Văn hóa nghệ thuật

Trượt chân trên tầng cao - Sự bi hài của đời sống thường nhật

Mộc Uyển
Sách
07:00 | 13/09/2024
Baovannghe.vn- Tôi để ý thấy, trong thời đại xã hội phát triển ngày nay hình như con người ít cười, ít đùa đi so với dăm, mười năm trước
aa
Trượt chân trên tầng cao - Sự bi hài của đời sống thường nhật

Còn với riêng văn chương, tiếng đùa, sự cười, sự giễu nhại càng hiếm. Nên khi biết tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao của nhà văn Hồ Anh Thái vừa ra tôi đã phải chạy ra phố sách mua ngay vì biết, với nhà văn họ Hồ này người đọc được cười trong khi đọc, được thả lỏng nghỉ ngơi với các thân phận, câu chuyện mình từng gặp ở đâu đó. Quan trọng hơn tác giả không đánh đố độc giả, vì sự cười phải bắt đầu từ sự nắm bắt được câu chuyện, cười đấy mà thấy ẩn sau là sự chua cay mặn ngọt của đời sống muôn màu.

Sự hài hước của đời sống

22 truyện ngắn trong tập đều bắt đầu từ những tình huống đời thường nhất. Mở đầu là truyện ngắn Rác và yêu kể về người vợ có mũi rất thính, nhưng nó cũng chẳng giúp được gì cho chị khi không phát hiện được người chồng ngoại tình, mà ngoại tình ở đâu xa cho cam, lại chính ở cùng khu tập thể: chị tầng hai, người đó tầng ba. Anh chồng lấy cớ đi công tác, nhưng điểm đến chỉ cách có vài chục mét, đối tác là một người phụ nữ độc thân. Còn chị vợ, ngày ngày vẫn đi đổ rác thay chồng, vẫn bất giác đi theo mùi hơi lên tầng ba, giật mình trước số phòng 315 rồi uể oải xuống ngược cầu thang. Lí do ở đây có thể do người phụ nữ độc thân mang hơi chồng của chị vợ xuống rồi lên theo tiếng leng keng xe đổ rác mỗi sáu giờ chiều. Cho đến khi vô tình bị phát hiện vụng trộm chị vợ vẫn không điều tra được đối tượng để đánh ghen, tất nhiên, vì người tình của chồng chị có biện pháp khử mùi cực mạnh từ quả chanh lai chấp, da vàng, to như quả cam. Truyện ngắn kết mà không kết, nó chỉ chìm đi thôi chờ dịp bùng lên trong một phân cảnh nào đấy ở một truyện dài, hay cuốn tiểu thuyết tiếp theo của nhà văn. Bởi mỗi chi tiết hay của truyện ngắn sẽ thường sống tiếp, tái cấu trúc ở những phổ thể lớn hơn.

Truyện tiếp theo cũng vẫn là mẫu nhân vật có khứu giác đặc biệt. Cũng lại một chị vợ mũi tinh trong Trạng Hít, mùi và đêm, nhưng lần này anh chồng là lính cứu hỏa, anh chung thủy với vợ. Vợ anh có thể phân biệt mùi của từng đám cháy, đám cứu hộ mà anh đã tham gia trong ngày. Tình huống trong truyện là chị vợ ngửi thấy người anh có mùi tiền lẫn với mùi bùn. Chị điều tra và biết tiền đó của một ông Trạng Hít (có thể đánh hơi tiềm năng từ những con sông chết) mang tiền đi bê tông hóa, tức phủ bê tông lên mặt sông lấy chỗ để xe, làm quán ăn, còn thì mặc kệ dòng chảy ứ đặc khè bên dưới. Số tiền để trong cặp dần chìm xuống sông, nhưng chị vợ vẫn theo hơi mùi dẫn anh chồng đến đúng đoạn sông đó, để anh chiếu đèn pin soi xuống, để là người thứ ba biết bí mật về số tiền.

Trong muốn ra ngoài muốn vào là câu chuyện giễu nhại về tình yêu bên hố xí công cộng thời bao cấp. Chẳng ai có thể ngờ ở cái nơi “nặng mùi” và mang nhiều nỗi niềm trong người thế người ta lại có thể yêu nhau, cảm tình với nhau được. Hay như truyện Anh Ban, chị Hương, chị Phát và người không chức danh là sự cười về những cơ quan nhà nước mà người làm chính chỉ có một, và thường là họ không chức danh. Ở Người sưu tầm danh thiếp kể về người luôn luôn thích đóng những vai người khác oai oách, có chức sắc. Khi chưa có danh thiếp thì mạo danh qua lời nói, đến khi có danh thiếp thì luôn luôn thủ sẵn mớ danh thiếp với nhiều tên gọi chức danh khác nhau, sống với nhiều tấm mặt nạ khác nhau. Ở Được luôn cả nghé là sự giễu cợt sự ngây thơ quá tin tưởng vào bạn bè người quen, cho vay tiền mà không cần tìm hiểu đối tượng, hoàn cảnh vay. Lọt sàng xuống nia là tiếng nói xót thương, pha chút mai mỉa với những người muốn lập thân bằng văn chương, bằng cách chen chân nhờ vả người này người kia để chen vào các hội nhóm mà không biết rằng dù có đứng chân trong hội thì họ vẫn cứ là họ, người sáng tác ăn nhau ở tác phẩm chứ không phải ở chỗ đứng, ở chức danh hay địa vị.

Cái bi đến từ vùng hiện thực riêng

Hãy thử tưởng tượng bạn là nhân vật chính trong câu chuyện sau: chỉ vì ngủ quên, mà đáng nhẽ bạn xuống sân bay ở Nam Á bạn đã bị đưa sang Tây Âu, trong một ngày tuyết phủ trắng trời. Bạn là một nhân viên ngoại giao không biết tiếng Anh, nhiệm vụ lần này là chuyển thực phẩm từ Việt Nam sang để sứ quán Nam Á làm tiệc đãi khách cùng đón tết cổ truyền Việt Nam. Khi tỉnh dậy chẳng có người đón, chẳng biết mình ở đâu. Đối mặt với cảnh sát bạn cũng chỉ biết nói hai tiếng Việt Nam. Cuối cùng, bạn được đưa đến sứ quán Việt Nam vào giữa đêm, cùng với việc lèo nhèo vì không có tiền trả tắc xi. Tất nhiên, sáng hôm sau người ở sứ quán đón bạn như một món quà từ trên trời đưa xuống. Phải đến mùng 6 tết mới có chuyến bay trở lại Nam Á, thế thì còn chiêu đãi, trả nợ miệng chính quyền sở tại lẫn các sứ quán bạn gì nữa. Lòng chẳng muốn bạn cũng phải mang gạo nếp, lá dong, miến, đa nem ra cho anh em sứ quán Tây Âu xử lí, và chịu bị kỉ luật dù Tây Âu đã thanh toán tiền hàng tết cho Nam Á.

Nhà văn Hồ Anh Thái với nhiều năm làm ngoại giao đã cho người đọc biết đến vùng hiện thực của nhân viên ngoại giao, của đời sống, sinh hoạt tại các sứ quán Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời ông cũng có dịp quan sát, tiếp cận với nhiều thân phận người Việt ở phương xa. Nếu ở truyện ngắn Mr.Nem người vận chuyển trên kia là một tình huống bi hài của công việc ngoại giao mấy chục năm trước, thì ở Biển ở màu xanh dương là câu chuyện nghiêng hẳn về phía bi của một người Việt ở Tehran, đại diện ngành năng lượng sang đây. Người ấy mù màu, cứ đến mỗi nhịp đèn là hỏi người ngồi cạnh xem màu gì, đỏ - dừng xanh - đi; khi không có người thì quan sát người di chuyển xung quanh để điều chỉnh hành vi của mình. Khi về nước anh sống với vợ cùng con trai tự kỉ. Không buồn phiền, đối diện mọi việc một cách điềm đạm, anh cùng học, cùng làm với con. Chuyển nhà từ Sài Gòn xuống Bà Rịa để con có biển có sóng có bãi cát dài để thư giãn đầu óc, rồi từ Bà Rịa về ven Đà Lạt làm vườn để con có thể tự tay chăm sóc giàn mướp giàn bầu tự mình trồng ra. Cái buồn bã của số phận nhân vật nhường chỗ cho mầm hy vọng gieo qua từng trang sách, bởi thế nào đi nữa con người ta vẫn phải sống, không chỉ sống cho mình mà còn cho cả gia đình.

Trong tập, truyện Thợ may ăn giẻ thợ vẽ ăn hồ viết về những ngày còn trong quân ngũ của tác giả. Nó là mô típ truyện trong truyện, truyện bắt đầu từ những nguyên mẫu đã được đưa vào những tác phẩm trước đây, ở truyện này là tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo in cuối những năm 80 thế kỉ trước. Truyện viết về một người bạn lính, khi còn tại ngũ ở tình huống nào cũng tìm được các khe hở để lọt qua, thích nghi. Nhưng khi về thời bình anh không thích nghi được, không thể cắt xén các dự án cho người nghèo như cắt xén mông bò trước kia, thế là bật bãi, chịu kỉ luật. Nhưng cũng nhờ đó đất nước lại có thêm một nhà nhiếp ảnh có tài, tất nhiên giờ người bạn đó chỉ ghi lại cái đẹp ở những nơi mình qua, có cắt cúp nhưng là cái cắt cúp riêng mình chẳng ảnh hưởng đến người hay vật.

Với gần 300 trang sách, với đầy đủ cung bậc hỉ nộ ái ố, cái cuối cùng vượt trên sự hài, cái bi là sự sống của con người hiện tại. Dù có thế nào thì con người vẫn cứ phải sống, đối diện với thế giới phi lý xung quanh. Như triết gia nào đó đã từng nói: sống đã là phi lý…

Mộc Uyển | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách "Tiệm sách Cơn Mưa" - Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách Cuốn sách được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc trong những ngày cuối điều trị Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.