Sông Minh (đoạn chảy qua thị xã Hồng Lĩnh bây giờ - xưa vốn là nguyên quán của tôi ở làng Tiếp Võ, xã Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) thuộc hệ thống kênh Nhà Lê (còn gọi sông Nhà Lê) đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh. Kênh Nhà Lê là hệ thống kênh đào đầu tiên ở nước ta, được Lê Hoàn cho khởi đào từ năm 983 (thời tiền Lê). Khởi nguồn từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào đến biên giới Đèo Ngang, giáp giới giữa Đại Cồ Việt và Champa thời tiền Lê. Hệ thống kênh đào này (nối nhiều đoạn sông tự nhiên) có chiều dài khoảng 500 km, là tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng về quân sự, kinh tế, xã hội. Trong các triều đại phong kiến trước đây và sau này, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kênh Nhà Lê là tuyến đường thuỷ vận chính, quan trọng của nước ta. Với vị trí và đóng góp của mình, kênh Nhà Lê từng trở thành tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh trên sông”. Đó là một kỳ công của các thế hệ con Lạc cháu Hồng trong chiến đấu chống ngoại xâm và lao động kiến thiết.
Chẳng hiểu tự bao giờ, dòng sông quê như vị ân nhân, một người bạn tâm phúc, mộc mạc gắn bó cuộc đời; có vị trí đặc biệt trong đời sống làng quê. Đó là dòng sông của quê hương xứ sở, của ông bà tổ tiên, của đất nước cần lao đã cho ta năm tháng tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp, những hồi ức trong xanh như dòng nước lặng lẽ trôi dưới nắng chiều mênh mang, như sức sống cội nguồn: “Đây con sông như dòng sữa mẹ - Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây - Và ăm ắp như lòng người mẹ - Chở tình thương trang trải tháng ngày” (Vàm Cỏ Đông - Hoài Vũ). Hơn nữa, trong bối cảnh bấy giờ, con sông là nơi cung cấp nước chủ yếu cho cả làng xã sinh hoạt hàng ngày .
Tôi có những kỷ niệm với dòng sông tuổi thơ. Ấy là nơi tôi cùng bạn bè trang lứa ngụp lặn thoả thích. Cứ chiều muộn hay khi sáng sớm, bọn trẻ chúng tôi lại tụm ba tụm bảy ra sông tắm táp, bơi lội, đuổi bắt trên dòng nước trong mát. Cũng có khi vui quá, chúng tôi không hề biết hiểm nguy rình rập. Đó là những lần mới ra sông, khi bơi chưa giỏi mà vẫn cố bơi lội ra xa, rồi chới với, may có bạn bè kịp ứng cứu! Dòng sông với tôi vẫn là những hồi tưởng, dòng ký ức mênh mang chảy dọc tháng năm. Tôi từng xa nhà học tập công tác nơi đất khách quê người, cách xa quê hương ngàn vạn dặm (ở Đắk Lắk hơn bốn mươi năm, từ vài năm nay mới chuyển về quê sinh sống). Trong ký ức tôi, dòng sông vẫn luôn hiển hiện cảnh làng quê bình dị mà nồng ấm tình người, chân chất mà son sắt nghĩa tình làng nước. Và chẳng phải dòng sông là năm tháng tuổi thơ, như một phần cuộc đời tôi dẫu hôm nay đã có nhiều đổi khác…
Minh họa: Hải Vân |
Có lẽ điều ấy giúp ta thấu hiểu hơn câu nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp cổ dại Heraclit với hàm ý rằng vạn vật trên thế giới luôn vận động và không ngừng thay đổi, không có thứ gì tồn tại hơn một khoảnh khắc. Đó cũng là quy luật vận động, biến đổi không ngừng của vạn vật trong vũ trụ mà không ai có thể đảo ngược. Do vậy, chúng ta càng phải trân quý những phút giây được sống trong hiện tại. Cũng như với quá khứ, hoài niệm đẹp mà dòng sông quê hương như một đặc ân cuộc đời. Trân quý cuộc sống hiện tại cũng là lưu luyến những tình cảm kỷ niệm, những ký ức tuổi thơ. Với cuộc đời, quá khứ và hiện tại là điểm tựa tinh thần cho những bước chân trên vạn dặm đường đời, cho ngày mai tươi sáng, dẫu rằng vạn vật vẫn luôn vận động đổi khác mỗi ngày.
Với tôi, hình ảnh dòng sông tuổi thơ vẫn lấp lánh tháng năm. Hơn thế, dòng sông ấy nào chỉ của tuổi thơ tôi mà của cả thế hệ chúng tôi; những lớp người trong tháng năm gian khó, oanh liệt mà hào sảng của quê hương đất nước và của cả dân tộc, khi miền Bắc vừa là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, lại vừa kiên cường chống trả những đợt ném bom phá hoại của đế quốc Mỹ; với mưu đồ ngăn chặn đường tiếp tế hậu cần của tiền tuyến miền Nam, trong đó có đường thuỷ - kênh Nhà Lê. Từ ấy dòng sông đã thêm một nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang: vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí... Trong những tháng năm ấy, đoạn sông nhà Lê chảy qua các làng Tiếp Võ, Phúc Hải thuộc xã Thuận Lộc (nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) là một trong những điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ. Bởi nơi ấy khá trống trải (ít cây lớn hai bên bờ sông), có nhiều cầu và tàu thuyền vẫn thường qua lại. Có những lần, máy bay địch ném bom dọc bờ sông mà bom lại thả gần nhà dân, tàn phá nhiều nhà cửa, gây thương vong với khá nhiều người. Hình ảnh dòng sông oằn mình vượt lên bom đạn kẻ thù và vận chuyển quân lương, vũ khí góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn mãi là hình ảnh đẹp mà bi tráng, ấn tượng trong tâm trí tôi cũng như bao người con quê hương. Có lẽ, hơi thở cuộc sống từng phả vào dòng sông quê hương và tiếp thêm sinh lực như nhịp đập non sông để dòng sông quê can trường vượt qua bom đạn kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Sự đóng góp thầm lặng ấy của kênh Nhà Lê, đáng kể là tuyến sông qua tỉnh Nghệ An là điều kiện cơ bản để Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử kênh Nhà Lê (tại Nghệ An) là Di tích cấp quốc gia (năm 2016).
Quá khứ vẫn thường nối với hiện tại bằng sợi dây cảm xúc và liên tưởng. Càng xao xuyến những hoài niệm về dòng sông tuổi thơ, ta càng bâng khuâng, quan ngại về dòng sông quê hương trong dòng chảy cuộc sống hôm nay. Vẫn hiểu rằng, sự đổi thay là điều tất yếu. Mà sao ta cảm thấy xao động, đau đáu nỗi niềm trước nguy cơ ô nhiễm môi trường với nhiều đoạn kênh Nhà Lê. Đó là những đoạn sông qua địa phận Thanh Hoá, Nghệ An từng bị ô nhiễm nặng như một thực trạng đáng báo động mà có lẽ vẫn chưa có giải pháp khắc phục khả thi. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều sông ngòi trên cả nước.
Dòng sông tuổi thơ vẫn còn sống mãi trong tâm trí tôi, dù sự náo nhiệt hồn nhiên, bi tráng chỉ còn trong hoài niệm, dĩ vãng. Có thể nói, những ký ức, hoài niệm về dòng sông quê hương như tiếp thêm sức sống, nghị lực để tôi vượt lên gian khó đời thường… Và cho ta thêm tin yêu đất nước, cuộc sống này vậy. Xin cảm ơn đời đã cho tôi một dòng sông tuổi thơ như thế.
Hồng Lĩnh, 5/2024
Nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh số 220/2024