Năm 1949, giặc Pháp tạm chiếm thị xã Bắc Kạn và Nà Phặc, trấn Nga Sơn, thị tứ Bằng Khẩu. Trung ương chủ trương đánh để giải phóng các điểm đó. Tỉnh ủy Bắc Kạn tháng 6 năm 1949 lập một đoàn do tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dẫn đầu đi khảo sát mặt trận do giặc Pháp tạm chiếm các điểm Ngân Sơn, Bằng Khẩu.
Bản viết tay “Dọn về làng” của nhà thơ Nông Quốc Chấn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam - Ảnh: BTVHVN |
Khi về làng, một thảm cảnh vừa diễn ra. Giặc Pháp do tay sai dẫn đường vào thị xã Cố Đán, Châu Khê, ở đây, đã vườn không nhà trống. Chúng tôi lên rừng “Pú Slổm” nơi đồng bào tản cư dựng “lán”. Bộ đội ta đánh lại giặc, một số cán bộ, du kích xã bị hy sinh, trong đó có người họ hàng của tôi. Khi tôi đến, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã dẫn tôi đi xem chỗ vừa diễn ra đánh nhau buổi chiều và tôi đi thăm mấy ngôi mộ mới. Tôi biết, các đồng chí đó bị bắt trong trường hợp chiến đấu bị thương, vì không chịu khai báo các “lán” của đồng bào và bộ đội, nên chúng nó bắn.
Sau khi giặc rút về huyện, các đồng chí ở xã tập hợp nhau lại để đưa tử thi bạn mình đi chôn cất. Cảnh đau thương nhất là khi chôn bạn thì chỉ bọc các thi thể trong giát hoặc chiếu cũ mà không có quan tài bởi xa bản làng và không kịp chặt cây khoét hòm! Chúng tôi khóc hồi lâu trước mấy ngôi mộ. Khi rời nơi đây lên núi cao có “lán” trong rừng già, chúng tôi an ủi nhau một câu quen thuộc “biến đau thương thành sức mạnh!” Nhưng vẫn bồi hồi im lặng leo núi. Chúng tôi quên đói, quên mệt.
Trời tối, chúng tôi đến “lán” rừng có tên Khuổi Khim thuộc xã Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình. Trong “lán” vắng vẻ giữa rừng già, bà mẹ đồng chí Vân Anh - Huyện ủy viên phụ trách xã này, ngồi một mình bên bếp lửa. Nghe tiếng chào của chúng tôi, bà nhận ra người quen.
- Cậu đấy à? Ăn gì chưa? Vân Anh có cùng đến không?
- Thưa chị! - Tôi vẫn quen gọi chị, chị họ mà quý nhau như chị em ruột. Chị đã cao tuổi, hai mắt của chị bị đau, đã sắp mù... Chúng tôi ái ngại đối với cảnh sống một mình heo hút của chị. - Bà con đã bỏ “lán” dọn đi tản cư sang xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Trò chuyện suốt đêm với bà chị. Chị không khóc, không kêu khổ, chỉ hỏi: “Bao giờ quân ta đánh đuổi giặc Pháp chạy? Bao giờ chúng ta dọn về làng?”
Có lẽ những gì đã nghe và thấy qua chuyến đi ấy gây cho tôi nhiều xúc động nhất. Tôi ghi nhật ký. Những tin chiến thắng mới: Giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn... Tôi đã viết bài thơ dài nhân đón cái Tết 1949 có tên Mùa xuân lại về. Bài thơ này viết bằng tiếng Tày, in litô, phát hành đến các xã và thanh niên xung phong.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn cùng bà con dân tộc thiểu số - Ảnh: Tư liệu. |
Mỗi lần đến các cơ sở, nghe các bạn trẻ đọc, ngâm và hát từng đoạn, hoặc cả bài thơ dài ấy, tôi cố giấu nỗi vui sướng nhưng vẫn cứ bột phát vì có bạn trẻ biết “tác giả” đang ở bên mình. Thế là người làm thơ, người đọc thơ cùng hòa vào nhau trong các buổi liên hoan. Rõ ràng, thơ có sức truyền cảm lớn trong những năm kháng chiến.
Tháng 6 năm 1951, trên đường đi tham dự Liên hoan Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới ở Béclin, tôi được đoàn, cụ thể là các anh Hoàng Tuấn, Cao Ngọc Thọ, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước... gợi ý cho tôi làm một bài thơ để tham dự cuộc thi thơ tại Đại hội liên hoan. Tôi đọc cho các anh chị trong đoàn nghe bài thơ dài Mùa xuân lại về. Các anh chị gợi ý: Nên chọn một đoạn nào mà tác giả thích nhất trong bài thơ dài đó. Tôi chọn đoạn Dọn về làng. Tôi dịch từ tiếng Tày ra tiếng Kinh. Anh Nguyễn Đình Thi dịch ra tiếng Pháp. Khi đến Béclin, đoàn gửi đến Ban Tổ chức để dự thi bài thơ đó.
Ngày bế mạc Đại hội, đoàn nhận được tin: Bài thơ Dọn về làng của Việt Nam được giải Nhì! Trong buổi đi nhận giải thưởng, tôi được một bạn trẻ Việt Nam học ở Pháp cùng đến văn phòng Ban Tổ chức. Tôi được gắn một huy chương kèm theo một tấm bằng và một chiếc máy chữ nhỏ. Các hiện vật này đều thuộc “tài sản” chung của đoàn. Khi về nước, đoàn giao nộp cho Trung ương Đoàn Thanh niên. Đến nay, tôi không rõ có còn lại một kỷ vật nào trong kho lưu trữ tư liệu truyền thống của Trung ương đoàn không.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2002) - Ảnh: Tư liệu. |
Có một chi tiết đáng lưu ý xung quanh cuộc tranh luận của Ban Giám khảo về hai câu thơ trong đoạn kết:
Giặc Pháp, giặc Mỹ còn giết người cướp của trên đất ta
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ!
Một người Pháp hay người Mỹ gì đó đứng về phía bọn xâm lược Việt Nam, không đồng tình trao giải cho bài thơ bởi tác giả Dọn về làng đã coi người Pháp và Mỹ là “giặc Pháp, giặc Mỹ”.
Lập tức có tiếng nói lại: Thực tế trên đất nước Việt Nam hiện nay có quân Pháp được Mỹ giúp sức lấy cớ can thiệp, đang giết dân, cướp tài sản, chiếm đất Việt Nam. Chúng ta đều đã nghe chính sách của Chính phủ Hồ Chí Minh, rằng nhân dân Việt Nam chỉ đánh đuổi quân Pháp xâm lược và người Mỹ can thiệp; họ không coi mọi người Pháp, người Mỹ là kẻ thù; họ coi nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ là bạn...
Thế là, bài thơ Dọn về làng đã góp phần nêu cao chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Lúc đó, tôi được giải thích về ý nghĩa giải thưởng của bài thơ Dọn về làng: Bài thơ nêu được tinh thần kháng chiến vì nền độc lập, tự do và hòa bình...
Đến nay, nhận thức của tôi về bài thơ Dọn về làng là phản ánh được một góc độ nào đó của bức tranh toàn cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ. Bài thơ viết lên từ hiện thực chiến đấu anh dũng, gian khổ, nhưng tự tin ở ngày chiến thắng”.
Với lời thơ chân phương, giản dị, đến nay Dọn về làng (Toọn mà bản) của nhà thơ Nông Quốc Chấn vẫn là một trong số ít bài thơ viết về chiến tranh cách mạng của đồng bào dân tộc nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các nhà nghiên cứu và tình cảm yêu mến của nhiều thế hệ độc giả. Tài liệu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. |
Theo Bảo tàng Văn học Việt Nam | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: