Có một nhạc sĩ đưa cho tôi bản nhạc mà anh vừa sáng tác. Ca khúc anh viết về Huế, lời thơ của một cựu chiến binh, theo như anh nói, ông ấy là sĩ quan cấp tướng, quen biết anh đã lâu. Anh cầm đàn và hát cho tôi nghe. Nghe xong tôi phán:
- Khổ đầu thì ổn. Mấy khổ sau nghe chán lắm. Ca khúc hay bởi giai điệu âm nhạc, nhưng chạm đến trái tim người nghe không thể không nhắc đến ca từ. Nhạc có hay đến mấy mà lời vớ vẩn thì... không lọt tai đâu.
- Chính vì thế nên tôi mang đến đây để nhờ anh sửa giúp.
|
Là bạn bè nên tôi đã nhận lời biên tập và sửa chữa đến 2 phần 3 của lời ca. Có những câu mà khi hát lên, anh thấy “cực đắt” để ca khúc của anh “đứng được” trong lòng khán giả. Anh nói, có lẽ phải ghi thêm tên tôi vào phần lời. Tôi cười, tôi sửa và biên tập giúp ông thôi. Tôi không “ăn theo” làm gì cả.
Sau này khi anh ra video clip thì phần lời không phải của ông tướng mà lại mang tên cô gái. Nhưng tôi cũng không hỏi lại lý do tại sao.
Trong một lần đi dự trại sáng tác, tôi được một nhà thơ kể rằng, có một nhạc sĩ đã thành danh phổ thơ của chị, và sau đó bài hát đã trở nên nổi tiếng. Dĩ nhiên, nhạc sĩ kia càng thêm nổi tiếng.
Điều đáng buồn là, trong tác phẩm có sự “hôn phối” của thơ và nhạc ấy, lại không thấy nói tên nhà thơ. Người hát, người làm MC và ngay cả người nhạc sĩ cứ tên nhạc sĩ mà réo, chứ không bao giờ nghĩ rằng để có được bài hát chính là ca từ. Nếu không, nó sẽ là nhạc không lời.
Chị kể, mãi sau này tôi mới biết ông ấy đã phổ thơ của tôi, và tôi đề nghị ông hãy ghi tên tôi trong phần lời ca và tên ông trong phần nhạc.
Ấy thế vẫn còn là may, vì chị đã phát hiện ra và họ đã phải chấp nhận.
Là người viết nhạc hay người viết lời, ai cũng đều mong muốn được công nhận đích thực cho sáng tạo của mình. Thế nhưng, hiện nay tình trạng “mập mờ đánh lận con đen” giữa hai khía cạnh ấy không hiếm thấy trong nền âm nhạc hiện đại. Chỉ cần thay vài nốt nhạc hoặc chỉnh vài câu từ, có những người đã tự nhận đó là sáng tác của mình, “mượn ý tưởng” rồi phủ nhận đi dấu ấn của người viết đầu tiên. Rõ ràng, đạo nhạc, đạo thơ không phải là sự “cảm hứng” mà là một sự “bẻ gãy” tôn trọng giữa những người sáng tác. Đạo nhạc, đạo thơ hiện nay là khá phổ biến. Dĩ nhiên là còn rất nhiều loại “đạo” trong lĩnh vực khác nữa.
Sao lại có sự bất công hay cố tình quên như thế được nhỉ? Thật khó hiểu khi nhiều phương tiện truyền thông cũng vô tình tiếp tay cho sự bất công ấy. Không chỉ MC, mà đôi khi các ấn phẩm báo chí hay truyền hình đều bỏ qua tên tác giả lời ca, khiến người viết nên những ca từ ấy bỗng trở nên vô danh. Nhìn vào những tác phẩm lớn, những bài ca bất hủ, ta không thể nào quên rằng đó là kết quả của sự hòa quyện giữa cảm xúc âm nhạc và ngôn ngữ. Dòng chữ chạy trên màn hình, những phần giới thiệu ngắn gọn lướt qua tên người soạn nhạc mà bỏ qua tên tác giả lời, đó là những “lãng quên” rất đáng trách, làm giảm đi giá trị của bài hát trong lòng người yêu nghệ thuật.
Bây giờ ít người nhớ được ca khúc nổi tiếng mà một nửa tác phẩm (phần lời) thuộc về người khác mà không phải là tác giả âm nhạc: Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu); Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải); Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo); Đâu phải bởi mùa thu, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em (Phú Quang); Đất nước (Phạm Minh Tuấn); Mùa xuân nho nhỏ (Trần Hoàn); Vầng trăng Ba Đình, Màu hoa đỏ (Thuận Yến); Đừng ví em là biển (Trần Thanh Tùng) vv... Còn nhiều, rất nhiều nữa không thể kể hết được.
Có những nhạc sĩ, khi xuất bản album của mình cũng chỉ ghi thứ tự bài và ca sĩ thể hiện, còn “lờ đi” tác giả lời bài hát. Họ đã quên mất câu “có bột mới gột nên hồ”. Hiện nay, rất nhiều nhạc sĩ được công chúng biết đến và trở nên nổi tiếng, không thể không nhắc đến những người góp một phần không nhỏ tạo dựng phần ca từ cho bài hát, tạo dựng tên tuổi của các nhạc sĩ. Tất nhiên khi trở thành tác phẩm, nhiều nhạc sĩ chỉ lấy “hồn cốt” của ca từ và có thể phát triển bổ sung thêm cho đúng với phần giai điệu.
Cũng cần nói thêm về vấn đề bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc. Bản quyền không chỉ là bảo vệ quyền lợi của người sáng tác mà còn là tôn trọng giá trị sáng tạo và tâm huyết của họ. Thế nhưng, vấn đề thực thi bản quyền trong âm nhạc vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không ít tác phẩm bị sử dụng mà không được sự đồng ý từ tác giả. Những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị cao càng dễ trở thành đối tượng “mượn” mà không xin phép, đôi khi vì lợi ích tài chính hay sự nổi tiếng mà không quan tâm đến quyền tác giả.
Sự thiếu chặt chẽ trong Luật Bảo vệ bản quyền hoặc thiếu nghiêm minh trong xử lý đã khiến không ít tác phẩm bị sao chép, phát hành mà không qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Người nghệ sĩ buộc phải lên tiếng, đòi quyền tác giả cho chính tác phẩm của mình, đó là một hành trình không dễ dàng, nhất là khi họ đối diện với những “kẻ xâm phạm” có lợi thế về quyền lực hoặc tài chính. Những tác phẩm lớn, được công chúng yêu thích, càng dễ bị “vay mượn” vô tội vạ, và việc đấu tranh giành lại quyền lợi càng trở nên phức tạp.
Dù là tác giả của một ca khúc giản đơn hay một bản nhạc bất hủ, người nghệ sĩ đều xứng đáng với sự tôn trọng dành cho công sức, tâm huyết của mình. Hy vọng rằng cùng với sự phát triển của xã hội và sự nhận thức về bản quyền ngày càng cao, vấn đề vi phạm quyền tác giả sẽ được kiểm soát tốt hơn, bảo vệ tài sản trí tuệ và sáng tạo một cách công bằng và minh bạch.
Hãy trả lại sự công bằng và cần lắm lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp của người sáng tác. Đừng bất công với những người góp phần làm nên tác phẩm ấy.
Nhạc Phan Huỳnh Điểu - Thơ Dương Hương Ly. Ảnh Internet |