Sáng tác

Sâu rượu. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Thanh

Hoàng Ngọc Thanh
Truyện
10:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Lão nhớ rồi. Do giận. Cơn giận như ngọn núi lửa hừng hực phun trào, hết cơn này tới cơn khác, bốc lên đỉnh đầu, lan xuống tứ chi, thiêu đốt lão
aa

Te te, te. Tiếng gà vang vọng khiến lão giật mình thức giấc, uể oải vì chợp mắt chưa được bao lâu. Cái lạnh buổi sớm khiến xương cốt lão nhức buốt. Lão lăn qua trở lại vài bận, vừa lồm cồm trở dậy thì cơn ho như xé toạc lồng ngực ập tới, vật lão ngã ngửa ra giường. Rã rượi. Lão khó nhọc há miệng hớp từng ngụm không khí vào buồng phổi nóng rát. Hồi lâu hơi thở mới dần bình ổn. Lão với tay lên đầu giường tìm bình nước. Cạn queo. Lão lần xuống dưới chiếu, mò mẫm hũ dầu cù là, run rẩy xoay vặn, trầy trật một lúc mới mở được. Lão quệt một cục rõ to thoa vào hai lỗ mũi, thoa vô cổ, thêm miếng nữa thoa chỗ ngực đau tức, rồi khó nhọc nghiêng người, với bàn tay nhăn nhúm xoa cái lưng nứt nẻ. Xong, lão lật người trở lại, thở dốc. Chỉ vài động tác giản đơn vậy mà làm khó tấm thân tàn tạ. Xa xa, tiếng gà lại cất lên, xôn xao trong chốc lát rồi trở về với tịch mịch cô liêu.

Sâu rượu. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Thanh
Minh họa Công Quốc Hà

Vẻ yên ắng như sợi dây vô hình quấn quanh cổ, thít chặt lão, khiến lão không sao thở nổi. Căn nhà vắng lặng đến rợn người. Bất giác lão tặc lưỡi gọi con Mun. Kêu khản cổ mà không nghe tiếng gâu gâu quen thuộc của nó, mới nhớ ra lão thịt nó rồi còn đâu. Lão rùng mình nhớ tới đôi mắt nó nhìn lão khi bị người ta túm lấy, hoảng loạn, van lơn. Mặc kệ. Thịt nó xong lão khề khà uống rượu, rau ráu nhai miếng thịt nướng thơm lừng quyện cùng mùi mắm, nhồm nhoàm dúm lá mơ mơn mởn lông non, hô hố nói cười. Ọe. Ọe. Mỗi lần nhớ tới đây, lão đều nôn khan một trận. Lão nuốt nước bọt, cố xua đi cảm giác nhờn nhợn trong cuống họng. Nhưng không sao xóa được tiếng kêu thống thiết của nó xoáy vào tai lão. Nhức nhối. Sao lúc đó lão nỡ đem thịt con Mun bao năm chung sống. Sao lão nỡ giết con vật trung thành luôn quấn quýt, sớm hôm bầu bạn với lão.

Lão nhớ ra rồi. Do giận. Cơn giận như ngọn núi lửa hừng hực phun trào, hết cơn này tới cơn khác, bốc lên đỉnh đầu, lan xuống tứ chi, thiêu đốt lão. Ruột gan lão như vỡ ra. Đầu óc lùng bùng. Không giận sao được khi lão vừa đi mấy hôm, trở về nhà cửa trống huơ, bốn bề lặng ngắt, như thể nhà hoang chết chủ. Vợ con lão nhân lúc lão vắng nhà gom đồ bỏ đi. Biền biệt. Mất tăm mất dạng. Không ai biết chẳng ai hay.

Tủi. Hận. Lão trách cuộc đời lão sao toàn bóng đêm u ám. Đến vợ con cũng rời bỏ lão. Chẳng còn ai.

Trước đây lão từng có một mái nhà êm ấm kia mà.

*

Lão gặp vợ vào những năm cuối thập niên bảy mươi đói kém. Trước đó Bích là thợ chính của tiệm uốn tóc Sony nổi danh tại Sài Gòn, chuyên trang điểm cho các nghệ sĩ đương thời và mệnh phụ phu nhân của chính quyền cũ. Đến thời kì kinh tế khó khăn, nhà nhà tất tả chạy ăn từng bữa, cả xã hội lo đói lo no, mấy ai nghĩ đến chuyện làm đẹp. Cộng thêm trận bệnh thập tử nhất sinh rút sạch sinh lực, cạn kiệt tiền của. Bích sống cuộc đời bình lặng qua ngày. Còn lão, học tập cải tạo về, thất chí, mất phương hướng, không việc làm, không tiền bạc, chỉ được cái giàu thời gian kiên trì trồng cây si tại nơi Bích làm. Ban đầu Bích không ngó ngàng, có ý tránh, lão lặng lẽ ở phía sau. Đến lúc Bích để mắt, sớm tối lão đưa đón cô đi về. Túi rỗng nên lâu thiệt lâu lão mới dám mời Bích ly nước, miếng bánh lót dạ. Lúc đó không ít người theo đuổi, vậy mà Bích lại ưng một kẻ trắng tay, khiến lão ngỡ mình nằm mơ. Có lẽ Bích cảm động tấm lòng của lão, hay vì chán ngán cảnh bon chen chốn phồn hoa đô hội, cũng có thể vì lão đồng ý về quê ở rể. Bích nói cô không nỡ để mẹ già một mình ở quê, cô từ chối hết những đám ở xa, thành ra lão có cơ hội. Hai người đưa nhau về ra mắt gia đình đôi bên rồi chính thức nên vợ nên chồng. Không cưới hỏi, không tiệc mừng, không sính lễ. Thấy Bích quá thiệt thòi, lão cảm động lắm. Lão hứa với vợ, với chính mình, sẽ cho cô cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Bích gom góp số tiền ít ỏi dành dụm được, cùng lão dắt díu về quê, vào miệt thâm sơn phát hoang làm rẫy. Thương vợ đau yếu bệnh tật, bao nhiêu nặng nhọc lão gánh vác hết, tay cày tay cuốc, xới đất trỉa hạt, dẫn nước ủ phân. Thời gian của Bích dành để đi bộ về chợ xếp hàng mua giống và những thứ thiết yếu khác. Thời bao cấp, mua được món gì cũng tốn bao công sức. Chưa kể giống đem về, mớ không lên, mớ bị chim chóc thú rừng ăn mất. Những ngày đầu, đôi tay lão vốn không quen lao động, sưng rộp, đau rát. Đôi ba ngày lại xuất hiện vết thương, khi bị đá đè, lúc thì sụp hố. Bao nhiêu mồ hôi cùng máu thịt của lão đẫm xuống, thấm vào mảnh đất khô cằn. Khi Bích tiêu đến đồng tiền cuối cùng thì vùng sỏi đá mới nảy nở chút màu xanh, cũng là lúc Bích mang thai đứa con đầu lòng. Không tả hết niềm vui sướng trào dâng trong lòng lão. Lão không cho vợ làm gì, sợ ảnh hưởng đến cái thai. Không đành lòng thấy vợ bầu bì mà sống nơi rừng thiêng núi thẳm, lão đưa Bích về gần nhà mẹ, tự tay chặt tre bện tranh, dựng gian nhà cho vợ ở, dù tạm bợ nhưng được gần gia đình, nhờ mẹ để mắt, chỉ dạy kinh nghiệm.

Lão thui thủi trong căn chòi lụp xụp giữa rừng hoang. Không lúc nào ngơi tay, hết hì hụi trên nương lại xuống suối bắt cá, phơi khô để dành. Độ mươi ngày thì lội bộ hơn mười cây số đường rừng, cắp nắp về tiếp tế cho vợ và mẹ. Ở chốn quê mùa, Bích không thể làm nghề, nhờ người quen lãnh đồ đan móc kiếm chút tiền lo cho tổ ấm. Trò giải trí thời son rỗi thành kế sinh nhai. Nhìn Bích gầy còm xơ xác, nghén lên nghén xuống vẫn còng lưng dán mắt vào từng mũi len, lão thấy nhói lòng. Cô thợ uốn tóc tha thướt ngày nào, mới hơn một năm mà tiều tụy xác xơ, như một người khác.

Cực khổ là thế, lão vẫn mang tiếng ở rể, ăn nhờ ở đậu. Mấy đứa em vợ không bám trụ nổi chốn đô thành, lần lượt về quê. Chúng nhìn lão như đồ ăn bám thôi cũng kệ, nhưng lại xem Bích như kẻ ăn xin, quên sạch công sức bao năm trời một tay cô dìu dắt, lo cho từng đứa trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, thành gia lập thất. Ban đầu còn bóng gió, sau thẳng tuột vào mặt. Nhiều phen tự ái, lão muốn đưa Bích về rẫy, nhưng chốn thâm u xa trường trạm, không điện đèn, Bích gần ngày sinh bụng vượt mặt. Vợ chồng đành bảo nhau nhẫn nhịn.

Một mình lão trong căn chòi rách, nắng rọi gió lùa, ngày làm bạn với muỗi mòng, đêm nghe ếch nhái kêu não ruột. Buồn chán, lão làm bạn với rượu. Ban đầu uống một mình, sau gặp được ai liền rủ rê ngồi cùng. Ở nơi khỉ ho cò gáy, thấy người vui như bắt được vàng. Cụng ly nâng chén đôi ba lần thành quen, vậy là lão có bạn nhậu, rỉ rả chuyện trò cho quên sự đời.

*

Bích sinh được thằng con trai kháu khỉnh. Thừa hưởng nét đẹp của mẹ, thằng bé da trắng như tuyết, môi đỏ tựa son, tóc đen nhánh khiến ai cũng lầm là nàng công chúa. Nhìn cái miệng chúm chím sục sạo bầu vú mẹ, lão thấy thương quá đỗi. Lão muốn đưa vợ con về rẫy ngay, nhưng mẹ không cho, nói con so cần nuôi kĩ lưỡng, nào hơ ấm, nào nước xông cho Bích, nước tắm cho thằng nhóc, nào ăn uống kiêng khem, nào ủ ấm, tránh gió… Ôi thôi, lão nghe chóng mặt nhức đầu. Chăm vợ con được hơn mười ngày thì Bích hối lão về rẫy coi sóc, sợ bỏ lâu chim thú phá hết.

Nghe tin lão lên chức cha, bạn mới quen rủ nhau đến chúc mừng. Mừng từ hôm trước, mừng qua hôm sau, từ người quen chuyển qua người lạ. Lão say bí tỉ, lo ăn mừng mà quên mất vợ ngóng con trông. Đến lúc trở ra, con gần đầy tháng. Lão rối rít xin lỗi Bích, lăng xăng bồng bế ru con, tự hứa không uống rượu nữa.

Con trai hơn tháng thì cả nhà cùng nhau về rẫy. Mùa màng thất bát, không có suất tem phiếu cũng chẳng còn tiền, hai vợ chồng ăn cơm độn. Nói cơm độn cho sang chớ nhìn vô nồi chỉ toàn khoai với bo bo, hạt cơm nhỏ bé tìm mãi mới thấy lác đác ở đáy nồi. Lão nhường cho Bích phần cơm ít ỏi, mình trệu trạo nhai chỗ bo bo cứng ngơ cứng ngắc. Lâu lâu bắt được cua cá cải thiện bữa ăn, còn lại vợ chồng nhắm mắt nuốt cho qua bữa. Bích vốn yếu ớt lại ăn uống thiếu thốn, không đủ sữa cho thằng bé, đến nước cơm chắt ra thay sữa cũng bữa có bữa không.

Cây trồng bị sâu bệnh phá hoại, trơ cành trụi lá rồi lụi dần. Bao nhiêu tiền của công sức đổ sông đổ biển. Bích chong đèn đan móc, kiếm chút tiền đổi đường sữa cho con. Cô chạy vạy đâu được mớ giống về cho lão, hi vọng vụ mới khá khẩm hơn. Nhưng mấy vụ liên tiếp đều y như thế, đồng vốn hao hụt rồi không còn. Lão bế tắc, chán nản cùng cực. Nhìn vợ yếu con thơ đói khát, lão quẫn bách, đâm cáu bẳn gắt gỏng. Những lúc như vậy, Bích không nói gì chỉ ôm con rưng rưng. Biết mình thô lỗ, lão ray rứt. Thà cô mắng mỏ than thân trách phận, lão còn dễ chịu. Đằng này… Lão thấy mình tệ hại, khinh bỉ bản thân. Lão ra khỏi nhà, nếu không, chắc lão điên mất. Lão tìm đến bạn cho khuây khỏa. Số tiền ít ỏi Bích đưa lão mua giống, lão đem đổi rượu. Lão nghĩ, có mua về trồng cũng không xong. Vả lại, uống rượu của người ta hoài, coi sao được. Có qua có lại. Tính lão xưa nay sòng phẳng, lại trọng bạn bè.

Lão vắng nhà thường hơn, khi từ sáng sớm tới tối mịt, lúc mấy hôm mới thấy mặt, hễ về là chếnh choáng, chân nọ xọ chân kia, nhiều bận không vô được nhà, nằm ngáy ngay trước cửa. Bích vất vả lắm mới lôi được vào. Bích hiểu tâm trạng thất chí của lão, chỉ khuyên nhủ động viên chứ chưa một lần trách móc. Dần dà thấy lời nói như nước đổ lá khoai, Bích không buồn nói nữa. Mỗi lần lão tỉnh rượu, nhìn Bích vừa kẽo kẹt nhịp võng ru con, vừa căng mắt đan móc dưới ánh đèn dầu leo lét, lão ân hận, hứa hẹn đây là lần cuối. Không biết bao nhiêu cái cuối trôi qua. Lúc ở cạnh vợ con, lão quyết tâm lắm, nhưng hễ gặp bạn bè lão lại buông xuôi. Nhâm nhi tán gẫu với họ, lão được sống lại thời huy hoàng của một sĩ quan chế độ cũ. Lúc đó lão oai vệ biết mấy, oai như cái tên Hải Phong mà ba mẹ đặt cho, một bước ra đường có xe đưa đón, kẻ hầu người hạ, ăn uống phủ phê, có bao giờ lão lo đến cái ăn cái mặc, lo đói lo no như bây giờ. Lão ước gì gặp Bích lúc oanh oanh liệt liệt, chứ không phải dáng vẻ bệ rạc, thất thểu sau khi học tập cải tạo về. Càng bế tắc với hiện tại lão càng hoài niệm quá khứ. Chỉ khi say lão mới được quay trở về cuộc sống đã qua.

*

Bích mang thai đứa thứ hai, lão càng ngập chìm trong men rượu. Lúc lão quýnh quáng chạy về gánh gồng đưa vợ đi sinh thì đã tới ngày Bích trở dạ. Trạm xá cách cả ngày đường, Bích sinh con ngay trên đường đi, cô con gái bụ bẫm oa oa chào đời trên bờ ruộng, cạnh ổ kiến lổn nhổn. May mà mẹ vợ biết đỡ đẻ, nhanh tay cắt nhau cắt rốn, băng bó quấn trùm đưa hai mẹ con về rẫy. Mẹ ở lại chăm Bích ba ngày rồi về. Bà nói con rạ, có kinh nghiệm rồi, biểu lão tự chăm sóc vợ con. Lão gãi đầu gãi tai vâng dạ rối rít.

Ở nhà được dăm bữa thì bạn bè tới mừng vợ chồng lão có nếp có tẻ. Cả bọn kéo nhau đi chúc tụng. Lão đâu biết lúc lão vắng nhà, Bích nén đau trở dậy lo cơm nước tắm giặt cho ba mẹ con, tay lạnh cóng vì vọc nước sớm. Lão không thấy nước mắt người vợ mà lão thương yêu lênh loang tuôn chảy. Lão cũng không chứng kiến những lần Bích vì gắng sức mà ngã quỵ, đứa con trai hoảng hốt lay gọi mãi mới nhận được lời trấn an cùng cái ôm yếu ớt của mẹ.

Con gái biết ngồi, Bích dứt khoát bỏ rẫy về xóm chợ, ở đậu nhà người quen tìm kế mưu sinh. Bích lục lại mớ đồ nghề bao năm cất sâu trong rương, xách giỏ đi uốn tóc dạo, chỗ nào kêu là đi, gần xa chi cũng nhận. Bích cai sữa sớm cho con gái, gửi hai anh em nhờ hàng xóm. Xin con Mun về nuôi để trông cửa trông nhà. Cô tự mình lo liệu, không căn dặn lão điều gì. Nhiều lần lão nghe người ta thậm thụt chê cười sau lưng. Đồ bám váy vợ. Chí Phèo thời nay. Lão tức điên. Cứ đợi đó, đến lúc lão đi Mỹ theo diện HO, xem còn kẻ nào dám coi thường, khi đó lão sẽ bù đắp cho vợ con. Cả ngày lão mơ tưởng tới giấc mơ Mỹ, vẽ ra cuộc sống xán lạn cách nửa vòng trái đất.

Có hôm lão về thấy nhà cửa lạnh te. Vô ra chỉ có mỗi con Mun làm bạn. Cảm giác thật thừa thãi. Bây giờ trong con mắt của vợ, lão thua cả con Mun. Lâu rồi, Bích không ngó ngàng tới, coi lão như không tồn tại. Bức bối. Tự ái. Lão bắt đầu xét nét, ghen tuông. Bích càng nín nhịn, lão càng lấn tới, quát tháo thị uy. Lão trút giận vào đồ đạc trong nhà. Lão đập phá hết thứ này đến thứ khác. Âm thanh vụn vỡ khiến lão vui tai. Lão biết Bích chắt mót từng đồng mới sắm được, nâng niu trân quý từng món. Thấy ánh mắt Bích xót xa, lão hả hê trong dạ. Đập phá mệt rồi lão ngủ bẹp trên đống hỗn độn đó. Lúc tỉnh lại, nhìn ánh mắt hoảng loạn của hai đứa con, tiếng khóc uất nghẹn của Bích. Lão ăn năn, lầm lũi thu dọn. Thấy Bích gói ghém đồ đạc, lão khẩn khoản van nài. Bích mím môi bước. Vừa qua bậc cửa, hai đứa trẻ chạy tới níu chân không rời. Lão khóc, hai đứa con khóc, Bích khóc. Bích thẫn thờ đem đồ trở vô. Lão mừng quýnh thề thốt sửa đổi, chí thú làm ăn.

Nhưng ngựa quen đường cũ, chẳng bao lâu, con ma men lại ru hồn, dắt lão đi.

Lão biết Bích thương hai con, không muốn chúng lìa cha, càng không nỡ để chúng xa mẹ, hết lần này đến lần khác tha thứ cho lão. Biết thế lão càng lấn tới, mắng vợ chửi con trút hết những buồn bực thất chí. Lão chửi cuộc đời đen đủi. Giận mẹ cha sinh ra lão. Mắng xóm giềng khinh miệt. Lão hận ông trời bất công, cho lão lên voi một lúc rồi xuống chó dài dài. Lão là sĩ quan chính hiệu, nhưng thời thế thay đổi, cải tạo lên cải tạo xuống, để tránh phiền phức, lúc về quê lão thay tên đổi họ, đốt hết giấy tờ, thế nên không thể làm thủ tục đi Mỹ như lão hằng mơ ước. Giấc mơ Mỹ lấp lánh bọt xà phòng. Càng với tay càng bay xa rồi tan biến vào hư không. Cũng vì thay tên đổi họ, lão bị anh em ruột gạt ra khỏi gia đình, không được nhận phần tài sản cha mẹ để lại. Lão thành người vô thừa nhận, không giấy tờ, không quê hương, không anh em ruột rà. Càng nghĩ càng giận. Càng giận càng uống. Càng uống càng chửi.

Tháng ba mươi ngày, lão say hết hai chín bữa.

Càng ngày lão thấy Bích càng ghét lão, hai đứa con sợ hãi, xa lánh lão, chúng bênh vực mẹ thấy rõ. Lão lo ba mẹ con một ngày nào đó sẽ bỏ lão mà đi. Lão phải làm cho chúng sợ. Lão mài cây rựa bén ngót, chặt vô cột nhà một nhát ngọt lịm. Lão chỉ vết chém, cảnh cáo. Đi đâu tao cũng lần ra. Bạn bè tao ở khắp nơi, tai mắt khắp chốn. Chúng mày nhắm đi được bao xa. Đứa nào bỏ đi, tao giết. Nhìn gương mặt tái xanh tái mét của ba mẹ con, lão yên tâm phần nào. Lâu lâu lão nhắc lại điệp khúc ấy, cho chúng sợ mà nhớ. Lão thầm cảm ơn mấy thằng bạn chí cốt mách chiêu này, xem ra hữu hiệu lắm.

*

Một chiều trên bàn nhậu, đám bạn hỏi lão khi nào đi Mỹ. Nhắc đến giấc mơ bên kia đại dương, lão chạnh lòng. Bấy lâu mạnh mồm mạnh miệng, giờ biết nói sao. Qua loa chống chế vài câu, chuyển sang chuyện khác mà lão sượng sùng khó chịu lắm. Lão nốc rượu cho say mèm. Bạn bè về hết, lão mới chân xiên chân côn ra về. Lão cười. Vợ cứ hay nói lão say. Say sao biết rõ đường về nhà. Say mà nhớ rõ cuộc đời bạc bẽo thế kia. Lão lèm bèm chửi trời chửi đất, chửi xóm chửi làng. Tới ngõ, cửa nhà tối thui, chỉ le lói chút ánh sáng, chắc con lão chong đèn học bài. Lão đằng hắng mấy cái. Vừa nghe tiếng lão, điện đèn tắt ngóm, căn nhà chìm trong bóng tối, im lìm. Ô hô, dám giả vờ ngủ để tránh lão ư. Lũ hư đốn, ăn học làm gì mà chống đối ba mình. Cho chúng đi chăn trâu cho xong.

Ngả nghiêng bước vào nhà, lão cất tiếng gọi. Ba lần. Những ba lần mà mấy mẹ con không ai thưa gởi. Chỉ mỗi con Mun xoắn xuýt mừng. Cơn giận bùng lên. Lão đạp nó một phát, con chó vừa đau vừa bất ngờ, ẳng ẳng kêu rên rồi cụp đuôi chạy mất. Chưa hả giận. Lão ném hết sách vở ra sân, châm lửa đốt. Thử xem chúng mày còn vờ ngủ nữa không.

Con nhỏ mếu máo chạy ra trước, con mẹ hấp tấp bước theo, thằng anh sau chót. Khóc la ai oán. Ngọn lửa lập lòe bén vào từng trang giấy, bùng lên ánh sáng đỏ xanh như nhảy múa khiến lão khoái chí. Từ nay còn dám chống đối tao không.

Ba mẹ con hớt hải dập lửa, đứa con gái vừa khóc vừa lao vào đám lửa lôi số tập vở cháy xém. Lão cười khùng khục. Tưởng tao nói suông à. Lần này đốt sách vở, lần tới đốt nhà. Chúng mày liệu mà ngang ngạnh ương bướng đi.

Lão hả hê quay xe đi tìm bạn nhậu tiếp, không biết rằng tay đứa con gái bỏng một mảng lớn, phải đi cấp cứu trong đêm, vợ phẫn uất ngất lên ngất xuống. Lão chắc mẩm sau trận này mẹ con chúng sợ khiếp vía, ngoan ngoãn phục tùng. Đinh ninh thế, lão đi một lèo năm ngày. Lúc trở về ghé vô chợ, mua đồ về tiếp tục lai rai.

Từ ngoài cổng lão thấy có gì đó không bình thường. Dù mọi lần vợ con thấy lão về là đi nhẹ nói khẽ, rón rén cả hơi thở, nhưng vẫn có tiếng người, nay sao vắng tanh, cửa đóng then gài thế kia. Vô tới sân, con Mun xộc ra mừng, liên tục ăng ẳng ra chiều hờn tủi. Lão bước tới mở cửa, tiếng kẽo kẹt não nề. Nhà trống hoác. Không đồ đạc. Không tiếng động. Không bóng người. Lão chết sững. Cái đầu mụ mị cố nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra, thứ bày ra trước mắt là gì. Lão đi một vòng từ trước ra sau, tất cả vật dụng thường ngày của vợ con không còn. Bếp núc nguội ngắt. Lão đi thêm vài vòng để chắc chắn mình không nhầm, không phải do say mà tưởng tượng. Tiếng con Mun loắng nhoắng nhắc lão đây là sự thật. Bấy giờ lão mới hiểu. Vợ con đã bỏ đi. Đi thật. Không phải dọa dẫm như những lần trước.

Phẫn nộ. Cuồng giận. Đầu lão nóng bừng, chân tay bủn rủn, hít thở khó khăn, như có cái gì chắn ngang lồng ngực. Thấy thứ gì lão liền đem ra đập cho tan nát. Tay mỏi nhừ, vài chỗ tươm máu mà cơn thịnh nộ chưa nguôi. Lão liếc sang con Mun rúm ró ở một góc. Lão nhìn nó như kẻ thù, như thể nó là nguồn cơn khiến vợ con bỏ đi. Lão trút giận sang con vật tội nghiệp. Mày đi theo chúng luôn đi. Lão kêu bạn bè thịt nó. Nghe tiếng kêu đau đớn, tuyệt vọng của nó mà nguôi phần nào lửa giận đang ngùn ngụt trong lòng.

Ngày qua ngày, lão uống rượu thay nước, thay cơm. Buổi sáng mặt trời chưa thức lão trở dậy uống, uống đến khi mặt trời đứng bóng, uống đến lúc ánh nắng cuối ngày tắt ngóm. Bạn nhậu hay tin kéo tới, người chia buồn, kẻ chúc mừng lão được tự do. Ngôi nhà Bích để lại trở thành quán nhậu, đông đúc từ sáng đến khuya. Lúc nào cũng đầy tiếng nói cười ra rả. Đôi lần tỉnh táo, nhìn lũ bạn tranh nhau những vật dụng trong nhà, lão có chút chạnh lòng, nhưng người không còn, của để làm gì. Lão khoát tay, cho hết. Khi lão không còn gì để cho, bạn lão không còn gì để lấy, khi lão tiêu sạch số tiền Bích để lại, thì căn nhà dần vắng bóng người. Bạn bè không ai đoái hoài. Lâu lâu gặp ngoài đường, chúng bảo dạo này bận quá. Vô tình đi ngang thì chúng ngoảnh mặt làm ngơ, có nhìn thấy cũng coi như không quen.

*

Lão chật vật sắp xếp lại cuộc sống của mình. Mới nhớ ra chuyện ăn uống, áo quần, nhà cửa, tiền nong trước nay đều do một tay Bích lo. Giờ phải tự mình xoay sở. Không tiền không công việc, lão biết sống làm sao. May còn mớ lúa Bích mua để dành, cất kĩ trong buồng không bị lũ bạn xúc đi, dăm luống rau mơn mởn ngoài vườn, giàn bầu lúc lỉu, thêm chục con gà vừa lớn. Lúc Bích đi, chúng nhỏ quá đám bạn chưa đem ra thịt, nay hòm hòm. Lão đem bán vài con đổi mấy thứ lặt vặt, giữ lại hai mái một trống, vừa có trứng ăn vừa gây đàn mới, lay lắt qua ngày. Lão trồng thêm bắp đậu ngoài vườn. Bấy lâu không làm, nay đụng tay đụng chân, mệt muốn đứt hơi. Những buổi chiều tà, chơ vơ ngó bầu trời đỏ rực rồi lịm dần trong gam màu xám xịt, nghe tiếng chim chao chác gọi nhau về tổ, tiếng gà lục cục vô chuồng, lão thèm hơi người đến lạ. Nhớ lại khi xưa, lúc mới về rẫy, lão cũng vì thèm người mà lao vào cuộc chè chén triền miên.

Không vợ con, không bè bạn, lão khề khà uống một mình. Lúc tỉnh lão thấy buồn thấy nhớ, lúc hơi men vào lão lại trách cứ cuộc đời, hờn vợ giận con bỏ bê lão. Vừa cười vừa khóc chìm vào giấc ngủ nặc nồng mùi rượu.

Ngày nọ, trong lúc chếnh choáng, lão thấy hai đứa con trở về. Chúng thậm thà thậm thụt, chắc sợ lão. Vừa thấy mặt chúng, những tủi hờn cảnh hắt hiu ngùn ngụt ùa về. Quen miệng, lão chửi chúng té tát. Càng chửi càng hăng, hăng quá xông vào đánh thằng anh, con em vừa khóc vừa kéo thằng nhỏ chạy. Lão co chân rút chiếc dép quăng theo. Đi đi, có giỏi thì đi luôn. Tao cấm chúng bay bén mảng về. Hết cơn say, lão đấm đầu đấm ngực. Rõ ràng lão mừng lắm. Sao thành ra vậy. Hay đầu óc lão bị con sâu rượu gặm mất rồi.

Co ro trong ngôi nhà vắng ngắt, lão gặm nhấm nỗi quạnh hiu được bóng tối lên men, đặc quánh mùi cô đơn. Nhiều đêm nghe tiếng lục đục ngoài ngõ, lão thảng thốt giật mình, không kịp mang dép chạy vội ra, rồi bồi hồi thất vọng. Trước mắt lão chỉ có màn đêm đen kịt, đom đóm trong mắt nhảy múa lung bung, chứ nào thấy bóng hình vợ con lão.

*

Một hôm lão thấy khó thở đến choáng váng, lảo đảo lê ra đầu ngõ, chưa kịp nhờ hàng xóm giúp thì mắt tối sầm rồi ngất đi. May có người đi ngang đưa lão đến bệnh viện. Bác sĩ nói lão bị nhiều bệnh lắm, viêm gan, viêm phổi, nguy cấp nhất là hẹp mạch vành, cần đặt stent, kêu lão báo người nhà chuẩn bị chi phí. Bàng hoàng. Không bao giờ lão nghĩ mình bị bệnh nhiều vậy, dù trước đây Bích nhắc nhở hoài. Lão tưởng mình mãi là chàng sĩ quan cao to khỏe mạnh hồi nào.

Nghe báo bệnh rồi, lão đâm ngẩn ngơ. Bác sĩ kêu lão thông báo người nhà. Giờ biết vợ con ở đâu mà báo, điện thoại không biết, chỗ ở càng không. Mà nếu biết, liệu vợ con lão có sẵn lòng tha thứ, dốc tiền dốc sức cứu lão. Trước giờ lão ỷ khỏe mạnh, nghĩ mình sống phóng khoáng với mọi người chắc sẽ được phước, đau một giây chết một giờ, không phiền ai, nghĩ chi tới chuyện tuổi già. Lão bần thần nhớ lại lời tuyên bố hùng hồn trước đây. Tao không cần con, không cần vợ. Bệnh có bạn bè lo, chết có xã hội chôn. Không phiền tới chúng mày.

Lão hít vài hơi cho bớt căng thẳng, một tay giữ chặt ống thở oxy, tay còn lại run run lục tìm điện thoại. Thấy tên anh Hai, lão đắn đo một hồi rồi bấm gọi. Từng hồi chuông khắc khoải dội vào lòng. Thật lâu mới có người nghe. May đúng người lão cần gặp. Vừa nghe lão nói bệnh tình, một giọng khô khốc vang lên kèm câu nói lạnh lùng. Tao không có tiền. Rồi cúp máy cái rụp. Tiếng tút tút chói rát muốn thủng màng nhĩ, như lưỡi dao băm vằm trái tim bệnh tật. Dù đoán trước câu trả lời, dù chỉ gọi hú họa, lão vẫn nhen nhóm chút hi vọng. Đó là anh ruột của lão. Hai anh em ở cùng một chỗ mà bao lâu rồi chưa han hỏi viếng thăm. Lần gặp gần nhất là lúc lão lấy Bích rồi đưa nhau về quê. Anh em gặp mặt chuyện trò chưa được dăm câu thì suýt choảng nhau vì bất đồng quan điểm. Anh lão là người bên này, lão thuộc phe kia. Chiến tranh đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn dai dẳng, trong suy nghĩ, trong cái nhìn của người ở lại, đặc biệt với những người trực tiếp tham gia cuộc chiến như lão, như anh lão.

Lão tìm số điện thoại vài bạn nhậu chí cốt. Lão gọi hết cuộc này tới cuộc khác. Có cuộc chỉ nghe tiếng tút tút. Có cuộc gặp vợ bạn, trả lời bằng giọng cụt lủn, ổng không có nhà. Có cuộc gặp được đúng bạn, nghe báo bệnh, liền đáp, giờ em không rảnh, gọi lại sau nghe. Lão thở hắt một hơi, thấm thía cho nhân tình thế thái.

Tới giờ thăm khám, bác sĩ hỏi lão có bảo hiểm y tế không. Lão lắc đầu. Giấy chứng minh còn không có, lấy đâu bảo với hiểm. Bác sĩ nghe xong trố mắt, chắc lần đầu thấy một ông già từng ấy tuổi mà không người thân, không giấy lận lưng, không một đồng giắt túi. Lão đoán bệnh viện sẽ trả về. Lão chuẩn bị tâm thế chờ chết. Chết trong cô đơn. Chết trong quạnh quẽ. Nghĩ đến cảnh xác lão sẽ thối rữa, ruồi nhặng vo ve, giòi bọ lúc nhúc. Cay đắng.

Một ngày trôi qua, thêm vài ngày nữa. Bác sĩ vẫn thăm khám đều đặn, làm đủ xét nghiệm, thuốc men điều trị. Y tá vẫn chăm sóc chu đáo. Đến giờ ăn lão vẫn có phần như mọi người. Ban đầu lão lăn tăn lo lắng, họ tính tiền thì lấy gì mà trả. Sau kệ, bất quá thế cái mạng già, ai làm được gì thì làm.

Mười ngày sau bác sĩ thông báo thời gian phẫu thuật. Lão khấp khởi. Vậy là lão được chữa trị, còn cơ hội sống. Lẽ nào…

Trước khi vô phòng gây mê, lão thấy thấp thoáng ba bóng hình quen thuộc, đang nói chuyện với bác sĩ điều trị. Trái tim cằn cỗi đập những nhịp rộn rã lạ thường. Lâng lâng vui sướng. Lão hạ quyết tâm, lần này chết đi sống lại, lão nhất định sống đàng hoàng…

Sâu rượu. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Thanh
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024