Ngày xửa ngày xưa, khi những con vật, con người và Thần Phật còn chung một thứ tiếng nói, còn có thể trò chuyện thì trẻ con được nghe nhiều cổ tích hơn.
Và những chuyện ngày ấy hay hơn chuyện bây giờ, li kì hơn, bay bổng hơn. Một trong những chuyện li kì nhất, bay bổng nhất lại là câu chuyện bắt đầu từ chuồng heo nhà kia.
Chuyện rằng, đêm nọ sư cụ chùa làng nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con quỳ lạy, cầu sáng ra, nhà chùa đừng công phu chuông sớm để cứu mạng bầy con của mình. Canh năm thức giấc, nhớ lời báo mộng, sư cụ chỉ niệm thầm bài kinh sáng mà không chuông mõ như mọi khi. Thế rồi mặt trời lên, bác thợ giết mổ trong làng cầm dao bầu tới bắt đền nhà chùa đã không chuông báo thức như thường nhật để ông ngủ quên, lỡ phiên chợ quê, mất một ngày công việc. Sư cụ hiền lành chỉ biết chắp tay cáo lỗi, kể lại giấc mộng đêm qua. Bác thợ giết mổ hậm hực trở về thì thấy trong chuồng heo nhà mình, con heo thịt thoát chết vì lẽ ra bị chọc tiết từ sớm đã thành heo mẹ, mới sinh một bầy năm đứa con.
Bác thợ giết mổ giật mình kinh hãi như vừa thoát khỏi tội giết người! Kinh hãi thấy như người mẹ và năm đứa con trong giấc mơ kia đã bước từ ngôi chùa về nhà mình mà hóa thành bầy heo, đòi được bước tiếp vào cuộc sống, vừa theo một ngày mới trở lại với chúng. Bác thợ cắm con dao bầu xuống đất, nguyện từ nay bỏ nghề giết mổ, chỉ cấy hái gieo trồng như ai. Con dao gieo xuống đất vườn, rùng mình sắt mọc thành cây huyết dụ lá đỏ như máu. Đỏ như tấm biển báo cấm chém giết.
Đàn lợn âm dương - Tranh Đông Hồ |
Bác thợ giết mổ tháo dóng, thả hết heo trong chuồng. Heo mẹ dẫn năm đứa con tìm về xứ mười hai con giáp. Đoạn đường về nơi hoang dã để heo nhà thành heo rừng thật muôn vàn gian khổ. Dao bầu đã hóa cây huyết dụ nhưng súng và cạm bẫy của các bác thợ săn thì còn rất nhiều. Trong khu rừng kia, dù heo mẹ đi trước dẫn đường, năm heo con vẫn lỡ bước, sa hố, rơi cả vào một túi lưới. Heo mẹ tính cắn rách lưới cứu con, lưới chưa rách nó đã bị người thợ săn trói gô.
- Ta tưởng chỉ bẫy được năm heo sữa gửi lò quay. Ai ngờ còn thêm một lợn sề bán cho quán cháo lòng!
- Mừng cho ông! Hãy nhớ mang đoạn dồi trường của tôi biếu bà nhà. - Heo mẹ lên tiếng. - Và mang cái bong bóng bàng quang trong bụng tôi đây về cho mấy đứa trẻ nhà ông thổi một trái banh! Tôi xin đổi nguyên bộ đồ lòng của mình lấy năm đứa nhỏ tội nghiệp con tôi. Hãy để chúng về xứ mười hai con giáp! Phiên trực thời gian năm Hợi đang chờ.
Bác thợ săn tốt bụng thấy heo mẹ sắp chết vẫn nhớ tới con mình và con người khác thì cảm động lắm, liền mở lưới, cởi trói để mẹ con heo tiếp tục hành trình. Mẹ nặng nề bước trước, con lon ton theo sau. Hết rừng rậm nhiều cạm bẫy, họ qua một làng quê không ít cường hào. Cậu út con nhà phú ông kia là đứa ham ăn hơn ham học, nhìn thấy những heo con mũm mĩm thì mắt sáng rỡ, nói ngay:
-Còn gì trên đời ngon hơn heo sữa quay. Năm con xinh xinh cũng được năm ngày!
- Không ai mang heo sữa quay vào lớp học, nhưng có thể bỏ bánh lỗ tai heo vào túi quần vừa làm toán vừa nhai giòn rụm. - Mẹ heo lên tiếng dỗ dành. - Xin hiến đôi tai này làm cặp bánh lỗ tai heo ngon nhất trần đời.
Mẹ heo lấy chính đôi tai mình làm mẫu, đo ni tấc, cùng với bà mẹ cậu út con nhà phú ông, ngào bột làm mấy kí lô bánh lỗ tai heo ngon nhất trần đời. Vì công trạng này mẹ con nhà heo lại được cấp lương thực tiếp tục hành trình. Mẹ trước con sau hướng về nơi hoang dã, không vì những máng cám mà chối bỏ tự do.
Mấy ngày sau họ phải qua một khu phố ẩm thực thuộc kinh thành nước kia. Cả thành phố đang đổ xô đi tìm món ngon cho bữa tiệc mừng nhà vua lên ngôi. Một người đầu bếp nhìn thấy năm heo con mũm mĩm thì cảm hứng nấu nướng đến ngay. Ông gõ thớt, đọc bài thực đơn thất ngôn bát cú, bắt đầu bằng hai câu:
Bát bửu nhồi căng ngũ vị hương
Bỏ lò heo sữa chín như xương…
- Heo sữa bỏ lò dầu mỡ như thế, các bậc vương giả chẳng đụng đũa. - Thương con quá mẹ heo lại nghĩ mẹo để biến một phần cơ thể mình thành món ăn lạ, cứu con - Heo sữa bỏ lò chỉ là món ăn cấp quận huyện. Nhưng nếu lột da tôi, rang trong cát nóng, da heo sẽ rộp lên thành món bóng. Đấy mới là sơn hào hải vị. Bác bếp nào làm được món bóng sẽ thành vua bếp nấu cơm ngự thiện dâng hoàng đế. Hãy thư thả để tôi đưa các cháu tới xứ mười hai con giáp, xong việc lại xin trở về lột da làm món bóng. Muộn gì!
Cảm động trước tình mẹ con, người đầu bếp mở cửa chỉ đường để mẹ con heo tiếp tục hành trình. Lại còn làm quà một chai nước tương, một chai dầu đậu phộng, toàn là đồ chay ăn lấy thảo. Lẽo đẽo con bám vú mẹ, mấy ngày sau mẹ con nhà heo rơi vào tay nhóm thợ nấu đám cưới.
- Con heo nái gầy trơ xương, bắt làm gì! Nhưng kìa năm heo con mũm mĩm, mỗi con tần một thố thuốc Bắc còn gì ngon hơn!
- Còn chứ. Đám cưới ăn lấy vui không ăn lấy no. - Mẹ heo lại ngọt ngào đấu lí. - Những chân giò can trường thường ngọt nước. Món này lên đĩa có tên chữ là “Giò lợn nấu toạc móng heo”. Nếu được thả ra, dẫn các cháu tới xứ mười hai con giáp tôi sẽ trở về trong đám thôi nôi một năm sau, dâng bốn chân giò mừng cặp vợ chồng trẻ có con đầu lòng. Lúc ấy đã “đi một đoạn đàng, học một sàng khôn”, món “Giò lợn nấu toạc móng heo” sẽ đầy một mâm những chuyện học khôn!
Nói rồi heo mẹ lên giọng quan họ Bắc Ninh, hát về món chân giò của mình:
Ụt à ụt ịt
Lá ráy che ô
Heo bông trẩy hội
Trên tranh làng Hồ.
Đuôi nheo phất cờ
Trống cơm bụng vỗ
Những đôi chân giò
Theo nhịp Quan Họ.
Hớn ha hớn hở
Cười lấp chôn kim
Hai lúm đồng tiền
Hiện trên da sữa.
Ba sáu thứ cỗ
Mời vào thị tài
Chép miệng gầu giai
Tát hai gánh cám.
Tết đình tết đám
Ngon thiệt là ngon
Ụt à ụt ịt
Nấu... toạc móng sơn.
Nghe thấy món lạ, ngồn ngộn chữ nghĩa, khác hẳn thứ lòng lợn tiết canh rất bình dân lại đã cũ mèm, những tay thợ nấu đồng ý hẹn tiệc thôi nôi. Họ tiễn mẹ con heo lên đường. Và không quên cấp lương thực để nuôi mười hai cặp giò.
Hành trình càng dài mẹ heo càng tiều tụy! Con mũm mĩm theo mẹ tiều tụy, mấy ngày sau họ rơi vào tay một đám thầy cúng đang chọn heo làm vật tế cúng đình trong ngôi đền thờ thần Yến Tiệc.
-Chính tôi được làm vật hiến tế thì còn gì hợp hơn. - Mẹ heo thấy mình đã tiều tụy quá rồi, liều mình thuyết phục trước. - Tôi đã tâm nguyện để sạch bộ đồ lòng, lại thêm tai làm bánh, da làm bóng, bốn chân là bốn lời khai tiệc khí khái nói toạc móng heo. Hãy biến tôi thành heo quay vật lễ. Xin hứa, dù có chết trong lửa đó mà các con tôi được tha, được tới xứ mười hai con giáp thì tôi vẫn híp mắt cười. Hãy thả các con tôi ra, phiên trực thời gian cho loài người đang chờ chúng ở xứ mười hai con giáp vào năm Hợi này!
Những ông thầy cúng nghe bùi tai, thả năm heo con, chỉ giữ heo mẹ làm vật tế thần. Nhưng vào chính phút khai đao giết lợn tế, ông thần Yến Tiệc lên tiếng từ cao xanh:
- Một món ăn giàu chất nghĩa như thế, ta lẽ nào hưởng một mình. Hãy để mẹ heo được sống! Trên bàn tiệc có món ngon và món đẹp. Đẹp như món heo mẹ chí tình kia thì chỉ nên nhìn ngắm mà không nên nhai nuốt ngấu nghiến. Hãy kêu thợ vẽ Đông Hồ, thợ gốm Bát Tràng vẽ tranh, nặn tượng những heo mẹ không bỏ con, heo con không bỏ mẹ trên đường tìm đất sống!
Sau thử thách thứ năm vừa kể, sáu mẹ con nhà heo tới được xứ mười hai con giáp. Kể từ ngày ấy theo lời dạy của thần Yến Tiệc, người Việt Nam ăn Tết dưới bức tranh mẹ heo che ô lá dáy bôn ba nuôi con. Và cứ Tết đến trẻ em Việt Nam lại được tặng những heo đất để gửi tiền trinh, góp việc tốt!
Trần Quốc Toàn | Báo Văn nghệ