Diễn đàn lý luận

Trần Việt Hoàng: định danh một lối rẽ

Thùy Mai
Chuyện văn chuyện đời
06:00 | 09/01/2025
Baovannghe.vn - Dẫu biết, với người cầm bút nói chung, người làm thơ nói riêng, việc chọn đề tài không hẳn quan trọng, mà cốt là cách họ thẩm cảm, trình diện sao cho dày cảm xúc, giàu sức gợi, nhiều ám ảnh,
aa

Tác giả Trần Việt Hoàng sinh năm 2002, quê Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội. Sớm ý thức về bản thể quá cũ/ trước triệu gương mặt thanh tân, chàng thơ “gen z” không ngại “gột rửa mình”, “vun vén vụn vỡ”, “gom nhặt sắc xanh”, “mở ngàn mắt nhìn trời” cốt “không để những tàn tro lịm tắt” và “trở mình đón cuộc thanh tân”. Người thơ ấy đem tất cả “tấm lòng trinh bạch”, “khuôn mặt màu nắng chín bình dị” của mình để tự vấn, độc thoại, đối thoại, ký họa, hồi tưởng, mộng mơ và tưởng tượng về một chân trời bảng lảng xa xôi; về một thế giới vừa như sương mai long lanh, lại vừa như vực sâu thăm thẳm. Nếu nói như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, “mỗi chủ thể viết sẽ tận dụng và phát huy tối đa cái lưng vốn mà mình đầy nhất, từ đó lựa chọn cách thể văn chương mà mình thuận tay nhất, có thể đem tới cho mình mức độ tự do ngôn ngữ và tự do tưởng tượng cao nhất”, thì chủ thể thơ Trần Việt Hoàng đã sử dụng vốn sống thực tế và vốn sống tưởng tượng của mình để “tự do thả cánh trước nghi lễ bầu trời”, “thắp những ngọn lửa vượt mưa để cháy”; từ đó ghép lắp những mảnh sống hiện tại lên mảng đời quá khứ, tạo thành bức tranh Ngày chưa sương vội lấp lánh những “bài thơ trầm cất cánh”.

Trần Việt Hoàng: định danh một lối rẽ
Tác giả Trần Việt Hoàng

Con người lẽ thường phải đến khi toan về già mới khôn nguôi hoài niệm, hồi tưởng về ký ức, những tháng ngày vàng trong trí nhớ. Thế mà “cụ non” Trần Việt Hoàng đã để cho những trở trăn bật tiếng khi “du mục về phía đầu tiên”, những cuộc du mục chưa bao giờ dừng lại: ta ôm ký ức ngồi ăn/ ta ăn chính mình rồi khóc. Ký ức về mẹ cha, về quê xứ là những tháng ngày nhảy múa, những vết xước âm âm cứ đau đáu, quẫy động trong tâm trí người thơ: “mười ngón tay hao gầy nỗi nhớ”, “nỗi nhớ khô trên giàn bầu”, “chỉ chạm tay thôi lòng mình đã trở dạ”. Người thơ không “điểm trang quá nhiều lên gương mặt ký ức”, chỉ mộc mạc như ban mai, bình dị như nắng cũ nên lời thơ vừa hồn nhiên, gần gũi vừa da diết, thẳm sâu: “đường quê dài mẹ đi tới tận cùng”; “nón cời rộc rạc ấu thơ”; quê nhà dáng mẹ chờ sương phơi lá/…/ lũy tre chở che bao mái rạ hao gầy; nhớ cánh đồng rạ trơ buổi chớm rét/ khắc khoải đường cày khát nứt một bàn chân; tay mẹ khúm núm nhặt hạt muối cuối cùng/ rau luộc nghẹn ngào bữa cơm ngày giáp hạt… Những đoạn thơ cứ như những đoạn hồi ký, tự truyện đầy xúc động:

về trên những luống thơ ấu

đường cày tăm tắp kéo dài đến chân trời

những đường cày ngay ngắn tháng ba

vỡ ruộng

cha lầm lụi một đời

cho mẹ gieo ngô trồng khoai

người đoái nhìn cố hương bằng ánh mắt

nặng trĩu niềm thương

sâu hoắm những đường cày đất bở

đất tươm tất như hoa bung nở

chờ những hạt mầm

đâm vào đất

để ngô biếc khoai xanh

dáng mẹ cha thành nét khắc của một bức tranh…

(Tìm lại những đường cày)

Hay:

người mẹ gắn đời mình

mùa vàng lên ý nghĩ

câu ví dặm gọi chiều

mặt nước đồng soi bóng bao năm

còn kiếp bù nhìn

bao mùa vô tri đuổi lũ vạc xám

tháng Tám đồng lũ

tháng Mười đồng cạn

triền mê nào cho bầy sẻ dáo dác bay

cánh bù nhìn khua gió nơi này

bao năm không hứng nổi một vì sao rơi

sấp ngửa là những lần thao thức quê hương

(Khuôn mặt cánh đồng)

Đến với gam sắc về quê hương trong Ngày chưa sương vội, người đọc đôi khi được ngụp sâu vào nỗi buồn, nỗi nhớ, nỗi cô đơn ngơ ngác của một “cô nhi” xa xứ, một đứa trẻ con ngồi hát/ bơ vơ ngàn năm/ không soi nổi chính mình. Quê hương vẫn dòng sông cánh đồng bóng núi, khói nâu chái bếp rạ rơm, vẫn câu hò điệu ví lời ru mẹ… mà sao cứ hoài ăm ắp tâm can: người chưa đi đã vội ngoảnh lại/ sao mắt này còn thẳm...

Dẫu biết, với người cầm bút nói chung, người làm thơ nói riêng, việc chọn đề tài không hẳn quan trọng, mà cốt là cách họ thẩm cảm, trình diện sao cho dày cảm xúc, giàu sức gợi, nhiều ám ảnh, đậm đà bản sắc cá nhân. Thế nhưng, nếu người viết chạm được vào những nội dung, đề tài hiếm kén mà ở đó những trải nghiệm, cảm xúc đều được tung tẩy thăng hoa lên từng con chữ thì đó sẽ là khởi nguyên của một định danh, một lối rẽ mang nhiều dấu ấn.

Bên cạnh những “câu thơ rời đi mang theo hình hài mái rạ”, người thơ “2k2” có những “tiếng nói rót ra tràn đầy” đối với một đề tài mà người viết trẻ hiếm khi chạm đến, đó là đề tài người lính thời bình. Như một họa sĩ thăng hoa lạc cọ, Trần Việt Hoàng đã phác vẽ hình ảnh người chiến sĩ thời bình vẫn anh dũng, oai hùng: “người chiến sĩ viết tên mình lên dặm dài đất mẹ”; bao người lính nữa theo sông rẽ thêm nhiều lối/…/ tên người chạm khắc chân trời; người lính trở về sau bão/ trên vai này thêm những vì sao…; vẫn lãng mạn, thi vị: sương tự tình trên vai người chiến sĩ/ phiên gác tràn trăng; cánh rừng bao dung người chiến sĩ/ điểm cao đêm nay có những chòm sao thức; người lính đặc công qua lửa bằng niềm tin/ lòng xanh như trái núi bốn mùa; người chiến sĩ chắc tay bồng súng/ ý nghĩ bay về phía bình minh... Những gian khổ, khó khăn trong ngày luyện binh được anh lính nhà thơ tái hiện một cách mộc mạc chất phác mà trữ tình, giàu thi ảnh: “túi cơm muộn chia nhau sau bước đường tuần tra khuya khoắt”; “hơi thở bầu bạn mùi cỏ non”; ”phồng rộp mấy mùa còn lưu dưới bàn chân”; “quân phục tân binh mùi đất vẫn còn”; buổi nắng thao trường nhành muối nở hoa/ hương mặn quyện gió nhạt nhòa… Những tháng ngày khoác lên mình màu xanh áo lính đối với chàng trai trẻ như thể một vườn cây sai trĩu, mà hoa trái cứ ngọt ngào thao thức thơm lên những câu thơ trầm, để “những đọng lắng mãi mang theo trên chuyến đi cuộc đời”.

Tấm lòng người thơ trẻ không hề đóng cửa trước những vang động, chỉ là, chàng đã chọn cho mình một cách trình hiện mềm như cỏ, nhẹ như sương: “lòng này thẳm sâu nên chỉ nói lời khẽ”. Với giác quan thính nhạy, người viết ấy đủ năng lực áp sát đời sống tươi ròng đang diễn ra, để mà trăn trở, mà thao thức, rồi quay quắt tâm can trước muôn ngàn khuôn sắc mà vật, người đã và đang hiện diện: đường hào còn đau đáu vết xưa/ cơn mưa không làm phai mùi thuốc súng cuối khu rừng; chim thả tiếng âu lo trước đám cháy cuối mùa/ núi đồi lịm dần trong khói; ngàn con trò lặp phách nhạt ngắt/ trêu ngươi tấm lòng người chân thực; con sóng biếc tìm bờ cát xoãi nỗi niềm/ con sóng lạc loài tìm ngày sau bạc trắng; trăng khuya sót lại/ mảnh khuyết đắp mùa thu; lau trắng nghìn năm mơ giấc đổi màu/ sấm trời thác lời lên cỏ... Một khi “lời tự vấn chưa bao giờ chịu đứng yên”, cuộc hành trình của “kẻ trọ giữa giấc mơ tìm mình” chưa tìm được điểm cuối thì tiếng thở vẫn hao gầy, nỗi buồn vẫn đong đầy trong lòng tay: “quay quắt nỗi người chưa chạm vào thăm thẳm”.

Tuy vậy, bản năng thi sĩ, bản lĩnh chiến sĩ không cho phép chàng trai ấy “chết đuối” giữa vũng buồn tự thân, vũng buồn tưởng tượng. Miễn dịch của trái tim tự khắc bao dung, vị tha, mang ban mai trở về: trăng bốn mùa tỏa mình vào hố thẳm/ ánh sáng làm trong hơn cuộc hình dung; hiển hiện bằng dáng hình đức tin/ rót đầy mình bằng tiếng chuông cầu nguyện… Tâm hồn tự khắc gạn lọc, thanh tẩy, phát quang cho thị giác trong veo, sạch sẽ: sương ở đây không vỡ vào ban mai/ nên long lanh cũng biết cúi đầu; bầu trời ngoài kia bao dung/ đôi chân thức dậy sau tiếng gọi di trú/ nơi gốc cây còn lại/ vết thương hóa thành trầm; “chồi non từ vết cắt mọc dậy”; “cuối trời nắng ửng giấc mơ”... Người thơ nhanh chóng quay trở bản ngã về với một nguyên lẽ tự do, một trạng thái thiền trong sáng tự nhiên vốn có: người thiền trước mây trắng/ lòng xanh lên những từ bi; “lửa tương phùng tiếng thở bình tâm”. Để rồi “ta chín dần trong bình thản”, khi “nắng vừa khởi nguyên”.

Bình minh phác sắc lên con đường trăm ngàn dấu chân/ cho lòng người sáng trong bình dị. Chẳng có cái viết nào vô can với thực tại, ai cũng phải lật trở giác quan, tâm thế để có phần hợp hòa thời cuộc. Người thơ luôn phải tự mình đi trên con đường muôn vàn ngã rẽ. Ở đó họ phải tự tìm cách diễn đạt bản thân, có thể từ cội rễ thể nghiệm, hay từ bay bổng mộng mơ, dặm trường tưởng tượng. Đôi khi thi sĩ chỉ cần bình tâm thả cảm xúc tròn căng trên từng con chữ làm “hoa cau thơm trong vắng lặng”, thơ đã đủ chạm rồi. Và Ngày chưa sương vội phải chăng là cách thơ bình thản mà Trần Việt Hoàng đang chọn?

Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng, chống vi rút gây viêm phổi ở Trung Quốc

Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng, chống vi rút gây viêm phổi ở Trung Quốc

Baovannghe.vn - Trước sự gia tăng ca nhiễm vi rút gây viêm phổi ở Trung Quốc, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo chi tiết nhằm giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe
Đọc truyện: Xóm tôi. Truyện ngắn của Trần Bạch Vĩnh Long

Đọc truyện: Xóm tôi. Truyện ngắn của Trần Bạch Vĩnh Long

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Bữa tiệc ánh sáng" của họa sĩ Julia Oh

Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Bữa tiệc ánh sáng" của họa sĩ Julia Oh

Baovannghe.vn - Chiều 8/1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Bữa tiệc ánh sáng của nữ họa sĩ Hàn Quốc Julia Oh.
Quan tâm hàng đầu của công nghiệp văn hóa: Nhân lực và bản quyền

Quan tâm hàng đầu của công nghiệp văn hóa: Nhân lực và bản quyền

Baovannghe.vn - Công nghiệp văn hóa - mà chúng ta muốn xây dựng hôm nay khác rất xa với hình dung của vài mươi năm trước, khi mà nhiều quốc gia đã thành công.
Chuyến lưới máu. Truyện ngắn của Anh Đức

Chuyến lưới máu. Truyện ngắn của Anh Đức

Baovannghe.vn - Trời đã bắt đầu sụp tối. Nhưng lúc bóng tối chưa úp trọn màu đen thì trên trời sao đã mọc lấp lánh. Đêm càng đến thì sao càng bật sáng hơn lên,