫn làm thơ và anh đã in 2 tập thơ chững chạc: Bài hát đi tìm một ngườiĐám mây hình thiếu phụ.

Người canh chừng lãng quên
Nhà thơ Vương Cường. Ảnh Thùy Vinh

Bốn chữ “Canh chừng lãng quên” được rút từ bài thơ “Tôi mơ”, viết về những người lính hi sinh nơi Thành Cổ Quảng Trị, cũng là câu slogan trên blog Vương Cường (Tôi mơ thành chó đá/ Đứng canh chừng lãng quên). Chọn bốn chữ ấy đặt tên cho tập thơ đủ nói lên nỗi lòng đau đáu của tác giả về quá khứ hi sinh của người lính, của dân tộc này trong cuộc sống đầy ba động hôm nay và cả ngày mai.

Trước khi đọc bản thảo tập thơ này, tôi đã đọc kỹ 2 tập thơ của anh, và đọc những bài thơ mới anh đăng trên blog hoặc in báo. Vương Cường ngày càng viết thơ mang tính chiêm nghiệm hơn và cũng kỹ hơn. Có những bài thơ anh sửa đi sửa lại nhiều lần, thay chữ, đổi câu và thậm chí có bài anh tuyên bố: bỏ. Sự nghiêm túc cẩn trọng với thơ như vậy là một ý thức nghề - nghiệp đáng quý. Và tôi cảm thấy tập thơ mới của anh có “nặng” hơn về tình yêu và thân phận.

*

Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/ lấp lánh”... Đó không chỉ là cuộc chiến tranh đã qua nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính anh, mà nó còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự ăn năn của những người còn sống. Quả đúng vậy, thơ Vường Cường nhiều lần nhắc đi nhắc lại về sự hi sinh, những linh hồn sống, những nghĩa trang và những bóng ma luôn đào xới xoáy sâu vào cõi tâm linh thi sĩ. “Tôi mơ”, “Cõng bạn đi chơi”, “Đêm ngủ ở nghĩa trang Trường Sơn”, “Viết ở nghĩa trang Văn Điển”, “Những cặp mắt ấy vẫn nhìn tôi”, “Những con ma làng”… và đặc biệt là bài thơ “Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi” đều là những tứ thơ độc đáo giàu sức lay động, neo giữ hồn người.

Ai đã nghe “Ngụ ngôn mùa đông” của Trịnh Công Sơn không thể quên sự ác nghiệt của chiến tranh qua câu hát “Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan”. Vâng, người chết hai lần ở đây là người đã chết rồi nhưng thân xác lại bị mìn xé tan nát một lần nữa. Vương Cường lại bắt gặp một tứ thơ khác, đó là người còn sống đi đám tang vĩnh biệt cái chân của chính mình bị đạn bom cắt rời: “Anh thắp một nắm hương/ Rải một ôm hoa dại/ Anh vái đất/ Anh vái trời/ Anh khóc, trách phần cơ thể không chờ nhau”. Rồi đến lượt anh từ giã cõi đời: “người thân lượm anh bằng vải đỏ/ mặt đánh phấn/ cùng nằm bên anh/ là đôi nạng gỗ…/ người chết hai lần/ cuộc đi chưa trọn”.

Vẫn biết Chúa Giêsu cũng chết hai lần khi người lính La Mã đã đâm ngọn giáo vào Trái - Tim - Đã - Chết của Ngài, nhưng đọc bài thơ của Vương Cường ta thấy một nỗi xót thương vĩ đại mãi mãi tuôn trào khi người lính vĩnh biệt cuộc đời vẫn chưa cập được bến bờ mơ ước.

Cùng với nỗi lòng đau đáu về số phận những người đồng đội đã hy sinh, Vương Cường có một giấc mơ thật đặc biệt, một tứ thơ thật độc đáo: “Cõng bạn đi chơi”. Không phải cõng một người bạn thương binh mà cõng linh hồn của người chết không còn đôi chân, đi chơi sau khi cuộc chiến đã xa xăm. Cõng bạn đến nhà người yêu thì người yêu đã thành “bà già nhăn nheo, tóc bạc”. Cõng bạn đi thăm bố mẹ thì “bố mẹ đã ra gò mả…/ hai nắm đất một thời biết khóc/ đêm đêm thả nước mắt vào mưa”. Cõng bạn vào bàn thờ thắp hương thì “lại gặp mình ngồi cười sau nải chuối”… Và đoạn kết là một nỗi đau xé lòng khi anh biết mình chỉ cõng một giấc mơ:

thôi mày về đi

cái thằng hai mươi tuổi

tao thương mày

mày chẳng biết thương tao…

MacArthur từng nói: “Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương chiến tranh nặng nề nhất". Cái vết thương chiến tranh trong thơ Vương Cường tưởng không bao giờ thành sẹo: “Trong đáy mắt có vài vết sẹo/ vết sẹo nước mắt bào không khô”, bởi vì “anh đã biết lặng im mà giông bão”.

Hình như cái lẽ sống trong chiến tranh đã trở thành một giá trị khát vọng để Vương Cường cân đong cuộc sống này. Một câu chuyện Thạch Sanh - Lý Thông cổ xưa cũng được anh nhìn nhận sâu xa về “một cây đàn, một cây đa muôn tuổi” bên cạnh “một tiếng sét và một con bọ hung muôn tuổi”. Một ngôi làng đổi thay trong thời đại công nghiệp cũng làm anh ngẩn ngơ khi “những con ma làng đi mất”, làm anh giật mình khi nhìn thấy “hồn làng ám khói đã từng mây bay”. Quả là tâm hồn thơ Vương Cường nhiều ngẩn ngơ, thảng thốt, hình như nó luôn bất an kể cả lúc bình an. Đó không phải là một tâm hồn hoài nghi vẩn vơ mà là một tâm hồn hoài nghi được tham chiếu của tư duy khoa học. Nó mang tính cảnh báo và dự báo. Đó là cái cảm giác “không ai bắn mình mà trái tim buôn buốt”…

*

Vương Cường không chỉ trăn trở về thực tiễn cuộc sống mà anh còn trăn trở nhiều về trách nhiệm của thơ, về nghệ thuật thơ. Đọc một số bài viết phê bình, nghiên cứu về thơ của Vương Cường, tôi thấy quan niệm của anh thường sâu sắc và mới mẻ. “Cái mới thường ẩn mình trong những câu hỏi từ thực tiễn. Thơ tham gia tr li bng cách ca thơ. Thơ vẫn có khả năng óng ả bay lên trên thực tiễn hoang tàn”. Với quan niệm ấy, người làm thơ phải vừa trả lời câu hỏi của thực tiễn cuộc sống, lại vừa phải trả lời câu hỏi tự lòng mình. Và anh đã nghiệm thấy: “Có câu thơ một đời không đọc hết/ có một đời không viết nổi câu thơ/ Bạn tôi chết không còn mẩu xác/ đất Cổ Thành cỏ chẳng bón mà xanh”. Những nỗi đau quặn thắt ấy không chỉ với người lính, mà còn với người chị bán hàng hoa nơi góc chợ:

Bàn tay khô

héo cả góc chợ buồn.

Những câu thơ buồn trĩu ấy, như không thể viết khác được.

Người làm thơ thường trọng cảm xúc. Nhưng cảm xúc lại nằm trong những “con chữ”. Vì vậy mà người ta nói “lao động thơ”, “nhà thơ là phu chữ” là nói đến sự coi trọng chữ nghĩa của thơ. Đọc Vương Cường, tôi nhận ra nhiều “con chữ” bất ngờ hiện lên không dễ dàng. “Mưa xóa đi kỷ niệm đang chạy”, “Em như gió đi không cần ngoảnh lại/ một mình anh ai ái với hồ ngây”… Những câu thơ như vậy thường níu người ta lại bởi những “con chữ” mang nhiều cảm giác.

Người nói thơ Vương Cường là “nỗi cô đơn minh triết” (Phan Chí Thắng); là “nỗi cô đơn đàn ông” (Võ Kim Ngân); là “tiếng gọi trong miền ảo” (Hà Linh), v.v… đều là một Vương Cường “đa tầng đa sắc đa phương” (Thuận Nghĩa). Nghĩa là thơ anh đã động đến trái tim của người đọc với nhiều góc độ khác nhau.

Gấp lại tập thơ “Canh chừng lãng quên”, tôi nhắm mắt lại và thấy Vương Cường đang đi trên cánh đồng chữ, ở đấy có máu xương, có cỏ xanh, hoa trái, có bình minh, hoàng hôn và bóng tối… Người thơ ấy lầm lũi đi tìm một cái gì đấy như là ký ức, như là thực tại, như là tương lai. Và anh đi lại gần tôi với cái bắt tay phát lửa ấm nồng. Đó là ngọn lửa phát ra từ những bài thơ mang đầy thân phận con người.

Văn nghệ số 44/2016

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim