Người đàn ông đẩy cánh cổng tre, dìu thằng bé vào, bước chân rậm rịch nện xuống mảnh sân gạch cũ, Hồng tất tả theo sau. “Mở cửa cho bố!” Hai cái đầu trẻ con ló ra sau cánh cửa gỗ vừa cọt kẹt mở, cây nến cháy leo lét trên tay tụi nhỏ. “Châm thêm cây nến nữa, điện với chả đóm, tự dưng lại mất.” Cậu con trai tất tả làm theo lệnh bố, cô con gái lôi chiếc thau nhỡ từ dưới gầm giường pha nước, đoạn cô bé nhón chân bước lên cái ghế gỗ con với khăn mặt treo lủng lẳng ở dây mắc màn. Giọng người đàn ông lại hối thúc: “Con mau ra vườn hái nắm nhọ nhồi, thứ đó cầm máu nhanh. Bọn chúng đang ngứa sừng, bởi có đứa con gái xinh nhất làng thằng nào cũng thích nên hễ có trai lạ bén mảng tới là chúng gây sự.”
![]() |
Minh họa Lê Thiết Cương |
Hồng ngẩng lên, mắt trân trối. “Anh Chúc phải không?” Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt Hồng. “Em…” Giọng Hồng ứ lại.
Gần hai mươi năm trôi qua, thời gian đã phủ bụi kí ức. “Hồng? Em Hồng phải không?” “Vâng, em Hồng đây!” “Đúng Hồng rồi. Em đã đi đâu, làm gì, gia đình ta thế nào rồi? Cậu này là con trai em ư?” Bàn tay Chúc cứng, khô, nắm chặt tay Hồng.
*
Hai đứa trẻ ăn cơm, mắt chúng như có sao, lấp lánh. Còn mặt anh Chúc vảng vất đám mây mù. “Thông cảm, cơm nhà quê đạm bạc, em ăn tự nhiên, anh đang bắc bếp nấu cho cháu bát cháo.” Hồng cảm thấy có lỗi. Lỗi ở cái sự bất ngờ gặp gỡ lúc trời đã ập tối khiến cho anh vào hoàn cảnh khó xử. Con ăn xong, anh giục hai đứa vào bàn học. Cô bé con, chưa học được mấy bài đã díp mắt gục xuống bàn. Hình như đứa trẻ nào cũng thiếu ngủ. Ngày đi học, Hồng cũng hay ngủ gật, nhất là vào những đêm trăng thanh, gió nam hây hẩy như này. Bữa ấy, bị chị Nhài đập mạnh cái quạt nan vào lưng, Hồng mới dụi mắt tỉnh dậy. “Trăng đẹp thế kia mà ngủ gật có chán không kìa!” Cả khung cửa sổ trăng tràn vào lai láng. Cành bưởi la sát khung cửa rủ mấy chùm quả nhi nhau, gió mang hương ngan ngát quện trong ánh trăng phả khắp không gian. Trăng rơi trên từng phiến lá, trăng tãi trên mặt ao, vài chú đom đóm rẽ nước bay lên chấp chới. Trăng mười sáu đẹp như chị Nhài đang tựa bên khung cửa sổ chải mớ tóc dài đen tuyền đổ như thác trước cái khuôn ngực mẩy chắc như trái bưởi chua tháng bảy. Chị kéo tay Hồng, giục ra bờ sông hóng mát ngắm trăng, mấy quyển vở xô lệch trên bàn xô hàng chữ nghiêng vẹo vào lòng Hồng. Hồng lần chần: “Nhưng mà em chưa học xong.” “Không bao giờ có thể học xong cả, còn trăng thì chẳng đợi ai đâu!”
Sân gạch non rêu phong bong bảy láng đầy ánh trăng, Hồng theo bước chị chạy theo trăng. Hai chị em đi tắt qua cái cống tiêu nước, mấy bụi chuối nhà bác Thộ trồng men theo đường cống lật phật tàu lá ưỡn ra hứng trăng. Rỉ rả tiếng chú dế ngân nga dưới đám cỏ gà lan khắp bờ đê ngóc những nhánh lá li ti nhọn hắt treo sương đêm lóng lánh như treo ngàn giọt trăng. Sau hai trận mưa rào đầu mùa đến sớm, nước dâng lên cao, con sông trắng ngẫn lao xao sóng trăng, lác đác vài khóm bèo tây tách bè phía đầm Ấu phình ra chỗ gốc gạo, đang dập dềnh đuổi theo bóng trăng trôi ra hướng sông Cái. Vừa qua tháng ba, những bông hoa gạo nằm phơi mình trên đám cỏ gà lắng nghe tiếng lửa còn sót lại âm ỉ trong mình. Cây đa trồng sau bể hút trạm bơm cũng chĩa những búp đỏ nhọn hắt ngón tay lên trời reo reo, những chiếc rễ rơi thẫm nâu được trăng nhuộm mềm như tóc. Bọn con gái trong xóm đang tụm lại đoạn đê gần cống sau, đúng chỗ trăng sáng nhất, khoảng giữa hai vòm đa, gạo, nhí nháu chuyện. Trên cống Gạo, mấy bóng con trai lảng vảng, chốc lại hóng ra chỗ bọn con gái, ngấp nghến.
Bỗng có tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng kêu la, tiếng văng vật của xe đạp. “Đánh nhau bà con ơi.” Mấy thằng con trai tụ bên gốc gạo thét lên. Bọn con gái bật dậy nhớn nháo. Hồng định te tái theo thì chị Nhài kéo tay lại: “Bố dặn con gái thấy đám đánh nhau phải tránh xa.” Tiếng chân rầm rập, tiếng côn vun vút trong gió, tiếng gộc quật vào thành cống uy hiếp, bóng người tụm lại rồi lại tản ra. Chị Nhài nắm tay Hồng chạy tắt qua vườn chuối. Tàu lá chuối phần phật phả sương vào mặt hai chị em, những tiếng chân người chạy rình rịch trên đường gạch vọng lại. Hồng vừa gọi, mẹ ra mở cửa, chợt một bóng người thất thểu chạy xuyên bụi chuối, tới trước cửa nhà Hồng thì rục xuống như chuối bị phạt ngang thân, tiếng kêu cứu thều thào đứt quãng. Sau giây ngỡ ngàng, mẹ giục, mau, đưa cậu ta vào trong nhà. Ngoài kia, cống Gạo vẫn váng lên, người ta hò hét bắt giữ, tiếng chân bỏ chạy.
![]() |
Minh họa. Nguồn: Internet |
*
“Thằng Ngời phiêu bạt ra tận bến cảng bốc vác thuê, thằng em thì vào bóc lịch trong tù. Công an bắt khi nó đang vận chuyển ma túy. Ông Bịch đã sang tiểu sành, lúc mất chẳng có thằng con nào ở nhà.” Anh Chúc kể. “Em không thấy trạm bơm đâu, cả cây đa búp đỏ, may mà còn cái cống Gạo.” Tiếng anh Chúc thở dài như cái đêm trăng hôm ấy, anh Chúc ngồi bên Hồng hỏi dò về chị Nhài: “Mấy cánh đồng xung quanh đây đã chẳng còn thì trạm bơm để làm gì hả em? Người ta đã dỡ đi, đang san lấp, sẽ mở con đường mới. Đâu định mở điểm du lịch sinh thái, câu cá, chơi sông, ngắm sen. Chỗ đồi thông giữa sông mấy năm lại đây hút về bao nhiêu là chim. Giờ bán cho người ta, lũ trẻ muốn qua đó bơi lặn cũng không được.” Trên tường, bóng anh Chúc két thành một khối đen xụ. Mùi cháo anh nấu thơm như nồi cháo chị Nhài nấu cho Hải sớm ấy.
Lúc tỉnh giấc bởi tiếng gà gáy le te, Hồng rón rén đi qua cái giường của bố, khẽ liếc vào trong màn thấy người con trai đã nghiêng mặt vào trong tường vẫn còn thiếp đi. Xuống bếp, thấy má chị Nhài đã chín nựng vì lửa rơm. Chị Nhài đang nấu cháo cho anh chàng bị đánh đêm qua đang tá túc nhà Hồng. Khi có tiếng mấy đứa bạn gọi ơi ới ngoài cổng, Hồng vội dắt xe đi học. Chuyện dọc đường nhí nháu. “Hôm qua, con Hồng sợ chết, không ra cống Gạo mà xem đánh nhau, bọn thằng Ngời dùng côn đánh con người ta chí chết, bị bắt lên xã rồi, nó khai thích cái Nhài, thằng nào tới là táng.” “Thằng điên, chị Nhài tao mà đi thích nó à?” Nhìn Hồng bĩu môi, lũ bạn tủm tỉm cười. “Thằng bị đánh nghe đâu con nhà đại gia, máu mặt, rủ một thằng bạn thân cũng hàng công tử nhà đại gia cưỡi con Dream nghênh ngang về làng Dài chơi thăm người bà con, qua cống Gạo gặp ngay bọn trai làng Ngói, thế là dính đòn.” “Thằng ấy bị đánh gãy ba cái răng, hộc máu mồm, không ngờ là cháu họ ông Lanh trưởng thôn, còn bạn nó, không biết chạy vào nhà ai tránh trú.” Hồng định kể về Hải, nhưng lại thôi, chưa biết thế nào thì chớ bép xép, mẹ đã dặn trước khi vào nhà bác Lanh để trình báo sự việc.
Đi học về đến nhà, thấy trước ngõ đã có một chiếc xe ô tô đỏ chót án ngữ ở cổng, Hồng lén đi vòng ra nhà ngang, vào lối cửa sau, nhìn thấy chị Nhài đang rửa chân sau cầu ao. “Bố mẹ Hải lên đón về.” Tiếng mẹ gọi chị Nhài lên nhà. Hồng nép sau cánh cửa nhòm vào. Ông bố đỡ Hải đi ra. Mặt Hải sưng vù lên, song vẫn phảng phất nét bảnh trai con nhà giàu bởi mũi cao và đôi mắt một mí. Hồng thấy chị Nhài đỏ mặt cúi xuống vân vê tà áo khi Hải đi ngang qua, lúc này, trông chị xinh đẹp lạ thường. Chị là con gái ngoan của bố mẹ, vừa học xong sơ cấp bơm điện, mẹ xin nghỉ hưu sớm cho chị vào thế chân. Chị Nhài đã hết hợp đồng sáu tháng vừa được kí hợp đồng dài hạn mà mẹ vẫn không yên tâm. Mỗi khi chị Nhài chạy máy dưới trạm B thường giục Hồng xuống dưới đó ngủ cùng. Bố vẫn chăm đàn vịt cùng với hai con bò. Những chiều nghỉ học, Hồng xắn quần tới bẹn chạy đuổi vịt theo bố khắp đồng xa đồng gần. Nhớ lần Hồng lùa đàn vịt xuống tận đồng Am, đồng rộng, nhiều đầm, vịt xé đàn tứ toác. Gần trưa, đếm thấy thiếu cả hai chục con, Hồng chỉ biết đứng chôn chân giữa đồng mà rấm rứt khóc. Trời phả nóng xuống, nước hấp nóng lên, nghĩ rằng lạc mất hai chục con vịt thì dù ăn mấy cái roi mây lằn mông cũng phải về trình bố. Đến đầu mương đồng Am, chỗ đầm sen lá xanh ngút ngát, chợt thấy anh Chúc trồi lên trong đám lá sen xanh, tay anh cầm mấy khúc củ sen trắng ngẫn, vẫy Hồng lại. Khúc sen ngọt mát trong bụng nhưng cũng không thể xua tan nỗi buồn. “Tưởng gì, chắc mấy con giời xé đàn lao xuống chân ruộng trũng sau đầm sen rồi, chỗ ấy có ruộng lúa tám thơm mới gặt. Để anh.” Hồng chưa kịp mỏi mắt thì có tiếng lũ vịt tớn tác bơi đến, có con xé mặt nước bay chấp chới đoạn rồi lại rơi tõm xuống kêu quàng quạc, anh Chúc lội tòm tõm phía sau, trên tay cầm bó hoa sen hồng chúm chím như má con gái. Hồng bẽn lẽn khi anh Chúc dúi bó hoa sen vào tay. “Em mang về cho chị Nhài nhá!”
Một bận, anh Chúc đi móc cua, gặp Hồng lùa vịt trên đồng, hỏi vu vơ: “Có phải tay Hải lại đến nhà em chơi với chị Nhài không?” Hồng hồn nhiên gật đầu. Mặt anh Chúc tái dại, tấm lưng anh ướt đẫm mồ hôi, đôi vai vồng lên lúc đi ngang qua Hồng chiều ấy đã ám ảnh Hồng vào trong giấc ngủ. Lúc Hồng choàng tỉnh dậy giữa đêm thì thấy bụng lấm dấm mồ hôi, nóng hôi hổi, có một nỗi rạo rực đang rò rỉ trong giấc mơ thảng thốt vừa vụt qua Hồng. Cảm giác vẫn còn ở lại cho đến tận trưa hôm sau, lúc đang trèo lên cây ổi sau trạm bơm chợt bắt gặp anh Chúc mang quần áo ra cầu ao giặt, Hồng đỏ tấy mặt tụt vội xuống lủi vào trong trạm với chị, tiếng máy bơm vẫn rình rình chạy át đi tiếng trống ngực Hồng đập thình thịch.
Từ bữa đó, Hồng ngại gặp anh Chúc nhưng Hồng lại hay vẩn vơ nghĩ về anh.
*
“Đận ấy, gia đình em dọn đi, xóm quạnh bao nhiêu…” Anh Chúc lầm rầm chuyện. Lũ trẻ đã ngủ hết. “Chị nhà đâu anh?” Tiếng gầu thả xuống giếng đánh tõm. “Vợ chồng anh cấy hái, chăn vịt, đấu thầu cái đầm thả cá. Rồi nước các công ty thải ra, đầm cá thả toàn lỗ, người ta đến gạ, thế là bán tháo hợp đồng. Cô ấy đi công ty. Sau công ty hết việc, cô ấy theo chị theo em xin đi Đài làm ô sin, đã năm năm nay chưa về.” Anh Chúc thở dài: “Em vào nghỉ đi, anh nhảo qua cái vó bè.” Đêm yên tĩnh, chỉ nghe tiếng thở đều đều của tụi trẻ. Nỗi nhớ đưa Hồng về cái đêm chỉ có hai chị em ở nhà, khi bố mẹ về quê ăn cưới. Lần đầu tiên Hồng biết thế nào là học xong không ngủ được khi trong bàn thồi có hai người ngồi nhìn nhau và lầm rầm những câu gây sự âm u choán đầy cả gian nhà, choán cả lên cái đầu vốn đang lùng nhùng của Hồng, Hồng đành đứng dậy lẻn qua bụi chuối ra bờ sông. Trăng đầu tháng chênh chao, đỏng đảnh, đám cỏ gà triền sông ướt sương, cây gạo đã xanh om vòm lá. Anh em Ngời đã ba lô lên đường nhập đội thợ hồ. Cống Gạo đêm xuống trở lại vẻ tĩnh lặng. Làng vừa mới mắc điện lưới, không còn mấy ai ra bờ sông hóng mát nữa.
“Anh ta lại đến à?” Hồng giật thót. Anh Chúc như chui ra từ mấy cái rễ đa. Trên trời, vài đám mây mờ vụn kéo đến trùm cả trăng. “Anh ấy đến, mang tặng chị Nhài một bông hoa hồng nhung rất đẹp.” “Chị Nhài nhận chứ?” “Vâng. Mà anh cũng thích chị Nhài sao?” Anh Chúc tránh câu trả lời, cúi nhìn hai bàn tay thô ráp phảng mùi bùn đất. “Người ta như thế kia…” Hồng ôm đầu gối ngửa mặt trông trăng, trăng còn đợi ai mà đi lấp vào đám mây run rẩy. Anh Chúc yêu chị Nhài nhưng anh thì không hề biết rằng một tình yêu chưa kịp nhú đã lụi tàn trong trái tim của đứa con gái mười sáu tuổi trong cái đêm trăng thổn thức này. Nước mắt Hồng ứa ra khi anh Chúc đứng lên buộc cái giỏ vào hông và đeo chiếc đèn pin lên trán đi như đuổi theo trăng ra tới tận đồng Bún, nơi ấy vẳng lại những tiếng kêu ì oạp của bầy ếch nhái.
Bây giờ, trên cái vó bè dưới sông trăng bên cống Gạo, vật lộn với miếng cơm manh áo, anh Chúc có ngắm trăng không?
Hồng cũng đuổi theo trăng mà không hề biết. Cả chị Nhài, chị đã đuổi theo trăng, rồi mãi theo trăng từ cái đêm ấy, bên gốc cây đa búp đỏ cạnh trạm bơm, trăng nòn nõn như những búp chuối dọc bờ kênh tiêu nước. Hồng thấy vòm ngực chị nhấp nhóa trăng, mái tóc chảy dài như suối của chị bung xõa trên bờ vai tròn nức, cái cổ nõn nường ngó sen nhướng lên, cả khuôn mặt chị đang ngửa lên với trăng, đôi mắt còn là một đường kẻ chì đóng lại, sông trăng run rẩy từng cơn sóng lấp loáng khi một bóng mây đen đổ ập xuống vòm ngực trăng. Hồng sợ hãi quay đầu chạy, tiếng máy bơm rình rình hút nước lên bể xả để tưới cho mấy cánh đồng lúa đang kì con gái háo khát đuổi theo ong ong bên tai.
*
Sáng sớm, làng xóm vẫn còn yên tĩnh, Hồng mở cửa đi ra sân. Được vài bước thì đụng vào cái thau cá, mấy con cá diếc, cá ngão phơi trắng bụng, dăm con rô loạch xoạch. Anh Chúc về nhà từ lúc nào, đang nằm trên chõng tre đầu hiên đánh một giấc.
Con kênh dẫn nước xưa giờ đã lấp cát, cỏ dại mọc lúp xúp. Cây gạo vẫn lặng lẽ bên bờ sông. Hồng đi theo vết đất giữa những vạt cỏ dại. Vệt bê tông, dấu vết cái cống tiêu nước từ bể xả trạm bơm chưa bị cỏ lan hết. Chỗ ấy, bên cái cột điện, đêm cuối tháng trăng phai, bố đã trói chị Nhài để tra khảo sau khi chiều ấy bắt gặp chị trèo cây khế hái mấy chùm quả non ăn nhoàm nhoàm. Bố hất nắm muối ớt khỏi tay chị, lật vạt áo thụng của chị, nhìn thấy cái bụng chị tròn trõn ra, bố điếng đơ người. Mẹ chỉ còn biết úp mặt vào hai đầu gối mà khóc. Cả buổi chiều, bố mẹ hết cay nghiệt đến ngọt nhạt, chị Nhài cắm tăm không chịu khai. Đến khuya, cả xóm cống Gạo đã chìm vào giấc ngủ, bố lôi chị xềnh xệch ra cột điện sau trạm bơm. Cái roi mây vút vào lưng tóc, chị oặt như mướp non dứt cuống, tiếng ức ức thắt lại nơi cuống họng.
“Con xin bác, đừng đánh Nhài!” Anh Chúc vừa chạy đến, quỳ sụp xuống bên cột điện, chắp tay nắm lấy đầu roi của bố. “Thằng Chúc, ai cho mày tới đây…” Giọng bố rít lên như tiếng roi mây sắp sửa lại vút lên lưng chị Nhài. “Con thương Nhài, bác…” Bố sững người lại, nhưng chị Nhài bỗng ngẩng mặt lên, tay quệt dòng nước mắt đang chảy nhòe nhoẹt: “Anh về đi! Anh Hải yêu con, anh ấy hứa sẽ về.”
Ngay sáng hôm sau, bố đèo chị Nhài đi tìm Hải, nhưng lên phố hỏi địa chỉ Hải cho, người ta bảo đây chỉ là văn phòng đại diện của công ty, Hải có về đây tham gia điều hành mấy tháng, vừa trở về thành phố để nhận công việc khác, bố xin địa chỉ, điện thoại, người bảo vệ lắc đầu không biết.
… “Em có ngủ được không?” Vẫn như hồi xưa, anh Chúc lại thình lình xuất hiện trước mặt Hồng.
Con sông trải một màu trắng sữa, nhích lên đoạn nữa xuống phía đầu làng Ngói là đầm sen ngày xưa chăn vịt Hồng chạy đuổi theo rạc cả cẳng. Qua đầm sen là đống Tre. Từng lũy tre đằng ngà mọc ken quanh đống như vòng tường hào, giữa đống Tre, chị Nhài đã nằm lại đó. Lúc dắt díu vợ con về quê, bố Hồng từng bảo rồi phải đưa con Nhài về quê với ông bà, nhưng chưa kịp đón chị Nhài về, bố đổ bệnh trọng, rồi mất. Mấy năm sau, mẹ cũng đột ngột theo bố xuống tuyền đài. Hồng một mình vật lộn giữa đời. Chuyến trở về này là khởi đầu cho Hồng thực hiện di nguyện của bố mẹ. “Em muốn đi thăm chị Nhài.” “Để anh đi cùng em!” Giọng anh Chúc như buổi chiều đưa chị Nhài trở về với đất với sông. Anh cũng là người cuốc những nhát cuốc đầu tiên đến những nhát cuốc chầng cỏ gà cuối cùng ấp lên mộ chị. Anh không khóc nhưng Hồng biết, anh cũng đau lắm. Tối đó, anh đã say trong quán rượu nhà bà Dĩ. Anh khóc ông ổng, anh đấm ngực mình mà gào, sao Nhài phải khổ thế, sao đau bụng mà không gọi người đưa đi bệnh xá, bố mẹ không có nhà thì gọi hàng xóm chứ. Cứ lủi thủi một mình trong nhà khác nào tù ngục cả mấy tháng qua. Sáng đó anh ở nhà vá xe đạp với bố vẫn có ý để mắt về phía nhà Nhài, chỉ ngạc nhiên không thấy bóng Nhài đi lại trong sân. Cho đến khi Hồng đi học về, mở cửa vào nhà thì thấy chị Nhài nằm trong vũng nước và huyết, đứa bé đỏ hỏn nằm thoi thóp trong đám nước máu nhầy nhụa và đống rau rốn, trên tay chị Nhài vẫn nắm chặt con dao bổ cau.
Mặt trời cựa mình tỉnh giấc, những giọt sương đang tan dần trên những vòm cây dại dọc bờ sông. Đống Tre ngay trước mặt, song trạm gác dã chiến đã hạ thanh sắt chắn ngang đường. Người bảo vệ bước ra khỏi căn gác tạm, mặt khó chịu đăm đăm, anh ta bảo chỗ này của công ty Phát Hải, đang vào thời kì xây dựng khu du lịch sinh thái, dân làng không có việc liên quan thì không được tới. Vừa nghe đến cái tên công ty, Hồng đã giật mình. Hồng phải đưa thằng bé ra thăm chị Nhài hôm nay. Nó sắp bay, xuất học bổng này sẽ đưa nó đi xa nửa vòng trái đất. Gần hai chục năm qua buồn vui rồi cũng đã lùi lại phía sau. Vài người đàn ông nói yêu Hồng cũng đã bỏ cuộc vì không thể chịu được sự yêu thương quá mức của cô dành cho thằng bé. Họ đều đã bỏ cô đi lấy người khác. Hồng không trách họ. Họ yêu Hồng nhưng không đủ rộng lượng để yêu thêm thằng bé như Hồng đã yêu nó, yêu vô điều kiện.
… Anh Chúc đi theo người bảo vệ vào trạm, rút bao thuốc mời, lầm rầm nói chuyện gì đó. Họng Hồng khô rát, lồng ngực bỗng nhoi nhói đau khi nghĩ tới miền trăng xưa rồi sẽ chỉ còn trong kí ức. Anh Chúc lúi cúi bước ra, anh bảo vệ đi theo sau, anh ta kéo thanh sắt lên kèm câu giục: “Ra đó nhanh rồi liệu tính đưa người nhà về đất mới, còn có ngôi mộ đó nữa thôi. Công trình sắp khởi công...” Đi bên Chúc, Hồng e hèm mãi mới cất được tiếng hỏi: “Anh... đã gặp giám đốc công ty này chưa?” Anh Chúc đưa mắt nhìn ra ngoài đống Tre. “Dân chưa gặp bao giờ, chỉ nghe đồn là giám đốc Phát Hải là người trúng thầu ba khu công nghiệp lớn ở đây. Vùng sông đồng mình sẽ xây dựng khu du lịch sinh thái. Họ bảo rồi đời sống sẽ khấm khá khi du lịch miền quê phát triển.”
Gió từ sông Cái thổi vào, quyện theo mùi sen non đầu hạ thơm thơm. Rặng tre ngà khẽ lao xao. Thằng bé, bên mắt trái còn sưng tím, tay quấn băng vẫn cố nâng ống kính lên ngang tầm mắt, ngắm, bấm tanh tách. Phía đồi thông, những cánh chim đang nối nhau chao cánh bay vút lên, đem theo tiếng kêu ríu ran xua đi không khí tĩnh lặng của buổi sáng sớm khi vạn vật như còn ngái ngủ. Hồng rơm rớm nước mắt lúc đứng trước ngôi mộ. Những chân nhang mới vẫn còn chút tàn cuốn như tay bí lấp ló trong màu tim tím của sắc hoa dừa cạn. Tiếng gió thổi qua hay tiếng anh Chúc. “Đêm qua dưới vó bè, trăng sáng căng mắt, chẳng thể ngủ được, anh theo trăng, rồi ra đến đây.” Tay run run, Hồng đưa cho thằng bé năm nén nhang: “Con thắp hương cho mẹ đi, mẹ Nhài con đó.” Mắt thằng bé đỏ hoe. Mắt anh Chúc cũng đỏ hoe. Tránh cái nhìn của hai người đang muốn vỡ òa trong im lặng, Hồng ngước mắt nhìn theo một cánh chim đang bay về phía cuối trời như đuổi theo miền trăng kí ức.