Trước đổi mới, trong số những nhận định chưa khoa học, chưa thể tắt với một số hiện tượng văn học, có sự phê phán trùm lấp với "Xuân thu nhã tập". Coi nhóm sáng tác này là bế tắc, suy đồi. Cứ trượt dài trong nhiều năm, các giáo trình văn học, các công trình nghiên cứu đều rập nhau nhận định như vậy. Gần như tác giả này “tiếp thu" thẳng luận điểm của tác giả kia, và cứ ngày càng xa thực thể văn bản của nhóm Xuân thu, chỉ còn lại trần sì "Xuân thu = tắc tị".
Tranh minh họa. Nguồn Internet |
Có một số người lập nghiệp bằng phê bình văn học thiếu hẳn sự thận trọng, độc lập, có thể nói rất lơ mơ, hoặc nói hẳn rằng không nghiên cứu chút gì về “Xuân thu nhã tập” cũng ngang nhiên lên giọng phán, chẳng hạn "... sự tối nghĩa, vô nghĩa trong thơ của tác giả này chả có gì mới, đã có từ thời “Xuân thu nhã tập”...". Công trình “Xuân thu nhã tập” đã được tái bản toàn bộ được nhận định công minh, khoa học hơn trong cuốn sách của Nxb Văn học vào những năm 90. Đã có những bài báo, những tiểu luận vạch chỉ những ưu điểm xác đáng, những khám phá mỹ học đáng khen trong lĩnh vực tiến công vào tiềm thức và đề cao đức lý của người sáng tác văn học. Buồn cười là một người phê bình dạo 1987, 1988 gì đó chê đại “Xuân thu nhã tập”tắc tị, nay nhảy ra viết một bài khen ngợi! Đáng ngờ và giật mình thật.
Nhà thơ lão thành Xuân Diệu rất tinh nhạy trong phê bình thơ, nhưng hồi sinh thời, những năm có tuổi ông cũng không khỏi mắc vào bệnh “chiếu trên" trong một số trường hợp bình chấm văn chương. Một người viết văn, năm nào đó, trong mục giai thoại văn học ở tờ "Tuần tin tức" còn ca tụng sát đất sự tinh tường có phần lẩm cẩm của Xuân Diệu khi ông bắt bẻ một nhà thơ trẻ đã viết câu thơ “bầu trời kia có thể vắng em". Rằng “viết như vậy thì có nghĩa người yêu của cậu ấy phải là chim!”... Không cần dài dòng chê như thế thì ngay cả một nhà thơ già cũng không thể đồng tình, chứ đừng nói những nhà thơ trẻ. Câu thơ kia không phải hay, độc đáo, nhưng viết như thế và hơn thế, đều có quyền quá đi chứ, hợp “lôgich thơ” quá đi chứ.
Không nghênh ngang, phủ định bất chấp chân lý, nhưng trung thực và độc lập bao giờ cũng là phẩm cách phải có của nhà phê bình.