Sự kiện & Bình luận

Vào Hội Nhà văn Việt Nam để làm gì

Đỗ Thành Đồng
Tiếng nói nhà văn
08:00 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Trong tất cả mọi lĩnh vực, ai có chí tiến thủ cũng đều có mục tiêu cho riêng mình. Những người cầm bút không phải ngoại lệ. Với nhà văn, tác phẩm là điều kiện tiên quyết. Nhờ tác phẩm, họ đi sâu vào lòng bạn đọc, nhận được các giải thưởng, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức cao nhất mà nhiều người hướng tới.
aa
Vào Hội Nhà văn Việt Nam để làm gì
Nhà văn Đỗ Thành Đồng

Phấn đấu để trở thành hội viên

Thành thực mà nói, khi thấy tên tôi trong danh sách được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, không chỉ nhiều người ở Quảng Bình, mà chính tôi cũng hết sức bất ngờ. Bởi dù ở “tỉnh lẻ”, nhưng năm đầu tiên tôi làm đơn đã được kết nạp ngay.

Tôi biết cầm bút từ nhỏ, say mê thi ca, nhưng xác định cơm áo là “không đùa”. Tôi không nghĩ đến vô hội này đoàn nọ. Bởi vậy, phải đến năm 47 tuổi, được sự động viên của các “lão bối”, tôi mới vào Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Để đạt được điều này, tôi phải hết sức phấn đấu, đổi mới mình, đổi mới thi ca. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nói, mình có thể can thiệp để cậu vào Hội sớm, nhưng mình muốn Hội sẽ mời cậu vào, bởi chất lượng tác phẩm của cậu.

Mục tiêu của tôi là tác phẩm được bạn đọc khó tính đón nhận. Kể cả khi đã có chút thành tựu, tôi cũng không nghĩ đến chuyện trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài bản tính ra, tôi còn nghe dư luận kháo rằng, con đường ấy thật lắm chông gai. Người đã là hội viên nói muốn vào cần phải có những giải thưởng văn học danh giá. Và đúng là đa số họ đã có giải thưởng. Nhưng những người đã làm đơn nhiều lần mà không được xem xét lại bĩu môi: “Phải chạy, giải thưởng hay hội viên gì cũng phải chạy. Mình ở tỉnh lẻ, lại không chạy thì đành chịu…”

Điều kiện đủ để được xét kết nạp hội viên thật đơn giản, chỉ cần có hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu, kèm hai ấn phẩm văn học đã xuất bản. Còn với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình lại có quy định riêng. Chi hội xem xét quá trình lao động và sáng tạo, chất lượng tác phẩm, bỏ phiếu đa số tán thành mới giới thiệu cho Hội Nhà văn Việt Nam. Ai không theo quy trình này cũng không sao, nhưng sẽ không được sinh hoạt ở Chi hội sau kết nạp. Quy trình “khó khăn” này khiến tôi thích thú và tin tưởng.

Rồi một hôm, nhà văn Hữu Phương - Chi hội trưởng - và nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh - Chi hội phó - nói với tôi rằng tôi xứng đáng được Chi hội giới thiệu để Hội Nhà văn Việt Nam xét kết nạp. Nếu tôi đồng ý, Chi hội sẽ họp bỏ phiếu. Tôi rất vui mừng bởi các nhà văn đã ghi nhận giá trị tác phẩm của tôi.

Tôi cũng tìm đọc các tác phẩm của những người đã làm đơn xin vào Hội nhưng không được xem xét. Cá nhân tôi nhận thấy tác phẩm của họ chưa thật hay, thậm chí có người viết còn lủng củng, sai chính tả. Tôi nhận ra rằng, việc xem xét kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam rất cẩn trọng. Việc “chạy” hay “bẩn” như cách nói của nhiều người chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà thực tế lĩnh vực nào cũng có. Từ đó tôi bắt đầu có động lực phấn đấu. Hơn 50 tuổi, tôi nghĩ đến mẹ tôi sẽ tự hào về tôi, con cháu tôi sẽ nhìn vào tôi làm tấm gương học tập, rèn luyện, tôi có điều kiện để góp phần nhỏ bé cho văn hóa quê nhà. Tuyệt nhiên, tôi không có niềm mong mỏi thực dụng nào khác.

Gần đây, đọc trên báo Văn nghệ có bài Tiêu chuẩn cao nhất để trở thành hội viên của nhà văn Trần Kỳ Trung, bài viết có nhiều nội dung tâm đắc. Tuy nhiên, trong đó tác giả liệt kê rất dài những điều hội viên được “hưởng” rồi kết luận: “Tôi mới kể sơ qua như thế, để thấy rằng, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều quyền lợi, nhiều ‘đặc ân’ mà nhà nước dành cho. Vì thế, nếu anh không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chịu rất nhiều ‘thiệt thòi’, cho dù anh có sáng tác hay, có tác phẩm được dư luận chú ý…” Nếu coi điều này là một động cơ để nhiều người muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là chưa thỏa đáng, nếu không muốn nói là không đúng với rất nhiều người. Với những động cơ “thực dụng” trên, nói xấu hay không, tùy quan điểm nhìn nhận của từng người.

Trở thành hội viên để phấn đấu

Lại thành thực mà nói, sau năm năm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi chưa được hưởng một quyền lợi, hay “đặc ân” như đã nói trên từ Hội. Tôi cũng cho rằng, những người bạn văn mà tôi biết đều thế cả. Một điều rất thực tế là, những quyền lợi “đặc ân” ấy tôi lại thường xuyên được hưởng từ Hội Văn học Nghệ thuật địa phương. Sau 13 năm vào hội địa phương, tôi đã có sáu lần đi trại sáng tác, in bảy tập thơ đều được hỗ trợ kinh phí, nhận hai giải thưởng của tỉnh gần ba mươi triệu đồng và nhiều lợi ích khác. Qua tìm hiểu, Quảng Bình còn thua kém các tỉnh khác về sự hỗ trợ hội viên.

Vậy sẽ có người hỏi: Thế thì vào Hội Nhà văn Việt Nam để làm gì? Vâng, đại đa số hội viên, họ được hưởng những “đặc ân” về văn hóa và tinh thần.

Về văn hóa, từ khi vào Hội, tôi và gia đình được đọc báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn & cuộc sống, ấn phẩm Viết và Đọc không sót số nào. Với những người không cần sách báo, họ sẽ không thấy giá trị. Nhưng với những người ham đọc, học hỏi thì đây chính là nơi hội tụ tinh hoa của văn học nghệ thuật. Sẽ có những bài học được rút ta từ những cây bút xuất sắc mà không phải ai muốn cũng dễ dàng có được.

Về tinh thần, như đã nói, khi phấn đấu đạt được mục tiêu của mình thì chắc chắn ai cũng tự hào. Xuất phát từ lòng tự trọng, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã khó, nhưng để gìn giữ và phát triển cái “chất” của nhà văn càng khó hơn. Bởi vậy, tôi thấy đa số hội viên sau khi vào Hội đều hết sức phấn đấu để tỏa sáng.

Nên tôi cũng rất đồng ý với nhà văn Trần Kỳ Trung: “Một mong ước cháy lòng của tôi, đã sáng tác ‘tốt’ và ‘hay’ trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lại sáng tác ‘hay’ và ‘tốt’ hơn, không những thế, phải biết sống ‘đẹp’ nữa.”

Tuy nhiên, tôi lại đặt ra câu hỏi, có cực đoan không khi nói rằng: “Chúng ta đừng biến Hội Nhà văn thành hội của những kẻ thích ‘khoe’ danh, cũng đừng biến Hội Nhà văn Việt Nam thành hội ‘đào tạo MC’ chỉ đi nói, thưa chuyện, khoe thơ... trên tivi, lễ hội hoặc hội trở thành “trại an dưỡng” cho những người biết cầm bút nhưng hết năng lực sáng tác.” Hội Nhà văn Việt Nam đã có quy định ở độ tuổi trên 70 không xét vào Hội là có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Sự “hết năng lực sáng tác” có thể là bất khả kháng, nhưng không nên vì thế mà Hội bỏ rơi hội viên. Còn, rất ít nhà văn sống được bằng “nghề” là điều ai cũng biết. Việc hội viên làm MC, “khoe” thơ trên tivi cũng đã chứng tỏ năng lực văn hóa của họ. Nhà đài chả dại gì mất tiền mời những người kém cỏi.

Tôi đã lạm dụng câu chuyện của riêng mình ở trong bài viết này, bởi để lấy chuyện người khác cũng giống mình mà viết thì thật khó khăn mà có khi còn bất nhã. Điều này tôi tin bạn đọc sẽ tha thứ.

Tôi cũng tin rằng, ở bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội đều có tiêu cực, thiếu sót. Đạo đức người cầm bút là do họ rèn luyện, nếu không, dù bậc hiền tài cũng thoái hóa biến chất. Cũng không nên lấy hiện tượng để quy chụp bản chất. Qua theo dõi, tôi thấy nhiệm kỳ này Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được rất nhiều điều hơn trước. Nhất là trong khâu xem xét, chọn lọc để kết nạp hội viên mới.

Vào Hội Nhà văn Việt Nam để làm gì
Ảnh minh họa của Leer
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.
Tiếng nói của vết thương

Tiếng nói của vết thương

Baovannghe.vn - Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây.