Nhà ông bà cụ Trong và khu cửa rừng Suối Cát còn vui thêm vì một chuyện mới lạ nữa: chuyện con Hiền.
Đó là một con hùm con.
Một buổi sáng, bà già Trong ra bãi sắn mé đồi sau nhà thì thấy sột soạt trong đống lá và có con gì bò bò ở dưới chân. Bà cụ sợ quá, nhảy choàng ra bên, cúi xuống xem thì thấy như một con chó con cứ rúc rúc đến chân mình. Bà già Trong liền bế con chó con ấy lên.
Con hùm con nọ lông vằn vằn, mặt tròn tròn, tai như chiếc nấm xíu. Mắt nó lờ lờ như nửa ngủ nửa bị chói vì ánh sáng, ngờ ngạc trông mà không hay biết gì cả. Chân nó chũn mũn, quào quào, vuốt sắc nhọn gợn gợn. Lưỡi nó nham nháp cứ liếm lấy mu bàn tay và ngón tay bà già Trong. Mồm nó nún nún, chóp chép như mồm đứa trẻ mới để mơ bú. Một mùi hôi hôi, hoi hoi đặc biệt thoáng lên ở lông, ở mõm nó.
- Cha mẹ ơi! Hùm con ở đâu mà lại về đây?
Bà già Trong nheo mắt nhìn cái mặt nhăn nhúm và cặp mắt ướt ướt dại dại của con vật nhỏ nọ. Bà cụ vuốt lưng nó, vuốt ức nó, nâng nâng, ném ném nó trên tay. Những vuốt bé nhọn của nó quắp giữ lấy bàn tay bà cụ lại làm gai gai, chợn chợn. Chợt thấy một vết như là vết máu rỉ ở giữa trán nó, bà cụ nâng con hùm con vào tận mắt nhìn. Bà cụ rấp nước bọt vào ngón tay, rấp rấp, chùi chùi ngấn máu ở trán con vật.
Bà cụ trông ra những lốt chân to và những giọt máu rong rong mãi lên cụm rừng, kêu lên:
- Con chó con ơi! Chắc mẹ mày càm mày, người ta đuổi bắn tợn quá, mẹ mày bị nặng nên bỏ mày rơi toạc cả đầu đây. Thôi, mày lạc mẹ mày rồi, tao đem mày về cho thằng Xin nó nuôi...
Tay xách xâu dưới, tay ẵm con hùm con, bà cụ Trong lếch thếch đi về. Bà cụ vừa bước chân vào cổng, giơ con chó con của mình bắt được ra khoe thì cả xóm ai cũng bíu lấy bà cụ, giằng con hùm con ra xem. Hết người này đòi ẵm đến người kia đòi ẵm. Có những cô lớn, cứ vành vành mồm con hùm con ra cho nó nhay nhay ngón tay mình. Cô thì vành cả mắt nó làm nó càng run, càng nhắm mắt lại. Các cô tranh nhau với những anh con trai, đặc biệt là khi Xin ở ngoài chặng về, Xin ấp giữ lấy con hùm con thì các cô càng ồn ĩ. Các cô đấm nhau, đấm bọn con trai, giằng giật với Xin cứ chí chóe, thùm thụp, vừa cười như nắc nẻ.
Ông già bà lão thì chỉ ngắm nghía bàn tán. Có cụ bảo đem bỏ nó ra ngoài bãi, nếu mẹ nó còn sống thì cho mẹ nó về đưa nó đi. Cụ bảo cứ nuôi để dử mẹ nó về mà bắn, hay đặt cạm mà bẫy. Cụ hỏi xin lại. Cụ tính đến việc nấu cháo ăn. Ăn cháo hổ bao tử thì hết cả các chứng ngã nước, hết cả phong thấp, khỏe thêm hàng mấy năm. Bọn giai trẻ thì nhất định nuôi. Mấy cụ cứ lắc đầu quầy quậy:
- Nuôi gì thì nuôi chứ ai lại nuôi hùm nuôi beo trong nhà bao giờ?
Ông già Trong vẫn chỉ ngồi như ông bụt ở góc nhà, như không hay biết gì cả. Còn bà già Trong mặc mọi người bàn tán. Bà cụ đón lấy con hùm con vẫn trong tay bọn con gái, đặt nó nằm vào trong cái áo bông cộc của mình. Con hùm con đã ngủ. Nó mệt hay nó sợ? Nó đói hay nó nhớ mẹ nó? Bà già Trong kéo vạt áo đắp cho nó rồi quay ra nói:
- Hùm ở trong rừng là hùm dữ, hùm về tay người là chó hiền. Con chó này đã lạc về đến đây thì nó ở với tôi. Thằng Xin sẽ chạy cho nó ăn, còn tôi sẽ trông coi dạy bảo nó.
Bà cụ Trong đặt tên con hùm con là Hiền.
Hôm đặt tên cho nó, bà cụ vỗ vỗ đầu nó, vuốt ve mình nó:
- Con chó con ơi! Mấy hôm rồi mà không thấy tăm hơi gì của mẹ mày cả. Mẹ mày nó bị bắn chết hay lạc hẳn mày rồi! Mày ở với tao, tao nuôi mày cho vui cửa vui nhà. Hôm nay, tao đặt tên cho mày là con Hiền. Hiền được về nhà ta thì phải ngoan nhé. Từ rầy hễ tao gọi, anh Xin nó gọi, hay ai gọi mày là Hiền thì mày nhớ lấy tên nhá.
- Hiền ơi!
- Con chó con của bà ơi!
- Hiền ơi! Đừng ra cửa!
- Hiền ơi! Sao lại cứ hay nhay dép và càm cắp các thứ thế.
- Con chó con của bà ơi! Nằm ngoan ở chõng này nào.
- Con chó con của bà ơi! Bà ra vườn một lúc rồi về đấy.
- Hiền ơi! Lá gói bánh bẩn đấy!
- Con chó con của bà ơi! Bà trộn cơm cho rồi đây này, đừng gặm cái xương cái xẩu ấy nữa.
Con hùm con tợn ăn lắm. Bà già Trong ăn gì cũng cho nó ăn. Những hôm bà cụ mệt, bà cụ bưng đỗ đen hay nấu cháo đỗ xanh thì con Hiền cũng ăn đỗ ăn cháo với bà cụ. Nhưng thường thường nó hay chực bên cạnh Xin. Xin cho nó ăn cá, ăn thịt. Xin cũng tợn ăn. Thịt nai nướng. Xin ăn vã thay cơm. Cá chép, cá quả hai, ba cân, mình Xin một con, luộc ăn với hành. Gà gô, công. Xin rán qua rồi đậy vung om trên than hồng, xé chấm muối chanh ăn mỗi bữa một nửa con vẫn thòm thèm.
Thấm thoắt đã được bốn tháng! Mới ngày nào con hùm con nâng nâng trên tay bà già Trong như quả bí, quả dưa nhỏ thế mà bây giờ đã bằng con chó nhớn. Hôm nào bà cụ ra bãi cuốc sắn, tra ngô, và Xin đi cày bừa, hay đi củi, bà cụ lại xích con hùm con dưới chân giường chỗ ông cụ ngồi.
- Hiền ơi! Hiền ở nhà đừng phá xích, đừng nhổng, đừng đùa với trẻ con đổ giường ông nhé.
Mặc bà già Trong chằng buộc kỹ lưỡng và căn dặn cả ông cụ nữa, bọn trẻ vẫn cởi dây, tháo xích con hùm con ra, đùa nghịch với nó. Chúng còn kéo con Hiền ra cả ngoài đường. Nhiều đứa lại sùy con Hiền chạy khắp cửa rừng, đuổi gà, đuổi chó với chúng. Chịu phép các tướng nhà giời này, bà già Trong đi đâu cũng phải gọi con Hiền theo. Cái Xin ở nhà bà cụ cũng không tin. Vì không những Xin mặc kệ bọn trẻ con cửa rừng tháo xích đùa nhổng với con hùm con, mà cả Xin cũng sùy cho nó chạy đuổi với trẻ con nữa.
Thành thử con Hiền lúc nào cũng quấn lấy chân bà già Trong. Bà cụ thổi cơm, nấu nước, luộc khoai, đãi gạo, đãi đỗ, xay bột, gói bánh hễ bà cụ ở dưới bếp thì con Hiền chầu ở bếp, bà cụ ra suối thì con Hiền theo ra suối. Bà cụ còn cho nó theo ra cả ngoài bãi, ngoài đồi. Bà cụ cuốc đất, nhặt cỏ, con Hiền chồm chỗm chực ở ngay luống bên cạnh. Nó càm những đá, những gộc cây bỏ ra đống. Nó bới cả đất, lắm lúc làm tung tóe lên, bà cụ Trong phải quát mắng nó mới thôi.
Khi bà cụ Trong bán hàng thì con Hiền nằm dưới chân chõng hay ngồi mép đầu vào đùi bà cụ. Người qua đường ai cũng phải đứng lại xem. Họ buồn cười thấy bà cụ Trong vuốt ve, đe nẹt và dạy con hùm các điều như với một đứa bé hay với một con chó vậy. Lúc thì bà cụ đập tay vào mõm nó mà mắng. Lúc thì bà cụ cầm chân, tẽ vuốt của nó ra mà dặn dò bảo ban. Con hùm con chăm chắm nhìn bà cụ một cách ngoan ngoãn, hể hả, nũng nịu. Nó liếm láp tay bà cụ. Nó cọ mình, túc đầu, quào quào vào đùi bà cụ. Nó cắn, nó vờn, nó giật thắt lưng, vạt áo, gấu quần bà cụ. Nó còn quẩng lên ngoạm vào tay, vào lưng bà cụ.
Bà già Trong lại đập tay vào mõm vào lưng con Hiền. Con Hiền lại vội vàng áp mặt vào bàn chân, vào đùi bà cụ mà rên gừ gừ hay phì phì thở, con mắt đương láo liên bỗng trở nên len lét van xin. Nhiều người cũng vuốt ve con Hiền rồi giơ cả thịt cả chim chóc để nó vờn nó cắn. Nhưng con Hiền chỉ nhìn bà cụ Trong như hỏi ý chứ không dám đùa nghịch với những người lạ nọ. Không biết bao nhiêu người hỏi mua con chó của bà cụ Trong. Có người cậy cục đổi cả ngựa. Có người hỏi bà cụ có muốn xây nhà ngói thì họ cũng xây cho. Có người ướm hỏi bà cụ có muốn về quê quán, họ sẽ chu tất cho cụ đủ tiền làm nhà ở, tiền may mặc sắm sửa và đi đường. Có người nằn nì nào mua, nào đổi không được đã ở lì nhà cụ hai, ba hôm quá như khách nợ, quá như bắt vạ.
Bà cụ Trong nghe ai hỏi, ai gặng nhời cũng chỉ cười, và cứ bảo con hùm con, vừa xoa vuốt đầu nó:
- Đấy! Mày mà hư thì tao cho mày về nhà các ông các bà ấy, nhờ các ông các bà ấy dạy mày, Hiền ạ!
*
Một mùa xuân nữa qua...
Cửa rừng Suối Cát lại ngày đêm oi ả nặng nề những sương lam chướng khí. Con Hiền ở nhà ông bà già Trong và Xin như thế sắp được hai năm. Nó không thể nằm dưới chân giường bà cụ được nữa. Không còn ổ nào bện vừa cho nó cả. Nó phải nằm ra đất, kềnh càng giữa lối đi xuống bếp. Chỗ này vừa có gió mát, vừa tha hồ nghênh ngó ra ngoài trời mây, rừng suối, vừa mặc sức mà gãi, mà oằn oài, mà thở mà ngáy! Trong khi ấy bà cụ Trong thêm một tuổi thì càng thấy yếu, thấy mỏi. Có hôm bà cụ nằm cả buổi trên giường, không ra bãi ra vườn, không thổi nấu, không bán hàng gì cả. Ông già Đông bưng cháo sang cho bà cụ, bảo:
- Bà ăn cháo đi, thằng Xin nó đi cày về để tôi thổi cơm, tôi chăm cả con Hiền cho.
- Tôi chỉ mỏi vài buổi, cố ăn uống lại khỏe thôi!
Mấy hôm liền, khi ông già Đông hay và bà con chung quanh kẻ đưa cơm, người đưa cháo sang cho bà già Trong và cho con Hiền, và cả khi Xin dọn cơm nhà ăn, thì con Hiền cũng chỉ nhón nhén mỗi bữa một ít. Nó nằm phục dưới chân giường bà cụ Trong, cho tới lúc nào bà cụ bảo nó đi chỗ khác nó mới đi. Nhưng nó không nằm ở cái lối xuống bếp, mà ra nhà ngoài ngồi gần chỗ chõng mọi ngày bà cụ vẫn ngồi bán hàng.
Không thấy bà cụ ở ngoài quán, nhiều khách qua đường véo von hỏi con hùm:
- Bà mày đâu hở Hiền?
Có người ghé vào hẳn nhà trong chỗ bà già Trong nằm mà gọi:
- Bà lão ốm hay sao mà nằm rên thế kia?
Bà già Trong phải lên tiếng:
- Giở giời tôi mỏi đấy thôi. Vài buổi nữa tôi dậy tôi lại gói bánh, còn thằng Xin nó lại đi lấy sim về bán cho các ông các bà.
Khách cứ ngồi nghỉ. Người bẻ chuối, người bổ dứa; người thổi to lửa cho nước chóng sôi và pha lấy chè uống. Có người chỉ uống nước nhưng cũng bỏ tiền vào cái thúng con ở đầu chõng. Ở đấy con Hiền nằm soài hai chân trước, đầu ghếch lên thành chõng, mắt lim dim, lỗ mũi nhấp nháy thở phì phì bên thúng tiền.
Bà già Trong nằm liệt như thế đến nửa tháng. Xin không đi rừng và có ngày không ra cả ngoài chạng nữa. Ông già Trong thì vẫn ngồi ở một góc giường. Giờ thì cái ông bụt ấy có vẻ khác. Dáng mặt ông cụ đăm đăm, nhiều lúc ông cụ thở mạnh một tiếng rồi chống tay đứng dậy, lần lần vào chỗ bà cụ nằm, ngồi xuống mép giường, bần thần. Ông già Đông thì luôn luôn ở bên nhà bà già Trong. Ông cụ nhặt nhạnh tiền khách ăn hàng và tiền bán cá, bán hoa quả của Xin buộc lại từng quan đem xếp vào cái hòm gian ở cuối giường bà già Trong. Mấy lần ông lão Đông định đưa tiền của mình cho bà con trong xóm mua thức ăn cho bà già Trong và mua thịt cho con Hiền nhưng chẳng ai cần tiền cả. Tiền cắt thuốc cho bà già Trong, bà con trong xóm và ông lão Đông cũng ứng. Thuốc Bắc cân về, người sắc, người bưng, tới khuya vẫn còn người nâng đỡ cho bà già Trong ăn uống.
Một buổi trưa, bà già Trong bỗng thấy tỉnh giấc. Bà cụ thấy tiếng ngựa thồ lộp bộp hí lên inh ỏi, và tiếng cười nói chuyện trò ran ran. Lại có cả tiếng gà gáy, vịt ngan quang quác trong lồng nữa. Lại phiên chợ! Bà cụ mở mắt nhìn ra thì thấy ngoài hàng tối mờ mờ, chõng ghế xếp lại một xó. Bà cụ hết sức trỗi dậy nhưng không sao được. Đầu bà cụ cứ nặng như đá. Mặt mày sa sầm. Trong ngực vừa nóng như có lửa vừa mệt không thở được.
Thấy tiếng ông già Trong động đậy và Xin sẽ sàng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, con Hiền vội nghểnh lên. Trước nó còn dụi dụi đầu vào thành giường sau nó vươn mình đứng hẳn dậy, day day mắt vào mép chăn của bà cụ.
- Kìa con Hiền mày làm gì thế?
Xin đập đập tay vào đầu con hùm. Thì ra bà cụ Trong, đã ruỗi cánh tay ra. Bà cụ vuốt vuốt trán con Hiền, vỗ vỗ vào cái miệng hơn hớn và cái mũi nhấp nháy thở phì phì của nó.
- Hiền ơi! Bà không sống được với con đâu! Bà thương con lắm! Bà chết thì con về rừng hay con cứ ở với ông, với thằng Xin, với ông lão Đông và các bạn của thằng Xin, hở Hiền?
Con Hiền lại áp mặt dụi dụi vào bàn tay bà cụ gầy khô và nhỏ quắt như chiếc chân gà. Xin nhìn vào mắt con Hiền thấy mắt nó lấp lánh một cách lạ. Cặp mắt con Hiền cứ trân trân nhìn lên gương mặt bà già Trong. Đến tối, ông lão Đông lại bưng cháo sang với mấy bà con. Bếp lửa vừa được chất thêm củi rực sáng lên ở nhà dưới, thì bà già Trong lại tỉnh. Bà cụ gọi mọi người:
- Tôi không còn được ở với các ông, các bà, các cụ ở cửa rừng nữa đâu! Lên đây, những lúc tắt lửa tối đèn, làm ăn với bà con ngót mười năm trời nay, tôi không có điều gì ân hận cả...
Ông già Trong quơ quơ tay để nắm lấy tay bà cụ. Bà cụ đón lấy bàn tay chồng và quay ra nhìn con Hiền:
- Hiền ơi! Ông con thì thiệt thòi cái mắt cái mũi, còn thằng anh Xin con tuy lớn người nhưng lộc ngà lộc ngộc, nên bà lo về phần con lắm. Bà có mệnh nào thì con lại càng phải ngoan nhé. Bà giao con lại cho ông lão Đông đấy, để ông lão Đông trông nom dạy bảo, giữ gìn cho. Con phải nghe ông lão nhé...
Mọi người đều bảo bà cụ đừng nghĩ vớ vẩn. Thần sắc bà cụ mấy hôm nay trông lại tỉnh táo lên rồi. Gặp thầy gặp thuốc, và cố ăn uống, bà cụ sẽ khỏi. Bà cụ lại làm ăn vui vẻ với bà con.
Bà già Trong lắng nghe. Giây lát sau, bà cụ đòi Xin đỡ mình dậy. Bà cụ bảo còn gói chè ướp sen mua ở dưới xuôi lên, bà cụ cất ở cái bị treo trên đầu giường, bà con đem pha cho bà cụ uống với. Ấm nước pha xong, bà cụ uống luôn hai chén mới chịu để Xin đặt nằm xuống. Bà cụ lại thiêm thiếp, mồ hôi trán lại vã ra lấm tấm. Nhưng hình như bà cụ chợp mắt để lấy lại sức vì sau đó, gương mặt bà cụ lại tươi tỉnh lạ thường.
- Bà con cứ ngồi đây uống trà với ông lão nhà tôi, với tôi... Xin ơi, con cho mẹ chén nước nữa nào!
Chén nước chè thơm thoang thoảng như một làn gió hồ sen xa đưa đến, vừa kể vào môi bà già Trong, và bà cụ vừa nhấp nhấp thì mỏ ác bà cụ giật giật. Miệng bà cụ nở một nụ cười. Nhưng nước mắt bà cụ giàn ra...
*
Người mẹ tha hương ấy tắt nghỉ!
Bà cụ Trong thế là phải bỏ những người và những cảnh bao năm tình sâu nghĩa thắm ở cửa rừng Suối Cát mà đi mãi mãi...
Buổi trưa hôm nhập quan tài bà cụ Trong, cũng nắng như hôm bà cụ ông cụ và anh Trong cùng bà con đến cửa rừng Suối Cát. Đỉnh Tam Đảo cũng từng mảng từng mảng nghi ngút trong mây trắng lóa. Rừng sâu lại xanh ngun ngút. Tiếng suối tiếng thác cũng sôi réo như những nồi hơi khổng lồ. Thỉnh thoảng tiếng nai hú lên. Những đồi cỏ gianh im lìm, hầm hập, văng vẳng tiếng chim “bắt cô trói cột”. Cửa rừng Suối Cát lại chỉ nghe âm âm tiếng suối vẳng bốc lên cùng khí núi và tiếng côn trùng rên rỉ.
Con Hiền nằm nép ở một góc nhà, chậu cơm thịt ông lão Đông đưa sang còn y nguyên. Tuy nằm thượt ra như thế nhưng nó vẫn nhìn ra giường bà cụ và cỗ áo quan ở giữa nhà. Nhà không đóng cửa mờ tối nữa; bàn thờ lại bày đẹp hơn, đủ cả vàng hương hoa nến. Khi những trai tráng ở bên nhà ông lão Đông chuyện xong, kéo nhau sang nhà bà cụ Trong, thì con Hiền liền nhỏm dậy, mắt long lên nhìn:
- Hiền ngoan nhé. Chúng tao mặc áo mới cho bà mày, đưa bà mày về quê đây.
Con Hiền cứ nằm lì, mõm ghếch lên giường bà cụ Trong. Xin với bọn bạn giai và ông lão Đông phải khiêng bà cụ qua đầu nó. Khi áo quan vừa mở nắp, những cánh tay gượng nhẹ đặt bà cụ vào trong, và khi có tiếng người òa lên khóc, thì con Hiền chồm lên mấy cái và gầm rít lên. Tiếng dùi đục đóng cá gỗ chan chát vừa dứt, bát cơm quả trứng chưa kịp đặt lên mặt ván thiên, con Hiền đã lách qua những người khâm liệm mà ghếch đầu ngoạm lấy cỗ ván, một chân cào cào, cậy cậy tấm ván thiên. Nó vừa cậy vừa rên rỉ kêu rít.
Mọi người sợ quá, ông lão Đông lại phải vỗ vỗ đầu con Hiền, vuốt ve nó:
- Hiền để yên cho bà mày ngủ nào! Bà mày lại khỏi, dậy ở với mày, thổi cơm nấu cháo cho mày, cho mày ra bãi ra suối...
Xế trưa xóm đưa bà cụ Trong ra đồng. Con Hiền cứ cuồng lên ở bên cạnh những người đào đất. Lúc hạ huyệt bà cụ, nó cứ chực nhảy bổ xuống theo. Bọn giai và mọi người đi đưa phải ùa vào lấp đất. Đất vừa lấp xong, con Hiền xông ngay vào, cào cào đất ra. Rồi luôn mấy ngày, nó cứ ra nằm phục dưới chân nấm mộ. Ông lão Đông lại phải dỗ dành nó về... Nhà bà cụ Trong hôm sau thì dọn lại, ông lão Đông xếp chõng ghế bán hàng vào mãi góc trong nhà. Giường bà cụ, ông lão dỡ đi. Phên liếp thì đóng gióng chặt. Mặc kệ, con Hiền cứ phá tung cửa vào nhà nằm ở chỗ cũ. Ông lão Đông phải vẩy thêm cái chái ở cạnh gian mình, trổ cửa và lắp gióng rất xinh, rất thoáng để con Hiền nằm.
- Hiền ơi! Ông làm nhà đẹp cho mày ở đây. Mày nằm đây mà coi cho cả nhà ông và nhà ông bà mày. Mày không được phá xích đi đâu cả. Bà mày sắp về với ông mày đấy. Bà mày về mà không thấy mày ở với tao, bà mày lại giận bỏ đi đấy!
Ông lão Đông lấy ra cái áo bông cộc của bà cụ Trong hôm đầu tiên ủ cho con Hiền; ông lại giơ giơ, vẫy vẫy cái áo lên đầu nó:
- Đây bà mày gửi áo về trước đây... Mày phải ăn cơm đi, ăn hết cơm đi, không bà mày cũng giận đấy!
Con Hiền vồ ngoạm ngay lấy tấm áo. Nó càng cuồng lên rống rít.
Con Hiền bỗng đi mất!
Hôm đó sắp đến ngày giỗ đầu bà cụ Trong, phường săn Suối Cát bảo nhau đi một chuyến xa để lấy thịt về làm cỗ cúng. Họ đi từ sáng sớm. Năm trai tráng gồm con trai ông cụ Đông, Xin, ba người săn giỏi nhất xóm có đủ giáo mác, súng hỏa mai, với ba anh em thằng chó Hiền. Thường thường, tà tà thì phường săn về. Hôm đó giờ đã tối mịt, người ở nhà càng trông mong càng không thấy. Về khuya lại nổi mưa bão. Sáng hôm sau cũng không thấy bóng ai. Đến mãi trưa, bọn săn về. Chỉ thấy hai con chó theo năm người về. Cả xóm đổ ra. Bọn trai tráng phờ phạc, buồn rũ. Anh con cụ Đông và Xin nói cứ ứ ứ trong cổ họng.
- Con Hiền bị lạc hay bị bẫy mất rồi!
- Con Hiền bị lạc rồi!
Không nhà nào còn thiết ăn uống. Đàn ông và trai tráng tức tốc chia nhau đi các ngả.
Hai ngày... bốn ngày... một tuần... cuối cùng, có người cho biết con hùm của họ vẫn còn sống nhưng bị người nhà quan châu bắt mất! Con Hiền mải đuổi mồi đã sa bẫy của người nhà quan châu. Tên này đã thả mồi lừa bọn săn Suối Cát và ba anh em thằng Hiền.
Hôm đi Suối Cát về, tên chột mắt người nhà quan châu đặt ngay bẫy ở mấy khu rừng có tiếng là nhiều hươu nai, lợn cỏ ở gần châu. Rồi nó làm ngay một cái chuồng đợi con Hiền sa bẫy. Con Hiền sập hố liền bị trói đưa về châu, nhốt vào chuồng ngay. Cái chuồng ở giữa vườn trong đồn. Lính tráng thay nhau ngày đêm canh giữ.
Ông lão Đông nghe con giai, nghe Xin và bọn trai tráng về kể xong thì giơ tay lên kêu giời rồi vò đầu dứt tóc cả ngày hôm ấy. Đêm hôm đó, ông cụ lại ngồi như pho tượng bên đống lửa, mắt nhiều lúc đỏ ngầu lên. Hôm sau, tờ mờ sáng ông lão cùng với Xin và anh Đông cơm nắm khăn gói ra đi, luồn rừng tắt đường đến châu. Ông lão Đông đi thì đi chứ biết rằng không thể nào, không cách gì lấy được con Hiền về. Thôi chỉ mong được nhìn thấy mặt nó, xem nó ra sao rồi về không cũng được. Khốn nạn! Nó không chết nhưng nó lại sa vào cái tay thằng uống máu người không biết tanh kia thì cũng như nó chết rồi! Mà ông lão Đông buồn nhớ quá cũng đến chết thôi.
Tới châu, cha con ông lão Đông và Xin chỉ mon men được gần đến cái chuồng. Quan đây có tiếng là nghiêm. Có việc vào châu đường còn khó, còn sợ nữa là đi cầu may. Nhất là lại vào tư thất của quan. Ông lão Đông đành nhìn những cổng cao, tường dày, lính tráng gươm giáo sừng sững tua sủa, mà gạt nước mắt quay về.
Trong khi nước mắt của người cha già giàn giụa thì nước mắt của anh Đông và của Xin cứ nuốt thấm xuống ruột, xuống gan. Và từ gan ruột anh Đông và Xin cứ như có lửa, có dầu cuộn lên:
- Bà con cửa rừng Suối Cát ơi! Không đời nào xóm Suối Cát chịu mất con Hiền đâu! Thằng Đông và thằng Xin này mà còn sống thì nhất định lấy bằng được con Hiền về ở với cửa rừng Suối Cát.
Anh Đông và Xin vừa đi vừa nức nở nói với mình như vậy. Hai người như nghe thấy những tiếng nói ấy dội ra cả rừng núi bên ngoài. Suối chảy thác băng cũng vang lên như bảo anh:
- Đông ơi! Xin ơi! Đó là lời nguyền của hai người! Rừng núi sẽ ghi lấy lời hai người...
*
Ngày hôm ấy, con Hiền như đánh thấy những hơi hướng người thân thiết của mình. Cứ mỗi làn gió Nam nổi lên, thổi qua chuồng, thì con Hiền lại lồng lên, gầm rít, cào đất, bổ giằng lấy những cột, những gióng ở chuồng.
Chuồng nhốt con Hiền là một cái hầm to. Gióng toàn cột gỗ lim. Cột nào cũng bằng cả thân cây cao gần mười thước. Những gióng nhỏ nhất cũng bằng bắp chân. Chốt thì bằng sắt, to như dao chẻ củi. Chung quanh chuồng lại còn một hàng rào tre đực vót nhọn, buộc đi chằng lại bằng mây, bằng gai đến con mèo cũng khó lách ra khỏi. Các thứ thịt ném vào chuồng: thịt gà, gan trâu, gan lợn... và cả một con chó con đập chết nữa.
Thấy con hùm bỗng phá dữ quá, viên châu cho thêm hai tay súng và bốn người cầm giáo mác canh giữ, Tên chột mắt còn thả bốn con chó săn ở phía ngoài hàng rào.
Buổi chiều, cha con ông lão Đông vừa đi khỏi thì tiếng gầm càng dữ dội. Mặt trời gần gác núi. Đằng Tây bầm bầm như đọng máu. Những ngọn núi như nhuộm phẩm lục ngoi lút giữa những vầng mây đen. Từng mảng rừng loang lổ bốc khói. Không phải khói! Đó là sương lam, chướng khí. Ở cánh rừng trên triền núi chạy về phía châu lị, người ta đốt nương. Lửa cuồn cuộn chồm lên cao, làm những đám mây đen lúc tím úa, lúc vàng bệch ra, lúc đỏ nhờ và vằn vèo những chớp. Tiếng nứa nổ rát cả góc trời.
Y như cảnh dân xóm rừng Suối Cát đốt bãi tra ngô mà con Hiền theo đi lúc bà cụ Trong còn sống, hay lúc theo anh Xin, anh Đông, theo các bạn trai tráng của cửa rừng. Y như cảnh buổi chiều ngày bà cụ Trong mất, con Hiền ra ngồi ngoài vườn dưới gốc cây mận nhìn vời vợi những triền núi, những cảnh rừng ở trước mắt, ở xa xa cho tới đêm khuya.
Con Hiền vừa nhìn ra cảnh trời mà gầm mà rít. Tiếng gầm tiếng rít dần dần bị đứt quãng giữa những tiếng thở hồng hộc. Đất đỏ mùi hôi xông lên mù mịt. Tất cả lính tráng và người nhà quan châu đều tay súng, giáo mác vây lấy khu vườn.
Cái chuồng sâu lút như hang núi và lù lù như một hầm ngục đã bị lay chuyển. Gỗ và chốt sắt nghiến vào nhau ken két, chào chạo, khói khét sì sì. Chỗ chân cột gỗ lắp gióng cửa, sỏi đất tung lên. Con Hiền vừa gầm vừa rít, vừa bổ chân vào gióng cửa mà cào tung nền đất.
Chợt mọi người rú lên. Có kẻ nhắm cả mắt lại, khí giới như sắp rụng rời khỏi tay.
Những toang cửa dần dần bật ra. Cái gióng to nhất đóng vào cột đã bị bửa rời khỏi cột. Cột thì xiêu xiêu lung lay, dưới chân cột bị đào sâu hoắm.
Con Hiền gầm lên một tiếng đắc thắng. Nó trườn mình ra khỏi cửa chuồng, gại gại vuốt xuống sỏi đất, rùng rùng bộ lông, nanh nhe ra, những làn hơi thở phì phì. Tất cả sức mạnh giam giữ nó chỉ còn cái hàng rào che nhọn cao quá đầu người kia. Cái hàng rào cuối cùng ngăn bước chân của nó với núi rừng và các hơi hướng thân thiết.
- Bắn; hễ nó xông ra khỏi hàng rào thì bắn!
Giờ chính viên châu đứng trước cung đường ra lệnh bắn. Ban nãy y chỉ cho phép hễ nó vỡ chuồng thì mọi người chỉ được lấy giáo mác đâm cản con hùm lại và chỉ được đâm nó què nó quỵ thôi.
Tiếng hô của viên châu vừa dứt, con Hiền như không phải chỉ có hai mắt chính mà mở thêm hai mắt nữa ở hai cái đốm nâu đen trên trán, quắc lên nhìn bọn quan lính. Nhưng nó không chồm và bờ rào, chỗ những khí giới tua tủa chĩa nhằm vào nó. Trái lại, nó bước thủng thẳng trở về chuồng. Mũi nó hếch lên nhấp nháy. Những xâu thịt, xâu gan và con chó đập chết ở lủng lẳng ngay trước mặt nó. Con Hiền hít hít những miếng mồi nọ.
Tên chột mắt người nhà quan châu thở phào một cái, cái miệng nó cười một nụ cười chưa bao giờ nó thấy vui sướng cảm động như thế. Hai chiếc răng nanh của nó nhe dài ra. Nó run cả người chờ đợi một sự bất ngờ sẽ đến.
Nhưng chỉ đến trước cái cửa toang và những gióng đã bật tung thì con Hiền quay ngoắt lại, và, phốc cái nó đã tót lên nóc chuồng.
Mặt trời vừa vụt xuống. Ráng chiều lại rực lên. Bốn con mắt của Hiền rừng rực đưa nhìn trời mây rừng núi như định lại phương hướng. Mắt nó nghển lên. Lại một luồng gió Nam rào qua. Hai lỗ mũi của nó phì phì như thổi bễ. Lại một tiếng gầm cất lên, rền hơn, to hơn, dõng dạc, tràn vang. Những nanh nhọn của con Hiền ngoáp lấy phía mặt trời lặn. Hàm răng của nó vừa khớp lại và tiếng gầm của nó còn chuyền dội, thì con Hiền đã từ nóc chuồng chồm qua hàng rào như bay bằng cánh.
Một mũi súng vội giơ lên.
Nhưng mồi thuốc chưa kịp nổ thì cả một gụm vuốt của con Hiền đã phả vào mặt người bắn. Đó là tên chột mắt với cây súng tốt nhất, báng súng khảm bạc và xà cù của viên châu giao cho. Với cái tài thiện xạ, nó đương chờ con hùm dại dột và hung hãn nọ không trở lại chuồng ăn uống mà lại phá rào, thì nó sẽ cho con hùm một phát đạn xuyên qua trán nổ bung sọ ra. Tên chột mắt không kịp kêu một tiếng, ngã gục quay xuống. Con mắt tinh quái còn lại của nó bật ra theo với một mảng mặt mất cả quai hàm. Máu tươi tóe ra. Mấy phát súng bắn đuổi theo. Mùi thuốc khét lẹt. Cả đàn chó lao theo sau con Hiền. Tiếng rú, tiếng kêu của lính tráng và viên quan châu thất thanh cuống cuồng.
*
Cha con ông lão Đông và Xin đi cả đêm hôm ấy trong rừng. Sáng tinh mơ, ba người về đến Suối Cát. Ba người đương líu ríu vì kẻ thăm người hỏi và mọi người đương vừa buồn vừa căm uất về chuyện con Hiền thì một bà cụ chạy vào, thở không được, gọi:
- Các cụ các ông các bà ơi! Con chó con của bà cụ Trong đã về rồi! Con Hiền nó về rồi!...
Mọi người choàng lên. Bà cụ trở ra ngoài ban mai mờ mờ. Rõ ràng con Hiền lại nằm phục bên nấm mộ bà cụ Trong; rõ ràng cái tán, cái mặt như có bốn con mắt của nó; rõ ràng các sống lưng cuồn cuộn lông vằn mượt của nó. Ông lão Đông nhìn sững giây phút rồi bật khóc lên mấy tiếng hô hô, ông ríu cả lưỡi vừa bổ ra cửa vừa reo lên:
- Hiền ơi! Mày hay là con chó nào đây?
Đúng con Hiền nằm phục bên nấm mộ bà cụ Trong chứ không phải là chiêm bao mơ hoảng.
Con Hiền soài hai chân trước, ấp một bên mặt vào nấm mộ như trước kia nó vẫn ấp chân bà cụ Trong những lúc bà cụ ngồi khâu hay lúc bà cụ dạy bảo, dặn dò, đe mắng nó xong... Mọi người xô đến lay đầu, lay mình, lay đùi nó. Mãi nó mới nghển lên, cái đầu nặng nề của nó vừa cất khỏi hai bàn chân thì hai bên mép nó sều dãi ra, và, từ cái vết thương ở trán nó lúc nó còn nhỏ, máu cứ như đổ ra. Anh Đông và Xin ôm xốc lấy con Hiền. Một vũng máu đọng lại ròng ròng ở một bên lườn nó rỏ xuống. Cả mấy trai tráng vẫn đi săn với con Hiền cùng đỡ lấy nó.
Con Hiền thở rền rền, bíu lấy vai lấy áo anh Đông và Xin. Anh Đông, Xin và bọn giai xé áo quần quấn hai vết thương của nó rồi lấy võng võng nó. Họ về nhà lấy nước rửa ráy và lấy thuốc lá rịt cho con Hiền xong rồi võng nó đi ngay. Xin, lưng cõng cụ già Trong, tay chống cái thuổng quay ngược lưỡi lên trông như cầm một thứ khí giới, đi theo võng con Hiền. Anh Đông quẩu quần áo và đem hai con chó săn đi trước mở đường...
... Hai ngày sau, khi đêm khuya đến, cả xóm cửa rừng Suối Cát gồng gánh cày bừa, dắt trâu bò đi nốt. Họ đi khỏi thì sáng rõ, người ngựa lại rầm rập từ trên châu kéo đến. Lần này thêm không biết bao nhiêu súng ống, giáo mác. Tất cả lính tráng của châu và tất cả tuần dõng của các làng đều kéo đến. Người reo, ngựa hí, chó sủa, gươm giáo loảng xoảng vây kín cửa rừng.
Nhưng xóm Suối Cát không còn một ai. Nhà ở, cái thì sập nát, cái đốt cháy trụi. Những đống củi hãy còn âm ỉ cháy, rỉ rỉ khói. Đồ đạc không đốt thì cũng bẻ, cũng đập, cũng chặt hết. Không còn một cái ghế con, một cái niêu đất lành, một chiếc bát mẻ.
Bọn lính tráng, phu dõng xục cả vào những làng xung quanh bắt người hỏi. Nhưng không ai nói dân Suối Cát đi đâu. Không biết! Không biết! Ai cũng chỉ có câu ấy.
Dân xóm Suối Cát đi đâu?
Rừng núi của đất nước tổ tiên biết bao nhiêu phương đi, bao nhiêu chỗ trú!
Họ lại đến một nơi xa khác. Họ lại bắt hoang dại biến thành đất sống. Họ lại bắt rừng sâu, lũng hiểm thành ruộng bãi thôn xóm. Ở đấy, mồ hôi họ lại chảy ra và sẽ lại làm nên cơm áo. Ở đấy, họ lại càng thương yêu, đùm bọc nhau.
Họ bỏ Suối Cát ra đi cũng như tất cả những thôn xóm đã có với nhau những khoán ước, những lời nguyền cha truyền con nối, hoạn nạn không rời nhau, không bao giờ chịu hèn chịu nhục, không bao giờ chịu những sự bất công nô lệ...
Yên Thế, tháng 5 năm 1960 - tháng 2 năm 1963