1.
Vũ Thị Hồng cùng các học viên khóa 4 - khóa mà Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Ban Thống nhất Trung ương chủ trương đào tạo riêng cho chiến trường - đã giã từ Thủ đô yêu dấu, lên đường đến với các chiến trường ở miền Nam vào một ngày giữa tháng 4/1971 sau một thời gian được học tập rèn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ. Chị được phân vào khu 5 và cái duyên binh nghiệp đến với chị cũng là một sự tình cờ: nhà văn Nguyên Ngọc nghe tin có một lực lượng văn nghệ mới vào, đã trực tiếp sang xin để bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ đang cắm chốt ở vùng đất Quảng Nam. Chị cùng hai đồng môn đồng khóa khác là Nguyễn Bảo và Nguyễn Hồng đã tình nguyện đầu quân.
|
Cuốn Chạm vào ký ức của Vũ Thị Hồng ra đời khi chị đã đi qua ngưỡng tuổi bảy mươi, chủ yếu viết về khoảng thời gian bốn năm còn lại đó của chiến tranh cho đến sau ngày giải phóng không lâu. Những năm tháng đó, chiến trường Trung Trung Bộ thật sự là một địa bàn cực nóng. Cuốn tự truyện của Vũ Thị Hồng dưới một cái nhìn khác đã góp vào để hoàn thiện thêm gương mặt chiến tranh của vùng đất khu V nói chung và Quảng Nam nói riêng.
Mở đầu tập sách, Vũ Thị Hồng “nhẩn nha” kể về những ngày đầu mới vào chiến trường, với bao nhiêu khó khăn nhưng chị đã tiếp nhận nó với một thái độ vừa cố gắng vừa nhẫn nhịn, tạo sự tò mò và hấp dẫn với người đọc. Từng động thái của chị luôn thể hiện sự quyết tâm theo đuổi đến cùng mục đích ban đầu. Trong những ngày đầu đi thực tế chính những người phụ nữ được gặp, được nghe trong Hội nghị Hậu cần thực sự là những tấm gương sống tác động đến Thục. Chị “vừa thương vừa cảm phục” và thầm nghĩ không biết những người phụ nữ ấy lấy đâu ra sức lực để vượt qua cái ngưỡng chịu đựng của bản thân mình như vậy: cả một tiểu đoàn gần 500 chị em hầu hết là thanh niên nhưng bị mất kinh, mông teo, ngực lép, mỗi lần gội đầu tóc rụng hàng búi… Các chị có thể chịu đựng nỗi đau vết thương thể xác như tiểu đội trưởng Mai, có thể làm mọi công việc nặng nhọc như mọi đàn ông mà không hề hấn gì, nhưng nhìn nhan sắc của nhau xuống cấp nghiêm trọng với những mái tóc ngày càng xơ xác, cụt ngủn thì đêm về “họ ôm nhau khóc ròng”. Đây là một cách nhìn mang thiên tính nữ của Vũ Thị Hồng.
Cuộc chiến tranh hiện lên qua những trang văn của chị cũng đầy gian khổ và mang rõ cách nhìn của một người phụ nữ. Ghẻ lở, hắc lào không chừa ai, nước không có để tắm. Đối với phụ nữ, thực sự đó là những cực hình. Rồi một người con gái vốn là y tá, nhỡ nhàng, uống thuốc phá thai không thành, khiến Thục rất đau lòng khi cảm nhận cái chết cả về thể xác lẫn tinh thần đang mỗi lúc một cận kề với cô. Nỗi đau đó như được nhân lên khi chị nghĩ đến người mẹ cô gái ở miền Bắc làm sao có thể biết nguyên nhân cái chết của con mình ở chiến trường. Biết bao cái chết, biết bao sự hi sinh khác nhau qua những con số biết nói, qua sự khuyết vắng những người thân quen trong những lần Thục trở lại nơi mình từng đến công tác, được chứng kiến hoặc nghe qua bạn bè tin tức về những đồng đội thân thiết, cảm mến của mình ngã xuống trong các trận đánh khác nhau… cho thấy các cung bậc cảm xúc nhân ái trong tâm hồn và tình cảm nồng nàn tình yêu con người và đất nước của cô gái trẻ Thủ đô đang trực tiếp tham gia chiến tranh. Nhớ lại và ngẫm nghĩ. Chị đưa người đọc đi vào chiến tranh bằng một thái độ bình tĩnh, vừa kể vừa tả và vì thế những trang viết của chị chân thật, không dữ dội nhưng gợi cho người đọc hình dung ra sự khốc liệt đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện.
2.
Vũ Thị Hồng cùng đồng đội trên chiến trường khu 5. Ảnh: tư liệu |
Chạm vào ký ức, với Vũ Thị Hồng, còn là chạm vào đời sống của anh chị em làm báo viết văn - những người đi chiến trường, sống và viết ở chiến trường cùng chị trong những tháng năm cam go nhất của cuộc chiến tranh, cũng là thời kỳ bắt đầu cầm bút tập làm người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ với mong muốn những trang viết của mình sẽ có ích cho cuộc chiến đấu. Nguyễn Hồng là một hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước. Đang ở tỉnh đội đợi giao liên đến dẫn về nhưng tiếc những ngày nằm chờ, anh mượn một khẩu CKC xuống đồng bằng cùng với một đại đội Điện Bàn cắm cờ chốt giữ đất. Đúng hôm ấy bọn địch huy động cả một tiểu đoàn tấn công, ban chỉ huy đại đội bàn rút để bảo toàn lực lượng. Lúc đầu Hồng kiên quyết phản đối nhưng cuối cùng đành đồng ý với điều kiện là “tôi sẽ ở lại chặn địch; bọn địch muốn vào được đây phải bước qua xác tôi”. Anh là người cuối cùng ở lại trên mảnh đất cắm cờ giải phóng... Đó là phóng viên nhiếp ảnh Xuân Quang rất năng nổ, xông xáo, thường đi với các mũi chủ công và chụp được những bức ảnh có giá trị; là ông “mặt sắt” quyết đoán nhưng luôn có mặt ở những nơi gian khổ ác liệt nhất, là Nguyên Ngọc - một trong số những nhà văn vào chiến trường sớm nhất, lăn xả vào cuộc chiến đấu giành đất, giành dân. Các cây bút của đơn vị Thục thường đi ra mặt trận theo các đơn vị chủ lực, hoặc đi xuống cơ sở. Viết rồi đi, đi để viết, viết để phục vụ cuộc chiến đấu với trách nhiệm công dân - người lính. Họ hiện lên với tinh thần tận hiến nhưng cũng mang cả sắc thái của đời thường, nhất là sau đợt chỉnh huấn hằng năm, cơ quan lại tổ chức đánh giá, kiểm điểm từng cá nhân… Theo thời gian, chị vẫn trở trăn tìm kiếm: càng có thêm nhiều tư liệu, có thêm nhiều ghi chép về chiến công thầm lặng của nhân dân, chị càng nhận ra cái khoảng cách giữa trang viết và cuộc đời…
Vào tháng 2/1975, bước vào một mùa chiến dịch mới, với tâm thế của người đảng viên trẻ, chị lại tiếp tục theo chân các đơn vị đi chiến dịch. Bất ngờ diễn biến cuộc chiến thay đổi sau khi quân địch thất thủ ở Buôn Mê Thuột. Rồi Đà Nẵng được giải phóng. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà tan rã nhanh chóng. Chị lại háo hức với niềm vui của người viết được theo những người lính giải phóng đi dọc suốt miền Trung, có mặt ngay tại Sài Gòn sau khi thành phố được giải phóng. Và chị đã có những trang viết đầy cảm xúc khi những học viên trong lớp viết văn khóa 4 cùng vào các chiến trường miền Nam, gặp nhau mừng mừng tủi tủi và ngậm ngùi khi nhắc đến những người bạn đã không còn. Những người lính làm báo viết văn ấy đã thay hình đổi dạng vì gian khổ của chiến tranh nhưng đằng sau vẻ khắc khổ, gầy ốm là nụ cười của tuổi trẻ, là hạnh phúc của những người chiến thắng, người còn được sống. Thục lại theo tiếp các đơn vị đến một số tỉnh miền Tây, lên Đà Lạt. Cảm giác đó dẫu đã gần năm mươi năm trôi qua, đến hôm nay trong chị vẫn như còn vẹn nguyên với tất cả niềm sung sướng và hạnh phúc đến ngỡ ngàng…
3.
Gặp lại những chuyện trong quãng thời gian vô cùng quan trọng của cuộc đời của một người cầm bút như chị, người đọc càng cảm phục tinh thần của một thế hệ thanh niên nói chung và đội ngũ nhà văn chống Mỹ nói riêng mà Vũ Thị Hồng là một trong số đó. Những trang viết của chị không có cái dữ dội như cách viết của giới mày râu, thậm chí so với một vài cây bút nữ khác như Lê Minh Khuê chẳng hạn. Tuy nhiên, đọc chị, người ta cảm nhận được hơi thở tươi nguyên của đời sống, của xúc cảm, và không khó để người đọc nhận ra đằng sau nó còn rất nhiều vốn sống mà chị chưa khai thác hết. Văn chị giản dị như con người chị nhưng vẫn có độ mở để kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Sau chiến tranh, viết vẫn là niềm đam mê của chị. Với niềm đam mê ấy và tài năng, chị đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1990-1995), Giải A cuộc thi tiểu thuyết do Bộ Nội vụ tổ chức…
Với ngần ấy thời gian ở chiến trường và ngần ấy giải thưởng nghề nghiệp cũng như những cống hiến trong những cương vị công tác sau này, Vũ Thị Hồng quả là một cây bút chiến sĩ xứng danh. Sau gần năm mươi năm, chị đã đưa bạn đọc sống lại những ngày gian khổ và ác liệt, ở đó chúng ta còn nhìn thấy qua chị là hình ảnh một thế hệ nhà văn nhà báo quân đội tham gia chiến tranh. Viết lại những gì đã đến với mình, chị đã đưa người đọc trở lại một thời gian khổ đầy vất vả, hi sinh với niềm vui của người chiến thắng, trong đó có niềm vui của người đã chiến thắng bản thân trong mọi hoàn cảnh trên hành trình để trở thành một người lính, một nhà văn.
Tôn Phương Lan | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: