Sáng tác

Tôi và nó. Truyện ngắn của Phạm Hải Anh

Phạm Hải Anh
Truyện
09:00 | 08/10/2024
Baovannghe.vn - Thực ra, mẹ vẫn bảo tôi bướng ngầm ngay từ thuở lọt lòng. Lặng lẽ, từng chút một, tôi trườn qua cơn đau sinh nở của mẹ. Người tôi tím tái đi vì nhịn khóc.
aa
Tôi và nó. Truyện ngắn của Phạm Hải Anh
Tôi và nó - truyện ngắn của Phạm Hải Anh

Rốt cuộc, tôi đã gào lên hết cỡ giọng. Cú phát đầy thiện chí vào mông dạy tôi rằng nếu không khóc, người ta không thể sống được vì nghẹt thở. Còn cười đã có bà mụ dạy. Tôi nằm trong nôi, u ơ nhoẻn cười với những gương mặt ghé xuống gần mình. Sau này lớn lên, tôi bắt gặp hàng trăm kiểu người khác nhau, nhưng chưa thấy người lớn nào cười đúng cách bà mụ dạy. Nếu là bà, hẳn tôi đã thất vọng lắm. Nhưng bà mụ vẫn kiên nhẫn dạy từng dứa trẻ sơ sinh cách nhoẻn cười với cuộc đời.

Mẹ thương tôi mới nứt mắt ra đã bị đòn, lại lo vì tôi chậm biết đi. Trong vòng tay mẹ, tôi đứng rất vững, nhưng cứ rời mẹ ra là ngã sấp ngã ngửa. Cha bảo chân tôi non nớt nên yếu. Nói chung, tôi tin cha tôi là người uyên bác và có thể lí giải cặn kẽ nhiều điều. Nhưng mớ lí thuyết của ông không giúp ông hết ngạc nhiên khi thấy tôi thỉnh thoảng lại vấp ngã lăn ra giữa con đường bằng phẳng. Chỉ có mẹ là người đầu tiên không cần giải thích, chạy ra đỡ tôi lên. Bà đánh đất, đổ tội cho nó đã làm tôi ngã. Mẹ không biết rằng tôi đang bí mật mò mẫm bài học thứ hai để làm người: học ngã. Cái này tự tôi dạy tôi thôi.

Bài học thứ ba cha đã vô tình dạy tôi khi ru ngủ. Ông đặt tôi nằm như con nhái bén trên ngực, vừa vỗ nhẹ vào lưng tôi, vừa ngâm thơ bằng giọng ngái ngủ. Không hiểu sao, bao giờ ông cũng chỉ ru độc bốn câu mở đầu của truyện Kiều, và ru mãi làm tôi đâm nghiện. Sau này tôi mắc cái tật cứ nghe ai đọc mấy câu ấy là lập tức thấy buồn ngủ. Tôi đã lăn ra ngáy khò khò trên lớp khi thầy giáo đang giảng rất xúc động về "cuộc bể dâu" và thuyết "tài mệnh tương đố". Thầy tức giận đuổi tôi ra khỏi lớp vì đã vô cảm trước nỗi đau khổ lớn lao của con người. Tôi không thể giải thích với thầy được. Tôi biết thầy đã dồn nhiều tâm huyết và những nỗi bất đắc chí trong cuộc đời để truyền bài học cay đắng ấy cho chúng tôi. Nhưng tôi đã trót học theo cách khác. Tôi không biết thế gian này bao nhiêu kẻ khốn cùng chỉ có thể ngủ được khi tự an ủi rằng lắm người còn khổ hơn mình.

Bài học thứ tư là một buổi chiều, tôi chạy bổ ra khỏi lớp, đũng quần dầm dề nước, xấu hổ ê chề. Tôi đã tuân thủ tuyệt đối kỉ luật cấm ngọ nguậy trong lớp, cho đến lúc bất lực thấy dòng nước âm ấm xối ra hai bắp đùi mình. Cái đũng quần sũng nước dạy tôi rằng đôi lúc, người ta phải vi phạm nguyên tắc để kêu to lên những nhu cầu thiết yếu của con người. Bài học này tôi ít khi thực hành. Về cơ bản, nó mâu thuẫn với lí thuyết "cá không ăn muối cá ươn..." mà cha mẹ vẫn trộn vào bữa cơm hàng ngày thay cho gia vị...

Bài học thứ năm...

Bài học thứ sáu...

Rồi đến lúc tôi không buồn đếm những bài học đường đời nữa. Nó tới tấp rơi xuống tôi như mưa, nhiều đến mức cha mẹ không còn thời gian nhắc: "Con đã thấy chưa?" Tôi chẳng thấy gì ngoài sự cô độc khủng khiếp. Tôi trốn vào góc nhà, thì thầm với con chó già về giấc mơ của tôi.

Con chó già nguẩy đuôi, bỏ đi. Nó chán tôi, tôi sợ mình không có gì để chán. Ngoài trời, mưa tầm tã. Tôi hứng nước mưa, lau mốc xanh trên những bài học cũ, những giấc mơ cớm nắng. Tôi chờ...

Nó. Tóc tai kiểu con trai, ngắn trụi. Điềm nhiên xẹt qua như tia chớp moden xanh đỏ, nhanh đến nỗi những lời bình phẩm của các bà trông xe tầng một rơi lả tả phía sau, không bám được vào người. Cũng chẳng hề gì. Các bà đem chuyện về nó thân mật phát miễn phí kèm cái vé trông xe giá một nghìn đồng. Ai bảo các bà không biết gì về khuyến mại! Chỉ thiệt bà hàng nước ở xế bên, thông tin nghèo nàn hơn nên ít khách. Bà này một hôm sà vào hàng phở, gặp nó bèn ân cần rỉ tai rằng bên ấy họ nói cháu tệ lắm, thế này, thế nọ... Nó tươi cười đáp. "Thế ạ", rồi xúc thêm ít ớt thả vào bát phở, ăn ngon lành. Bà bán nước lập tức muốn đoàn kết trở lại với các bà trông xe. Nó mất luôn đồng minh cuối cùng trong liên minh các bà.

Cửa sổ buồng tôi trông thẳng sang nhà nó. Tối tối, dù không muốn, tôi cứ phải nhìn những lưng áo thay nhau che khuất từng mảng sáng ở khung cửa sổ nhà nó. Lưng áo con trai, vai ngang và rộng. Mẹ tôi lườm nguýt bảo bọn con trai bây giờ mù cả. Thứ con gái răng thưa, mắt ướt, dáng đi õng ẹo thế là đa dâm, nhà tử tế không ai dám rước. Anh Lương tôi cãi lại, bảo nó có tiếng cười sang. Giọng trong vắt, vang ngân như tiếng chuông bạc, khác hẳn điệu cười ré lên như mèo cái của bọn con gái khu tập thể này. Tiếng cười ấy hiếm lắm, chỉ bắt gặp ở những trinh nữ, những người có tâm hồn thánh thiện. Vợ anh bĩu môi khinh miệt: "Cái ngữ ấy tôi đã mấy lần thấy vác mặt đến phòng hút nạo thai, vô phúc dây vào nó." Mắt chị tối sầm lại. Đã vài lần, chị bắt gặp cái nhìn của anh mắc kẹt giữa cặp chân dài mê hồn của nó.

Lúc nào nó cũng đeo trên cổ một túi bùa nho nhỏ, nghe đâu là kỉ vật mẹ nó để lại. Người đàn bà má hồng, chân cao, lấy đời chồng thứ ba mới sinh ra nó, rồi bệnh hậu sản mà chết. Cặp mắt bà ta trong tấm ảnh cũng đẹp rợp và ướt át y như mắt nó. Bọn con gái trong khu tập thể thì thào rằng túi bùa nó đeo chính là bùa yêu, chả thế mà đàn ông cứ mê muội lăn xả vào. Con bé hàng xóm chuyên rình ngoài cửa quả quyết đã nhìn thấy những ông đầu hai thứ tóc, những anh thắt cà vạt, những cậu đeo dây chuyền vàng... tất thảy cuối cùng đều quì xuống, gục đầu vào nó mà khóc, rồi đi. Các bà, các cô ở khu tập thể nghe thế, cứ rấm rứt như bị rôm cắn, vừa hả hê, lại vừa tiêng tiếc. Sau mỗi cuộc chia tay, sân khu tập thể vắng hẳn, cửa nhà nó đóng im ỉm vài ngày, rồi bật mở. Nó hiện ra, đẹp lộng lẫy hơn bao giờ, túi bùa rung rinh trước bộ ngực vươn cao thách thức, giọng cười ngân vang như chuông bạc. Và sân khu tập thể lại đông chật các loại xe dập dìu.

Trong lúc ấy tôi kiên nhẫn bên cửa sổ, tay phải cầm những bài học, tay trái ôm những giấc mơ. Tôi không có bùa yêu, nhưng tôi biết chờ đợi...

Đó là một ngày mùa xuân, mưa giăng mù trời. Gốc mai già nhà tôi mấy năm không hoa chợt nảy nụ xanh biêng biếc. Đúng lúc ấy, chuông cửa reo. Mẹ cuống quít dọn dẹp nhà cửa, giục tôi trang điểm. Nhưng tôi biết không cần thiết. Tôi nhận ra Anh ngay lập tức. Gương mặt ẩn hiện trong những giấc mơ của tôi. Ngực tôi ngủ yên sau lần áo mỏng, lần đầu tiên chợt căng lên, tròn đầy. Tôi nghe tóc mình dào dạt chảy, óng mượt, dài, dài mãi. Tôi mỉm cười, đưa tay cho Anh.

Đúng lúc ấy, nó bước qua. Cặp chân dài, bùa yêu rung rinh trên ngực. Họ nhìn nhau. Trong một thoáng, tôi thấy bàn tay Anh khựng lại, và mắt nó mở to đến dại khờ. Nhưng có thể tôi đã nhầm. Chẳng có gì xảy ra cả. Nó bỏ đi. Tôi vịn vào cánh tay Anh ấm áp, vững chãi. Đêm đó, tôi mơ. Anh bọc tôi trong chiếc lá sen xanh thơm mát, ru tôi bồng bềnh. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi là cô bé Tí Hon, là người đẹp thiếp ngủ trên thuyền lá sen đang chờ nụ hôn của chàng hoàng tử. Nhưng chẳng có nụ hôn nào chạm xuống môi tôi. Hôm sau, Anh không đến. Hôm sau nữa... Và cả mùa xuân đi qua. Thế giới cổ tích của tôi không cầm chân Anh được. Ngày ngày, tôi phấp phỏng nhìn sang khung cửa sổ nhà nó. Không thấy bóng Anh. Cửa đóng im ỉm. Sân khu tập thể vắng ngắt, chẳng ai đến gửi xe. Chiếc lá xanh trong mơ của tôi héo dần...

Lâu lắm, một lần tình cờ tôi gặp nó. Tóc nó vẫn vắt cao y như thế, cổ áo hở rất rộng, làn da trắng đến mức trong giây lát, tôi phải nhắm mắt lại. Ngực nó phô ra, trống trải, túi bùa yêu đã biến mất. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau. Lần đầu tiên, tôi nhận ra ở đáy sâu đôi mắt đen ướt át của nó, có cái gì như thể đau đớn và hoài nghi. Chúng tôi cứ đứng thế, đối diện nhau, giữa trời nắng chang chang. Không có Anh. Chỉ có tôi và nó. Tôi và Nó...

Hà Nội, tháng 9-1997

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính
văn nghệ trẻ, số 31/1997
Dòng sông yêu thương. Tản văn của Nguyễn Phương Thảo

Dòng sông yêu thương. Tản văn của Nguyễn Phương Thảo

Baovannghe.vn - Sông Hồng - con sông bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn - Vân Nam - Trung Quốc, mang theo dòng nước đỏ phù sa chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai và trở thành nhịp sống, là hơi thở của bao thế hệ người dân nơi đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45

Baovannghe.vn - Sáng 8/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào
Tuyên bố chung Việt - Pháp về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tuyên bố chung Việt - Pháp về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện
Dự kiến đến tháng 11 sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Dự kiến đến tháng 11 sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Baovannghe.vn - Dự kiến đến tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và ngày 15/10 này sẽ đăng lên Cổng Thông tin điện tử về dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10.
Việt Nam: Lịch sử không biên giới

Việt Nam: Lịch sử không biên giới

Baovannghe.vn - Cuốn sách Việt Nam: Lịch sử không biên giới (NXB Khoa học Xã hội, 2024) mở ra những tri thức sâu sắc và mới mẻ về sự tương tác giữa bản sắc Việt Nam - Chăm - Khmer - Pháp... trên bán đảo Đông Dương trong hơn 1.000 năm.