Liên tiếp trong hai năm 2021 và 2022 nhân sự kiện UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa” và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đón nhận danh hiệu “Danh nhân văn hóa” cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương, báo chí trong nước đã đưa tin về hai sự kiện này và cuốn khảo cứu chuyên sâu Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương của nhà văn Nghiêm Thị Hằng.
Báo Văn nghệ điện tử đăng 3 số liên tiếp ngày 3,4 và 5/12/2021 bài của Hồ Xuân, giới thiệu “Với tác phẩm này, thân thế của “Bà Chúa thơ Nôm” mờ mờ, tỏ tỏ, suốt 250 năm qua, đã được làm rõ bằng phương pháp nghiên cứu có sự hỗ trợ của các bộ môn “siêu thực”, từ trước tới nay giới nghiên cứu chưa ai thực hiện phương pháp này, do đó gây nên sự thu hút bạn đọc với tác phẩm”.
Nhà văn Nghiêm Thị Hằng |
Nhà báo Thái Sinh có bài Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên báo Nông nghiệp Việt Nam nhận xét: “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” là công trình khoa học công phu mà Nghiêm Thị Hằng đã dày công sưu tầm, nghiên cứu dòng dã suốt 3 năm, từ 2019 đến 2021. Nghiêm Thị Hằng đã phải vận dụng tất cả vốn tri thức mình đã có, ngoài những tài liệu khảo cứu còn phải biết Tử vi, Kinh dịch, Ngoại cảm... là các bộ môn “siêu thực”. PGS-TS Vũ Nho có bài Bước tiến quan trọng nghiên cứu thân thế cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương” trên báo Văn nghệ Công an nhận xét đây là “Bước tiến quan trọng nghiên cứu thân thế cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Tác giả La Sơn nhận xét trên báo Quân đội Nhân dân: “Sau dư một thế kỷ, gần đây xuất hiện khảo luận Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Nghiêm Thị Hằng (NXB Hồng Đức, 2021) với định hướng nghiên cứu phi truyền thống…”…
Dư âm về cuốn Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương chưa hết, thì giữa tháng 10/2022, nhà văn Nghiêm Thị Hằng lại trình làng cuốn tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương tiếng vọng. Tiểu thuyết này như một bức tranh lịch sử, từ đây nữ sĩ Hồ Xuân Hương bước ra cuộc đời, kể lại dấu tích thân phận cuộc đời bà, vốn xưa nay vẫn mờ mờ tỏ tỏ.
Nội dung tiểu thuyết dày 342 trang Hồ Xuân Hương tiếng vọng gồm 5 phần: Quả Ngọt cuối mùa; Thời thiếu nữ kiêu sa; Lấy chồng làng Gáp; Chữ tài gắn với chữ tai; Họa tam tai…
Phần 1 Quả ngọt cuối mùa gồm các chương Thầy đồ dứt áo xa quê; Tìm em nhờ bạn tứ trấn; Hội hoa mẫu đơn - duyên trời định; Đầu thu hoa nở; Học theo cha thuộc lầu kinh sử; Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài; Thầy đồ về cõi phật. Các chương nối kết nhau theo mạch kể thời gian. Bắt đầu từ gia phả Trung chi 2 họ Hồ ở Quỳnh Đôi. Hồ Xuân Hương có ông trẻ (em trai cụ Hồ Phi Cơ - cụ nội của nữ sĩ) là Hồ Phi Tích - Hoàng Giáp - Phó tể tướng và Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là hậu duệ đời thứ 12, là anh họ nữ sĩ họ Hồ. Cụ Hồ Phi Gia có 2 người con trai là Hồ Phi Diễn (cha của Hồ Xuân Hương) và Hồ Phi Lãng lưu lạc theo nghĩa quân của Lê Duy Mật. Khi bố mẹ qua đời, người vợ của thầy đồ Hồ Phi Diễn cũng qua đời vì sinh nở, ở tuổi gần 60, nhớ lời cha mẹ dặn phải tìm người em trai Phi Lãng lưu lạc, Phi Diễn buông liếp mái tranh nghèo giao cho vợ chồng người em họ là Hồ Phi Thiện trông giữ, để ra kinh thành Thăng Long dạy học. Phi Diễn vừa dạy học, vừa nhờ bạn bè tứ trấn đi tìm tung tích của em trai. Trong lần đi tìm em trai, Phi Diễn đã gặp Hà Thị ở hội hoa mẫu đơn chùa Phật Tích.
Nhân duyên se cho thầy đồ xứ Nghệ với người phụ nữ miền Kinh Bắc. Họ cưới nhau năm nàng 36 tuổi, còn thầy đồ họ Hồ đã 68 tuổi. Hà Thị làm nghề trồng hoa ở làng Ngọc Hà và hay đi bán hoa ngày rằm muồng một ở các đền chùa. Nàng dâng lễ ở đền Quán Thánh cầu con và được thần Huyền Thiên Trấn Vũ báo mộng cho nàng sinh con gái, còn dặn rằng sau này con gái của nàng sẽ làm nhà ở cạnh nhà thần. Mùa Thu tháng Bảy, Hà Thị sinh con gái đặt tên là Hồ Phi Mai biểu tự là Hồ Xuân Hương, năm ấy Hà Thị 38 tuổi, cụ đồ 70 tuổi. Hồ Phi Mai là cô bé có cá tính, học giỏi hơn người, chỉ nghe lỏm cha dạy học mà tinh thông kinh sử. Năm Phi Mai 13 tuổi thì cụ đồ Hồ Phi Diễn về với tổ tiên…
Khép lại phần 1, mở ra phần 2 Thời thiếu nữ kiêu sa với các chương Vườn Xuân ong bướm dập dìu; Tình trong mộng; và Cao không tới thấp không vừa, kể về thời thiếu nữ kiêu sa của nàng thơ. Danh tiếng của nữ sĩ, khiến cho các sĩ tử về kinh thành dự thi, đều muốn được đến hiệu sách phố Nam để ngắm dung nhan và để được đối thơ với nàng, đúng cảnh “Vườn Xuân ong bướm dập dìu”. Là con gái thầy đồ nghèo, cha mất sớm, Xuân Hương không được hứa hôn với con nhà gia thế, bởi vậy nàng không phải chịu cảnh lấy chồng theo xếp đặt của cha mẹ. Năm 1791 Nguyễn Du - cậu Bảy - con Tể tướng Nguyễn Nghiễm, lên kinh thành Thăng Long giúp anh trai là Nguyễn Nễ tu sửa lại dinh tự Gác tía của anh trai là Tiến sĩ –Tể tướng Nguyễn Khản, bị tàn phá sau họa kiêu binh 1780. Ở Gác tía làng Nghi Tàm, nhân duyên xui khiến cậu Bảy nhà Nguyễn Nghiễm, gặp thiếu nữ Xuân Hương 17 tuổi hồn nhiên tươi trẻ. Hai tâm hồn thơ đồng điệu cùng rung động, gắn kết với nhau qua mối tình thơ và một tình yêu trong mộng. Rồi cũng vì gia cảnh, cậu Bảy –Nguyễn Du trở về quê Tiên Điền xa cách. Nhân duyên không thành, để lại sự chống chếnh trong tâm hồn Xuân Hương. “Tình trong mộng” ấy, hình bóng của Nguyễn Du, nàng ví cao như núi, dài như sông, khó có hình bóng nào vượt qua. Thế nên Xuân Hương mới rơi vào cảnh “Kén cá chọn canh”, “Cao không tới thấp không vừa” trong nhân duyên…
Khép lại phần 2, mở ra phần 3 Lấy chồng làng Gáp với các chương Tình Xuân dẫn lối; Cho cả cành đa lẫn củ đa; Làm dâu làng Gáp; và Thiếp bén duyên chàng có thế thôi. Khi tuổi thanh xuân của nữ sĩ tuột trôi theo năm tháng, thì nhân duyên gõ cửa nhà nàng, bằng cuộc đối thơ với ba chàng tú đất Phong Châu vào cuối mùa Đông năm 1801. Đội Kình đối được thơ của nữ sĩ, thua cuộc nữ sĩ trở thành vợ ba của ông Đội Kình vào năm nàng 29 tuổi. Từ một nữ sĩ ở đất kinh kỳ quen dạy học, làm thơ và buôn bán, giờ đây làm dâu làng Gáp, nàng phải quen dần với việc nhà nông, cắt cỏ nuôi cá, phải quen với cảnh ăn cơm trộn sắn khoai. Vất vả nàng dần quen, nhưng nàng không thể quen và chịu đựng nổi cảnh chồng chung “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” và nàng đã phản kháng trong những bài thơ bảo vệ nữ quyền nàng làm ở làng Gáp. Nàng dám bỏ chồng về nhà mẹ. Bi kịch chồng chung khép lại ở câu thơ “Thiếp bén duyên chàng có thế thôi”.
Phần 4 Chữ tài gắn với chữ tai với các chương Nghiệp thơ níu người; Cổ Nguyệt đường quán thơ; và Mai Sơn phủ thề non hẹn biển… Theo mạch thời gian, chuyện kể tiếp nữ sĩ rời làng Gáp về kinh thành Thăng Long, nghiệp thơ lại níu người với bạn bè văn sĩ. Nàng dựng nhà Cổ Nguyệt đường ở bên Hồ Tây, giáp với đền Quán Thánh. Đây là nhà ở, là nơi nàng bán giấy bút, sách vở cho các sĩ tử về kinh thành dự thi và đây cũng là quán thơ, hội thơ nữ sĩ gặp bạn bè. Tại Cổ Nguyệt đường, nàng đã quen với tri phủ Tam Đái –Trần Phúc Hiển có biệt hiệu là Mai Sơn Phủ. Hai người đã hẹn cùng nhau, đợi khi chàng về miền Yên Quảng nhậm chức, năm 1814 sẽ cưới nàng làm thiếp.
Phần 5 Họa tam tai với các chương Bà Chúa vùng Đông Hải; Họa tam tai ập đến; Trời cao chẳng thấu oan chồng... kể tiếp chuyện sau khi Hồ Xuân Hương đoạn tang mẹ, năm 1816 Quan tham hiệp Trần Phúc Hiển đã cưới nàng về làm “Bà chúa vùng Đông Hải”. Đây là những tháng ngày hạnh phúc nhất của nữ sĩ. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Quan tham hiệp gặp phải oan án, bị bắt tháng 5/1818. Nữ sĩ đã chạy đôn chạy đáo từ Bắc vào Nam kêu án cho chồng. Ở Kinh thành Phú Xuân, lúc đó Hồ Xuân Hương gặp lại Nguyễn Du đang giữ chức Tham tri bộ lễ trong hàng quan văn. Thương cảm với Xuân Hương, giữ tình xưa nghĩa cũ, quan Tham tri bộ lễ đã dâng sớ kêu oan của Xuân Hương tới Đức Vua. Vua ban cho Phúc Hiển đặc ân sống thêm 60 ngày, được tự chọn nơi hành quyết và phương thức hành quyết. Tội nhân đã chọn hành quyết bằng dải lụa đào tự vẫn và mong muốn được chôn cất tại quê hương gần nơi phần mộ của Tiền hiền mở đất họ Trần làng Tam Kỳ.
Cuốn sách khép lại ở những trang sách nói về cuộc đời của người xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Một trang sách mới mở ra, đúng 200 năm ngày mất và 250 năm ngày sinh của nữ sĩ, bà chúa thơ Nôm- Hồ Xuân Hương đã được UNESCO vinh Danh là danh nhân văn hóa.
Kim Ngọc
Nguồn Văn nghệ số 19/2023