Có nhiều cách để lưu dấu ký ức của một ai đó: viết hồi ký, tự truyện; làm phim tư liệu, phim nhân vật hay xây dựng khu lưu niệm… Lê Hồng Lam chọn cách tưởng như giản đơn, nguyên sơ nhất là “viết bằng bút chì”. Một cách ẩn dụ độc đáo để người viết dẫn dắt người đọc ngược dòng thời gian, cùng ngồi lại để lắng nghe và chia sẻ về những chặng đường đã ở lại phía sau trên hành trình cuộc sống.
Những câu chuyện nho nhỏ, xinh xắn được ghi lại sau một chuyến đi, sau một điểm dừng, sau một nỗi nhớ thương, day dứt. Luôn luôn là tâm trạng được “trở lại” của một người đã từng sống tại một vùng đất nào đó mà chưa kịp tận hưởng điều gì đã phải vội vã dời đi. Những cuộc thiên di gấp gáp thời thanh xuân mải mê theo đuổi khát vọng cùng những nhọc nhằn mưu sinh để lại bao nhiêu nợ nần trong lòng một người quá sâu nặng nghĩa tình. Vì thế, Lê Hồng Lam muốn viết như một cách nhìn lại, nhớ lại, yêu lại tất cả tháng năm tuổi trẻ đó.
Từng câu chuyện như tình cờ được sắp xếp theo trình tự thời gian và không gian dịch chuyển, bắt đầu từ thuở đôi mươi, khi lần đầu tiên chàng trai xứ Thanh đặt chân về Hà Nội. “Hà Nội là nhà” – tên được đặt cho chương đầu tiên trong cuốn sách, đủ để thấy sự gắn bó từ sâu thẳm bên trong của một người đã đến, tìm hiểu và ở lại một cách tự nhiên, như một hạt mầm cần được gieo trên vùng đất này mới có thể vạm vỡ tốt tươi thành đại thụ và tận hiến cho đời đến giọt nhựa sống cuối cùng. Dường như đã phải có rất nhiều lần ngắm nhìn và suy ngẫm, người viết mới có thể khắc họa Hà Nội “lấp loáng đẹp xinh như một bóng sóng loang dài như khi trái sấu già rơi trên mặt hồ buổi ban mai. Những vòng tròn tâm sóng là phố cổ nhỏ xinh u trầm hoài niệm, vạt sóng giữa là những vùng bao quanh đầy khao khát trải dài, ngoài xa là những vòng miên man rộng, có núi, có sông, có rừng, có cả bập bềnh hoa súng tím.”
Có chút “ngược đời” nào không, khi chọn điểm khởi đầu cho hành trình ký ức là Hà Nội rồi mới đến “Quê Thanh” – là quê gốc của Lê Hồng Lam? “Nhà” là nơi mỗi ngày chúng ta tìm thấy ở đó sự ấm áp, thân thương từ những thứ bàn tay mình tạo dựng, nhưng quê nhà mới là nơi cứu giúp cho mỗi linh hồn lúc cô đơn, buồn tủi mà đôi khi chỉ vì yên ấm quá, đủ đầy quá ta đã vô tâm không hề nghĩ đến. Quê nhà ở đó, vẫn âm thầm bao dung, độ lượng, hào phóng ban tặng cho chúng ta sự chở che, nâng đỡ bất cứ khi nào mỗi chúng ta còn nhớ được lối về, “vì quê hương như là mẹ, là cha, là duy nhất với mỗi người”.
Sau những địa danh được nhắc đến bằng rất nhiều kỷ niệm: Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Lạt… là “Những dặm dài thương nhớ”. Ở nơi chốn nào, trước thời khắc nào gợi về kỷ niệm cũ, Lê Hồng Lam đã mang sẵn một câu chuyện, chỉ chạm khẽ vào đó là tất cả lại ùa về, dù là niềm vui hay nỗi tiếc nuối cũng đều mang màu sắc tươi tắn, sống động như vừa mới xảy ra. Những dòng chữ viết bằng bút chì, có vẻ như dễ dàng xóa đi để viết lại từ đầu, hoặc sẽ không bao giờ viết lại nữa. Ký ức được viết bằng bút chì thì ngược lại, càng xa mốc thời gian đó càng hiện về sắc nét những mùi hương cũ, màu mưa cũ, con đường cũ, nỗi ngọt ngào hay niềm cay đắng cũ…
“Đường cao tốc Láng – Hòa Lạc như là một nỗi ám ảnh của tôi” (Phía Tây Bắc Kinh thành) – câu mở đầu của bài viết khiến bạn đọc không khỏi bật cười sau khi hiểu ra mỗi lần tác giả “dấn ga” quá đà là có thể chạy hết Đại lộ Thăng Long mới tìm được chỗ quay đầu trở lại thành phố để đến một cuộc hẹn trễ cả tiếng đồng hồ. “Cảm giác ngán ngẩm khi càng đi, cái đích mình mong đến càng bị bỏ lại phía sau mà không làm gì nổi, nó thật là bất lực.”. Tâm trạng hoang mang này không phải chỉ xảy đến khi bạn đang đi nhầm đường một con đường cụ thể, nó sẽ còn lặp lại nhiều lần nếu bạn nhắm sai một mục tiêu, nhìn sai một vấn đề hay nhận định lầm lạc một con người mình đặt bao kì vọng… Và bạn chỉ có thể “Yên bình quay trở lại” nếu trong chính con người mình có một điểm tựa vững vàng.
Trong cuốn sách của Lê Hồng Lam có một nhân vật khá đặc biệt: Bamby – đó là tên thân mật khi anh gọi cô con gái nhỏ. Dù không có quá nhiều trang viết về con, nhưng chỉ cần đọc một câu: “Sao lúc nào ba cũng thấy nhớ con…”, người đọc cảm nhận được tình yêu anh dành cho con gái lớn đến mức nào.
Lê Hồng Lam tự nhận mình là người viết không chuyên độ tuổi trung niên - viết ra cảm xúc của mình và cũng có thể là của những người khác nữa mà anh đang muốn chia sẻ. Tôi lại thấy thật may mắn là anh đã lựa chọn cách viết hồn nhiên, phóng khoáng, tự do như thế, để người đọc có thể gặp lại được cái thời trong trẻo của chính mình từ những mảnh ký ức viết bằng bút chì đó.