Dẫu không phải là đất nước được mệnh danh là thi quốc, nhưng nhìn nhận về chiều dài lịch sử hình thành và phát tiết của thi ca Nhật Bản, cũng đủ khiến hậu thế phải trầm trồ bởi sự đồ sộ về hệ thống thi pháp cũng như bản sắc diễm tình mà ưu nhã ít nền văn học nào có được. Truy nguyên về ngọn nguồn của thơ trong dòng chảy văn chương “Xứ xở Phù Tang”, chúng ta không thể không nhắc đến Vạn diệp tập (Manyoshu) - thi tập có một không hai của người Nhật với hơn 4500 bài thơ, là tập đại thành của trên hai nghìn nhà thơ đủ mọi giai tầng xã hội: từ thiên hoàng, hoàng hậu, hoàng tử, công nương, quan lại cho đến lính tráng, nông dân, ăn mày,... Thế mới biết tinh thần yêu thơ, trân quý thơ và dung dưỡng văn hóa bằng thơ của người Nhật mạnh mẽ đến thế nào. Đặc biệt, dù được viết cách đây hơn 12 thế kỷ rưỡi, trải qua bao vũ bão thời đại, những bài thơ ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, sống động những nỗi niềm bất tuyệt của tiền nhân và vẫn thấm đẫm sắc xuân của thời gian, của văn hóa, của con người trong bản lai diện mục “đất nước Hoa anh đào”.
|
Có thể thấy, người Nhật khi viết thơ về thiên nhiên nói chung và mùa xuân nói riêng không chỉ để tả cảnh ngụ tình mà trước hết để trầm trồ, ca thán vẻ đẹp thiên nhiên lúc xuân về. Họ yêu mến xuân, thi vị xuân, khát khao thưởng xuân để rồi kính ngưỡng mùa xuân như một mỹ vị hiếm có trên đời, một thứ trân bảo độc đáo của thời gian. Hãy cùng tận hưởng sắc xuân qua bài thơ sau: Đi ra cánh đồng xuân/ Định bẻ cành lan dại/ Ai ngờ hoa mỹ miều/ Con tim ngây ngất mãi/ Muốn về về chẳng dứt/ Đành ngủ giữa đồng hoang (Bài số 1424). Con người định chiếm hữu hoa xuân làm riêng cho mình nhưng vô tình lại bị sắc xuân ấy “thôi miên”, khiến cho mê mệt chẳng dứt. Bài thơ của Yamabe no Akahito không chỉ gợi tả tình xuân, cảnh xuân đầy lãng mạn mà còn cho thấy tinh thần duy mỹ và thái độ quý trọng sinh mệnh của chủ thể trữ tình, khi cái đẹp vượt lên trên và xoa dịu dục vọng tầm thường của con người. Tinh thần này được hậu thế tiếp nối, có thể bắt gặp trong một bài thơ haiku nổi tiếng của Fukuda Chiyo-ni: Ôi hoa triêu nhan/ dây gàu vương bên giếng/ đành xin nước nhà bên. Cũng với tinh thần đắm say mùa xuân ấy, ở một bài thơ khác của Ono no Minemori: Liên miên trên triền sông/ Hoa trà suốt một vùng/ Ngắm mãi mà không chán/ Đồng hoa đẹp lạ lùng/ Có phải mùa xuân thắm/ Vừa ghé Kose không? (Bài số 56). Trong văn hóa Nhật Bản, không chỉ có anh đào, trà cũng là loài hoa báo tin xuân. Núi có hoa trà mọc còn là nơi tế thần. Bản thân thi nhân lại là một tăng sĩ. Vì thế mà sự hiện diện của mùa xuân ánh xạ lên đồng hoa trà trở nên đẹp đẽ mà thiêng liêng đến kì lạ. Nhưng bên cạnh sự thiêng liêng ấy, thơ về mùa xuân trong Vạn diệp tập vẫn có những bài rất bình dị mà thanh tao: Thả vào chén rượu/ Những cánh hoa mơ/ Bạn ơi, uống nhé/ Và rồi mặc kệ/ Hoa rơi tha hồ (Bài số 1656). Nữ sĩ Sakanoe không chỉ ngắm xuân bằng thị giác mà còn thưởng xuân bằng vị giác. Thứ rượu tưởng bình thường kia khi có cánh hoa mơ rơi vào bỗng hóa thành thứ rượu xuân có thể khiến mọi người say đắm. Đến mấy trăm năm sau, thiền sư Basho cũng từng có bài thơ haiku mang tinh thần thưởng xuân bằng vị giác như vậy: Dưới cây lao xao/ chén canh, đĩa cá/ đều vương anh đào. Dẫu có thể sống khác thời đại nhưng tinh thần mến xuân một cách nhiệt thành của các thi nhân thì thời nào cũng có.
Nhưng mùa xuân không chỉ đẹp trong mắt thi sĩ khi khắp mọi nơi đều tràn ngập diện xuân mà còn đẹp cả khi xuân vừa chớm nở lẫn khi xuân sắp úa tàn. Nếu như khi xuân đến: Cứ mỗi lần xuân đến/ Bên nhà xưa, cành mơ/ Vội vàng nở thật sớm/ Trước cả muôn loài hoa/ Phải chăng mình ta ngắm/ Hoa cùng xuân trôi qua (Bài số 818) thì khi tàn xuân: Sương xuân giăng mênh mang/ Ngày chậm tiễn chiều tàn/ Trăng lên, dưỡng vẫn nấp/ Đằng sau khu rừng hoang/ Đợi mãi mà không thấy/ Ló dạng mảnh trăng vàng (Bài số 1876). Hai bài thơ tuy viết về hai thời điểm khác nhau của mùa xuân nhưng cùng gặp gỡ ở sự ám ảnh trước dòng thời gian tuyến tính. Trong khi Yamanoue Okura cảm thấy tiếc xuân dẫu sắc mơ đang tranh nở trước muôn hoa thì một tác giả khuyết danh ở Bài số 1876 lại cảm thấy ngày xuân trôi qua thật dài, đến tận lúc trăng lên vẫn còn có thể ngắm xuân và tưởng về xuân.
Tản mạn trong vườn xuân của Vạn diệp tập, bên cạnh những bài thơ gợi niềm thích thú, phấn khởi trước vẻ thi vị của mùa xuân, có không ít bài thơ trĩu nỗi ưu tư. Đó là khúc tình si mà Fujiwara no Hirotsugu đã nhờ cánh đào xuân trao gửi đến người con gái thầm thương: Cánh hoa đào thắm tươi/ Như một đời mãi trao/ Trăm vạn tình yêu mến/ Lòng ta tưởng nhớ người/ Xin vui lòng nhận lấy/ Hờ hững bấy, nàng ơi (Bài số 1456). Đó là lời than thở đến ngậm ngùi của một thi sĩ khi ý thức được sự hạn hữu của cuộc đời trước mùa xuân: Đông tàn, xuân lại đến/ Năm tháng mới ra hoài/ Mỗi con người là thấy/ Già hơn xưa mà thôi (Bài số 1884). Hay là nỗi sầu bi khó hiểu trước sắc xuân tươi đẹp của Yakamochi: Ngày xuân nắng thắm nồng/ Sơn ca trên cánh đồng/ Tiếng hót lên cao vút/ Bay lượn giữa tầng không/ Riêng mình ta lẻ bạn/ Sầu chất mãi đầy lòng (Bài số 4292). Cũng có thể là nỗi nhớ quê cứ mỗi lúc một đong đầy, miên man trong làn sương xuân: Sương xuân lan lan xa/ Mặt biển rộng vô bờ/ Tiếng hạc kêu như xé/ Lòng khách nhớ tê tê/ Chiều xuống đâu quê cũ (Bài số 4399). Các thi sĩ cảm về xuân không chỉ bằng thị giác, xúc giác, thính giác hay khứu giác mà còn bằng cả trái tim. Mùa xuân trong Vạn diệp tập hiện lên với muôn màu muôn vẻ, không chỉ gợi đến niềm vui mà còn thấm đẫm nỗi buồn, hoài niệm, thương nhớ, tiếc nuối, hờn giận, trách móc,… Thế mới biết trong tư tưởng triết mỹ Nhật, cái đẹp thường gắn với nỗi buồn, vừa mang niềm bi cảm (aware), lại vừa thể hiện sự hư ảo, sâu sắc, huyền bí (yugen), phảng phất tinh thần bất toàn (wabi-sabi) ưu nhã mà vô thường. Như một thiền ngôn về mùa xuân trong Thiền lâm cú tập (Zenrinkushu): Nhất điểm mai hoa nhị/ Tam thiên thế giới thơm (Hoa mơ một chút nhụy/ Ba nghìn thế giới thơm). Cái sắc không của chút nhụy hoa mơ lại chứa đựng cả tánh chân không của vũ trụ. Cái đẹp của chút mùa xuân kia trông thật nhỏ bé trước thế giới đại đồng nhưng có thể khiến con người đốn ngộ. Chưa bàn đến việc cái đẹp có thể cứu rỗi được thế giới hay không nhưng trước mắt có thể giúp con người trở nên tỉnh thức, thiên lương được sáng trong hơn. Khám phá Vạn diệp tập, chúng ta nhận thấy tập đại thành thơ này không chỉ có chút nhụy hoa mơ mà còn như mở ra trước mắt bạn đọc cả “ba nghìn thế giới” xuân. Bởi mỗi bài thơ viết về xuân không chỉ chứa đựng hương xuân, sắc xuân, tình xuân, triết lý mùa xuân mà còn tơ vương cõi lòng của biết bao con người đã nhuốm màu thiên cổ.
Hương xuân hãy còn nồng, sắc xuân hãy còn thắm. Mùa xuân không chỉ là mùa khởi đầu của một năm mà còn là mùa của tình yêu, của tuổi trẻ, của sự sinh trưởng và tươi tốt. Trong vườn hoa tứ quý của “Xứ sở Mặt Trời mọc”, có lẽ vườn xuân được yêu thích nhất trong Vạn diệp tập nói riêng và thơ Nhật nói chung. Điều này trước hết được thể hiện qua hệ thống quý ngữ (kigo) chỉ mùa xuân, báo tin xuân trong truyền thống thơ Nhật như: tiết lập xuân, ngày Tý, sương lam, rau non, tuyết tan, mưa phùn, ngựa non, nhạn bay về, chim gọi người, cơn giông núi, thời gian cuối tháng Ba âm lịch, mầm dương xỉ non, liễu, ruộng mạ, hoa anh đào, hoa lan tím, hoa đỗ nhược, hoa tử đằng, hoa mai, hoa mơ, hoa mận, hoa mã đề, hoa hải đường, hoa đỗ quyên, hoa mẫu đơn,… Bên cạnh đó, mùa xuân đã đi vào tâm thức Nhật Bản để trở thành thứ mỹ cảm văn hóa vô cùng đặc sắc: ngắm hoa (hanami). Dưới những cội hoa anh đào hay hoa mơ, người Nhật thưởng tiệc hoa, ăn bánh mochi anh đào và nhắm chút sake. Đó chính là thứ thức ngon đầy mê đắm, cũng là tinh thần xuân mà người đọc có thể bắt gặp, chiêm nghiệm qua những bài thơ viết về mùa xuân trong Vạn diệp tập.