Chuyên đề

Những vần lục bát đậm hồn dân tộc

Thanh Ứng
Văn học địa phương
17:00 | 11/09/2024
Baovannghe.vn - Nhà thơ Vũ Quần Phương đã có nhận xét: “Trong thơ anh người đọc không vấp phải nhiều những thứ thổ cẩm văn chương đã mòn vẹt đi vì đã truyền tay quá nhiều người làm thơ trong đó phần lớn lại là các bạn thơ người Kinh, khi viết về các dân tộc ít người”...
aa

Năm 2024, nhà thơ Đinh Đăng Lượng cho xuất bản tập thơ chọn lọc “Lục bát tìm tôi”, gồm 50 bài lục bát. Điểm lại thơ của Đinh Đăng Lượng từ trước đến nay, dù tác giả từ khi còn là một chàng trai Mường ở xóm Đồng Sông, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, đến khi trở thành một kĩ sư, một cán bộ lãnh đạo tỉnh, bước chân của tác giả không chỉ ở “Bốn Mường” mà còn đến những vùng đất khắp miền tổ quốc và cả nhiều nơi xa xôi trên đất người, thì hồn thơ anh vẫn là hồn thơ dân tộc. Đó là hồn thơ của của đồng đất, núi đồi, sông suối quê hương, là ngôi nhà sàn nơi anh thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nơi anh gắn bó cả đời với các thế hệ người thân… tất cả anh gọi chung một từ rất đỗi thân thương là “Quê nhà”. Nhiều bài thơ trong tập được anh sáng tác ở nơi” chôn nhau cắt rốn” này. Đọc hai chữ “Quê nhà” ghi thời điểm sáng tác ở cuối nhiều bàì thơ, tôi cảm thấy gần gũi với anh nhiều lắm, giữa anh và người đọc kể cả bạn đọc ở miền xuôi như cũng không còn khoảng cách. Đúng như anh đã viết: “Văn chương là tiếng tơ lòng/ Mấy ai rút ruột mà mong cơ đồ” khi về thăm mộ Đại thi hào Nguyễn Du.

Những vần lục bát đậm hồn dân tộc

50 bài thơ, bài đầu tiên sáng tác tháng 3/1977 đến bài gần nhất sáng tác tháng 11/2023 là gần 50 năm, thời gian dài đằng đẵng mà thơ anh vẫn giản dị, trong trẻo như ngày nào. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã có nhận xét:“Trong thơ anh người đọc không vấp phải nhiều những thứ thổ cẩm văn chương mòn vẹt vì đã truyền tay quá nhiều người làm thơ, trong đó phần lớn lại là các bạn thơ người Kinh viết về các dân tộc ít người” (Trích “Đinh Đăng Lượng-một giọng thơ Mường trong thế giới phẳng- Vũ Quần Phương -Vanvn.vn). Đọc “Lục bát tìm tôi”, dù có bị câu thúc bởi vần điệu nghiêm ngặt của thể thơ, ta vẫn gặp trong thơ của Đinh Đăng Lượng tràn ngập những địa danh của vùng đất của Hòa Bình yêu quý. Từ Lũng Vân, Tân Lạc với núi Nàng Tiên thơ mộng dến Sông Bôi, Thung Trâm, Cố Nghĩa, Yên Bồng… Những cái tên đó lại gắn với những cung bậc tình cảm của chủ thể trữ tình thương yêu hết mực những vùng đất ấy. Người đọc nghẹn ngào cùng nhà thơ khi anh nhắc đến tên miền quê Yên Thủy trong đám tang nhà thơ Mường tài hoa Quách Ngọc Thiên: “Xóm Nghìn trơ giữa mênh mông / Đường vào như có như không- lối này”,.. “Vàng óng một”, “Vàng óng hai” "cũng từ Lạc Thịnh, Phú Lai-hả trời” (Mưa nắng một đời thơ). Những địa danh đó cũng trở thành những nhịp cầu nối tình người với người trong những những niềm vui của miền quê núi: “Đưa dâu, môi đỏ miếng trầu / Đã yêu Sủ - Bến, phố Lau ngại gì!” (Đêm cuối năm ở Phương Lâm), “Tiếc là chưa kịp hỏi tên / Cho dù Cạn Thượng, Thạch Yên… sá gì” (Hội Xuân), “Dập dìu xe gỗ, cát vàng / Đã về Cố Nghĩa, lại sang Yên Bồng” (Tìm người đêm hội)… Trong “Lục bát tìm tôi”, Đinh Đăng Lượng có nhiều cảm xúc với những lễ hội của dân tộc mình. Bất kì một dân tộc nào, một vùng quê nào, lể hội cũng là những kết tinh bản sắc của một nền văn hóa dân tộc ấy, vùng quê ấy. Đinh Đăng Lượng đã cảm nhận lễ hội của dân tộc Mường một cách trân trọng, giầu cảm xúc và chứa chan tình yêu thương con người và vùng đất nơi anh đến. Anh đã hòa mình vào không khí lễ hội linh thiêng đầy màu sắc dân gian cổ xưa, giầu truyền thống văn hóa mà những người hôm nay đang cố giữ gìn và phát huy... Đó là “Hội cồng mùa xuân” ở Phương Lâm, “Hội xuân” ở Mường Thàng, Hội Đầm Đa ở Lạc Thủy… Ngoài lễ hội ở vùng đất bốn Mường, anh còn “Trẩy hội Cao Bằng”, nghe kể “Chuyện tình đêm hội” của người Mông, Mộc Châu… Dù đi nhiều nơi, tâm hồn của thi sĩ Đinh Đăng Lượng vẫn dành nhiều tâm huyết với lễ hội truyền thống quê nhà.

Vẻ đẹp của đất Mường trong thơ Đinh Đăng Lượng là vẻ đẹp của tâm hồn Mường. Vẻ đẹp đó được bắt nguồn từ ngôi nhà sàn thân thương, nơi anh sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nơi chứa đựng đầy đủ linh hồn, phẩm chất, nền nếp gia phong qua các thế hệ người Mường. Bài “Nhớ nhà sàn” ngắn gọn mười dòng lục bát mà nói được bao điều về ngôi nhà sàn thiêng liêng này: “Nhớ sao cái nếp nhà sàn / Thâm trầm của vóong, cầu thang la đà/ Câu đầu, kèo cột dầm xà…/ Trên nâng, dưới đỡ vào ra một thời/ Giữ cho đòn nóc ngang trời / Phên gianh, tàu cọ tay người kết đan…”. Nói về cái nhà nhưng chính là nói về nếp nhà, trên kính, dưới nhường, thương yêu đùm bọc lẫn nhau để chống chọi với thiên nhiên, với giặc giã.

Những vần lục bát đậm hồn dân tộc

Thơ của Đinh Đăng Lượng có nhiều niềm vui hơn là những nỗi buồn và chứa đựng những suy tư, nghĩ ngợi. Anh cảm nhận sâu xa về các thế hệ nhất là các bậc tiền nhân: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ “Cha ông ăn kiếp ở đời /Dễ cao hơn một đầu người cháu con” (Nhớ nhà sàn). Năm 1979, khi đã là người trưởng thành, anh có bài thơ về mẹ thật cảm động: Một bà mẹ Mường ở vùng Đồng Sông, Dân Hạ, Kì Sơn trong nghèo khó đã nuôi dạy 7 đứa con nên người. Một bà mẹ của riêng anh: “Áo chàm vá đẫm mồ hôi /Mẹ ngồi, mẹ ngắm núi đồi lô xô”, “Nhà trong bên bếp mẹ ngồi / Hồng hồng ánh lửa- một nồi sắn thơm”… (Mẹ). Mẹ của anh nhưng cũng là mẹ của bao người con trên đất Việt Nam này: “Thương nhiều tóc bạc lưng gầy / Mẹ đâu có ngại thân cây lắm cành” (Mẹ). Mùng một tết năm 1998, anh viết bài thơ căn dặn vợ và các con “Giữ cho đôi mắt tinh tường /Trái tim luôn biết yêu thương đợi chờ” (Quê hương).

“Lục bát tìm tôi” không phải là một cuộc tìm kiếm mà là sự khẳng định thêm một lần nữa cái “Tôi” Đinh Đăng Lượng. Một cái “Tôi” của người con đất Mường, Hòa Bình, một tri thức, một nhà thơ. Sau khi giũ bỏ các chức vị, tất cả cái còn lại với chúng ta là “Chất thơ Đinh Đăng Lượng” sâu đậm hồn dân tộc và cũng rất hòa hợp với nền thơ hiện đại ngày nay. Thơ anh gần gũi với dân tộc anh nhưng cũng không xa lạ với những bạn đọc phổ thông.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cuốn nhật ký bằng những câu lục bát Sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát trữ tình trong văn học Việt Nam Thơ lục bát, nguồn cội, Quốc thi Hình ảnh người lính trở về trong lục bát hiện đại Thơ lục bát bốn câu của Vũ Công Đoàn tuôn chảy những say đắm và kiêu sa
Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Baovannghe.vn - Tôi trở lại và ngồi bên dòng sông quê lúc trời về chiều. Một quãng đường xa thêm chuyến xe ôm gần cả tiếng đồng hồ mới tới được ngã rẽ dòng sông
Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.