Chả hiểu thương là xanh biếc theo Hán tự hay tình cảm yêu mến, gắn bó, xót xa? Có lẽ cả hai chăng? Xanh chi xanh đến mơ mòng/ Thương chi thương đến nao lòng sông ơi. Thuở trước có người đến đây đã thốt lên như thế.
Đã bao đời nay người dân gần xa ngân nga câu ca về con sông này, những Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Tình đôi ta cho trọn, chớ phân lòng đục trong, những Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục cho lòng quặn đau. Không có gì lạ người xưa đã lưu truyền lời ca:
Đặt chân tới bến sông Thương
Con sông mới gặp đã tương tư rồi
Xa xưa con sông dẫu chỉ là “Cồn cát rải rác/ Bãi lau rườm rà/ Dồn dập nước sa” như danh nhân Lý Tử Tấn ở cuối thế kỷ 18 miêu tả nhưng vua Lê Thánh Tông cách đây 600 năm đã ngợi ca: Ấy Xương Giang/ Một sông hình thắng/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền. Dấu thơm ấy được nhà thơ Bế Kiến Quốc lý giải về con người ở đây: Sinh ra từ đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời bên một dòng sông.
Sông dường như cũng buồn vui cùng người, và là chứng nhân lịch sử: Tiền kiếp sông chảy đau trong tình sử/ Lời người xưa đã hóa Nham Biền/ Núi cùng sông dìu nhau về biển/ Trước ngàn trùng dựng Lục Đầu giang. Một nhà thơ Bắc Giang đã viết vậy.
Sông Thương vỗ đôi bờ trong đục. Sự đục trong đâu chỉ là dòng nước mà còn bao ẩn ý sâu xa. Một nhà thơ đã liên tưởng: Sông Thương/ Vạt áo mĩ nhân buồn/ Hai dải tà trong đục/Dải trong tràn hạnh phúc/ Dải đục trọn nỗi niềm. Nỗi niềm chi đó sông ơi?
Con sông đây từng là nơi tiễn đưa trai gái tình nhân, vợ chồng, cha con, bè bạn ở vùng xuôi lên vùng núi, miền biên viễn. Có thể là đi lính trấn thủ lưu đồn, có thể là khai hoang lập ấp, là chạy loạn, chạy ăn… Thuở đó, từ sông Thương hắt lên đã là vùng rừng thiêng nước độc, hoang vắng, âm u. Bến sông Thương được gọi là bến Chia ly. Phải, Ngày xưa gọi bến Chia ly/ Để ghi nỗi nhớ người đi, kẻ về. Phải thế mới có câu: Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục đau lòng biệt ly.
Sông Thương |
Sông Thương đã đi vào thi ca, nhạc họa. Nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong trước năm 1945 đã có ca khúc với lời thơ man mác: Thuyền ai lờ lững trôi khơi dòng theo trăng trên sông Thương… Sông Thương, được ví như cô gái tóc dài trong bài thơ “Sông Thương tóc dài” của thi nhân Hoàng Nhuận Cầm:
Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn kiếp tình yêu anh gửi lại
… Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động một mình anh
Thân thiết quá. Da diết quá. Sông Thương đúng là “Dấu thơm muôn thuở còn truyền”. Nó đã chứng kiến bao chiến công hiển hách của quân dân thời đại Hùng Vương, thời đại Hồ Chí Minh đánh đuổi hết lũ giặc phương Bắc đến lũ giặc phương Tây, hết thực dân này đến đế quốc nọ ngay trên dòng sông này, ngay trên vùng đất này. Bao sự tích còn đây. Bao giai thoại còn đây: Những Bảo Nương, Ngọc Nương, Thánh Thiên, Lều Văn Minh, thành Xương Giang..., những trận đánh bắn máy bay Mỹ bên cầu, những người mẹ vá áo chiến sĩ ở Đa Mai... Bao đoàn xe ngày đêm từ hậu phương miền Bắc chở quân lương, vũ khí ra tiền tuyến qua sông này. Bao đoàn quân rầm rộ qua cầu để ra mặt trận với nặng lời thề “đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương.”
Sông Thương hôm nay tràn ngập hạnh phúc khi cả vùng đất văn hiến và thành phố ven bờ đổi thay như trong mơ. Cuộc sống yên bình, an nhiên. Người dân ấm no. Những nhịp cầu mới qua sông đã đàng hoàng, to đẹp. Sông đang hòa nhịp với người.
Ơi con sông hiền hòa. Sông là quê hương, là tình yêu, là chí khí của gần hai triệu người dân đất này. Sông vẫn cất lặng lẽ cất tiếng gọi. Tiếng gọi từ hôm qua. Tiếng gọi từ hôm nay. Quá khứ đang đồng hành với cuộc sống này. Sông Thương sẽ sống mãi với người dân quê nhà.
Sông vẫn chảy như ngàn xưa đã chảy
Sông vẫn chảy như ngàn sau vẫn chảy
Sông vẫn chảy như bây giờ đang chảy
Dù mai sau không có cuộc đời tôi.
Một nhà thơ vùng Kinh Bắc đã hồ hởi quả quyết như vậy. Sông Thương thương đến nao lòng sông ơi...