Sự kiện & Bình luận

Phỏng vấn một người lãng phí - Phan Thị Hồ Hởi thực hiện

Phan Thị Hồ Hởi
Bút ký phóng sự
11:00 | 02/11/2024
Baovannghe.vn - TRONG ĐÁM ĐÔNG HỎI LẤY MỘT...
aa
Phỏng vấn một người lãng phí - Phan Thị Hồ Hởi thực hiện
Ảnh minh họa

PV: Chào anh! Tôi là phóng viên...

Người lãng phí (NLP): Rồi. Mới chị ta ra nhà hàng, vừa nói chuyện, vừa nhâm nhi tí gì cho có không khí.

PV: Dạ, xin khỏi làm phiền các anh, ta làm việc luôn ở đây đi.

NLP: Phiền gì đâu! Thú thật với chị cũng là giờ ăn trưa rồi. Không biết chị sao chứ tôi kiến bò bụng râm ran cả lên đây này. Thôi nào, chị, trước lạ sau quen mà!

PV: Đành vậy, ra đó tôi xin phép anh tranh thủ làm việc luôn nhé. À, có phải đi xa không?

NLP: (cười sảng khoái) Xa xôi gì đâu! Ngay bên hông cơ quan, mấy bước chân thôi.

PV: Thế mà tôi không biết.

NLP: Thế mới hay. Sát nách cơ quan lại biển bảng tưng bừng đèn xanh đèn đỏ còn ai dám vào. Ấy vậy mà tuyệt vời và trên cả tuyệt vời đấy! Nào, mời chị. Chúng tôi chưa bao giờ để mang tiếng là đón tiếp khách không chu đáo đâu đấy.

(Câu chuyện được tiếp tục tại một phòng ăn sạch sẽ, kín đáo. Một điều kỳ lạ, NLP không phải gọi nhưng những món ăn sang trọng, đắt tiền cứ lần lượt được bê ra, hệt như cái khăn trải bàn trong căn phòng này đã có phép màu).

PV: Ôi, anh gọi gì lắm món thế, ăn sao hết?

NLP: (Xoa hai tay vào nhau)... Chúng tôi chưa bao giờ để mang tiếng là đón tiếp khách kém chu đáo. Tôi xin có lời thế này. Công việc của chị, giờ là bữa ăn, hẵng tạm gác lại. Xong đây, mời chị về nhà khách cơ quan nghỉ trưa, xin thưa chả kém khách sạn xịn ngoài phố đâu nhé. Chiều, mời chị đi xem phòng truyền thống, tối nay chính thức thủ trưởng sẽ mời cơm chị...

PV: Thôi, tôi đã xin phép anh từ nãy để được làm việc luôn ở đây. Công việc của tôi cũng đơn giản thôi. Số là người ta đồn đại các anh là những người lãng phí nổi tiếng khắp hàng tỉnh, tôi muốn tìm hiểu xem thực hư ra sao?

NLP: (Cười khùng khục) Lãng phí, tham ô, quan liêu, cửa quyền... những từ cũ mèm rồi cánh nhà báo các chị vẫn chưa chán còn lôi ra viết nữa ư? Mà sao họ đồn đại ác ý vậy, thời buổi này thằng quái nào chả lãng phí, riêng gì chúng tôi?

PV: Ấy ấy... (bật máy ghi âm). Xin anh giải thích kỹ hơn câu vừa rồi.

NLP: Này, tôi không sợ đâu nhá. Cho chị ghi âm, tôi cũng chỉ là cái loại chân không tới đất cật chẳng tới giời, có sao cũng cóc chết ngay được (!). Tôi nói thằng quái nào chẳng lãng phí. Là vì muốn lãng phí thì phải có cái để mà lãng phí. Mà muốn có cái để mà lãng phí, thì phải lo được cái chỗ đứng đã. Muốn vậy, trước tiên lại phải có bằng cấp. Thế nên thời buổi này người ta mới đua nhau đi học! Nguyên cái sự học đủ thấy người ta đã lãng phí ghê gớm.

PV: Anh tỏ ra là một người lý luận rất chắc chắn.

NLP: Chị cứ thử nhìn mà xem. Khối cha đang yên đang lành bỗng đi học Đại học tại chức. Đồng tiền quăng ra cái chữ dấu quăng vào, mười chữ vào rơi ra ngay chín, lấy được mảnh bằng cái dấu vẫn dốt như cũ. Ấy là một sự lãng phí. Khối anh cử chị cử sau khi "tậu" được mảnh bằng chạy đôn chạy đáo, mặt mũi bơ phờ như nhà nghiện lên cơn vật, không xin nổi việc làm. Ấy là hai sự lãng phí. Khối anh có việc nhưng lại trái giò, kỹ sư luyện kim đi bán hàng rong, cử nhân sư phạm không làm cô giáo lại ngồi văn phòng nhấm móng tay, ấy là ba sự lãng phí. Khối anh đúng nghề nhưng không được đặt đúng vị trí, thấy sai không dám cãi, miếng ngon chờ đến mồm, ấy là bốn sự lãng phí. Chưa ker cái anh học lắm chữ vào rồi tếch đi làm cho công ty nước ngoài, anh thông mợ phắn cũng chỉ “vinh thân phì gia” chứ có ích chi cho dân cho nước, cũng lại chả là một sự lãng phí nữa không?

PV: Theo đó thì anh nằm ở loại lãng phí nào?

NLP: Tôi không thuộc loại lãng phí vào chuyện học hành.

PV: Sao anh có được "chỗ đứng".

NLP: Nguyên cái "chỗ đứng" của tôi cũng đã là một sự lãng phí.

PV: Xin nói rõ hơn.

NLP: Bình sinh tôi là thằng lười việc nặng ngại việc khó, tính thích ăn ngon, mặc diện. Học hành cũng chỉ ở mức "hai còn dê qua cầu". Khi bước vào đời, tôi những tưởng mọi cách cửa cho loại người như tôi bước qua đều khép chặt.

PV: Rồi... sao anh được như ngày nay?

NLP: "Rồi đến một ngày" như nhà báo các chị thường viết, tôi chợt nhận ra những người như tôi vô khối! Và tôi tự tìm ra được một định luật: để thành đạt, ta cần một ít sự ma lanh, một ít sự may mắn, và rất nhiều, rất nhiều sự đê tiện. Cứ thế cái gì phải đến sẽ đến, tôi được như bây giờ cũng đâu có làm ai ngạc nhiên.

PV: Anh có thể cho biết cái cách các anh đang lãng phí thế nào không?

NLP: Tiết kiệm mới khó, chớ lãng phí thì có tới... một ngàn lẻ một cách, kể sao cho xiết. Đưa người thân người quen vào vị trí nhàn rỗi nhiều bổng lộc, không ích nước chỉ hại dân, cách đó người thượng cổ đã làm. Mua hàng cũ khai hàng mới, bán hàng mới khai hàng cũ, trò úm-ba-la này thực chất là lừa đảo. Xây trụ sở to, sắm ô-tô xịn, mánh này quá lộ liễu. Tiệc tùng nhậu nhẹt, nốc rượu Tây, xoa đùi gái, anh quái nào cũng mắc, chả có gì lạ. Tất cả chỉ là phần nổi của tảng băng.

PV: Tôi thực sự muốn được anh chỉ cho cái phần chìm.

NLP: Đã là phần chìm thì mánh lới lại càng cao cường tinh vi, thật khó chỉ mặt vạch tên, song chung quy lại vẫn là xúm vào "vắt sữa con bò ngân sách". Người ta lãng phí chỉ vì người ta tham ô, người ta tham ô là nhờ người ta lãng phí. Như cơ quan tôi đang dùng chiêu "dự án", tiền rót về tha hồ mà... lãng phí. Lập những dự án thật hấp dẫn, thật "khả thi", nào tính khoa học, nào tính nhân văn...

PV: Và vẽ ra mười nhưng rồi chỉ làm... được một?

NLP: Đúng thế.

PV: Tôi đã hiểu. Cám ơn anh, tôi không ngồi thêm được nữa. Xin chào anh.

NLP: Khoan. Chính chúng tôi lại là những kẻ tiết kiệm nhất, điều thú vị này chị có thể không nhận thấy.

PV: Làm gì có chuyện đó.

NLP: Quả thật như vậy. Than ôi, người ta chỉ lãng phí tiền của Nhà nước thôi, chị hiểu không? Chẳng hạn bữa tiệc hôm nay mời chị, tôi chẳng phải bỏ tiền túi tôi. Thế thì sao lại không gọi cho sang, khách ba chủ nhà bảy mà. Chưa kể khoản tiền phần trăm nhà hàng "lại quả" cho tôi. Nghĩa là vợ con tôi ở nhà cũng có phần. Được ăn, được nói, lại được gói mang về, đếch phải bỏ ra đồng nào, thế là tiết kiệm hay lãng phí hả nữ nhà báo?

PV: Vâng, vâng, các anh là những người tiết kiệm, rất biết tiết kiệm. Tôi sẽ viết đúng như vậy. Chào anh!

Phỏng vấn Tháp Bút ở Hồ Gươm Phỏng vấn một phụ huynh Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan
Văn nghệ Trẻ, số 7/1998
Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Baovannghe.vn - Ngày nay, đọc lại bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, người đọc như được sống lại không khí hào hùng không thể nào quên của một thời kỳ lịch sử, mang theo cả tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng của một thế hệ người lính xả thân để bảo vệ non sông.
Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Baovannghe.vn - Triển lãm nghệ thuật số Trượt nhịp động (Nothing, time speeds up) diễn ra tại Quang San Art Museum là hành trình khám phá chân thật và gần gũi sự chuyển động của thời gian thông qua hình ảnh nghệ thuật số và trải nghiệm đa giác quan thú vị...
Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây