Sáng tác

Thầy Cẩn - Truyện ngắn dự thi của Võ Nhật Thủ

Võ Nhật Thủ
Truyện
08:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Tôi cầm bàn tay khẳng khiu của Thầy. Đôi mắt nhắm nghiền nhưng Thầy vẫn còn nhận ra tôi qua mỗi cái bấm nhẹ tay tôi khi tôi hỏi thăm Thầy.
aa

Trước ba hôm, tôi có về thăm khi Thầy đã nhập viện. Thầy yếu lắm rồi, thân xác gầy khô chỉ còn thoi thóp. Bên giường Thầy là cô Tâm, vợ Thầy và người bạn học cùng lớp của tôi ngày xưa tên Tấn.

Tôi cầm bàn tay khẳng khiu của Thầy. Đôi mắt nhắm nghiền nhưng Thầy vẫn còn nhận ra tôi qua mỗi cái bấm nhẹ tay tôi khi tôi hỏi thăm Thầy.

Tôi hiểu rằng thời gian với Thầy còn tính bằng giờ. Điều mong mỏi lúc này là căn bệnh quái ác đừng hành hạ Thầy thêm nữa. Cứ mỗi cái nhăn mặt của Thầy làm tôi đau nhói.

Vì công việc tôi không thể ở lại lâu hơn. Tôi gửi lại cái card visit cho Tấn để nó gọi cho tôi nếu Thầy có mệnh hệ gì. Tôi buồn bã chào Thầy, cô và Tấn. Tôi phải ra sân bay cho kịp chuyến bay Hà Nội.

Giờ nhận tin, mẩu tin đi vào lòng tôi bằng tiếng thở dài như hồi chuông nguyện ngân lên để vĩnh biệt người Thầy yêu quý: Thầy Cẩn.

*

Ngày đó, vào năm thứ ba, chúng tôi bắt đầu học chuyên ngành. Lớp chúng tôi được thầy Cẩn Chủ nhiệm khoa dạy môn Quản trị kinh doanh. Tiết đầu tiên lên lớp, Thầy đã để lại cho chúng tôi ấn tượng thật đặc biệt.

Tiết đó Thầy không dạy mà nói chuyện với lớp về xu thế phát triển xã hội, về thời sự kinh tế, chính trị nước nhà, về những thành công và thất bại trong điều hành kinh doanh của các tập đoàn kinh tế. Quan điểm dạy của Thầy là:

- Với tôi, giáo trình do Bộ Giáo dục chỉ định là bắt buộc. Có nghĩa là tôi phải dạy và các em phải học nhưng tôi không thiết tha truyền đạt kiến thức cho các em theo sự rập khuôn cứng nhắc của giáo trình. Tôi chỉ yêu cầu các em nắm được các khái niệm, các công thức để làm bài tập, thi học kỳ và cả thi tốt nghiệp sau này. Còn thực tế quản trị kinh doanh không bao giờ là bất biến. Tôi truyền đạt cho các em các kiến thức ngoài những điều cứng nhắc của sách giáo khoa mà tôi tích hợp được từ các cuộc hội thảo, từ các bài dịch của sách báo nước ngoài. Việc có được điểm cao trong các kỳ thi có thể với các em là quan trọng nhưng với tôi cái quan trọng là kỹ năng nắm bắt và vận dụng kiến thức của các em sau này. Bản thân tôi sẽ cho điểm các em sau năm hay mười năm sau khi ra trường. Nhớ nhé!

Tôi thích thú chi lạ! Tôi chưa bao giờ gặp quan điểm dạy sinh viên như ở Thầy.

Chúng tôi ra trường mỗi người mỗi ngả. Riêng tôi, tôi không thẹn với lòng mình khi nghĩ về Thầy bởi ở những năm học cuối Thầy đã dạy cho chúng tôi phương pháp luận để giải quyết vấn đề hơn là những lý thuyết suông hoặc những bài toán khô khan. Tôi thành đạt trong công việc bằng chính sự dẫn dắt của Thầy từ tiết lên lớp đầu tiên ấy.

*

Tôi sắp xếp, bố trí công việc bay về để kịp tiễn Thầy.

Có lẽ đây là đám tang lớn nhất trong cuộc đời mà tôi từng chứng kiến.

Tôi chợt nhớ về lời kinh nguyện của vị linh mục ở một đám tang bên đạo mà tôi nghe được: “Khi con sinh ra tất cả mọi người đều cười chỉ có con là khóc. Trong suốt cuộc đời con hãy sống thế nào để đến lúc xuôi tay trả da thịt về lại với Chúa, duy chỉ có con là cười và tất cả mọi người đều khóc”. Giờ đi trong đoàn người đưa tang kéo dài cả cây số mà phần lớn người đưa tiễn là học trò qua bao thế hệ của Thầy, tôi thấy lời răn của người bên Đạo ngày nào ý nghĩa biết bao! Vâng, Thầy đã mỉm cười khi giã từ Cõi Tạm này.

Chúng tôi đưa Thầy về nơi yên nghỉ cuối cùng, những cánh hoa, những nắm đất đau buồn bỏ xuống huyệt mộ thay lời vĩnh biệt.

Mọi người ra về chỉ còn lại Tấn, đầu vấn khăn tang đang loay hoay cùng với đám thợ hồ xây mộ. Tôi tần mần bên Tấn. Tấn hiểu ý bắt tay tôi rồi bảo:

- Mày cứ về đi, đã có tao ở đây giúp cô là đủ rồi!

Tôi ra xe, mà câu hỏi về hình ảnh của Tấn chít khăn tang từ lúc tôi vào thắp hương cho đến bây giờ vẫn không tìm ra câu giải đáp. Mà đâu phải mình tôi, nhiều đứa bạn gặp Tấn cũng đặt dấu hỏi như tôi.

Mà không ngạc nhiên sao được! Ngày đó hắn và thằng Tạo là hai thằng bị Thầy “chiếu” nhiều nhất. Có lẽ người thầy mà tụi hắn sợ nhất và ghét nhất là Thầy Cẩn. Vậy mà bây giờ hắn trở thành người thân của Thầy thì dù ở bất cứ cơ duyên nào cũng là chuyện lạ! Ừ chắc là người thân lắm nên hắn mới túc trực bên thầy từ ngày lâm trọng bệnh cho đến lúc này.

À mà còn thằng Tạo nữa, Tạo đâu rồi sao không thấy về đợt này cùng với Tấn?

Khi vào năm thứ ba học chuyên ngành chúng tôi mới học chung một lớp với Tấn và Tạo. Ngày ấy hai đứa hắn có thể nói là “cặp bài trùng” của lớp. Tụi hắn thường ngồi bàn cuối nhưng chưa bao giờ học đủ tiết. Chúng nó đi đâu cũng có nhau. Hút thuốc lúc nào cũng hút chung một điếu. Thường đến tiết cuối nhìn xuống lớp là không còn tụi hắn nữa. Lúc đầu những đứa sinh viên chăm học như tôi cảm thấy khó chịu nhưng lâu dần thành quen. Không biết từ khi nào chúng tôi xem tụi hắn như là những sinh viên dự thính của lớp. Tấn và Tạo chỉ chơi chung với nhau gần như chưa trò chuyện cùng ai trong lớp.

Việc chuồn giờ của hai đứa hắn không qua được thầy Cẩn. Thường là tiết đầu của Thầy thì tụi hắn còn, nhưng đến tiết sau ít khi tụi hắn học đủ. Thầy đã để ý đến tụi hắn, đến lúc chịu không nổi Thầy bắt đứng lên. Lúc đầu Thầy còn lấy lời lẽ phân tích, khuyên răn nhưng càng nói tụi hắn cứ cúi gằm mặt xuống, cái mặt lại cứ lầm lì tỏ vẻ bất cần tức quá Thầy “xạc” luôn cho một trận. Đó là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến được cơn giận dữ như tát nước của Thầy. Tụi hắn hóa ra cũng biết sợ, sau lần ấy không dám bỏ giờ Thầy nữa mà tỏ ra chăm chỉ nhưng... bất phục. Còn các giờ khác thì vẫn thế, nhất là giờ học của các môn xã hội.

Năm cuối chúng nó “tàn tạ” hơn. Áo quần xốc xếch, đầu tóc bù xù. Giờ lên lớp càng ít hơn. Một lần chúng tôi chuồn giờ ra uống café, sợ bị “lộ” nên chui vào một quán sâu nhất trong hẻm. Vào đó tôi phát hiện Tấn và Tạo đang phì phèo thuốc lá và cùng sát phạt tiến lên với đám anh chị ngoài đường. Ồ thì ra tụi này là vậy! Nó bỏ giờ để chui đầu vào những chỗ này đây! Tôi vốn không thiện cảm, nay chứng kiến cảnh tụi hắn chơi bài lại càng khinh ra mặt.

Sau kỳ thực tập, chúng tôi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nhớ ngày thi môn đầu tiên tôi bắt gặp Tấn và Tạo tại văn phòng khoa khi tôi có việc vào lấy danh sách lớp. Tôi vào khi thấy cả hai khép nép ngồi đối diện với Thầy Cẩn. Không biết chuyện gì xảy ra nhưng khi vào giờ thi, tôi thấy tụi hắn mắt đỏ hoe hình như đã khóc.

Sau ngày tốt nghiệp chúng tôi ra trường. Bao năm đi qua, hình ảnh của “cặp bài trùng” Tấn - Tạo với tôi chỉ thoảng qua như một kỷ niệm mơ hồ.

*

Vậy mà đã hai năm rồi, nhanh quá! Tôi về dự mãn tang Thầy trễ vì chuyến bay bị “delay”. Tôi gặp lại Tấn, trên đầu vẫn còn khăn tang đang sửa sang lại bức di ảnh của Thầy trên bàn thờ. Thấy tôi, hắn hỏi thay cho lời chào:

- Sao về muộn thế?

- Ừ tao bị trễ chuyến bay từ Hà Nội.

- A, tao cũng về chuyến đó! Vậy cùng ngồi với nhau mà chẳng biết!

Tôi loay hoay tìm đặt hoa quả. Tấn bảo:

- Thôi để đó, lát nữa mang lên mộ thắp hương Thầy. Mày lên thăm mộ với tao nhé!

Tôi gật đầu.

Sau bữa dự giỗ ngắn cùng gia đình Thầy với mâm tiếp khách cuối cùng chúng tôi chào từ biệt ra xe của Tấn đậu bên kia đường đi lên thăm mộ.

Xe chạy một đoạn, tôi mới có dịp hỏi Tấn:

- Mày bây giờ ở đâu? Làm gì?

- Tao đang ở Hội An làm việc cho khu resort...

Hắn đưa tôi cái card visit. Công ty hắn làm việc tôi biết, nổi tiếng về du lịch mà!

- Mày đã là Tổng giám đốc kia à?

- Có gì đâu, cũng thường thôi mày ạ! Hắn cười.

- Nói thật, mong mày đừng trách, từ ngày ra trường đến giờ tao chẳng biết mày đi đâu, làm gì? Cả thằng Tạo nữa, hắn bây giờ thế nào?

Ánh mắt đang vui chợt chùng xuống. Hắn nói như hắt ra:

- Tạo mất rồi!

- Tại sao mất? - Tôi kêu lên sửng sốt.

Giọng nó buồn buồn:

- Nó mất vì vụ lật tàu ở Lăng Cô năm trước.

Tôi lặng im, nghe như vừa mất một cái gì. Dù thời sinh viên không chơi với nhau nhưng bao năm qua, tôi không một tin gì của Tạo cũng là điều đáng trách. Còn bây giờ khi biết thì lại là một tin buồn.

Tôi đem điều ngạc nhiên bấy lâu hỏi hắn:

- Mày bà con thế nào với Thầy Cẩn?

- Không, tao không bà con - Hắn lắc đầu.

- Vậy sao mày bịt khăn tang?

- Chuyện dài lắm! Rồi tao kể cho nghe.

Đến nghĩa trang chúng tôi vào thăm mộ. Tôi đặt hoa quả, áo giấy trước mộ Thầy rồi thắp nén hương. Tấn đi quanh mộ xem lại từng viên đá. Tôi khấn trước mộ Thầy:

- Thầy ơi! Chúng em về thăm Thầy đây, Thầy hãy vui Thầy nhé!

Tấn tháo khăn tang khấn đầu rồi đốt trước mộ. Tôi lấy vàng mã rắc từng tờ cho ngọn lửa bốc cao. Trời nhiều mây, đã ngả sang chiều. Tấn ngồi bên mộ Thầy lấy cây khều tiếp cho giấy, khăn cháy hết. Nó chậm rãi:

- Mày có biết trước ngày thi tốt nghiệp tao và Tạo bị tù không?

Tôi ngạc nhiên:

- Bị tù? Tại sao bị tù?

- Bị dính vào ma túy mày ạ!

- Ma túy? Tụi mày chơi... ma túy?

- Ừ, ngày đó tao và Tạo chơi với đám ngoài đường không ngờ sa vào nghiện ngập. Trước ngày thi tốt nghiệp khoảng một tuần tụi tao bị bắt khi đang phê thuốc. Lúc tỉnh ra thì mình đã ở trong trại giam cai nghiện rồi. Lúc đó mày biết tâm trạng tụi tao thế nào không?

Không đợi tôi trả lời hắn tiếp:

- Vậy là chấm hết! Tụi tao tự đạp mình vào bùn nhơ vì hiểu rằng chỉ còn hơn một tuần nữa là thi tốt nghiệp. Tụi tao sẽ không được dự thi và bị đuổi khỏi trường là cái chắc! Hối hận! Nhưng quá muộn rồi. Những ngày sau đó mới thật khủng khiếp. Không có thuốc để phê nên cơn nghiện làm chúng tao vật vã. Ngày thứ ba trong khi hai đứa tao đang tận cùng trong cơn tuyệt vọng thì được giám thị báo có người nhà xin gặp. Tụi tao theo giám thị ra ngoài, mày biết ai đến gặp tụi tao không? Chính là Thầy Cẩn. Tụi tao điếng hồn khi gặp Thầy. Thấy tụi tao Thầy đứng dậy đập “ầm” vào mặt bàn hét lớn:

- Đồ khốn nạn!

Chúng tao không dám nhìn mặt Thầy. Cái lần Thầy giận chửi tụi tao không “xi nhê” gì với lần này. Tiếng quát của Thầy làm giám thị viên phải nhắc nhở. Thầy ngồi xuống mặt vẫn cứ hầm hầm quát tiếp tụi tao thêm nhiều câu nữa nhưng tai tụi tao đã “điếc” rồi không nghe gì thêm được nữa. Nói thật lúc đó tao muốn Thầy về nhanh cho rồi. Chuyện tụi tao gieo “nhân” nào gặt “quả” ấy tụi tao chịu. Thầy quát, chửi tụi tao lúc này chẳng được ích gì. Một lúc sau giọng Thầy dịu lại:

- Tôi đến thăm và trao cho hai em một cơ hội. Còn bốn ngày nữa là thi tốt nghiệp, đây là giáo trình và đề cương thi, trong mấy ngày này các em phải lo mà ôn tập. Tôi sẽ làm hết sức mình để ngày đó các em được về dự thi.

Tụi tao không tin vào tai mình nữa. Chưa kịp nói gì Thầy đã đứng dậy:

- Nên nhớ đây là cơ hội cuối cùng, các em phải biết tận dụng và không được tuyệt vọng dù thời gian đối với mình còn tính bằng giây. Nhớ đó!

Chúng tao đứng như pho tượng mà không nói lên được tiếng cảm ơn Thầy. Lúc Thầy đi ra, cánh cửa phòng đóng lại tao và Tạo ôm chầm lấy nhau nhảy cẫng lên và... khóc.

Trong đời tao chưa bao giờ sống trong tâm trạng mừng vui như lúc đó. Tụi tao sống lại rồi! Mày hình dung, tụi tao đang tuyệt vọng trong dòng nước đục, đúng lúc bế tắc nhất thì Thầy Cẩn xuất hiện và ném cho tụi tao cái phao cứu sinh. Chúng tao tin vào Thầy. Mấy ngày còn lại, trừ những lúc lên cơn, tụi tao dồn gần hết thời gian cho việc ôn tập.

Hôm thi môn đầu, tụi tao dậy sớm lắm! Cứ chờ, cứ chờ... đến lúc giám thị viên mở cửa cho tụi tao ra gặp công an quản lý trại. Người công an mời ngồi rồi nói.

- Thầy Cẩn có đến đây và đã về rồi. Trại cho các anh được 12 giờ tự do để về dự thi. Tôi không nói nhiều, vì Thầy Cẩn, các anh biết mình phải làm gì. Thầy đã đánh cược sinh mạng chính trị của mình bằng Giấy bảo lãnh tự do đúng 12 tiếng đồng hồ cho các anh. Còn đây - Người công an đẩy về phía tao chiếc bì thư, là tiền Thầy gửi cho hai anh đi xe ôm về thi, ăn trưa và đón xe về trại trước lúc 6 giờ chiều. Các anh nên nhớ mỗi bước các anh đi đều có người giám sát. Thầy Cẩn dặn tôi bảo lại với các anh rằng: Trước khi vào phòng thi hãy đến gặp Thầy tại văn phòng khoa. Thôi các anh đi đi cho kịp giờ thi. Chúc may mắn.

Chúng tao chỉ biết cám ơn người công an quản trại còn tình cảm dành cho Thầy Cẩn không biết tả thế nào.

Chúng tao về trường mới vừa vào văn phòng khoa là gặp mày đó! Khi mày đi rồi tụi tao sợ sẽ bị Thầy “lên lớp” tiếp nhưng ngược lại Thầy cười thật hiền hỏi thăm chúng tao về mấy ngày ở trại, ôn thi thế nào? Cuối cùng Thầy kéo hộc bàn lấy ra hai điếu thuốc cho hai đứa tao. Mày biết điếu thuốc ấy như thế nào không? Đó là hai điếu được tẩm ma túy! Thầy dặn rằng tụi tao giữ hai điếu này để phòng cắt cơn trong khi thi.

Tụi tao khóc vì Thầy thêm một lần nữa. Nhờ hai điếu thuốc ấy mà chúng tao giữ được trạng thái bình thường trong môn thi buổi chiều. Thi xong tụi tao trở lại văn phòng khoa cám ơn Thầy và không quên hứa sẽ đem hết sức mình cai nghiện để khỏi phụ lòng Thầy. Chúng tao về trại giam trước 6 giờ chiều. Về phòng tao và thằng Tạo ôm nhau hát như hai thằng điên.

Vậy mà phải mất 6 tháng mới hoàn thành đợt cai nghiện mày ạ!

- Rồi sau đó?

Hắn tiếp:

- Ngày ra trại chúng tao về thẳng nhà Thầy để cám ơn Thầy đã ra tay cứu vớt. Hôm đó Thầy vui lắm! Thầy mời chúng tao ở lại ăn cơm với gia đình Thầy. Trong bữa ăn Thầy không nhắc gì về việc đã qua, chỉ hỏi về hoàn cảnh gia đình, dự định sắp đến. Khi ngồi ở phòng khách Thầy khuyên chúng tao hay lắm!

- Các em phải biết hoạch định cho tương lai. Hiện giờ các em phải biết xã hội đang cần là cần cái gì? Đó là lao động quản lý với yêu cầu là kinh nghiệm, ngoại ngữ. Các em xem mình đã có cái gì và chưa có cái gì? Các em mới chỉ được xã hội thừa nhận ở mỗi cái bằng cử nhân còn chưa có gì cả. Vậy theo Thầy, trước hết các em hãy học việc. Từng bước vận dụng kiến thức của mình vào công việc trước khi tính chuyện cao hơn. Đặc biệt là ngoại ngữ, tương lai của các em sẽ chẳng hơn ai nếu các em yếu kém trong môi trường giao tiếp quốc tế.

Thầy nói mà tụi tao cứ như há hốc mồm để nghe. Qua gợi ý của Thầy, thằng Tạo định hướng là chúng tao sẽ vào Hội An tìm việc, ở đó môi trường khách quốc tế rất đông, sẽ có nhiều cơ hội giao tiếp. Thầy cười khen: “Hay!” Rồi Thầy giới thiệu tụi tao đến một khách sạn tư nhân là chỗ thân quen với Thầy trong đó để học việc.

Thầy Cẩn - Truyện ngắn dự thi của Võ Nhật Thủ
Tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa

Sau một tuần về thăm nhà, tụi tao vào trường xin nhận bằng tốt nghiệp. Mày biết vì tụi tao mà Thầy hệ lụy đến mức nào không? Qua chị văn thư tao biết được rằng, ngày công an gửi thông báo cho trường về việc phạm tội của hai tụi tao, Thầy nhận thông báo và đã ém nhẹm không chuyển cho trường mà tìm cách cứu tụi tao. Sự việc sau này bị vỡ lở. Thầy bị cách chức Chủ nhiệm khoa vì tội dung túng, bao che sinh viên phạm tội.

Hai đứa tao làm một lá đơn thỉnh nguyện và đến gặp trực tiếp Thầy hiệu trưởng. Trong thư tụi tao phân tích nếu không có cách xử sự của Thầy thì bây giờ cuộc đời hai thằng trí thức của tụi tao chắc không hơn gì những đứa bụi đời. Tụi tao thỉnh cầu nhà trường xem xét lại mà xóa kỷ luật với Thầy. Nếu vì tụi tao mà Thầy bị kỷ luật thì cả cuộc đời tụi tao lương tâm sẽ như thế nào!

Đơn thỉnh nguyện của tụi tao được nhà trường xem xét và sau đó Thầy đã được xóa kỷ luật.

Tụi tao tìm đến Hội An. Đến khách sạn Thầy giới thiệu, chủ khách sạn nhận tụi tao với chân bồi phòng. Không sao! Hồi đó có việc làm, có cơm ăn với tụi tao là mừng lắm rồi! Qua thời gian vừa làm vừa học mà tụi tao tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, đặc biệt Anh văn của tụi tao cải thiện thấy rõ. Giờ tao dư sức trao đổi, đàm phán với các đối tác nước ngoài bằng tiếng Anh.

Bằng kiến thức học được về quản lý, marketing chúng tao giúp cho chủ khách sạn từng ngày đổi mới phương thức kinh doanh. Khách sạn ngày càng được mở rộng sau này phát triển thành cụm du lịch cùng với một dự án Resort mới được đầu tư. Tụi tao ngày càng được tin cậy và cất nhắc lên các chức vụ quản lý cấp cao hơn.

Tao chỉ thương cho Tạo, năm đó sau đợt thăm quê, nó vào lại bằng tàu lửa, chẳng may trên đường bị nạn. Cái chết của Tạo là cú sốc lớn nhất của cuộc đời tao. Mày biết tình cảm của tụi tao rồi!

Sau năm năm, tao lập gia đình và gắn bó luôn với Hội An. Giờ tao đưa cả cha mẹ ngoài quê vào với tao luôn rồi.

Cuộc đời của tao là vậy đó, nên khăn tang tao bịt cho Thầy là cái nghĩa của cuộc đời mà Thầy đã cho tao.

Tôi nhìn quanh khu mộ, nói là khu mộ vì ngoài mộ của Thầy còn một lô đất trống, chắc là dành phần mộ cho cô sau này. Ngôi mộ được lát đá hoa cương đen, không cầu kỳ nhưng trang nhã. Tôi buột miệng hỏi Tấn:

- Mày là người xây mộ cho Thầy phải không?

- Ừ, mộ Thầy là tao thiết kế và xây đó, mày thấy đẹp không?

Tôi gật đầu:

- Ừ đẹp, rất hợp với phong cách sinh thời của Thầy. Như vậy là mày đã trả được một phần công ơn của Thầy rồi.

Tấn lắc đầu:

- Mày biết không, khi tụi tao ra khỏi trại về nhà Thầy, tao nói với Thầy rằng ơn của Thầy tụi tao nhớ suốt đời và chẳng biết thế nào trả ơn cho hết. Thầy gạt đi: ”Các em nghĩ vậy là sai rồi! Với tiền bạc, tôi nợ anh bao nhiêu, tôi trả anh bấy nhiêu là tôi hết nợ. Còn ơn nghĩa, nó không phải vậy! Khi ta còn biết ơn là ta đã trả ơn rồi!”.

Đó là lời giáo huấn sâu sắc nhất của cuộc đời tao mày ạ! Nên ơn Thầy cả cuộc đời này tao không có khái niệm “trả”.

“Khi ta còn biết ơn là ta đã trả ơn!”. Thầy ơi, Em cám ơn Thầy!

Tôi hình dung Thầy đang đứng đâu đây và đang vui, vui lắm! Tôi và Tấn đốt thêm nén hương rồi cúi đầu từ biệt.

Cơn gió chiều thoảng qua, đám cỏ may bên đường lay động. Bất giác tôi quay lại. Những ngọn khói hương đang cuộn vòng bên mộ Thầy rồi tan đi trong nắng chiều dịu nhẹ.

Văn nghệ, số 49/2023
Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Vẫn đây lam lũ những phận người/ Áo nâu sờn rách nụ cười thôn quê
Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Baovannghe.vn - Giữa bạt ngàn thơ ca viết về biển đảo và hình tượng người lính hôm nay, thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn có chỗ đứng riêng bởi dư vị khác thường...
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người