Chuyên đề

Tìm cha giữa Trường Sa và câu chuyện bất ngờ từ hành trình tìm nhân vật

Trần Quỳnh Nga
Văn học địa phương
08:00 | 13/07/2024
Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn cả. Sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, đều đáng được cảm kích.
aa

Đến bây giờ, tôi vẫn không tưởng tượng nổi cảm xúc của mình lúc nhận được thông báo của Binh chủng Hải quân khi họ cho biết đơn xin đi Trường Sa của tôi được thông qua. Buổi ra mắt đầu tiên tôi mới vỡ lẽ nhận ra, tôi là nhà văn duy nhất trong số 5 văn nghệ sĩ được theo đoàn công tác Trường Sa trên chuyến tàu HQ571 gồm: 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh, 1 nhạc sĩ, 1 nhà văn và 1 tác giả sân khấu... nghĩa là “đội hình mỏng nhưng trách nhiệm lớn” chúng ta phải ghi lại được những khoảnh khắc đẹp nhất ở Trường Sa vì cơ hội cũng chỉ có một lần.

Đảo Trường Sa bình yên trong chuyến thăm của chúng tôi.
Đảo Trường Sa bình yên trong chuyến thăm của chúng tôi. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Vừa đặt chân đến điểm đảo đầu tiên, chúng tôi đã tranh thủ những phút giây quý giá để gặp gỡ, trò chuyện và ghi lại những khoảnh khắc cùng những người lính trẻ. Trong muôn câu chuyện buồn vui, có một câu chuyện cứ luôn thao thức trong suy nghĩ của tôi, cho đến khi về đất liền, câu chuyện ấy cứ thôi thúc tôi đi tìm nhân vật để tỏ tường và ghi lại. Tuy nhiên, trong hành trình đi tìm nhân vật, lại có một sự nhầm lẫn dẫn tôi đến một câu chuyện khác, cũng vô cùng thú vị.

***

Hôm ấy, trên đảo Cô Lin, Trung sĩ Lê Minh Hiếu hướng đôi mắt về phía đảo Gạc Ma - nơi hơn 35 năm trước, 64 người con của đất mẹ Việt Nam đã mãi mãi nằm lại giữa muôn trùng biển khơi để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và kể cho tôi nghe câu chuyện đi tìm cha ở Trường Sa.

Chúng tôi ngồi lặng im dưới gốc bàng vuông lắng nghe câu chuyện Hiếu kể về người con gái tên Thủy - con của một trong 64 chiến sĩ đã hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, sau 35 năm mới được ra Trường Sa tìm thăm cha.

Hiếu đã khóc khi kể lại cho chúng tôi khoảnh khắc Thủy quỳ sụp dưới chân mộ gió mà gào tên cha trong nước mắt.

"Em nhớ mãi hình ảnh chị Thủy đón lấy chai nước biển được lấy từ ngã ba Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Chị ấy bảo để có được chuyến đi ngày hôm ấy chị phải cố gắng rất nhiều để vinh dự đứng trong hàng ngũ đảng viên xuất sắc được chọn ra thăm đảo. Chị muốn ra tận nơi cha chị đã ngã xuống lấy một chai nước đưa về để lên bàn thờ gia tiên để báo với tổ tiên rằng, trong nước biển đó có hình bóng cha chị. Một người cha anh hùng mà chị không biết mặt" – Hiếu nói rồi nắm tay tôi tha thiết nói:

"Chị nhớ viết về những người như chị Thủy. Còn chúng em, những người lính đảo luôn lấy những chân tình đó làm động lực để cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thanh xuân được cống hiến cho Trường Sa, cho Tổ quốc là thanh xuân rực rỡ nhất chị ạ".

Tôi mang mãi cảm xúc đó trong suốt hành trình thăm Trường Sa. Lòng tự ngượng với mình, các em ấy còn trẻ mà lý tưởng thật đẹp, các em xem việc tình nguyện ra đảo không phải là sự hi sinh mà đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người công dân đối với Tổ quốc. Vì thế, khi tôi hỏi về ước mơ hay nguyện vọng của mình, Hiếu vẫn chỉ một lòng dặn tôi viết về người con gái đó như một sự động viên an ủi. “Em muốn đó là một câu chuyện truyền cảm hứng về sự gắn bó thân thiết giữa biển đảo và đất liền, là tình cảm không thể tách rời, không thể lìa xa. Nó như tình cha con ruột thịt”.

Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy xúc động trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ảnh nhân vật cung cấp
Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy xúc động trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi mang câu chuyện đầy cảm xúc đó kể cho mọi người trên tàu nghe khi chúng tôi ngồi trên boong ngắm hoàng hôn trên đảo. Vào những buổi ráng chiều nhìn hoàng hôn xuống và trăng lên cùng một lúc, mặt biển thẫm lại, tĩnh lặng, chỉ ánh đèn trên boong soi sáng cho những bà, những mẹ Việt kiều đang cần mẫn gấp hàng ngàn con hạc trắng. Tôi cúi đầu nhận lấy con hạc giấy từ tay bà mẹ Lai đưa cho, bà mẹ Kiều bào Thái Lan tại tỉnh Nọng Khai ấy năm nay đã 68 tuổi rơm rớm nói trong nước mắt: "Ngày mai giữa vùng trời, vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, chúng ta sẽ làm lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có anh ấy...".

Nghe đến đó, tất cả chúng tôi đều chùng lòng.

Tôi nhìn ra mênh mông biển cả và nhớ về anh Lê Hữu Thảo - người cựu chiến binh quê tôi từng chiến đấu ở Gạc Ma, nhân vật trong bút ký Người về từ Trường Sa hơn 10 năm trước của tôi; nhớ ước nguyện đi thăm nhà của tất cả đồng đội đã chiến đấu và hi sinh ở Gạc Ma, quỳ xuống dưới chân những người cha, người mẹ của đồng đội mà cảm tạ những hi sinh thầm lặng của họ. Lúc đó, tôi có một tham vọng rằng, giá tôi có thể trở thành một nhà làm phim tài giỏi, có thể biến được câu chuyện mà người lính Gạc Ma trở thành một bộ phim chân thực và sống động về những gì cha anh đã từng chiến đấu. Điều đó mới làm nên những bức phù điêu vững chắc trong lòng thế hệ sau này về lòng tự tôn và tự hào dân tộc.

- Khi về đất liền em sẽ đi tìm Thủy, kể câu chuyện của Thủy cho anh Lê Hữu Thảo nghe. Anh ấy sẽ hạnh phúc biết nhường nào.

- Là Thủy - Nhạc sĩ Ninh Mạnh Thắng đang ôm đàn ngồi bên cạnh nghe tôi nói bỗng chồm lên nắm lấy tay tôi - em ơi, đúng là Thủy - Nói rồi anh òa khóc - Người con gái ấy chính là nhân vật mà anh đang ấp ủ viết một ca khúc đây.

Tất cả chúng tôi cùng ồ lên trong nước mắt và nụ cười hạnh phúc như đang nói về chính người thân của mình. Duyên nợ đã đưa chúng tôi đến với nhau, ngồi lại đây để cùng nhớ về những người đã khuất. Chúng tôi hiểu rằng, sự biết ơn và lòng tri ân đã như một phép màu mang đến những điều kì diệu khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp.

“Giữa mênh mông sóng nước

Con đi tìm cha

Cha nơi đâu, nơi đâu...

Trong trăm ngàn con sóng bạc đầu

Vỗ về Tổ quốc

Con tìm thấy cha trong tiếng gọi Trường Sa...”

Khi tôi vừa đọc đoạn thơ ấy, âm nhạc vụt cất lên. Chúng tôi lặng im. Hình ảnh về em Thủy ôm di ảnh gục đầu xuống bảng tên cha mình được ghi ở khu mộ gió đã khiến bao người không cầm được nước mắt. Người con ấy, với tất cả nỗi lòng, sự cô đơn, niềm nhớ nhung, nỗi tủi thân của một đứa trẻ mồ côi sau 35 năm cách biệt mới òa lên gọi tên cha nghẹn ngào.

Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy tới thăm khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma và xúc động lần tìm tên cha trên bia khu mộ gió. Ảnh Lê Minh Thể.
Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy tới thăm khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma và xúc động lần tìm tên cha trên bia khu mộ gió. Ảnh Lê Minh Thể.

Nhạc sĩ Ninh Mạnh Thắng vội vã chép lại nhạc phổ bài hát “Tìm cha giữa Trường Sa”. Đêm như chùng lại. Những vì sao đang trôi trên bầu trời như sát lại gần mặt biển, chứng giám cho tấm lòng của chúng tôi. Lời bài hát như lời tâm tình thổn thức nói hộ cho tấm lòng của những người con đất Việt - Trường Sa luôn trong trái tim ta.

Sau khi về đất liền, tôi đã tìm cách liên lạc với Thủy như nguyện vọng của người trung sĩ trẻ là liên lạc được với em Thủy. Và câu chuyện nhầm lẫn rất thú vị của tôi bắt đầu từ đó. Qua thông tin anh bạn tôi cho, tôi đã liên lạc qua điện thoại với Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy, công tác tại Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân (là con của liệt sĩ Lê Đình Thơ). Tôi cũng đã làm cầu nối để em Thủy tìm được anh Thảo - người đồng đội chứng kiến những giây phút chiến đầu cuối cùng trước khi cha em hi sinh...

Thả hoa trong lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma. Ảnh tư liệu của đoàn công tác số 4 Trường Sa
Thả hoa trong lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma. Ảnh tư liệu của đoàn công tác số 4 Trường Sa

Chúng tôi đã cùng nhau trải qua thật nhiều cảm xúc. Thủy tâm sự: “Em thấy ngoài trách nhiệm của một người đảng viên, em biết mình phải sống thật tốt và làm việc hết mình vì ba, mẹ và những người đã ngã xuống...”. Tôi nghẹn ngào khi em nói lời cảm ơn vì tôi đã kể và viết về em như một câu chuyện truyền cảm hứng. Lúc đó tôi chỉ muốn nói với em rằng: “Không, Thủy ạ! Tất cả là nhờ duyên phận. Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn cả, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, đều đáng được cảm kích. Và vai trò của nhà văn là kết nối lại thành một câu chuyện đầy ý nghĩa”.

Những tưởng câu chuyện sẽ khép lại ở đó, bài báo của tôi viết về cảm xúc của hành trình đi tìm cha ở Trường Sa cũng đã hoàn thành. Tôi gọi điện báo với Thủy bài sẽ được in vào số tới. Trong lúc tâm sự Thủy bồi hồi:

Lính biển toàn đặt tên con gái là Thủy chị nhỉ? Ừ, cha mẹ thường lấy những kỉ niệm đẹp nhất, những dấu ấn quan trọng nhất của mình để đặt tên cho con mà - Tôi đồng cảm. Con của liệt sĩ Trần Văn Phương cũng là Thủy đó chị. Chú Phương hi sinh cùng ngày với ba em đó, em ấy được đi Trường Sa thăm cha trước em.

Đại úy Trần Thị Thủy xúc động khi làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ở Trường Sa. Ảnh: Đặng Dương.
Đại úy Trần Thị Thủy xúc động khi làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ở Trường Sa. Ảnh: Đặng Dương.

Nghe Thủy nói đến đây tôi chợt giật mình. Tại sao có một sự trùng hợp kỳ lạ đến thế. Có đến hai Thủy đều đã ra Trường Sa thăm cha mình, đều là liệt sĩ đã hi sinh cùng trong một trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Tôi một lần nữa đi tìm thông tin của Thủy trong câu chuyện của Hiếu kể thì mới vỡ lẽ ra rằng: Thủy mà em Hiếu kể là Trần Thị Thủy - con gái duy nhất của anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Trần Văn Phương (người có câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”). Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Quảng Bình, Thủy vào Cam Ranh công tác với mong muốn được nối nghiệp quân ngũ của bố và may mắn được đi công tác ở Trường Sa trong năm đó. Ngay trong chuyến ra thăm bố ở Trường Sa đó, Thủy đã viết đơn tình nguyện vào lực lượng Hải quân và đã được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt ngay trên tàu. Hiện, Thủy đang là nhân viên văn thư bảo mật, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cấp bậc đại úy.

Cả hai em Thủy đều là con duy nhất, đều mồ côi cha khi chưa tròn một tuổi và ngạc nhiên hơn nữa là hiện cả hai đều may mắn được công tác đúng đơn vị mà cha họ trước khi ra đảo làm nhiệm vụ đã từng công tác và đang là những cán bộ xuất sắc được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Nhạc sĩ Lê Mạnh Thắng khi biết tin cũng lặng người. Anh cũng không ngờ được bài hát “Đi tìm cha ở Trường Sa” của anh lại có thể cùng lúc kể về 2 câu chuyện như thế.

Chị Trần Thị Thủy nghẹn ngào hát cho cha nghe khi ra đảo Gạc Ma trong chuyến công tác Trường Sa năm 2023. Ảnh: Đặng Dương.
Chị Trần Thị Thủy nghẹn ngào hát cho cha nghe khi ra đảo Gạc Ma trong chuyến công tác Trường Sa năm 2023. Ảnh: Đặng Dương.

Tôi muốn nói nhiều với 2 em Thủy nhưng nỗi xúc động không thể nói nên lời, tôi những muốn nói rằng sẽ còn có rất nhiều những đứa con tên Thủy - tên của nỗi nhớ, tình yêu của hậu phương hướng về phía biển nơi người chồng, người cha họ là chiến sĩ đã và đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương bền vững. Và tôi đã viết về nhân vật Thủy của tôi như một câu chuyện truyền cảm hứng – câu chuyện của những người trẻ biết sống và khát vọng, biết gìn giữ và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con nhà lính. Nên cho dù em là ai, là Thủy con bố Phương, hay Thủy con bố Thơ thì các em đều là con của những người anh hùng. Và chúng ta, những người trẻ dù xa cách nhau hàng trăm kilomet, mỗi người mỗi công việc trong cuộc sống bộn bề nhưng khi nhắc tới Trường Sa trong tim vẫn cùng một nhịp đập yêu thương, thổn thức... đó là điều quý giá nhất.

Trường Sa ngày tôi đến Những người Mang chất Trường Sa về Bạch Long Vĩ TRƯỜNG SA, nơi lòng ta lay động Huyện đảo Lý Sơn: Một tiên giới giữa vùng biển khơi của tổ quốc
Nguồn Báo Hà Tĩnh
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.