Sáng tác

Ba nhà thơ tiêu biểu của Italia

Trần Đương
Văn học nước ngoài 19:54 | 27/07/2024
Ba nhà thơ, ba gương mặt tiêu biểu của Italia ở nửa đầu thế kỷ 20 là nhà thơ CESARE PAVECE; MARIO LUZI và SALVATORE QUASIMODO được bạn đọc yêu mến.
aa

1. CESARE PAVECE

Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Italia ở nửa đầu thế kỷ 20. Sinh năm 1908 tại San to Stefano Belto. Tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Turin. Là một trong những người sáng lập và lãnh đạo chủ yếu của Nhà xuất bản Einaudi - một trong những trung tâm của các nhà hoạt động văn hóa chống phát xít ở Turin. Năm 1934 bị bắt và đi đày tại Calabrien 3 năm. Sáng tác nhiều thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn. Tập thơ đầu là Lavorare Stan ca ra mắt năm 1936. Năm 1950, tự sát tại Turin. Những bài thơ nổi tiếng của ông: Biển phương nam, Đêm, Đứa con của người đàn bà góa, Những ý nghĩ Deolas, Thiên đường trên những mái nhà, Gặp gỡ….

Gặp gỡ

Những ngọn đồi này, trọc lốc, chơ vơ

Chẳng khác gì tấm thân tôi đã nhiều phen run rẩy

Khi những kỷ niệm ngày xưa thức dậy…

Ôi vết thương sâu thẳm của lòng tôi:

Tôi yêu nàng mà nàng đâu có biết!

Một buổi tối, tôi gặp nàng, dưới những ngôi sao

ngời biếc

Của đêm hè ẩm ướt quê hương

Quanh những ngọn đồi này tỏa ngát mùi hương

Tôi đã thấy nàng nhẹ nhàng đi tới

Từ những ngọn đồi này, ấm nồng giọng nói

Như giọng nói rất trong nào tự thuở xa xưa…

Đôi lúc tôi thấy nàng và nàng cũng nhìn tôi

Không thay đổi - nàng như là ký ức.

Chửa bao giờ làm sao tôi giữ được

Nàng bên tôi. Ôi bóng dáng của nàng

Cứ hiện về, lại biến, giọng ngân vang

Để hồn tôi khắc khoải, hóa mênh mang…

Nàng có đẹp không? Tôi nào biết được

Nhưng tự ngày xưa… trên lưng đồi phía trước

Tôi biết nàng rất trẻ - tựa bình minh

Ôi ánh mắt của nàng, tỏa sáng, lung linh

Như phản chiếu mọi bầu trời những bình minh đã mất

Ánh sáng ấy, mãi mãi tôi cho là đẹp nhất

Kể cả lúc hoàng hôn phủ xuống những ngọn đồi…

Đó là nguồn hạnh phúc của đời tôi

Tôi gắng giữ cho tôi, mà tôi nào giữ được!

Mùa hạ

Khu vườn sáng dậy bên tường

Cỏ khô cong. Nắng lên hương suốt mùa

Nắng này, biển cũng muốn khô

Chao ôi, cỏ úa nhấp nhô ngang đầu…

Em ngồi đó, hít thật sâu

Hương đầm ngọn cỏ, cánh lau nồng nàn

Vuốt ve mái tóc chảy tràn

Xòe tung kỷ niệm chứa chan bao ngày.

Và lòng em bỗng ngất ngây

Máu trào lên, nỗi đắm say ngày nào…

Hương ngân cỏ biếc ngọt ngào

Như em - của báu, mái đầu thơm tho…

Mắt em đầm những hương mơ

Tai em lắng tự bao giờ, trời xanh

Cả người em, sáng long lanh

Một dòng nắng chảy yên lành ngang vai…

2. MARIO LUZI

Là một nhà thơ lớn của Italia. Ông sinh năm 1914 tại Florenz. Ở thành phố này, Luzi đã học và giảng dạy môn văn học của trường đại học. Tập thơ đầu của ông xuất bản năm 1935. Luzi còn là nhà phê bình, nhà văn chuyên viết ký và dịch giả.

Bài thơ Ni-ki và Tổ quốc em đề tặng cuộc đấu tranh của nhân dân đảo Síp...

Gửi tặng Ni-ki và Tổ quốc em

Tưởng đã lâu rồi, anh vẫn hằng nghe tiếng cười,

tiếng nói của em

Tiếng nói cười vọng đi giữa bao hòn đảo

Tiếng chim én trong mấy tầng mây, vút lên huyền ảo

Sau một giấc ngủ dài, trên bãi cát mấy nghìn năm…

Em là ai? Anh nào biết được!

Nhưng anh tin: anh từng đã gặp em

Ở đâu đó, giữa phố phường rất đỗi thân quen

Hay dưới một khoảng trời, dưới một cầu vồng rực rỡ

Với một nửa là mây, một nửa là nụ cười hé mở…

Ôi có phải, sự lặng im và tiếng kêu của nhân dân

đang chiến đấu

Là đôi cánh nâng em lao tới những chân trời!

Ở đây… ở đây… những đợt sóng trắng ngời

Không thể xóa nhòa thời gian và biển

Cũng ở đây, giữa những hòn đảo quê em hiển hiện

Bao hồi âm của tiếng sóng trầm hùng không dễ

cách chia!

Em ơi, những người chết vẫn còn kia:

Những người chết vẫn căm hờn nỗi bất công

và lừa đảo

Tiếng than khóc tự nhà ai, nghe mà ứa máu

Trong điệp khúc não nùng tiếng thét lũ quạ đen…

Cuộc chiến đấu này là sứ mệnh của em

Em thanh thản tiến lên với trái tim và niềm say mê

kỳ diệu

Với sức mạnh nhân dân mà em rất hiểu…

Loài rắn độc kia dù mưu kế đến bao nhiêu!

Đường em đi đã mở ra, chúng làm sao cản được!

Con đường thênh thênh dưới ánh đèn lung linh

phía trước

Con đường rạng ngời đang hướng tới bình minh

Vì Tổ quốc em, mà cũng vì Tổ quốc của anh…

Em nhỉ, mùa này vẫn còn lẫn mưa và nắng

Còn mất mát đau thương, nhưng cũng rất nhiều

niềm vui chiến thắng

Những trận đánh nối theo nhau là để giữ những

nụ cười

Cho biển hát ca mãi mãi với con người

Ngày mai, ngày mai… tất cả đang từ em mà tỏa sáng!

Khúc hát buồn gửi cô gái ngày xưa

Những đường phố, rất thân quen -

­Đường em khuất bóng, đường em trở về

Bàn chân em bước, say mê

Hồng trong nắng biếc, tràn trề tiếng chim

Mỗi lần anh nhớ về em

Bao nhiêu ký ức trào lên diệu kỳ

Tưởng là tim sẽ quên đi

Nào ngờ phố cũ thầm thì tiếng em!...

Nỗi đau xưa, lại nhói lên

Hằn trong giấc ngủ, buồn trên mắt cười

Cổng này, lối cũ, em ơi

Dòng sông vẫn chảy về nơi tự tình…

Ôi em, sống dậy dáng hình

Những ngày xưa ấy, có mình có ta

Nỗi niềm biết mấy xót xa

Nhớ em… nước mắt… lời ca… dâng trào…

3. SALVATORE QUASIMODO

S.Quasimodo là nhà thơ nổi tiếng Italia được tặng thưởng Nobel về văn học năm 1959. Ông sinh năm 1907 tại Siracusa. Đã theo học Đại học Bách khoa vì muốn trở thành kỹ sư, nhưng phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống. Ông từng làm nghề vẽ, bán hàng, làm thủ quĩ. Là viên chức Bộ xây dựng, S.Quasimodo có điều kiện đi khắp nước Italia. Năm 1930, cho xuất bản tập thơ đầu tay. Năm 1939, trở thành giáo viên dạy văn Trường “G.Verdi” ở Mai Lan. Ngoài việc sáng tác thơ, ông dịch nhiều thi phẩm nổi tiếng của Sophokles, Vergil, Catull, Shakes peare…

Ông qua đời năm 1968 tại thành phố Neapel.

Va Va Ra A Lếch Xăng Đrốp Na

Cây bạch dương mỏng manh, còn xanh đôi ngọn lá

Khẽ đập vào khung cửa rồi lặng lẽ vút lên cao

Trời Mát-xcơ-va sớm nay êm đềm quá

Gió nhẹ Xi-bi-ri ơi, em thổi tới khi nào?

Có phải em vẫn về đây, đêm đêm tình tự

Bên khung cửa phòng anh, trong bệnh viện Bốt - kin?

Anh - giữa bốn bức tường tư lự

Một dây đàn đơn độc, khẽ rung lên…

Anh đau ốm đã lâu rồi, tưởng chết

Tưởng vĩnh biệt người rồi - Cuộc sống của ta ơi!

Em đến kia… Va-va-ra A-lếch-xăng-đrốp-na thân thiết

Cô y tá của cuộc đời, đôi mắt thắm tươi…

Trước cái chết, em ơi, anh nào biết sợ

Như chưa hề biết sợ trước tai ương

Hay anh nghĩ…ai kia đang nằm đó

Để quên lãng hành tinh đầy ân ái, giận hờn?

Ôi, nếu phải cách ly thiên nhiên vô cùng kỳ diệu

Và chỉ còn nghe cái âm thanh trầm đục, u buồn

Anh có thể chết được thôi! Xin em hãy hiểu

Anh làm sao sống nổi giữa cô đơn!

Va-va-ra, bàn tay em sao ấm áp trong đêm

Đây là những ngón tay của mẹ anh thuở trước

Những ngón tay nồng nàn, không ngừng tiếp sức

Để giữ cho đời anh những phút bình yên…

Em, Va-va-ra, là nước Nga giàu lòng nhân ái

Của một thời Tôn - xtôi hay Mai-a-kốp-xki

Một nước Nga của rất nhiều bàn tay đón gọi

Và siết chặt những bàn tay trên thế giới bạn bè…

Gió ở Tin đa ri

Tin-đa-ri, ta biết em trong dáng vẻ dịu dàng

Chơi vơi trên sông, lửng lơ giữa bao đồi núi

Ôi những hòn đảo đáng yêu, mà thánh thần

đã từng biết tới

Hôm nay em như đến cùng anh

Rất dịu dàng trong trái tim anh…

Anh leo lên đỉnh núi, nghe gió lộng cả đất trời

Ôi gió, gió, gió - tưởng hòa tan trong gió

Các bạn của anh, trong vẻ trang nghiêm,

cùng leo lên đó

Cũng đột nhiên tan biến giữa gió trời…

Rì rầm tiếng sóng những âm vang tình yêu

Và em làm anh cứ mãi dày vò

Trước lặng im, bóng tối, âu lo

Cứ như với tình yêu, chúng mình cùng chạy trốn

Và đuổi theo sau là cái chết của tâm hồn…

Đất nước này, với anh sao lạ thế

Anh nghiêng xuống mỗi ngày những âm thanh

huyền bí

Ánh sáng mờ xanh, trước khung cửa nhà em

Trong màn đêm dìu dịu

Và niềm vui, huyền diệu

Được vỗ về em, ru ngủ mãi trong lòng…

Chạy trốn ư? Em ơi nào có dễ!

Hôm nay anh khao khát lạ lùng:

Một sự hài hòa, êm ái đến vô song

Xa hẳn mọi nỗi lo và cái chết

Với tình yêu, em ơi, ta trở thành bất diệt.

Một bước đi nhè nhẹ trong bóng tối tràn về

Em đưa anh về đâu, về đâu, về đâu

Để vò nát miếng bánh mì đã một thời cay đắng…

Tin-đa-ri tươi vui đã lại trở về

Người bạn tốt làm anh thức dậy

Từ những ngọn núi chọc trời, em ơi, anh đã thấy

Trước những đợt gió này, gió ở Tin-đa-ri

Dẫu hãi hùng, lo lắng - chẳng hề chi!...

Trần Đương | Báo Văn nghệ

Dịch và giới thiệu qua bản tiếng Đức

Điểm mới trong Hoạt động nhiếp ảnh và cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam Bên trong mặt nạ “Cái chết đỏ” Dù bị đe dọa truy tố, Arundhati Roy vẫn giành giải PEN Pinter Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời
Ra mắt cuốn sách "135 Chuyện kể về Bác Hồ"

Ra mắt cuốn sách "135 Chuyện kể về Bác Hồ"

Baovannghe.vn - “135 chuyện kể về Bác Hồ” là cuốn sách do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Phủ Chủ tịch phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (TTXVN) biên soạn, xuất bản
“Nước non vạn dặm” - Góp một đại tự sự cho ký ức dân tộc

“Nước non vạn dặm” - Góp một đại tự sự cho ký ức dân tộc

Sáng 17/5, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ ra mắt trọn bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm gồm 5 tập của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bộ trường thiên tiểu thuyết được thực hiện trong suốt 20 năm, phản ánh sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh qua hình thức văn xuôi hư cấu, với bút pháp sử thi hiện đại, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học viết về Người trong thời đại hôm nay.
Lễ hội "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 năm 2025

Lễ hội "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 năm 2025

Baovannghe.vn - Lễ hội do Báo Người Lao Động tổ chức, diễn ra trong hai ngày 17 và 18/5, hứa hẹn mang đến cho công chúng một không gian trải nghiệm đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Anh cả

Anh cả

Baovannghe.vn - Mẹ gà Mái Vàng có tám đứa con, năm anh chàng và ba cô nàng gà mái lắm mồm và háu ăn. Trong tám đứa con của mẹ Mái Vàng có một đứa con nuôi là cậu Trụi. Cậu Trụi vốn là con của mẹ gà mái Hoa Mơ nhưng các anh em khác và mẹ của cậu Trụi đã chết trong một trận dịch bệnh trước đó không lâu. Thấy cậu còn nhỏ lại mồ côi nên mẹ Mái Vàng đã nhận cậu về nuôi và yêu thương như con đẻ của mình.
Cung rước xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ về Chùa Tam Chúc

Cung rước xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ về Chùa Tam Chúc

Baovannghe.vn - Sáng 17/5 xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được cung rước từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về Chùa Tam Chúc (Hà Nam).