Sáng tác

Tôi - Tạp bút của Bảo Ninh

Bảo Ninh
Tản văn
14:00 | 08/12/2024
Baovannghe.vn - Cách đây không lâu, tôi gặp một nữ sinh viên đang có ý muốn trở thành nhà văn. Biết tôi là người trong nghề, cô yêu cầu tôi đọc và góp ý thẳng thắn cho bản thảo một truyện ngắn cô vừa viết xong.
aa

Truyện viết cũng được. Gọn gàng, chỉ chừng hai ngàn từ, câu chữ tươm tất, ý tứ mạch lạc. Nội dung thì tuy có phần hơi gai góc, giọng văn nhiều chua chát, đôi chỗ thái quá, song nhìn chung không có vấn đề gì.

Đại để: một ông sếp nọ mặc dù tột bậc giàu có và hết sức quyền uy, được đời nể vì, nhưng mà trong đời sống gia đình thì ông ta luôn phơi bày bản chất đạo đức giả, hèn kém, ti tiện ra trước mắt vợ con. Vợ ông bởi quá ghê tởm ông nên đã ráo riết cắm sừng ông. Hết ngủ với bạn chồng, bà ta ngủ với kẻ thù của chồng, rồi tằng tịu với tay thư ký, rồi với cả cậu tài xế của chồng. Toàn cảnh và từng chi tiết xấu xa thối nát của hai ông bà diễn ra trước cặp mắt nai nhưng rất tinh tường của cô con gái độc nhất của họ, một nữ sinh 17 tuổi...

Tóm lại là một thứ bi kịch thị dân đã được văn chương đương thời săn sóc kỹ lưỡng lắm rồi. Vì thế tác giả có thể vững tâm- gửi truyện này đến các tòa soạn mà không có gì phải ngại quá. Chỉ duy có một điều sau đây là tôi thấy hơi đáng ngại: tác giả đã để cho nhân vật cô con gái xưng "tôi". Do đó mà sinh ra những câu văn chí hiếu sắc bén như dao thế này:

"Từ ngày thăng tổng giám đốc, cổ cha tôi rụt lại, thanh quản biến tướng sinh ra ăn nói ồ ề như thể một lần nữa vỡ giọng..."

"Lòng tham béo chảy mỡ của cha tôi..."

"Mẹ ơi là mẹ... Cha ơi là cha! - Tôi thầm lặng gào lên".

Cố nhiên là hư cấu. Cố nhiên cô gái trong truyện không phải là nữ tác giả mà là cô X nào đó. Song theo tôi, với một nội dung truyện như thế, cô con gái nên để ở ngôi thứ ba - "cô ta" - chứ không nên đặt cô vào ngôi thứ nhất; "tôi". Tôi nghĩ vậy không biết có phải là lẩm cẩm không, có phải tôi đã bảo thủ, đã già rồi?

Nhưng dù sao thì tôi vẫn cho rằng nhiều cây bút trẻ hiện nay đang phơi cái tôi ra một cách quá thể phớt ăng lê. "Tôi lấy y làm chồng vì mê cái nhà của y và chiếc xe của y...".

"Con vợ mình nó là cái giống gì đây, cái hay đực, hay là trộn cả hai, tôi thường tự hỏi...”

Người dưng với tác giả đọc phải những câu văn kiểu trên còn thấy chối, huống hồ cha mẹ vợ chồng. Tây sao không biết chứ ở ta đã khi xưng hô, dù là trong sự văn chương bịa tạc, thiết nghĩ nên cân nhắc.

Tôi - tạp bút của Bảo Ninh
Tình trạng sợ xưng TÔI của giới trẻ lộ ra rất rõ trên truyền hình, nhất là khi trả lời phỏng vấn. Ảnh minh họa. Nguồn internet

Bởi lại có hiện tượng trái lại ở trong thơ trẻ. Thi sĩ ta dạo này hình như không muốn xưng "tôi". Thi sĩ đàn ông nhất quyết xưng Anh. Thi sĩ đàn bà thì một mực Em. Dĩ nhiên cũng được thôi, song cứ mãi vậy thì cũng làm sao ấy. Em tùy bài, tùy lúc thôi chứ. Trong vòng tay người yêu xưng em, trước thời đại cũng em, trước thiên nhiên vẫn khăng khăng em thế này em thế nọ.

Tình trạng sợ xưng TÔI của giới trẻ lộ ra rất rõ trên truyền hình, nhất là khi trả lời phỏng vấn. Học sinh phổ thông khi trả lời phóng viên truyền hình xưng em, xưng cháu thì đã đành, mặc dù không nhất thiết. Nhưng đã tuổi thanh niên nên xưng TÔI. Hoa hậu xưng Cháu, xưng Em; thủ khoa đại học, ngôi sao điện ảnh, công nhân đường dây 500, tiến sĩ vật lý, chiến sĩ Trường Sa cũng em và cháu trước ống kính truyền hình là cớ làm sao? Là bởi lối xưng hô của phóng viên khiến cho người bị phỏng vấn phải chiều theo. Ai đời phóng viên lại xưng cô xưng chú xưng anh xưng chị với người mình tìm đến phỏng vấn bao giờ. Phải chăng để buộc người đó phải cháu phải em với mình?

Lắm khi rất chướng và giả tạo. Phóng viên hỏi một gã trai:

- Cháu phạm tội gì mà phải vào đây?

- Cháu nhỡ đâm chết cô giáo.

- Cháu có nhớ tiếc những ngày được đến trường không?

- Cháu rất nhớ ạ. Nhưng muộn mất rồi.

Bác cháu gì trong trường hợp này cơ chứ, thưa bác phóng viên, dù rằng gã trai đó ít tuổi hơn bác.

Nhiều anh do đã được tráng qua đôi chút tiếng Tây nên phàn nàn tiếng mẹ đẻ của mình nhân xưng rắc rối. Nhưng mà theo Em thì cung cách xưng hô muôn hình vạn trạng như thế là một trong những nét kỳ diệu và tuyệt thú của tiếng Việt.

Văn nghệ Trẻ, số 6/1997
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.