Văn hóa nghệ thuật

Phim thiếu nhi đang ở đâu?

Bùi Minh
Điện ảnh
09:00 | 16/09/2024
Baovannghe.vn- Quả thực hiện nay, điện ảnh Việt đang bước vào thời kỳ sôi động chưa từng có, đạt bình quân mỗi tuần có 1 bộ phim mới, thậm chí cao điểm một tuần ra đến 2 - 3 phim với các thể loại đa dạng, như: phim hành động, phim hài hước, phim tình cảm... rồi kinh dị, dã sử... Thế nhưng hầu như phim Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào mảng phim giải trí dành cho người lớn mà chưa chú trọng khán giả nhỏ tuổi.
aa

Đó là câu hỏi nổi cộm tại Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh, do Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 28-12-2023. Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim, cho biết cụ thể: Năm 2023, điện ảnh Việt Nam đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, nhưng chủ yếu từ các dòng phim giải trí, còn phim đề tài lịch sử và phim dành cho lứa tuổi thiếu nhi thì hầu như không có đóng góp gì đáng kể vào con số trên đây.

Phim thiếu nhi đang ở đâu?
Hình ảnh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tác phẩm đoạt giải “Phim truyện hay nhất” của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế thiếu nhi ở Toronto (Canada). Ảnh: Galaxy

Quả thực hiện nay, điện ảnh Việt đang bước vào thời kỳ sôi động chưa từng có, đạt bình quân mỗi tuần có 1 bộ phim mới, thậm chí cao điểm một tuần ra đến 2 - 3 phim với các thể loại đa dạng, như: phim hành động, phim hài hước, phim tình cảm... rồi kinh dị, dã sử... Thế nhưng hầu như phim Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào mảng phim giải trí dành cho người lớn mà chưa chú trọng khán giả nhỏ tuổi. Lâu nay, khi bàn về phim truyện Việt Nam, trên các diễn đàn hội nghị hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường chỉ bàn về nào là phim thị trường, nào là phim nghệ thuật... rồi phim Nhà nước, phim tư nhân, phim liên doanh hợp tác nước ngoài v.v... mà hầu như không mấy ai nhắc đến dòng phim thiếu nhi. Thỉnh thoảng có ai nhắc đến dòng phim này thì đều nhận được những cái lắc đầu và cho rằng đó là “của hiếm”, cùng những than vãn về lý do của sự hiếm hoi của mảng phim này.

Còn nhớ khoảng cuối thập niên 90 của thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, trẻ em Việt Nam giai đoạn đó may mắn được thưởng thức series phim đậm màu sắc Việt như: Chuyện cổ tích của bé; Cổ tích Việt Nam; Chuyện ngày xưa... Cùng đó là một số phim truyền hình nổi đình đám, như: Đất phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, 1997), Đội đặc nhiệm nhà C21 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn, 1998), Kính vạn hoa (đạo diễn Nguyễn Minh Chung, Đỗ Phú Hải, 2004). Đó thực sự là những món quà đẹp đẽ dành cho tuổi thơ của cả một thế hệ. Nhưng có thể nói, sau thời “hoàng kim” ấy, lứa tuổi thiếu nhi ở Việt Nam mất đi một sân chơi nghệ thuật thú vị, thay vào đó là internet, phim “bom tấn” của nước ngoài và truyền hình thực tế... Khoảng hơn chục năm gần đây, một số đạo diễn bắt đầu khơi lại hi vọng về việc phục hồi sân chơi ấy với một số bộ phim thiếu nhi của một vài tác giả tâm huyết, như: Bi, đừng sợ (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di; Tâm hồn mẹ (2011) của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, đặc biệt là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ... Soi đi tính lại thì phim truyện cho thiếu nhi trong khoảng hai chục năm gần đây cũng chỉ bấy nhiêu là đáng kể. Còn mảng phim hoạt hình của Việt Nam thì chính những người trong nghề cũng thừa nhận là còn rất manh mún nhỏ lẻ; chủ yếu là những câu chuyện “tiểu tiết”, phần lớn nặng tính giáo dục khiên cưỡng mà lẽ ra những bài học đấy cần phải chuyển tải uyển chuyển hơn... Và nữa, ngoại trừ những bộ phim hoạt hình chiếu trên truyền hình và một số phim video dành cho thiếu nhi cũng chủ yếu chiếu trên truyền hình, còn lại hầu như trên các rạp chiếu bóng thì từ nhiều chục năm nay đã vắng mặt phim truyện dành cho thiếu nhi.

Nói chính xác thì thời gian qua cũng có một số bộ phim dành cho thiếu nhi đã được trình chiếu, nhưng đó hầu hết là phim của các hãng tư nhân và số lượng cũng vô cùng ít ỏi. Điều đáng nói hơn là vì phim tư nhân nên họ chỉ tung ra vào các dịp Tết, dịp nghỉ hè tại các thành phố lớn để có doanh thu cao. Nội dung phim cũng nặng về giải trí và vì vậy hiệu quả nghệ thuật rất hạn chế. Lại nhớ, trong những năm chiến tranh ác liệt và trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn trước đây, điện ảnh Việt Nam cũng đã từng có những bộ phim thiếu nhi mà các bậc phụ huynh trung niên ngày nay vẫn còn nhớ như in với những cảm xúc rất khó phai mờ, như: Chim vành khuyên; Chom và Sa; Kim Đồng; Mẹ vắng nhà; Em bé Hà Nội… Nhắc lại điều này để khẳng định đâu phải đây là một đề tài xa lạ, điện ảnh nước ta chưa có kinh nghiệm và thiếu những người tài năng, tâm huyết với phim thiếu nhi?

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên đây? Lâu nay cái gì yếu kém hơn trước thì cứ đổ tại những mặt trái của cơ chế thị trường. Quả thật trong xu thế xã hội hóa điện ảnh hiện nay, dù là hãng phim Nhà nước hay tư nhân thì vẫn phải đặt ra mục tiêu doanh thu. Mà doanh thu của phim truyện Việt Nam nói chung đang là bài toán nan giải, thì doanh thu của phim truyện dành cho thiếu nhi càng nan giải bởi loại phim này phải làm “nghiêm chỉnh, sạch sẽ” chứ không thể áp dụng những chiêu thức câu khách như phim cho người lớn. Chưa kể sản xuất một bộ phim mà có nhiều nhân vật trẻ con thì mất công và tốn kém lắm! Chỉ nêu vài khó khăn, trở ngại như trên đã đủ thấy thời cơ chế thị trường, chẳng ai dại gì đi vào đề tài phim thiếu nhi. Nhưng vậy thì vai trò của các cơ quan quản lý điện ảnh ở đâu? Trong cơ chế thị trường, Nhà nước vẫn có phim đặt hàng để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Có những bộ phim nhân dịp kỷ niệm những sự kiện lớn, Nhà nước vẫn chi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Vậy nếu không có kịch bản phim thiếu nhi đạt chất lượng, thì tại sao Cục Điện ảnh không tổ chức những cuộc thi viết kịch bản và đấu thầu sản xuất như đã và đang làm với nhiều bộ phim tiền tỉ những năm gần đây? Tại sao trong các kỳ liên hoan phim, số lượng các giải vàng, giải bạc nhiều đến nỗi dư luận đã phải gọi là “mưa giải thưởng”, vậy mà không có một giải thưởng nào được trao cho tác phẩm hoặc tác giả có đề tài thiếu nhi, dù chỉ là phim hoạt hình hay phim video?

Đặt ra những vấn đề trên đây để thấy rằng nguyên nhân của tình trạng vắng bóng phim truyện thiếu nhi, trước hết thuộc về cách định hướng của các nhà quản lý. Một số hãng phim Nhà nước vẫn có tổ làm phim thiếu nhi; thỉnh thoảng trên diễn đàn này nọ vẫn nghe nhắc đến phim thiếu nhi, hô hào làm phim thiếu nhi... nhưng trên thực tế chẳng ai lo một cách triệt để và quan tâm một cách thiết thực. Tư duy tài trợ, cấp vốn theo kiểu ban phát “xin-cho” và cào bằng nhiều năm nay đã khiến những tác giả vốn tâm huyết với đề tài này, hoặc là chán nản, hoặc là thờ ơ, hoặc là làm một cách chiếu lệ theo kiểu cũ, lẫn lộn giữa hai khái niệm “phim cho thiếu nhi” và “phim về thiếu nhi”, để cho ra đời những sản phẩm mà cả người lớn lẫn thiếu nhi đều không thích xem. Trường hợp phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có thể coi là một thành công đáng kể đầu tiên đánh dấu sự “bắt tay” giữa Nhà nước với tư nhân trong lĩnh vực điện ảnh. Và sự thành công của nó cho thấy, ngoài sự nỗ lực của các nhà làm phim, thì dòng phim đang chịu nhiều khó khăn trở ngại này rất cần sự chung tay của Nhà nước.

Theo đó, để giải quyết hai vấn đề nổi cộm nhất về phim thiếu nhi của Điện ảnh Việt Nam hiện nay là quan niệm của người sáng tác và định hướng của nhà quản lý, thì về mặt vĩ mô cần sớm có một chiến lược điện ảnh học đường tầm cỡ quốc gia. Phải gọi là “điện ảnh học đường” mới xứng với vai trò của điện ảnh trong sự nghiệp trồng người, phục vụ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai đất nước; và khi đó mới huy động được những ngành liên quan như văn hoá, giáo dục, đoàn thanh niên, hội nhà văn… tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Cục Điện ảnh Việt Nam cũng cần nghiên cứu sớm thành lập hãng phim thiếu nhi, thay vì một vài tổ làm phim thiếu nhi “thấp bé nhẹ cân” ở một vài hãng phim như hiện nay. Đồng thời, nên thành lập khoa diễn viên thiếu nhi tại một số trường nghệ thuật; hoặc là tổ chức những câu lạc bộ diễn viên thiếu nhi dưới sự bảo trợ của ngành điện ảnh Nhà nước. Trong tương lai, có thể tổ chức định kỳ những Tuần phim thiếu nhi hoặc Liên hoan phim thiếu nhi Việt Nam như một số nước đã và đang làm. Với nhiều nền điện ảnh trên thế giới, phim thiếu nhi là một bộ phận quan trọng không thể thiếu. Điện ảnh Việt Nam đã có lịch sử truyền thống hơn 70 năm ra đời và phát triển, lẽ nào đến nay phim thiếu nhi vẫn là… của hiếm?

Bùi Minh | Báo Văn nghệ

------

Bài viết cùng chuyên mục

Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về công tác phòng, chống COVID-19 Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh Hà Nội: Đẩy mạnh giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt