Sáng tác

Trăm ngàn. Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân

Ngô Tú Ngân
Truyện
18:00 | 07/11/2024
Baovannghe.vn - Hồi mày còn chưa vào đoàn, tao đã đặt tên cho nó mà nó không chịu, nó nói cứ gọi nó như thế, biết đâu cũng là cái duyên nó tìm lại được mẹ. Bộ mày không thấy hễ tới xóm nào là nó đi rảo từ sáng đến chiều để hỏi thăm, tìm kiếm sao. Tìm từ lúc tóc xanh, giờ tóc nó cũng bạc mà mẹ nó vẫn bặt tăm chim cá.
aa

1.

Trời mưa dầm dề, gánh hát, lô tô đều ế. Không có khách, cả đoàn ngồi ngáp ruồi. Ông Bình - bầu đoàn hát đốt nhang khấn tổ từ chiều giờ cho mưa ngưng nước rút để đoàn còn hát, còn làm ăn kiếm con khô, lon gạo chứ cả đoàn dời tới xóm này mới có ba ngày thì mưa hết cả ba. Mà cái xứ miệt vườn này nó lạ lắm đa, hễ mưa là mưa không thấy dứt, hễ nắng là nắng nứt nẻ ruộng đồng.

Gió thổi mạnh bạt mưa vào mấy miếng cao su nghe ào ào. Đoàn hát dựng mấy cái lều cao su tạm trên doi đất đầu sông Đèn Dầu, anh em chen chúc nhau núp mưa, mưa lớn thêm chút nữa thì nước sông tràn vô lều, có nước đứng ngủ đêm nay. Ông Bình phấp phỏng lo. Mặt ông bí xị. Từ chiều tới giờ gió càng lúc càng lớn, những cái lều như muốn bật gốc, đứt dây. Ai nấy nơm nớp phập phồng.

Bữa cơm trưa đạm bạc làm cho ai cũng đói nhanh, gió này càng làm cơn đói thêm cồn cào. Trăm Ngàn mặc áo mưa, đi ra ngoài. Vừa đi vừa nói, tui đi vô xóm kiếm tiệm nào mua nước mắm làm kho quẹt chấm rau muống để qua bữa. Cả đoàn gật gù nhìn dáng Trăm Ngàn nhỏ thó trong bộ đồ màu cháo lòng nát nhừ, vá trước, vá sau lởm chởm. Đoàn này mà không có ổng lo chuyện cơm nước chắc chết đói hết, Thúy ngồi co ro trong cái áo choàng diễn vai hoàng hậu, nói vọng ra.

Ông Bình gật gù đồng ý. Phải chi nó có thêm chút mã bên ngoài, tao cho nó đóng vai hoàng tử, tướng quân. Tội, nó theo gánh này lúc còn non nớt, giờ đã gần năm mươi tuổi mà cũng làm chân chạy vặt, đóng vai lính quèn, tàn tật xấu xí không à. Trời sanh không thương đồng đều. Sao người thì đủ cả tài sắc, tiền của, tình thương, mỗi nó không có gì cả.

Có chớ sao không, ổng có cả khối ẩn ức trong lòng, bộ ông không thấy cái tên ổng nhắc hoài cái ẩn ức đó hả. Thúy trả lời nhanh nhảu, tay kéo cái áo choàng đầy kim sa hột lựu cho kín vì gió cứ thốc lên lạnh ngắt.

Sao hồi đó ông không đổi tên cho ổng, Tân ngồi im nãy giờ mới lên tiếng. Tui thấy giọng hát ổng rất có hồn, có khi còn mùi mẫn hơn tui, mấy lần ông cho ổng đóng vai Trương Chi xấu xí, khán giả khóc hết nước mắt ông không thấy sao. Ông đặt cái tên khác, không ai kêu ổng bằng cái tên “Trăm Ngàn” này nữa, rồi mới nguôi ngoai được. Chứ ngày nào người ta cũng thay phiên nhắc nhớ lại quá khứ cuộc đời, sao mà ổng sống dui lên được.

Hồi mày còn chưa vào đoàn, tao đã đặt tên cho nó mà nó không chịu, nó nói cứ gọi nó như thế, biết đâu cũng là cái duyên nó tìm lại được mẹ. Bộ mày không thấy hễ tới xóm nào là nó đi rảo từ sáng đến chiều để hỏi thăm, tìm kiếm sao. Tìm từ lúc tóc xanh, giờ tóc nó cũng bạc mà mẹ nó vẫn bặt tăm chim cá.

Cả ba người nhìn nhau, xung quanh, các anh chị em đoàn hát cũng gật gù thương cảm. Ai chẳng biết cái phận thằng Trăm Ngàn nó lắt léo lung dữ lắm, trời sinh phận người để đày ải đó đa.

Trăm ngàn.  Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân
Minh họa Lê Trí Dũng

2.

Trăm Ngàn lội bộ vào tới trong xóm thì ướt nhem như chuột lột, đôi dép mủ mòn mỏng dính quện đầy sình non nặng trìu trịu. Nó ghé qua cái sạp tạp hóa mua chịu chai nước mắm, một kí đường và năm kí gạo. Bà chủ sạp nhìn nó e ngại, nó móc trong bóp ra cái giấy căn cước đưa cho bà. Bà cầm đi, tui ở trong đoàn hát, mấy bữa tạnh mưa đoàn hát lại có tiền tui mang qua trả liền à. Nó vừa đưa cái căn cước vào tay bà, vừa xởi lởi nói. Bà chủ sạp nhìn vào cái căn cước rồi tự nhiên cười phá lên bảo cái tên chú ngộ quá đa, sao lại tên là Trăm Ngàn, tía má chú đặt cho chú hả. Mà ai đặt cái tên này cho đặng? Nó chỉ cười bảo không biết tía má là ai. Nhìn thấy nụ cười méo xẹo chơn chất thiệt thà của nó, bà chủ sạp thấy như có lỗi. Bà nói thôi cầm đồ đi đi, bà bán chịu cho đó. Nó cảm ơn rối rít, luýnh quýnh đi về.

Về tới đoàn là nó chuẩn bị cơm nước cho mấy anh em, mỗi người một chút chia nhau húp xì xụp dưới cơn mưa tầm tã. Thúy cứ chốc chốc lại gắp rau cho Trăm Ngàn. Những phận người trôi nổi gặp nhau dưới cái đoàn hát này. Ngày vui thì ít vì nỗi buồn cứ theo mưa nắng len vào không khí, cứ hít thở là nghe nó nằng nặng trong ngực, mà cũng không hẳn là buồn, có khi chỉ là cái tâm trạng thừa thãi, trách móc, hoặc cái kiếp “xướng ca vô loài” nó thế.

Thúy nhỏ hơn Trăm Ngàn hai tuổi, đoàn hát này nhận Thúy từ hồi mới mười sáu tuổi khi bà ngoại Thúy mất, cha mẹ thì li hôn mấy năm trước đó rồi ai cũng đi bước nữa mà tứ tán, không thấy về. Những ngày mưa là lúc đoàn hát xúm xít ngồi kể chuyện đời với nhau, có ai được cuộc đời lành lặn đâu. Ông bầu là dân làm ăn, bao nhiêu tiền đưa cho vợ giữ, một ngày về, thấy cái nhà trống không, vợ ông bỏ theo một thằng kép hát. Ông thù quá quyết lập đoàn hát truy cho bằng được thứ phản bội này. Thằng Tân thì bị bỏ ở chùa lúc còn đỏ hỏn, lớn lên mê cải lương nên cũng theo đoàn. Mỗi người mỗi cảnh, chứ ai có thể sống đời lành lặn trên đất mà chọn đời trôi nổi ghe xuồng xướng hát này đâu.

3.

Cơm nước xong, nói chuyện tâm sự chán chê rồi thì ai nấy cũng tìm một góc co ro ngủ. Thằng Trăm Ngàn nằm nhắm mắt, nghe mưa nhỏ tọt tọt trên miếng cao su làm nó nhớ tiếng mưa trên mái lá những ngày còn ở nhà sau với bà Ba. Nó đi lưu lạc hơn hai mươi năm rồi chưa về lại xóm lần nào, không biết bà Ba như thế nào. Cũng có nhiều lần muốn về lại quê xưa nhưng ngặt nỗi đường xa thăm thẳm trong khi lòng người sợ những vết cắt quê nhà để lại năm nào, chân muốn bước rồi lại quay đầu, cứ thế mấy mươi năm trôi dạt như lục bình, càng trôi càng xa, đường về tít tắp mờ mịt giữa biển đời náo động.

Trăm Ngàn chợt nhớ đến câu hỏi của bà chủ sạp về cái tên ngộ đời của mình. Từ hồi bỏ xứ đi, Trăm Ngàn không còn gặp những người biết rõ về lai lịch cái tên của mình chứ lúc mới lọt lòng, cái tên đã trở thành tâm điểm xầm xì của cả xóm.

Nghe nói bữa đó cũng là mùa hạn, trời trưa đứng bóng không có một miếng gió làm thuốc. Người người đang tránh nắng trong giấc trưa oi ả thì bị tiếng chửi từ phía nhà bà Hội làm cả xóm giật mình. Nghe nói nhà bà Hội trước giờ gia phong lễ giáo lung lắm, mấy chục năm nay bà Hội tề gia, đâu đó vào phép hết. Nay không biết có chuyện long trời lở đất gì mà nhà bà ồn ào mắng chửi. Người người ùa nhau ra xem.

Chuyện xưa nay mới thấy, xóm bên có người ẵm qua nhà bà Hội một đứa nhỏ còn đỏ hỏn, là con trai. Bảo rằng đây là cháu bà, con của cậu Hai Bình. Tui trả cháu lại cho gia đình bà. Gia đình bà không xứng để tui gả con, nói thằng Bình con bà đừng trèo cao. Lần này tui qua trả cháu và phạt vạ một trăm ngàn đồng. Bà chuẩn bị đi, mai tui cho người qua lấy.

Nói xong người phụ nữ ngoe ngoảy đi, có cô con gái khóc rấm rứt nhìn đứa con đỏ hỏn của mình nằm trước bậc thềm nhà bà Tư. Cậu Hai Bình chạy ra ẵm con. Bà Tư tức giận vô cùng, sai người nhốt cậu Bình lại, còn đứa nhỏ thì kêu bà Ba dưới bếp ẵm nó, từ nay gọi nó tên là Trăm Ngàn, nó là con rơi con rớt, không phải cháu chính thống của nhà này. Nói xong bà đi vào nhà, đám đông xầm xì ai lại đặt tên như thế, không lẽ rồi đời nó chỉ đáng giá một trăm ngàn đồng đó đa. Cái tên theo cả cuộc đời mà sao ác nhơn chi? Sao nhà đó không nuôi cháu ngoại mà đem giao đi? Nhà gái gia thế quá mà, thì vì gia thế mới không làm sui với gia đình bà Hội… Mọi người bàn tán đã đời rồi cũng tản đi, cái nóng vẫn còn hầm hập, có vẻ như còn gắt hơn, cháy rát trên da thịt và trong bụng dạ con người.

4.

Miền Tây mùa hạn nắng gay gắt, nắng sấy khô cong mớ rơm rạ vàng ruộm trên những cánh đồng đã gặt. Khác hẳn với lúc cánh đồng xanh màu mạ, nay chỉ có rơm rạ quàng xiên vào nhau, rối như tóc người điên.

Ban trưa nơi xứ ruộng đồng nắng rát da, ai cũng tránh nóng trong nhà, có làm gì thì cũng chờ xế chiều một chút. Nhưng Trăm Ngàn thì khác, trời hạn, nó phải lùa trâu đi xa hơn uống nước. Dáng nó nhỏ xíu trong bộ đồ cũ của mấy người trong xóm cho, lưng quần rộng thì lấy dây cột lại. Bà Ba nghèo tới nỗi không mua được cho Trăm Ngàn đôi dép, nó cứ chân đất đầu trần, da đen nhẻm. Trâu uống nước xong xuôi đâu đó, nó lùa về gần xóm, chỗ có rặng trâm bầu đặng đỡ nắng chút nào hay chút đó.

Nó ngồi dưới tán cây rộng nhất rồi lôi cái cà mèn cơm ra. Một ngăn đựng cơm nguội, hạt cơm tơi ra, cứng ngắc. Ngăn còn lại đựng vài cục chao vụn, nhỏ bằng trái tắc xanh. Trong bịch còn có thêm hai trái chuối già chín thâm kim, dập đen thùi chảy nước. Sáng nay lúc lùa trâu đi, nó thấy bà Ba nấu cháo cho thằng Tài ăn sáng, mùi cháo thịt bằm bốc lên làm nó nuốt nước miếng ừng ực. Thằng Tài là cháu nội bà Hội, con của cậu Hai Bình, nhỏ hơn nó một tuổi. Hai số phận sao khác hẳn nhau. Nó vừa nhai mớ cơm nguội trệu trạo, vừa suy nghĩ.

Ăn xong nó dựa đầu vào gốc cây, xa xa phía đầu xóm có tiếng ca cải lương văng vẳng. Nó nằm nhắm mắt hát ê a theo. Nó thích ca cải lương lắm đa, cứ hễ xóm có hát chùa hát miễu là nó đều đi coi, không một đêm nào thiếu mặt. Nó mơ được theo gánh hát diễn tuồng. Nhưng khổ cái, tướng nó nhỏ thó, da lại đen nhẻm, ông bầu đoàn hát bảo nó mày làm công chuyện khác đi còn có con đường hơn chứ mày theo đoàn cũng không được lên kép chính, kép chính phải có cái mã đẹp lung lắm mới được đa. Nó buồn trong bụng cả mùa mưa năm đó. Đêm nào cũng nằm mơ được diễn vai tướng quân dẹp giặc cứu đời, rồi cưới công chúa là con Diễm, con nhỏ tóc dài nhà cách nhà bà Hội mấy căn, nụ cười lúc nào cũng lúng liếng.

5.

Mỗi ngày đi giữ trâu, Trăm Ngàn đều mang theo một cái bao để mót lúa. Hôm nay mót được bộn lúa, đổ dồn vào mớ lúa mót từ tuần trước thì lúa đã đầy bao. Nó mừng ran, nhảy chân sáo mang đi bán. Tiền mang về, nó cột thun cẩn thận rồi để trong áo gối. Tối tối hay lấy ra đếm, nghe bà Ba bảo muốn cưới con gái người ta thì phải có tiền. Nó sẽ mót tiền để cưới con Diễm.

Diễm nhỏ hơn nó hai tuổi, bằng tuổi thằng Tài. Hai đứa nó học cùng lớp. Mỗi ngày thấy hai đứa nó đi học chung, Trăm Ngàn chỉ biết ước ao cũng được đi chung với con Diễm. Biết Diễm thích ăn me dốt bột, nó chờ tới mùa là leo cây me hái, có bữa bị ong đánh sưng hết mặt mày. Dần dần hai đứa cũng thân. Diễm có đồ ăn cũng hay mang cho nó.

Bữa đó mùa hạn, nó xách bịch me keo qua nhà cho Diễm, đúng lúc Diễm đang học bài. Nó ngồi mân mê từng cuốn tập, từng cây bút. Từ hôm đó, Diễm bắt đầu dạy nó học, dạy nó viết chữ. Hễ có thời gian là đọc sách cho nó nghe. Hai đứa nói cười rôm rả và ngày càng quấn quýt.

Thằng Tài mỗi lần thấy Trăm Ngàn qua tìm Diễm là về méc bà Hội, bà Hội gọi Trăm Ngàn về đánh đòn về tội trốn làm đi chơi. Mỗi lần bị đánh là những vết roi mây hằn lên lưng cả tháng còn chưa lặn. Lúc bà Hội không có ở nhà, thằng Tài sẽ méc cậu Hai Bình, cậu Hai Bình cũng cho Trăm Ngàn ăn roi mây túi bụi. Con Diễm thấy Trăm Ngàn bị đòn là khóc như mưa. Nhưng Trăm Ngàn cũng không chịu bỏ, tối nào cũng qua nhà Diễm tập đọc tập viết. Ba má Diễm cũng là dân lao động cày cấy ruộng đồng, thấy Trăm Ngàn chịu học nên cũng thương, hay cho bánh trái, cơm nước.

Nắng mưa nối nhau, tuổi hai mươi đến như một cái chớp mắt. Diễm giờ da trắng tóc dài thướt tha, thằng Trăm Ngàn cũng đọc viết ron rót. Mớ tiền dưới gối cũng dày lên. Nó chờ hết mùa lúa này sẽ nói bà Ba cầm trầu cau đi hỏi cưới Diễm.

6.

Nó tính toán với bà Ba chuyện cưới xin đâu đó xong xuôi, trở vào buồng lấy tiền thì phát hiện cục tiền đã mất. Nó lật tung giường chiếu lên tìm cũng không thấy, nó khóc mếu, số tiền dành dụm bao nhiêu năm trời. Bà Ba mang chuyện thưa với cậu Hai và bà Hội, vừa lên thưa thì thấy thằng Tài ngồi đếm tiền, nó gỡ từng cọng thun ra, thản nhiên ngồi đếm như là tiền của nó.

Trăm Ngàn tức điên máu đã đánh thằng Tài chảy máu răng. Bà Hội đứng ngồi không yên, đòi gọi cảnh sát vào gông cổ thằng Trăm Ngàn đi. Bà Ba quỳ xin cả đêm bà Hội mới nương tay. Bà nói trong tháng này bắt nó phải đi biệt xứ, tháng sau bà sẽ cưới con Diễm cho thằng Tài, gia đình con Diễm sống trên đất nhà bà, nếu không gả con thì dọn đi đất khác mà sống.

Bà Ba nước mắt ròng rã về xếp đồ cho vào cái bị, gói thêm mấy đồng bạc còn lại rồi khuyên thằng Trăm Ngàn đi xứ khác. Con Diễm khóc hết nước mắt buổi chia ly. Nó đi theo Trăm Ngàn cũng được nhưng còn tía má nó thì sao. Nó đành buông tay theo phận nghèo hèn cam chịu.

Tối đó bà Ba nói cho Trăm Ngàn nghe về thân phận của nó. Nó bàng hoàng không tin. Nhiều khi nó nghĩ nếu bà Ba không kể ra, nó sẽ không biết bà Hội là bà nội, còn cậu Hai Bình là cha đẻ của nó vì cách họ đối đãi nó còn tệ hơn con chó con mèo nuôi trong nhà. Từ hồi biết ra gốc gác của mình, nhiều đêm nó mơ thấy bà Hội xoa đầu và cậu Hai Bình nhìn nó cười trìu mến. Giật mình nó còn lâng lâng. Nó thèm khát tình cảm như cơn nắng hạn chờ mưa đầu mùa.

Sau khi biết ngọn nguồn, nó nghĩ ngay đến chuyện đi tìm mẹ. Bà Ba đi xin mấy người quen được đâu tấm ảnh hồi mẹ nó còn trẻ, nó mân mê bức ảnh mỗi ngày. Nó có mẹ, nó tin mẹ nó sẽ thương nó như ba mẹ tụi con Thùy và thằng Bần thương chúng nó. Nó bắt đầu lần dò đi tìm nhưng nhưng nghe đâu mẹ nó đã đi Tây du học, gia đình cũng rời đi xứ khác từ lâu. Hỏi ngày này qua tháng khác, cũng bặt tin. Giờ phải đi khỏi đất này, thôi thì nó quyết định theo gánh hát, đi theo làm cu lơ cũng được, biết đâu ngày nào đó nó sẽ tìm thấy mẹ.

Thằng Trăm Ngàn ngồi dưới rặng trâm bầu, mắt cứ nhìn những cánh đồng chạy dài tít mù ngút mắt. Nó không nỡ xa nơi này dù những năm tháng ở đất này, nó nếm trải toàn mặn chát tình người đối đãi. Nó rít một hơi thuốc dài, ngẩng mặt lên trời nhả khói. Nó vô định về tương lai, rồi sẽ nay đây mai đó, góc biển chân trời phiêu du như những ngọn gió không nhà.

Nó không có nhà, càng không có cội nguồn. Nó là một đứa trẻ không ai thừa nhận. Nhiều khi nó ước phải chi đừng sinh ra trên đời. Cuộc đời toàn những dấu hỏi mà thằng con trai hơn hai mươi tuổi đầu không thể nào giải đáp.

Ngày mai đoàn cải lương giở gánh đi rồi. Lần này nó quyết đi theo ông bầu, dù có diễn vai thằng hầu cả đời, dù lênh đênh đói no còn hơn cảnh ở ngay trong chính gia đình mình mà thấy đắng chát cuộc đời...

7.

Mưa tạnh ráo, nắng vàng khắp triền sông, hoa lục bình lung linh dưới nắng. Hễ nắng là bà con đi coi hát đông như hội. Ông Bầu mặt mày hớn hở, cả đoàn đào kép hân hoan. Thằng Trăm Ngàn được ông Bầu phát tiền là chạy một mạch vào xóm trả tiền mua chịu mấy hôm trước. Hết hôm nay đoàn cũng rời đi.

Giữa đêm, ghe nhổ sào rời bến. Trăm Ngàn ngồi trước mui, gió thổi rào rào qua mớ tóc xơ cứng, mấy mươi năm đời người lênh đênh sông nước, những đêm ngủ trên xuồng là những đêm nó ngủ ngon nhất, ghe ôm ấp, sông vỗ về, nhẹ nhàng che chở, ru nó vào giấc mỗi đêm. Những giấc ngủ miên man nó mơ được trở về quê, đám cưới nó và con Diễm tưng bừng đàn trống, người người đến dự. Nụ cười của Diễm như nắng sớm bừng bừng. Nó hay choàng tỉnh giữa đêm, vơ vét chút hạnh phúc của giấc mơ để ru mình vào lại giấc. Đời ghe xuồng rày đây mai đó, cuộc đời chỉ cần biết bây giờ, không biết ngày mai sẽ tới đâu, mưa nắng thế nào, đói lạnh ra sao.

Có hôm nó mơ thấy mẹ, nó không nhìn rõ mặt, chỉ thấy người phụ nữ xinh đẹp dịu dàng ấy gọi mình là con, thức dậy nó khóc như mưa. Xuồng trôi trong đêm thanh vắng, không ai nghe thấy tiếng khóc của nó, chỉ có sông nước cơ hồ thấu được nước mắt của người bạc phước bạc phần.

Sáng sớm thì đoàn tấp ghe vào một xóm làng nhộn nhịp, cắm sào che rạp. Trăm Ngàn lo chuẩn bị cái chòi để dựng lên cái bếp tạm sơ sài. Vừa làm vừa nói chuyện trên đời dưới đất, bỗng máu mũi nó chảy ra, rồi ngất lịm. Cả đoàn hú vía, bu lại, thằng Tân ẵm Trăm Ngàn chạy ra đường, gọi xe chở đi bệnh viện. Đoàn hát ai cũng lo lắng, không biết lại có chuyện gì xảy ra cho nó. Số nó đã khổ quá cha người ta rồi, xin đừng bày thêm chuyện.

8.

Nắng lên cao, Thúy đang loay hoay nấu cháo trong bếp, Tân cũng phụ trợ nhặt rau. Trăm Ngàn bị bệnh nên giờ anh chị em thay nhau nấu nướng cho đoàn và chăm sóc người bệnh. Bác sĩ bảo Trăm Ngàn bị bệnh ung thư gì đó nặng lắm, chắc cũng không sống được bao lâu. Mà đoàn hát thì làm gì có tiền chạy chữa. Đời bày nhiều cảnh đoạn trường lung lắm, còn hơn tuồng hát gấp bội lần đó đa. Ông Bình hay hút thuốc rồi than thở. Mặt ông cơ hồ thêm nhiều nếp nhăn từ hồi biết tin Trăm Ngàn bị bệnh. Cái đoàn hát này giờ như máu thịt của ông. Có hôm vãn tuồng, ông ngồi tần ngần trên sân khấu. Đèn tắt, màn buông, chỉ có cái tuồng đau tình phản bội trong lòng ông chưa lần nào khép lại.

Không khí trong đoàn nặng như đưa đám, chỉ có Trăm Ngàn là vẫn vui vẻ cười hề hà. Bảo cái số tui vậy mà nó sướng, không bị đày ải lâu nữa. Còn bao lâu thì mình sống bấy lâu, mắc gì mà buồn thảm làm chi. Buồn thì cũng ngủm củ tỏi thôi. Sống một ngày vui cho trọn còn hơn sống cả đời buồn tẻ. Trời cho tui mấy ngày thì tui vui cùng anh em mình mấy ngày. Đời ngắn thì mình sống cho nó trọn tình, tui nhắm mắt xuôi tay không hối tiếc. Đời tui hồi nhỏ nghèo đói cơm nước, thèm khát tình thương, nhờ có đoàn mình mà tui được biết sống trong tình cảm còn quý hơn tiền bạc vạn phần.

Thấy nó còn lạc quan như vậy nên cả đoàn gắng gượng. Ông Bình đêm đó tự nhiên thông suốt, ông bảo đời ngắn nên những chuyện giận hờn, thù ghét, ông dừng lại từ đây. Ông không theo đuổi hận thù năm xưa chi nữa. Tuồng đau khổ ông cho hạ màn chấm hết. Cả đoàn như cũng tỉnh ra, như những con chim được tháo cũi, được sổ khỏi những chiếc lồng thù hận, từ nay cho phép mình được bay trên đôi cánh không hận đời, ghét người, sống cho trọn những ngày còn được sống.

Số tiền diễn ít ỏi, trước giờ xoay xở đã khó, nay còn phải tiện tằn để dành mua thuốc men cho Trăm Ngàn cầm cự nên cả đoàn cũng cố gắng tìm cách xoay xở thêm. Mà dù Trăm Ngàn bệnh như thế nhưng hễ gánh hát đi đến chỗ nào là nó đều đi khắp cùng làng trên xóm dưới để tìm lại má, đi hết ngày này qua ngày khác. Mà chắc tại cái số nó là tận cùng chữ khổ nên dù bao nhiêu tìm kiếm vẫn không có tin tức nào hồi đáp lại.

Nó vẫn cười khà khà, đêm mưa vẫn ngồi kể chuyện với anh em. Nhưng đâu ai sắt đá được mãi, những đêm nằm trên ghe xuôi về hướng khác, Trăm Ngàn nghĩ lênh đênh cả đời vẫn không tìm được gì mà hổm giờ trong lòng chỉ thấy nhớ quê da diết. Nhiều đêm nằm mơ, thấy mình trôi theo sông về lại với xóm làng, mơ thấy bà Ba ra đón, thấy xác nó trôi trắng bệch, bà khóc đoạn trường. Sáng đó Trăm Ngàn nói với ông bầu chắc xin được về quê, sống đã tha phương nhưng chết không muốn gửi xương gửi thịt ở xứ người, xin được về lại xứ ruộng đồng ngày đó, nhắm mắt cũng tròn nguyện xuôi tay.

Ông bầu bảo để tao đưa mày về, sẵn hát ở xóm đó luôn. Nhưng đường dài, chắc đi nửa đường phải dừng lại hát vài bữa rồi đi tiếp, mày thấy được hôn. Trăm Ngàn đồng ý gật đầu. Cả đoàn hân hoan đưa Trăm Ngàn về quê, như là tiễn một người thân thuộc cho trọn tình vẹn nghĩa. Nhìn mọi người ai cũng quan tâm và động viên, Trăm Ngàn thấy mọi bệnh tật đều được hóa giải, sống ở đời này, được thương yêu đùm bọc như thế này là đủ mãn nguyện lắm rồi.

Trăm ngàn.  Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân
Colored sky above the Marais của Emil Nolde.

9.

Ghe dừng lại ở xóm giữa, dự là chỉ hát hai đêm rồi đi ngay, hướng về quê Trăm Ngàn mà đi. Anh em neo xuồng, dựng rạp xong đâu đó, chiều cũng vừa xuống. Trăm Ngàn lại đi vào xóm. Nó vẫn kiên trì tìm kiếm cho đến cuối cùng rồi xuôi tay nhắm mắt cũng không còn gì hối tiếc.

Xóm này rộng quá, đi mỏi chân, nói mỏi miệng mà vẫn chưa được nửa xóm. Mệt quá nó ngồi xuống nghỉ dưới một gốc cây, trời tối, sương đêm xuống mù mù, cái lạnh bắt đầu nhen lên. Nó co ro trong cái áo mỏng manh thở dốc, mắt nhắm nghiền thả suy nghĩ đi tứ tán.

Trong những chuyến đi truân chuyên của cuộc đời, ai không từng mơ được trở về nhà xưa, quê cũ vào thời khắc tất cả vẫn còn ở đó như thuở ban đầu. Năm đó Trăm Ngàn tóc hãy còn xanh, ngày ra đi, chân bước qua cầu, nghĩ sẽ trở về nhanh hơn gió xuân. Ai ngờ, một bước đi ngàn dặm mịt mờ, đường quay lại đã lỡ làng đôi bận mà quê nhà chưa lần nào thấy lại… Cây me nhỏ bên cầu chắc nay đã tiễn đưa thêm nhiều được mất, chiếc xuồng con chắc đã cạn nước mắt vì chở đến bến cuối thêm không biết bao nhiêu cuộc đời.

Có những đêm nơi đất lạ giật mình giữa cơn mơ, nó thấy được trở về đời mình lúc ban đầu, nụ cười như ánh xuân ngời khi thấy bà Ba ra đón một chốc bỗng hóa thành nước mắt. Chân đi khắp góc bể chân trời, chỉ có ngày xưa là không đi đến được, có thể gặp cả tỷ con người, chỉ người xưa là không gặp được nữa bao giờ. Vĩnh viễn.

Những đêm giấc ngủ đi biền biệt, nằm nghe gió lùa qua mui ghe, Trăm Ngàn mông lung nghĩ nhà bà Ba xưa liệu có còn chiếc bàn nước đơn sơ, nhà bên chắc người con gái đã yên phận má hồng, chỉ bước chân nó phiêu bạt theo gió bụi cuộc đời là chưa bao giờ dừng lại. Ngàn dặm nước non mới nhận ra thứ tìm kiếm cả cuộc đời này chính là cuộc sống đơn sơ ngày cũ với niềm hạnh phúc giản đơn, thuần khiết thuở ban sơ chưa từng nhuốm bẩn bởi gạo dầu dấm muối. Vậy mà...

Đêm nay, giữa đường lỡ bước, gió cắt sương rơi, nó mở mắt ra nhìn thấy xuồng ai treo một ánh đèn vàng leo lét giữa đêm sương, lòng chỉ thèm một ngọn khói ấm bốc lên từ ly trà nhạt vị như giấc mơ yêu đương năm đó đã phai hồn bạt vía. Chân mỏi mắt mờ, cứ từng bước bước đến ánh đèn vàng, chân bước lên xuồng mới nhận ra đó là chiếc xuồng con, ông lái đò chính là hắc bạch vô thường người người thường nhắc tới. Đã đến bến cuối của cuộc đời.

Trên ghe còn có một người đàn ông khác, tay cũng cầm chén trà chưa cạn, mặt mày vui tươi, huyên thiên rằng bên kia sông là nhà của mẹ tui, ông thấy bà trẻ nhất ngồi trên ghế trước sân không, mẹ tui mất mấy năm trước, tới phút cuối lòng vẫn không nguôi tìm lại đứa con lưu lạc lúc tuổi trẻ dại khờ, tìm khắp tứ phương không gặp, lúc chết vẫn không nhắm mắt. Giờ tui được dịp gặp lại mẹ tui rồi. Duyên vẫn còn nên được gặp lại nhau.

Trăm Ngàn nhìn qua bên sông, có người phụ nữ trẻ ngồi trước ngôi nhà lộng lẫy nguy nga, xung quanh người hầu kẻ hạ đủ đầy, xem ra là người gia thế, xuồng đi gần đến một chút nữa, nó nhận ra người phụ nữ trẻ đó chính là người mẹ trong ảnh mà bà Ba đưa cho nó. Mất mấy giây rồi nó òa khóc như trẻ con. Thì ra mẹ cũng đi tìm nó bao năm. Nước mắt nó chảy dài. Kiếp này vậy là nó đã mãn nguyện.

Người lái đò giục khách uống hết chén trà, trà cạn là thuyền đến bến. Vội vã uống cạn, ngẩng đầu lên, Trăm Ngàn thấy mình là đứa bé đang được mẹ cho bú, người khách đi cùng cũng được sinh ra cùng lúc với mình. Thì ra đời đã đi hết một vòng tròn. Ngày tao ngộ tưởng xa cách nghìn sông vạn núi nhưng lại gần, chỉ bằng khoảng cách một hơi thở lìa đi và hơi thở mới bắt đầu. Thì ra là chỉ cách một kiếp người.

10.

Mờ sáng tinh sương đoàn hát tìm thấy Trăm Ngàn nằm ngay mé sông, gương mặt hiện lên rõ ràng một nét cười thanh thản. Con Thúy khóc nấc ôm Trăm Ngàn lên, người nó đã cứng đờ. Ông bầu nước mắt ròng ròng bảo sao không chờ tao đưa mày về xóm. Anh em trong đoàn gom tiền hát tối qua để mua cho nó một cái quan tài đơn giản, bỏ theo đó bộ đồ diễn tướng quân. Mong kiếp sau nó được tròn nguyện và cuộc đời hiển hách. Anh em trong đoàn mỗi người một tay, nước mắt ngắn dài, ngày cuối nó được ở trong vòng tay của anh em đoàn hát, ngôi nhà bảo bọc nó bao năm nay, chắc nó đã mãn nguyện và ấm áp kiếp người nhiều trắc trở.

Trưa đó đoàn nhổ ghe, xuồng băng băng đưa Trăm Ngàn về lại nhà xưa quê cũ, gió thổi ù ù bên ghe, nắng ngấp nghé trên chiếc hộp gỗ vuông đặt vừa vặn giữa xuồng, nước vỗ về ôm ấp. Xuồng đi ngang cây me nhỏ bên cầu, gió trút lá rơi như tiễn đưa kiếp người về đất. Chiếc xuồng con đã đưa người về lại bến cuối cuộc đời.

VN15/2024

Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Bảy, ngày 23/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 24 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Baovannghe.vn - Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.
Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Baovannghe.vn- Nhìn từ ngoài vào, Phở Hà lặng bặt trước cái siêu thị lúc nào cũng như siêu nước sôi réo. Phở Hà như cái bánh cuốn mỏng tang. Hàng thịt của ông Thổ như chiếc Kebab sắp bung nứt vì nhồi nhiều thịt và hành tím. Mỗi sáng Phở Hà nhường nhịn hàng người dài rì rầm trò chuyện chờ đến lượt vào hàng bánh mì Muối và Đường của chị Hà Lan phía bên kia phố.
Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Baovannghe.vn - Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, Phạm Tiến Duật có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Ông dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...
Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.