PTCN: Em chào anh ạ!
NAHL: Cô mang theo cái gì đấy? Máy ghi âm à. Xưa rồi Diễm ơi. Thời buổi này mà cô còn mang cái máy cổ lỗ sĩ mà lại bé tí tẹo ấy đến để biếu tôi ấy à. Tôi không lấy đâu!
PTCN: Dạ không, đây là chiếc máy ghi âm làm việc của em!
NAHL: À, ra cô là nhà báo! Bọn cô là hay rách việc lắm. Nhưng tôi sợ quái gì cơ chứ. Điều quan trọng là muốn tôi trả lời thì cô có cái gì để biếu tôi không?
PTCN: Dạ, em sẽ biếu anh tờ báo có đăng bài phỏng vấn này.
NAHL: Hừm, được đấy. Cứ thấy được biếu là tôi khóai rồi. Vậy cô muốn hỏi gì nào?
PTCN: Thưa anh, theo đánh giá của cá nhân anh, những người ăn - hối - lộ được xếp vào loại nào trong giới kinh doanh hiện nay?
NAHL: Để tôi nói cho cô rõ. Trong giới kinh doanh có chia ra làm mấy loại. Những người sờ đâu cũng ra tiền, đó là một loại. Lại có những người nhìn đâu cũng ra tiền, đó là một loại khác. Còn thế giới những người ăn hối lộ chúng tôi thuộc vào loại ngửi ra tiền! Đó là một năng lực hiếm hoi lắm đấy.
PTCN: Vì sao người ta lại cứ phải đưa hối lộ hả anh?
NAHL: Cô đã đi chơi công viên lần nào chưa?
Ảnh: econlib. |
PTCN: Dạ, em đi nhiều lắm, nhất là hồi còn nhỏ. Ở đó thích ghê, có hồ, cây xanh, lại có cả đu quay nữa...
NAHL: Ai nói chuyện đu quay ở đây! Cô có để ý thấy những con đường ở công viên được người ta bố trí vuông vức, được lát gạch đàng hoàng không. Vậy mà có mấy ai chịu đi đâu. Người ta toàn đi tắt theo đường chéo, ngang qua bãi cỏ, lâu lâu còn thành cả một lối mòn nữa. Đấy, mấu chốt là ở chỗ tâm lý con người ta rất thích đi tắt. Đi tắt trong công viên thì không sao, chứ còn đi tắt trong cuộc sống thì phải có cách, nghĩa là phải hối lộ. Từ khi sinh ra con người đến nay là đã có cái chuyện đi tắt trong cuộc sống rồi, cho nên cái nghề ăn hối lộ của tụi tôi cũng có tuổi ngang với tuổi loài người đấy.
PTCN: Thế anh có nhớ ông tổ của nghề là ai không?
NAHL: Cần gì phải biết! Nhưng có một người mà bọn tôi tôn lên sư phụ, là ông Hòa Thân đời Càn Long nhà Thanh bên Trung Quốc. Ông này ăn hối lộ thành thần! Cô có biết là khi kiểm kê, tài sản của Hòa Thân còn nhiều hơn số tiền trong quốc khố không? Được như thế thì chết cũng sướng!
PTCN: Thế các anh không sợ bị như Hòa Thân sao?
NAHL: Sợ thì cũng có sợ đấy, nhưng làm con người, mấy ai thoát được khỏi chữ tham hả cô? Vả lại, tại người ta cứ mang đến hối lộ chúng tôi đấy chứ.
PTCN: Thế nhưng nếu như anh không có chức quyền thì người ta hối lộ để làm gì?
NAHL: Tất nhiên rồi! Chẳng ai đi hối lộ một ông dân den cả. Chính chức quyền, địa vị mới cho chúng tôi cơ hội để chui vào những ngóc ngách rối rắm của cuộc đời để chạy chọt, vận động... Như vậy là tôi có lợi, người đưa hối lộ cho tôi cũng có lợi. Nhưng này, không phải đưa hối lộ là dễ đâu nhé. Người ta nói rằng không phải là đưa mà đưa như thế nào mới quan trọng. Đó là cả một nghệ thuật đấy.
PTCN: Nguyên tắc của anh là gì?
NAHL: Ai cho gì nhận tất! Nhưng nhận phải kheo khéo một tý. Nhận mà phải như ban ơn cho người ta ấy. Tôi có khả năng "đọc vị" được người đến đưa hối lộ, biết khi nào thì nên căng khi nào thì nên mềm... cũng có những việc chẳng phải khó nhọc gì mà tôi vẫn "ăn" được những khoản kha khá...
PTCN: Báo chí chúng em đã lên án nhiều về tệ nạn tham nhũng. Em hỏi riêng anh thôi nhé, khi đọc những bài báo ấy, anh có thấy động lòng không?
NAHL: Trong giới ăn hối lộ chúng tôi có một "nguyên lý vàng" được gọi là "nguyên lý làng Vũ Đại". Có nghĩa là giống như những người dân Vũ Đại khi nghe Chí Phèo chửi ấy, ai cũng nghĩ là "chắc nó chừa mình ra"?! Nếu không tuân theo nguyên lý ấy thì sống thế nào được. Cái ông Nam Cao ấy tài thật!
PTCN: Thế còn lương tâm?
NAHL: Lương tâm của chúng tôi "ăn bún" từ lâu rồi.
PTCN: Sao lại thế hở anh?
NAHL: À, đó là cách để nói rằng lương tâm của chúng tôi bị móm chẳng còn cái răng nào cả. Mà đã không còn răng thì làm gì phải cắn rứt nữa!
PTCN: Anh hóm hỉnh ghê! Thôi em làm phiền anh nhiều rồi. Em chạy về tòa soạn để viết lại bài phỏng vấn này đây. Xin cảm ơn anh!
NAIL: Cô không phải cảm ơn. Khi nào báo in, cô nhớ đem cho tôi, 5 tờ nhé.
PTCN: Ủa, anh đọc gì mà nhiều vậy?
NAIL: Tôi đọc bài của cô làm gì. 5 tờ đó là để tôi đem đi biếu mấy tay quen ở bên Bộ X, chả là tôi có việc phải nhờ chúng nó mà!