Sáng tác

Ánh đèn giữa rừng sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ An Hòa

Nguyễn Vũ An Hòa
Truyện
14:24 | 08/11/2024
Baovannghe.vn - Phùng không nhớ mình lên chuyến xe này làm gì. Lúc Phùng nhận thức được mọi chuyện thì cậu đã ngồi trên băng ghế thứ ba bên cánh trái của một chiếc xe buýt. Trời đang tối nhanh. Rừng cây bên đường ánh lên màu hổ phách chốc lát rồi trở nên tối đen, dệt nên một bức màn ảm đạm khác hẳn với ban ngày.
aa

Chiếc xe buýt chỉ có vài mống khách ì ạch leo lên con dốc đứng hệt như một ông già. Những tiếng “bụp bụp” không ngừng vang lên từ ống bô đằng sau và theo gió phả ngược vào khung cửa sổ những luồng khói đen ngùn ngụt đầy cảnh báo.

Phùng nhổm dậy. Mọi giác quan đều đang thúc ép cậu rời khỏi chiếc xe này.

Nhưng muộn rồi.

Nguyên một mảng rừng lớn ngã rạp khi chiếc xe trượt xuống.

Phùng may mắn thoát ra từ cửa sổ, tay chân lành lặn, chỉ có ngực trái là đau nhói như có thứ gì đó khoét sâu vào tim, cưng cứng và lạnh buốt. Khói đang rất ngột, chẳng mấy chốc xe buýt sẽ nổ tung. Theo bản năng, Phùng hớt hải dò dẫm, bỏ chạy thật xa, thật nhanh càng tốt.

Nhưng mãi mà chẳng nghe thấy tiếng nổ nào. Phùng đứng tựa vào một gốc cây đổ, tự hỏi đây là đâu.

Không gian xung quanh Phùng nhập nhoạng. Những cây thân gỗ cao đến tận trời, cành lá đan xen, rậm rạp đến mức ngỡ như là đang bị nhốt trong một cái lồng cây. Phùng rút điện thoại cầu cứu người thân. Màn hình trong tay sáng lên thứ ánh sáng nhàn nhạt, đầy ma mị trong đêm rồi tự dưng mờ đi bởi một lớp sương lạ.

Điện thoại không bắt được sóng. Còn sương mỗi lúc một dày thêm, hệt như một làn khói trắng, mờ đục và lành lạnh, phút chốc vây lấy cả thân người, giăng kín khắp vạn vật.

Ánh đèn giữa rừng sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ An Hòa
Ánh đèn giữa rừng sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ An Hòa

Phùng lo lắng mở đèn pin điện thoại rọi bừa đi bốn phía, nhưng ánh sáng trắng không vượt được xa bởi lớp sương dày. Phùng bắt đầu đổ mồ hôi lạnh. Nếu không có màn sương kỳ lạ, bất quá cậu cũng có thể tìm được phương hướng dựa vào sao trời, hoặc có trăng càng tốt. “Đầu tháng Tây trắng, cuối tháng Tây đen”. Phùng nhớ ai đó đã dạy cậu câu này.

Phùng đang sắp không thấy tay mình nữa. Cậu cất tiếng gọi: “Có ai không? Có ai còn sống ở quanh đây nữa không?”

Xe buýt khi nãy không phát nổ. Biết đâu còn có ai khác giống như Phùng sống sót sau tai nạn. Biết đâu họ đang ở gần đây.

Âm thanh duy nhất hiện hữu đến từ tiếng sột soạt của Phùng. Cậu bất lực khuỵu xuống nền đất, tự hỏi tại sao mình lưu lạc đến đây và liệu mấy ai nhận ra được sự biến mất của mình?

Nhưng rồi... trăn trở của Phùng biến mất khi cậu bất chợt nhìn thấy một ánh lửa đỏ chập chờn giữa màn sương.

Phùng tiến về phía đó.

Có một căn nhà.

Nơi Phùng vừa đặt chân đến chính xác là một cái lán làm bằng gỗ và bạt thường được dựng bởi những người đi rừng. Nó không to, cũng không quá nhỏ, mà vừa vặn một cách tình cờ với bảy con người đang tá túc tại đây.

Khi Phùng đến, có sáu người đã ngồi trong lán, vây tròn xung quanh bảy ngọn đèn dầu đang leo lét cháy. Sương mù, thật lạ khi chỉ tràn vào nơi đây một chút và trở nên mờ ảo giữa những cái bóng đen khổng lồ, rung rinh kéo đến tận trần như chụm đầu tán gẫu.

Phùng ngồi xuống khoảng trống duy nhất giữa một cô gái bó bột ở chân phải và một cậu nhóc đang mặc đồng phục cỡ học sinh tiểu học. Cậu nhóc nhỏ người, lông mày hơi thưa nhưng đôi mắt rất sáng. Không hiểu sao Phùng lại chú ý cậu nhóc này hơn hẳn những người khác. Có lẽ vì cậu nhóc đang thở khò khè, sắc mặt tái đi như có vấn đề về đường hô hấp.

“Em không sao chứ? Có người thân nào đi cùng em không?”

Cậu nhóc chưa kịp trả lời. Một bà thím ngồi cạnh cậu nhóc, liền chen vào:

“Xem tình trạng... chắc là cơn hen rồi. Khói dày đến thế cơ mà, còn sống là may phước lắm đấy”.

“Không thấy... bố mẹ em... đâu hết” - Một lúc sau cậu nhóc yếu ớt nói.

Nếu bố mẹ cậu nhóc không ở đây, thì hoặc là họ còn lang thang trong rừng giống như Phùng khi nãy, hoặc là vẫn mắc kẹt trong xe, không rõ sống chết thế nào. Phùng đoán được tình hình, thế nhưng vẫn chọn lời nói dối.

“Có thể bố mẹ em sắp đến đón rồi đó”.

Không gian bất chợt đanh lại bởi tiếng ho dồn dập của cậu nhóc. Phùng thắt lòng theo từng âm thanh khàn đục. Cậu không thể rời khỏi lán lúc này, sương dày như thế, lạc trong rừng càng khiến cho việc cứu hộ trở nên phức tạp. Nhưng cũng không thể trơ mắt ngồi nhìn. Phùng hướng sang những người còn lại, ánh mắt như ra sức cầu cứu: Có ai biết cách xử lý cơn hen suyễn này không?

Một thoáng lạnh lùng hiện trên từng gương mặt.

“Không phải là không có cách. Nhưng chẳng biết người ta có chịu giúp hay không?”

Bà thím đảo mắt sang người ngồi bên phải mình. Đó là một ông chú mập mạp, sơmi quần âu rất ra dáng một người làm ăn, hai tay nãy giờ cứ ôm khư khư một hộp quà dài hình chữ nhật bắt mắt, trông có vẻ là thứ đắt tiền.

Bà thím dẩu môi huỵch toẹt luôn:

“Món đồ trong kia cứu được thằng nhóc đấy. Mài ra đem uống là khỏe re liền. Thần dược chữa được bách bệnh, hắt xì... còn tốt hơn nhân sâm lận đó...”

Sự tự tin trong lời bà thím khiến hy vọng của Phùng dâng lên, và bất giác rót đầy vào hộp quà người đàn ông trung niên đang vòng tay giữ lấy.

“Còn lâu!”

Như thể đang bị đe dọa, chủ nhân của chiếc hộp vội vàng lùi ra xa, đôi mắt quắc lên cảnh cáo: “Tưởng dễ kiếm được món này lắm hả? Mở miệng xin là cho sao? Đừng có mơ! Công ăn việc làm của tao đặt hết vào đây đấy!”

“Ôi giời, hắt xì!” Bà thím lại nhảy mũi. “Giờ là lúc nào mà còn nghĩ đến chuyện đó ông ơi! Giời đã cứu cho ông một mạng thì phải sống sao cho có đức chứ!”

“Im đi, con mụ kia! Có phải của mụ đâu mà mụ xót? Còn thằng nhóc...”

Ông chú mập nhìn ngang qua bà thím rồi nói với cậu nhóc đang khổ sở khò khè những lời ích kỷ như vứt trách nhiệm đi:

“Bị hen suyễn không chết ngay đâu! Mày ráng đợi thêm chút nữa đi. Tao nghĩ, đội cứu hộ cũng trên đường đến rồi...”

“Rốt cuộc, bên trong hộp là thứ gì vậy?”

Phùng vẫn lo lắng cho sức khỏe cậu nhóc, nhưng bản năng trong cậu cũng không khỏi hồ nghi về tên gọi của thứ thần dược đang được giấu trong hộp quà kia. Phùng vừa mở lời, ông chú mập liền co người lại, oai oái la lên:

“Đã bảo là đừng có dòm ngó nữa rồi mà!”

“Là sừng tê có đúng không?”

Không phải Phùng, người vừa lên tiếng là một cậu trai da ngăm, tóc nâu cháy, khoác một túi đàn ghita lớn, đen bóng, đặt ở sau. Cậu ta ngồi cách Phùng một người, tức là phía bên trái của cô gái bó bột ở chân.

“Sao mày biết?”

Đáp án “sừng tê” có lẽ đã chính xác. Ông chú mập nghiến răng tra hỏi: “Mày âm thầm bám theo tao để cướp, có đúng không?”

Thình lình, ông chú mập rút từ túi quần ra một con dao gấp, bật lưỡi lên. Ông ta chĩa về phía từng người, điệu bộ như sắp sửa sống chết cùng với cái sừng tê.

Phùng e sợ, bế cậu nhóc lùi vội vào góc lán. Bà thím cũng nhanh chân rời đi. Chỉ có ba người, gồm: một ông cụ hai mắt nhắm nghiền, cổ quàng khăn ngồi ngay gần đó, cậu da ngăm vừa lên tiếng hỏi và cô gái bị bó bột ở chân là vẫn ngồi một chỗ, không xê dịch gì.

Cậu da ngăm bình thản giải thích:

“Chẳng có gì khó hiểu ở đây cả. Suy từ cuộc đối thoại của chú mà ra thôi. Thứ có thể mài ra uống và là thần dược chữa được bách bệnh thì chỉ có thể là... sừng tê giác. Giới làm ăn thì tính toán khác. Họ dùng sừng tê đem biếu tặng để lấy lòng cấp trên hay đối tác của mình. Mấy người có tiền thường hay tin rằng, sừng tê giác là biểu tượng của sự giàu sang, là một thứ mà khi sở hữu sẽ càng tôn lên quyền lực và địa vị xã hội. Thành ra... sếp đã thích thì phận cấp dưới chỉ còn nước thuận đường mà mua thôi, có phải không?”

“Phải đó!”

Ông chú mập cao giọng trả lời, con dao đã tạm thời hạ xuống.

“Phải lùng khắp chợ tao mới tìm mua được một bộ sừng hoàn chỉnh theo ý lão. Đắt cả một gia tài chứ ít gì! Cho nên...” Đôi mắt ông chú nheo lại đầy hiểm ác. “Đừng hòng đụng đến đồ của tao!”

Không khí trong lán chợt căng thẳng trở lại.

Cậu da ngăm cười khan: “Chỉ có mấy tên đầu đường xó chợ mới cướp bừa cái sừng đó của chú thôi. Dân chuyên nghiệp đều biết, sừng tê trên thị trường hơn 80% đều là giả. Tê giác là loài hung dữ, đặc biệt khó săn, phàm những kẻ dày dạn kinh nghiệm, vào sinh ra tử, mới hòng bắt được chúng. Số lượng sừng theo đó cũng ít đi, phân phối ra ngoài thì chỉ những mối quen mới có. Cái sừng mua ở chợ của chú... khả năng cao là sừng trâu đấy!”

Sắc mặt ông chú lập tức trắng bệch. Đôi mắt láo liên cứ chuyển từ con dao về lại chiếc hộp, muốn mở ra xem nhưng lòng lại chần chừ. Cuối cùng, ông chú quát lên:

“Mày tưởng tao không phân biệt được đâu là sừng tê, đâu là sừng trâu hả?”

Con dao trên tay ông chú phản chiếu ánh đèn, hắt lên một vệt sáng dài trong lúc chĩa về phía cậu da ngăm đe dọa. Tay còn lại giữ chặt chiếc hộp, ông chú gằn từng tiếng buộc tội: “Tao biết tỏng âm mưu của mày rồi. Mày cố tình lừa tao lấy cái sừng khỏi hộp rồi tranh thủ dòm ngó, xem đó là đồ thật hay giả... đặng còn cướp phải không? Lũ choai choai chúng mày đúng là không xem thường được. Báo chí nói không sai mà, đám tội phạm ngày nay đâu còn ngồi nhà chờ cho đủ tuổi! Chúng mày cứ cậy cái trẻ mà mặc sức tung hoành...”

“Thôi đi!”

Phùng giận dữ hét lớn. Cậu không còn kiên nhẫn mà nghe. Bỏ mặc một đứa trẻ đang trong cơn nguy khốn, chỉ màng đến thân, đã là một điều đáng để lên án. Đằng này, họ còn mặc nhiên tranh cãi về độ thật giả của một cái sừng tê... Phùng không thể chấp nhận sự lệch lạc này nữa!

“Vâng. Và rồi chú sẽ phải nộp phạt đến hàng chục triệu đồng, chịu cảnh tù tội đến tận bảy năm! Truyền hình, báo chí đều đăng tin cả, chú không thấy sao? Bất cứ ai phát hiện đều có quyền tố cáo. Chú sẽ không thể nào thoát được. Bị như vậy có đáng hay không hả?”

“Ôi dào, cậu ơi! Mấy cái tin đó chỉ hù dọa người ta vậy thôi. Ai rảnh đâu mà đi báo chứ, khéo lại chuốc họa vào thân cũng nên. Như tôi đây, buôn bán chim chóc, động vật hoang dã ngay cạnh vườn quốc gia luôn nhé, thích gì thì vào đó săn nấy, quán chình ình ra đấy mà có thấy ai đến “sờ mặt” đâu. Nói không phải bịa, chứ mấy sếp trong đó còn hay ghé quán tôi, làm vài con cầy hương, tê tê hay rắn rồi còn khen ngon, mua về làm quà cho con với cháu. Đấy! Cấp trên còn thế thì người dưới như bọn tôi có gì phải sợ? Hôm nào đặc biệt có lực lượng ra quân, đi lùng bắt theo phong trào thì a lô một cái, đóng cửa ít hôm coi như đi du lịch... Pháp luật cũng giống như ông trời, ổng quyền lực lắm, nhưng ở xa quá, cũng chẳng thể làm gì được đâu”

Phùng nghe thấu từng câu từng lời của bà thím. Càng nghe, cậu càng cảm thấy thứ đang mắc kẹt trong lồng ngực mình như dần to ra, khoét rộng thêm rồi trì nặng xuống.

Phùng không thở được.

“Anh không thể bảo vệ đám thú, cũng chẳng thể giúp gì được cho em. Anh xin lỗi”.

Phùng như một cái cây vẫn còn xanh lá nhưng rễ đã héo khô, sầu não, ê chề cất lời với cậu nhóc.

Cậu nhóc ho khan liên tục, mồ hôi chảy đều trên gương mặt nhợt nhạt, bàn tay nhỏ bấu chặt khuôn ngực. Dẫu vậy, cậu nhóc với đôi mắt sáng vẫn tươi cười đáp:

“Không sao, anh ạ. Nếu chỉ vì cơn đau của em mà phải khiến bạn tê giác bị thương thì em không muốn đâu.”

Cậu nhóc bất chợt ho lên rồi sực nhớ ra:

“A, bố em có mua thuốc cho em rồi. Bố bảo, thứ thuốc bột này chỉ cần uống vào sẽ không còn bị co giật hay khó thở như trước. Hình như là... em uống rồi thì phải!”

Một trong bảy ngọn đèn dầu bắt đầu ngả nghiêng mặc kệ trời đứng gió. Cùng lúc đó, cái bóng nhỏ nhất trên tường bỗng co rút lại, khắc khổ và dị thường.

“Đúng rồi! Thứ thuốc đó hiệu nghiệm lắm anh ạ!”

Như có phép màu, cậu nhóc trước mặt Phùng phút chốc khỏe lên, hồng hào và chẳng còn ho nữa. Cậu nhóc đứng dậy, mừng rỡ cười vang: “Người em nhẹ bẫng luôn! Bố mẹ em chắc sẽ vui lắm đây. Hóa ra uống thuốc vào là không cần thở nữa, mà không thở thì chẳng sợ khò khè. Đơn giản vậy mà em không biết! Chỉ cần không thở nữa là ổn rồi...”

Ba chữ “không thở nữa” giáng vào người Phùng như tiếng sét. Cậu điếng người, chỉ biết trân trân nhìn cậu nhóc hồn nhiên đang mừng vui khỏi bệnh. Và rồi, bất ngờ, ánh đèn dầu đang le lói kia bỗng dưng vụt tắt. Trong chớp mắt, hình hài đầy sức sống trước mặt Phùng mất đi, thay vào đó...

Một bộ xương trắng đổ ập xuống sàn.

Phùng không biết chuyện gì vừa xảy ra. Không. Cậu không dám chấp nhận nó.

Phùng ngây dại nhìn bộ xương nhỏ nằm lạnh lẽo một góc rồi nhìn ánh đèn dầu. Chỉ còn sáu ngọn đèn đang cháy. Ngọn đèn đã tắt chẳng khác gì sinh mạng cậu nhóc đã bị tước đi. Ra bảy ngọn đèn tương ứng với bảy người không phải là trùng hợp. Phùng bỗng nghĩ, liệu ngọn đèn của người nào sẽ tắt tiếp đây?

Một số người cũng bắt đầu nhận ra sự kỳ lạ diễn ra bên trong lán. Ông chú mập và bà thím cuống cuồng giữ lấy mỗi người một ngọn đèn rồi ra sức giang tay bảo vệ. Sương mù giờ quẩn quanh dày hơn và len lỏi cả vào trong trí óc. Ai cũng đang tự hỏi: Rốt cuộc, tất cả đều đã chết sạch sau vụ tai nạn xe, hay đang còn sống và ngồi giữa những kẻ đã chết đây?

“Chắc là mụ rồi”.

Sau một đỗi im lặng như thể giấu đi sự tồn tại, ông chú mập hướng mắt về bà thím, thấp giọng nghi ngờ: “Mụ bắt đầu ho y như thằng nhóc. Sớm muộn gì mụ cũng hóa thành bộ xương thôi. Phường buôn thú, đồ tể như mụ làm gì thoát khỏi được nhân quả của trời!”

“Im đi!”

Bà thím ho một tràng vào mặt ông chú rồi bỗng dưng thở mệt. Quả thật, từ những cú nhảy mũi liên tục, bà thím rất nhanh chuyển sang ho, khàn giọng, sắc mặt đỏ gay như người hâm hấp sốt.

Ông chú mập nhảy dựng lên, ôm cái hộp sừng tê của mình, kinh hãi kêu như người ta phải bỏng:

“Á, chết tiệt! Cái con mụ kia! Mụ bị cúm rồi phải không? Đừng có bảo mụ cũng ăn thứ đồ mụ bán rồi nhiễm phải mấy con virus trong thịt thú rồi nha! Xê ra! Mụ có chết thì chết một mình đi!”

Con dao lại được ông chú mập giơ ra như tấm khiên cản dịch.

Nhưng bà thím giờ đây chẳng sợ.

Người phụ nữ hàng thịt lao đến chụp cán dao giằng co, miệng vừa ho vừa gào:

“Ông chết mới là phải đạo đó! Tưởng có vũ khí trong tay thì bà đây sợ hả? Bà đã thịt bao nhiêu là thú trên đời rồi biết không? Con dao này, bà đây thành thạo hơn ông đấy!”

Chỉ với một cú giật, bà thím đanh đá đã đoạt được con dao. Còn ông chú thì gục xuống, tay ôm bụng, hộp sừng tê rơi khỏi người, xui thay lại đánh ngay vào ngọn đèn ở góc – ngọn đèn dầu ông chú mập cố giữ cho riêng mình, khiến nó đổ lăn. Một tiếng thét vang lên lập tức:

“Không…!!!”

Máu từ bụng ông chú mập thấm đẫm sơmi rồi chảy dài xuống dưới. Một mảng đỏ sẫm cô lại trên sàn đầy ám ảnh dưới ánh đèn mờ của sáu ngọn đèn, với một ngọn đang bắt đầu le lói.

Giọng bà thím hoảng hốt phân bua:

“Không phải tôi! Nhìn xem, con dao này còn chẳng dính máu!!!”

Nói rồi, bà thím ném con dao đi. Bà ta lao tới ngọn đèn dầu của mình, dùng hết thân người hoảng hồn che chắn.

Những cái bóng bắt đầu xáo động vì ánh lửa chập chờn. Nhưng không chỉ một, vừa thêm một ngọn đèn dầu đang lăm le chực tắt.

Chúng là hai trong bốn ngọn đèn ở giữa, chưa bị lấy đi. Ngọn đèn dầu ông chú mập làm đổ lạ thay vẫn cháy sáng bình thường.

Bà thím thở ra một luồng hơi nóng, miệng cười như điên: “Là mấy người! Tôi vẫn còn sống!”

“Ư... ư...”

Ông chú mập gập người xuống sàn, tay ôm bụng, tay còn lại run rẩy vươn về phía trước như muốn với lấy thứ gì đó.

“Đừng cử động. Cái sừng đó còn quan trọng hơn tính mạng của chú hay sao?”

Không thể mặc kệ người bị thương, Phùng chồm qua cụm đèn ở giữa, đỡ lấy ông chú mập.

“Cướp. Tao nhớ rồi, tao đã gặp chúng. Một thằng đâm tao vì muốn lấy cái sừng...” Ông chú hổn hển, từng lời gấp gáp như thể chẳng còn thời gian chạy đua với trí nhớ. Con người đó bấu chặt lấy Phùng, thổn thức với đôi mắt đẫm lệ: “Tao không muốn chết! Tụi nó đâm tao rồi chửi tao thậm tệ, nói rằng đó là cái sừng giả! Tao bị giết chỉ vì thế thôi sao? Tao không cam tâm. Tao có tội tình gì đâu chứ? Tao chỉ vì vợ con tao thôi mà... Làm ơn. Hãy bảo vệ giúp ngọn đèn của tao. Làm ơn đi mà!”

Lời van xin của ông chú vừa dứt, cánh tay Phùng đã nhanh chóng vươn xa, thỏa theo yêu cầu của người đang hấp hối, cố giữ lấy chút hy vọng cuối cùng.

Nhưng không kịp nữa rồi.

Một trong hai ngọn đèn le lói ở giữa bất chợt sáng rực lên, vụt cháy huy hoàng một lần sau chót rồi tắt ngúm mãi mãi.

Phùng run lên, kinh hãi nhìn lại người trước mặt. Bóng đã không còn. Một bộ xương trắng đổ ập vào người Phùng thê lương rồi trượt xuống.

“Sao lại thế?”

Tiếng thét khàn đặc của bà thím vang lên chẳng khác tiếng của một con thú bị dồn đến chân tường. Người phụ nữ đó nửa nằm nửa ngồi, suy sụp nhìn ngọn đèn mình ra sức bảo vệ.

“Chẳng có gì khẳng định ngọn đèn nào là của ai cả”.

Giữa lúc cái chết đang bủa vây muôn trùng, cậu da ngăm bất chợt cất lời.

“Chẳng phải người đàn ông kia cũng vì lòng tham của một kẻ khác mà bị giết đó sao? Thịt thú hoang dã thường chứa nhiều virus gây bệnh, theo triệu chứng, có lẽ thím đã bị cúm rồi. Chết sẽ lẹ làng thôi. Nhưng người ở lại sẽ bị vạ lây đấy...”

Cậu da ngăm nhìn ngọn đèn le lói hệt như cách bốn ngọn đèn còn lại điềm tĩnh cháy giữa màn sương lúc này. Một trong những cái bóng trên trần lại biến động dữ dội. Những ánh mắt hướng lên, mỗi người một cảm xúc. Duy chỉ có chủ nhân chiếc bóng là nước mắt tuôn trào, ký ức như tấm gương bị sương che khuất cuối cùng cũng thấu tỏ.

Bà thím gào lên:

“Không! Sao con gái tôi cũng nhiễm bệnh thế này? Ôi con tôi... Là lỗi của má! Má lây bệnh cho con rồi. Con ơi... Đừng. Má không thở được. Cứu má với. Cứu má, con ơi!”

Người phụ nữ như đang bị giằng xé giữa nỗi đau tinh thần và thể xác, đau đớn, giãy giụa trong cùng cực rồi thình lình ngã vật ra. Không còn một thanh âm bi thương nào nữa. Một bộ xương trắng đánh mạnh xuống sàn cùng lúc với ánh đèn vụt tắt.

Ngọn đèn đổ đã được dựng lên. Giờ, còn đúng bốn cái bóng với bốn ngọn đèn đang chờ tới lượt.

Cậu da ngăm hỏi Phùng: “Cậu đã nhớ ra tại sao mình chết chưa?”

Phùng khuỵu xuống giữa hai bộ xương lớn. Đôi mắt cậu ngây dại. Đã có ba cái chết diễn ra ngay trước mặt. Không. Thực ra, họ đã chết từ trước. Những cái chết đáng lẽ đã tránh khỏi nếu họ hiểu biết hơn. Cái chết kế tiếp... có lẽ là của Phùng. Cậu đã biết thứ cưng cứng, đang trì nặng trong ngực mình là gì.

Đó là một viên đạn.

Phùng cảm thấy tê tái khi thốt lên:

“Tôi... có lẽ là người xấu”

Cảm giác tủi hổ dâng lên trong Phùng khiến cậu bẽ bàng, trần trụi như thể một con tôm luộc đang bị ai lột vỏ. Nó nhục nhã lắm, cay đắng lắm. Phùng đã xấu xa đến mức nào khiến người ta phải giết, phải bắn?

Ôi, cậu không dám nghĩ đến nữa!

Hóa ra, cái con người tốt đẹp nãy giờ cậu vẫn luôn tin tưởng, đang thể hiện, chỉ là một lớp vỏ bọc cho tội ác đằng sau.

Phùng trân trối nhìn những ánh đèn dầu, cậu chỉ mong ngọn của mình sớm tắt.

Cậu da ngăm cũng đang nhìn về đó. Đôi mắt cậu ta lấp lánh ánh đèn, miệng khẽ khàng nói:

“Tối hơn hẳn khi trước rồi nhỉ? Chỉ còn mỗi hai ngọn đèn thôi”.

“Phải...” Phùng đồng tình như một cái máy rồi sững người, bác lại: “Không. Còn bốn ngọn lận mà”.

“Đâu”. Cậu da ngăm nhíu mày. “Tôi và cậu, chẳng phải là hai sao?”

“Còn một cô gái với một ông cụ nữa!”

Phùng bật dậy, cậu đảo mắt nhìn cô gái và ông cụ vẫn đang ngồi rõ mồn một trong lán, tự hỏi: Tại sao cậu da ngăm không thấy? Là vì hai người họ không nói gì hết ư?

“Ông ơi...”

Phùng khẽ lay ông cụ giờ ở ngay cạnh cậu. Chỉ chạm khẽ thôi. Nhưng ai ngờ, cơ thể già nua đó bất chợt đổ ập về phía trước. Cái khăn quàng cổ của ông cụ rơi ra, để lộ một cần cổ nhăn nheo, da bám rịt xương với một vòng dây cáp đang thít chặt quanh đó!

Phùng đờ người, bàng hoàng vì cảnh tượng trước mắt nhưng cũng sực nhớ ra vài chuyện.

Những vòng dây cáp. Phùng từng thấy những thứ này rất nhiều.

Khi cơn mưa trút xuống cánh rừng khộp xanh lá, men qua trảng cỏ tranh, tiến vào một khu có nhiều cây gỗ lớn ken đặc những bụi le, dưới thảm lá mục, những cái bẫy dây cáp đã được ngụy trang nằm im chờ đợi, sẵn sàng tóm gọn những con thú đi kiếm mồi sau mưa. Không chỉ vậy, rải rác khắp rừng còn có nào bẫy sập, bẫy cạp, bẫy lò xo; bẫy dưới đất, bẫy trên trời; bẫy ở đầm, khe, suối, bẫy trên vách đá, bẫy quanh tường rào... Cứ mùa mưa đến là trăm ngàn cái bẫy ào ào xuất hiện. Số thú bị bắt cũng tương đương đó chứ chẳng ít gì.

Phùng thở hắt ra.

Đúng lúc cậu đang hãi hùng nghĩ, ai lại dám ám hại một ông cụ bằng cái bẫy tàn nhẫn như thế thì một trong bốn ngọn đèn lại lay động như khơi mào cái chết.

Ngọn lửa đỏ vụt sang ngang khiến một cái bóng mất đi đột ngột rồi thình lình trở lại.

“Á!!!”

Phùng giật mình bật ngửa ra sau. Hình dáng ông cụ đã không còn như trước.

“Cậu đã... thấy gì?”. Cậu da ngăm chồm sang hỏi.

“Một con khỉ...”

Phùng thấy cổ họng mình khô cháy, đau rát chẳng kém sự quằn quại của hình hài trước mặt. Cậu ứa nước mắt. “Một con khỉ chết khô vì mắc bẫy. Có lẽ, bọn săn trộm đã quên mất… cái bẫy mà chúng đã từng giăng.”

Lời Phùng vừa dứt, như một sự khẳng định muộn màng cho một sự sống đã bị đời quên lãng, cái bóng của con khỉ biến mất khỏi khoảng tường, bỏ lại một bộ xương thú nằm ngổn ngang, đau thương bên chân đèn đã tắt.

Nước mắt Phùng chảy dài xuống cằm.

Đau đớn và tuyệt vọng biết bao khi con thú phải mắc kẹt đến chết. Cuộc sống hoang dã tưởng chừng như vẫn chưa đủ khắc nghiệt, nay lại thêm sự bủa vây la liệt từ những cái bẫy chết chóc của con người. Phùng bấu chặt lấy ngực, cảm thấy rất rõ từ nơi viên đạn găm một dòng máu đang chảy xuống.

A, cậu sắp đi rồi.

Thế thì...

“Cô là gì?”

Phùng hỏi cô gái. Đôi mắt cậu rất nhanh rót xuống phần chân đang bó bột rồi tự cười. Cậu đã không nhận ra, với cái chân thương tật như vậy, sao người ta có thể thoát khỏi chiếc xe buýt đang lật và đi xa đến thế!

Hai trong ba ngọn đèn còn sót lại đến giờ chập chờn cùng lúc.

Cô gái bất chợt mở miệng. Một chất giọng còn mỏng hơn cả gió.

“Ta muốn làm người”.

Dưới ánh đèn, đôi mắt cô gái như rực sáng lên thứ màu hổ phách trong veo và ma mị. Cô gái từ từ đứng dậy - chỉ bằng một chân, phần chân phải bó bột đứt rời, nằm lại dưới đất như một sự buông bỏ.

Phùng kinh hãi đến điếng người.

Cái bóng dưới chân cô gái trong thoáng chốc đã biến thành hình của một con chồn nhỏ.

Một con chồn chỉ còn ba chân.

Cô chồn trong lốt người vô cảm nhìn về bộ xương của ông chú mập rồi chuyển hướng sang Phùng, ngón trỏ của cô giơ lên chỉ vào ngực cậu: “Người với người thì vẫn giết nhau thôi”. Cô nhấp môi, kết thúc. “Pằng!”

Ngọn đèn thứ năm đã chẳng còn sự cháy.

Ngọn đèn thứ sáu vẫn mải chập chờn.

Phùng chồm tới, run rẩy ôm vào lòng bộ xương thú chưa gì đã lạnh giá, nghẹn ngào òa khóc như biết bao lần cậu không nén nổi đau thương, sau bao nỗ lực, nhưng chẳng thể nào cứu được thú rừng khỏi đám bẫy tai ương, mà đành nhìn chúng chết. Con không chết cũng bị thương, mà bị thương rồi thì thể nào cũng cầm chắc cái chết. Bẫy có ở khắp rừng. Vừa gỡ một cái thì lại thấy ba, bốn cái nằm la liệt ngay. Giờ thì Phùng nhớ rồi, cậu đã từng vào rừng, cùng kiểm lâm tham gia gỡ bẫy. Nhưng hỡi ôi… rừng rộng lớn như biển trời, còn những người như Phùng chẳng khác gì sao mờ buổi sớm, đến bao giờ những cái bẫy trong rừng mới gỡ được hết đây?

“Tại sao? Tại sao những việc thế này lại không dừng lại?”

Phùng ai oán thét lên. Những mẩu xương trong tay thấm đẫm máu của cậu rồi đổ ào xuống khi đôi cánh tay cậu buông lơi.

Một họng súng săn đang chĩa vào mặt cậu.

Phùng ngơ ngác nhìn bóng người trước mặt rồi nhìn ra sau đó, cậu thấy túi đàn đã xẹp xuống, nằm bẹp trên sàn.

Thì ra Phùng không phải là người xấu. Cậu chỉ là thằng sinh viên thú y còn chưa trải đời, nghe kêu gọi mà tham gia tình nguyện, bảo vệ rừng, cứu chữa thú bị bẫy.

Phùng bị người ta bắn.

Phát súng từ một kẻ săn bắt thú bị phát hiện, liều lĩnh bóp cò.

Nhóc à, phải cẩn thận đấy, súng của bọn chúng đều đã lên nòng. Chúng chẳng phân biệt là người hay thú đâu”.

“Ra... cậu cũng là một trong số chúng”.

Phùng thốt lên. Hai ngọn đèn - một cháy sáng, một chập chờn từ trước, nhưng chẳng ngọn nào còn đủ lửa để xua đi bóng tối, xua đi màn sương đang sẵn sàng nuốt gọn.

Kết cục của Phùng và của cậu da ngăm sắp sửa được định đoạt.

Có lẽ Phùng sẽ hóa thành xương trước. Cậu ngẩng đầu lên, bình thản hỏi gã thợ săn trẻ tuổi một câu cuối cùng trước khi nhắm mắt:

“Vì cớ gì cậu lại chĩa súng vào tôi, vào những con thú vô tội như thế?”

“Biết sao được? Cậu chết đi là đúng lắm. Nếu không thể sống mà chấp nhận hiện thực thì chi bằng… để tôi tiễn cậu đi”.

Khẩu súng săn trên tay cậu da ngăm bỗng chuyển mục tiêu sang ngọn đèn đang le lói sáng.

Cậu da ngăm bóp cò.

Một tiếng nổ vang lên và ngọn đèn dầu vỡ toang cùng ánh sáng.

Phùng nhắm mắt, đón nhận kết cục.

Nhưng chẳng có gì xảy ra ngoài giọng nói ngỡ ngàng pha chút gì đó như cam chịu đến từ người còn lại.

“Nhớ rồi... Vẫn còn một con tê giác con. Nó báo thù cho mẹ.”

Phùng mở mắt ra. Đối diện cậu lúc này, cậu da ngăm vẫn nâng cao khẩu súng, nhưng trước ngực cậu ta… một cái sừng tê nhỏ đang đâm thủng qua.

Máu đổ xuống rồi phai mờ dần bởi màn sương bao lấy. Phùng chỉ còn thấy được nụ cười trên môi cậu da ngăm: “Hóa ra, ngọn đèn đó là của tôi”.

Cùng lúc, Phùng thấy ngực mình đau nhói rồi ngã xuống. Giữa lớp sương mù bủa vây, điều cuối cùng mắt cậu nhìn thấy trước khi dứt cơn mê, từ từ hồi tỉnh lại... là một ánh đèn mải cháy giữa rừng sương.

Đọc truyện: Ở một giấc mơ khác. Truyện ngắn dự thi của Hồ Loan Tóc xanh, má thắm, môi hồng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến Trăm ngàn. Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân
Văn nghệ, số 19/2023
Quận mới. Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Quận mới. Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Baovannghe.vn - Thành phố mở rộng ra. Và có những quận mới. Đó là nơi ngọn gió còn tự do trên đầu. Nhưng tôi đến đó không vì những ngọn gió. ​​​​​​​
Bản tin Văn nghệ ngày 2/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 2/1/2025

Baovannghe.vn - Triển lãm "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam" khai mạc nhân một năm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính thức ra mắt
Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1 năm 2025

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1 năm 2025

Baovannghe.vn - Những chính sách liên quan đến chương trình GDPT, kiểm định chất lượng giáo dục... sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2025.
"Kẹp hạt dẻ 2025 - Những mảnh đất mộng mơ" ra mắt tại Nhà Hát Lớn

"Kẹp hạt dẻ 2025 - Những mảnh đất mộng mơ" ra mắt tại Nhà Hát Lớn

Baovannghe.vn - "Kẹp hạt dẻ 2025 - Những mảnh đất mộng mơ" sản phẩm có sự giao thoa giữa phương Tây và Á Đông sẽ ra mắt tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội vào tháng 3/2025
Tiêu chí của dịch văn học

Tiêu chí của dịch văn học

Baovannghe.vn - Đã từ lâu chúng ta tốn khá nhiều thời gian, công sức giấy bút cho việc thảo luận đề tài: Tiêu chí của dịch văn học là gì? Ý kiến tuy nhiều nhưng cuộc luận bàn xem ra vẫn chưa đến hồi kết. Ba chữ tín, đạt, nhã (do Nghiêm Phục đưa ra từ cuối thế kỉ XIX) được bàn đến nhiều nhất và được nhiều người xem là tiêu chí của dịch thuật.