Vườn thú Đồng Muối rất gần nhà tôi, khi tôi bắt đầu đến đó để tập vẽ những con vật thì nó đã là một vườn thú chỉ còn cái danh suông. Không biết vì lý do gì, vườn thú chỉ đem lại cho người ta một ấn tượng vô cùng hoang lạnh: dưới mấy gốc cây cổ thụ gần chết khô không có động vật nào cả, mà chỉ còn những chuồng thú trống hơ trống hoác, gần như tất cả những chuồng thú đều đã hoen rỉ và tàn tạ. Những cư dân còn lại của vườn thú chỉ có một đàn gà lôi, một con hươu con và hai con khỉ, thế thôi.
Hai con khỉ may mắn còn sót lại, một con già, một con non, con khỉ con có lúc đột nhiên nhảy lên lưng con khỉ già, mỗi lúc như vậy con khỉ già lại đưa cánh tay dài lên gãi gãi mấy cái vào bụng con khỉ con. Tôi đoán chừng chúng là hai bố con. Điều đáng nói nhất là mắt của con khỉ nâu già ấy: trong hai con mắt của nó có một bên mắt bị chột. Con khỉ chột mắt như thế khiến bài tập vẽ tả thực động vật của tôi gặp khó khăn, tôi không biết vẽ con mắt chột của con khỉ ấy thế nào. Do dự hồi lâu, tôi đành bỏ trống chỗ vị trí con mắt ấy của nó trên giấy.
Thầy giáo dạy vẽ phê bình bài tập vẽ tả thực động vật ấy của tôi. Thầy bảo hai con khỉ tôi vẽ cứng nhắc quá, rồi chỉ vào con khỉ già tôi vẽ, hỏi làm sao lại chỉ vẽ có một con mắt? Còn một con mắt nữa đâu? Tôi nói, con mắt kia của nó bị chột rồi, em không vẽ ra được.
Đôi mày rậm của thầy dạy vẽ chợt dướn lên: “Em nói, đó là một con khỉ chột? - Rồi ông vỗ đùi bảo – Đó chẳng phải là một tư liệu tốt nhất để vẽ tả thực ư? Em nhất định phải vẽ ra được con mắt ấy. Em luôn luôn không nắm bắt được thần thái của động vật! Tiếp tục đi vẽ con khỉ một mắt ấy, vẽ cho ra được con mắt còn lại của nó. Vẽ được nó, là có thể ra thần thái của con khỉ ngay đấy.”
Có lẽ do tôi đần độn, nên trước sau vẫn không rõ cái thần thái mà thầy giáo nói là cái gì, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi bắt giữ thần thái của con khỉ, vì thế một tuần sau tôi lại đến vườn thú của khu đồng muối.
![]() |
Ảnh minh họa: Freepik. |
Đúng vào hôm đó, tôi đã không hẹn mà gặp một giáo viên dạy sinh vật ở trường. Ông bảo: “Không ngờ cậu lại đến vẽ ở đây, đây là lần đầu tiên tôi gặp người quen ở đây đấy.” Tôi hỏi ông ấy đến đây có việc gì, ông cười hơi có vẻ bí mật rồi nói: “Đến xem động vật, cậu biết đấy, tôi rất có hứng thú với động vật mà.” Tôi bảo, muốn xem động vật thì phải lên vườn thú trên thành phố, đó mới thật sự là nơi để xem các con vật. Giáo viên sinh vật lắc lắc đầu, đưa tay chỉ về phía ngôi nhà nhỏ xây gạch đỏ của nhân viên chăm sóc vườn thú bảo: “Tôi với bác Trương là người quen cũ, tôi thường đến đây chơi nói chuyện phiếm với bác ấy.”
Giáo viên sinh vật nói: “Cậu nhìn thấy con mắt chột của con khỉ già kia chứ? Đó là năm năm trước nó bị một gã say rượu dùng que sắt chọc mù đấy. Hắn ta một tay cầm quả chuối, một tay kia cầm cái que sắt giấu ra sau lưng. Trên đời này lại có loại người như thế, chúng không yêu động vật. Không yêu thì cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng chúng rốt lại có những việc làm tàn bạo với động vật như thế.”
Giáo viên sinh vật lại nói: “Tôi yêu động vật, tôi yêu tất cả mọi động vật, dẫu cho là con khỉ chột mất một mắt chỉ còn một mắt này. Tất nhiên chột mắt là điều đáng tiếc, giả như nó ở trong tay tôi thì tôi sẽ biến nó trở nên đẹp đẽ hơn một chút, hoàn hảo hơn một chút.”
Tôi với ông giáo viên sinh vật vốn chỉ là quen biết xã giao, nhưng từ sau khi có cuộc gặp gỡ ở vườn thú khu đồng muối thì quan hệ giữa chúng tôi đã trở nên thân mật hơn nhiều. Giáo viên sinh vật nhiệt tình mời tôi đến tham quan phòng trưng bày tiêu bản của ông ấy, tôi bèn theo ông ta đến gian nhà nhỏ nằm trong khu vực xưởng làm việc của trường.
Vừa bước vào phòng tôi lập tức nhìn thấy ngay một con chim trĩ rất đẹp. Nó được cố định trên một cây cọc gỗ, rõ ràng nó đã được mổ bụng lột da, xử lý chống thối rữa xong xuôi. Tôi trông con chim trĩ sống động y như còn sống, nhưng trên lông nó vẫn còn dính dấu máu và dung dịch thuốc. “Thực ra, tiêu bản về loài chim của tôi cũng đã nhiều rồi – ông giáo viên sinh vật chuyển tiêu bản con chim trĩ đến vị trí giữa một con cú mèo và một con đà điểu, thản nhiên nói – Việc tôi muốn làm nhất lúc này là tiêu bản động vật linh trưởng.”
Tôi không để ý lắm đến lời nói của ông giáo viên sinh vật, có thể nói là tôi không thích ứng với không khí trong gian nhà nhỏ này cho lắm, tôi cảm thấy rất nhiều chim, rất nhiều mèo, và còn rất nhiều những động vật mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ đang cùng mở to đôi mắt chằm chằm nhìn tôi. Vì trạng thái im lìm của chúng cùng những tia sáng trong phòng, nên nhìn qua mỗi con vật đều hiền từ thư thái khác thường, nhưng tôi lại ngửi thấy trong không khí có một mùi tanh chua khó có thể miêu tả, nó làm cho tôi khó có thể kiên trì xem hết mọi loại tiêu bản được trưng bày trong đó. Trong khi tôi tìm một lý do rồi vội vã lui khỏi căn nhà nhỏ, giáo viên sinh vật vẫn say mê ngắm nghía những tiêu bản của ông ta, tôi nghe thấy tiếng ông ta đang lẩm bẩm tự nói một mình ở phía trong: “Thật kỳ lạ, bọn họ làm sao lại không yêu động vật nhỉ?”
Lần thứ hai tôi gặp giáo viên sinh vật ở vườn thú khu đồng muối là vào buổi sáng một ngày chủ nhật. Hôm ấy trời đổ mưa phùn mờ mịt, tôi phát hiện ra trong chuồng khỉ, dưới làn mưa bụi, cha con con khỉ nâu đã thể hiện một thứ tình cảm thương yêu khiến người ta phải ngạc nhiên. Con khỉ con được con khỉ bố ôm chặt trong lòng để tránh mưa. Khi con khỉ già toàn thân ướt đẫm đưa bàn tay lên trước trán để ngó lên nhìn những sợi mưa trên không trung, tôi bỗng nhiên cảm thấy trong con mắt duy nhất còn lại của nó chất chứa đầy một nỗi lo buồn. Tôi mang theo tâm tình đang dâng tràn trong dạ, vẽ ngay lấy thần thái đang ngẩng đầu trông mưa của nó. Cũng vào chính lúc ấy, tôi nghe thấy từ trong phòng của nhân viên chăm sóc vườn thú vẳng lại tiếng cãi nhau của hai người đàn ông, tiếng cãi cọ lúc to lúc nhỏ, tôi không nghe rõ nội dung cụ thể, nhưng tôi nhận ra được một người trong số họ chính là ông giáo viên sinh vật trường tôi.
Cơn mưa càng lúc càng lớn khiến việc vẽ tả thực của tôi bị gián đoạn, tôi vốn định chạy đến căn nhà nhỏ của người chăm sóc vườn thú để tránh mưa một lúc, nhưng nghĩ đến chuyện làm như vậy có thể gây ra nhiều điều bất tiện cho họ, nên đành chạy đến dưới cái mái che bằng gỗ ván thâm thấp ở gần chuồng hươu.
Mưa vừa tạnh, tôi đang định rời đi, vì giấy vẽ tôi mang theo đến đã bị mưa ướt sạch rồi, không thể vẽ tiếp được nữa. Sau cơn mưa, vườn thú khu đồng muối càng lộ rõ vẻ hoang lương lạnh lẽo, trừ tiếng những giọt mưa còn đọng trên những cành cây khô rơi xuống đất, thì xung quanh đều tĩnh lặng như tờ.
Tôi đã đẩy xe đạp ra rồi, nhưng đúng vào lúc đó, tôi nghe thấy từ chỗ chuồng khỉ vọng lại một âm thanh như tiếng trẻ con kêu khóc vô cùng kỳ quái. Lúc đầu tôi không biết đó là tiếng khóc của khỉ, tôi chỉ cảm thấy thứ âm thanh ấy vô cùng thê lương, vô cùng rùng rợn, thế là tôi liền nhảy lên xe phóng nhanh đến chỗ chuồng khỉ. Có lẽ bạn cũng đã đoán được chuyện gì rồi, trong chuồng khỉ mà tôi nhìn thấy lúc này chỉ còn lại một mình con khỉ nâu con ấy, chỉ mới cách có một tiếng đồng hồ, chỉ mới cách có một trận mưa, mà con khỉ nâu chột mất một mắt phải ấy đã biến mất rồi! Tôi nhìn thấy con khỉ con dùng hay tay nắm chặt lưới sắt nhìn về phía mình, giống hệt như một đứa trẻ đang quay sang nhìn tôi mà khóc lóc, tôi trông thấy rất rõ ràng, trên khuôn mặt phớt màu phấn hồng của nó dàn dụa nước mắt. Không phải nước mưa, mà chính là nước mắt! Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi nhìn thấy nước mắt của một con khỉ, cũng long lanh trong vắt, giống y như nước mắt của con người.
Tôi nhất thời đứng lặng đi tại chỗ, trong lòng dâng đầy một cảm giác đau đớn và chua xót. Nhưng tôi không biết phải làm gì với con khỉ nâu nhỏ ấy, tôi tìm lục trong túi được một hạt lạc ướt nước, từ ngoài lưới sắt đưa dỗ con khỉ nhỏ, nhưng nó vừa nuốt liền nôn ra ngay. Tôi vẫn luôn cho là vì nó đang run rẩy, bây giờ mới hiểu được rằng cái run rẩy ấy chính là tiếng khóc không lời của khỉ.
Tôi từng lén đến bên ngoài phòng tiêu bản của ông giáo viên sinh vật để ngó xem con khỉ nâu ấy, nói đúng ra thì tôi có thể không cần phải che dấu lén lút như thế, chỉ cần bạn có hứng thú nhất định với động vật, thì ông giáo viên sinh vật luôn vui lòng mở rộng cửa phòng tiêu bản mời bạn vào xem, nhưng dường như tôi thấy sợ hãi khi đối diện trực tiếp với con khỉ nâu ấy, nên cuối cùng đã lựa chọn một buổi trưa yên tĩnh trèo lên cửa sổ căn phòng nhỏ đó.
Tôi trông thấy con khỉ nâu ngồi xổm trên một chiếc bàn học, điều khiến tôi kinh ngạc là bây giờ chẳng những nó sạch sẽ, an lành, mà con mắt chột làm thành điểm đặc biệt của nó cũng đã “lột xác”, biến thành một con mắt sáng ngời không chê vào đâu được, con khỉ nâu chột mắt mà tôi quen thuộc ấy bây giờ đã có đầy đủ một đôi mắt hoàn hảo.
Thầy giáo dạy vẽ của tôi lúc nào cũng yêu cầu tôi phải đi nắm bắt bằng được cái thần thái của động vật, nhưng tôi cho rằng thần thái của động vật là ở nước mắt của chúng. Tôi đã cố gắng nhiều năm, nhưng vẫn chưa vẽ được ra thứ nước mắt ấy, cuối cùng đành không theo việc vẽ nữa. Vườn thú Đồng Muối nằm trong khu công nghiệp ấy, về sau tôi không còn ghé qua lần nào nữa, qua thì cũng chẳng sao, nhưng tôi đoán rằng có lẽ nó là cái vườn thú hoang lạnh nhất trên thế giới!
Tô Đồng
Châu Hải Đường dịch
Giới thiệu Tác giả Tô Đồng: Tô Đồng, vốn tên Đồng Trung Quý, sinh năm 1963 tại thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, là nhà văn đương đại Trung Quốc, đại biểu của phái Tiên phong. Năm 1980 Tô Đồng thi đậu vào khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, năm 1983 bắt đầu có tác phẩm ra mắt. Năm 1985 ông xuất bản tiểu thuyết “Cuộc đào vong năm 1934”, năm 1988 xuất bản tiểu thuyết “Thê thiếp thành quần” – tiểu thuyết sau đó đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” nổi tiếng. Năm 2009, ông xuất bản trường thiên tiểu thuyết “Hà ngạn”, và giành được Giải thưởng Văn học Châu Á MAN (Man Asian Literary Prize). Năm 2013, Tô Đồng xuất bản trường thiên tiểu thuyết “Hoàng tước ký” - bộ tiểu thuyết đã giúp ông giành Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 9 năm 2015. Ngoài ra ông còn từng giành nhiều giải thưởng văn học với nhiều thể tài tác phẩm khác. Hiện Tô Đồng là Phó chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Giang Tô, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của Tô Đồng đã được dịch ra các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý … Ở Việt Nam, đã có xuất bản tác phẩm “Thê thiếp thành quần” (tên Việt: Đèn lồng đỏ treo cao cao – Hoài Vũ dịch, và Đèn lồng đỏ treo cao – Nguyễn Vạn Lý dịch), “Hà Ngạn” (tên Việt: “Con thuyền không bến đỗ” – Lê Thanh Dũng dịch). |