Sáng tác

Bồng. Truyện ngắn của nhà văn Trần Nhã Thụy

Trần Nhã Thụy
Truyện
17:15 | 07/08/2024
Baovannghe.vn - Ở đất Đồng Cát này chẳng ai lạ gì chuyện thằng Bồng đi bắt cá lia thia. Người ta cũng không lạ khi nhiều đứa cùng lứa thằng Bồng dự trò ấy
aa
Bồng. Truyện ngắn của nhà văn Trần Nhã Thụy
Bồng - truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Bồng, Bồng ơi... ới Bồng!...

Thôi nó đã tót đi rồi. Vừa thoáng thấy dáng nó đây, cái thằng ma thật. Thằng Bồng biến mất một cách tài tình thế, nhưng ai cũng thừa biết là giờ này nó đang rang nắng ngoài ruộng. Mà Bồng đang ở ngoài ruộng thật. Nó chỉ mặc độc một cái quần đùi, mình trần, đầu tóc cháy xơ rơ. Tay Bồng cầm một cái chụp, chế từ cái gàu sắt thủng đáy. Nó bước đi lầm thầm, mắt ngó đăm chăm, sục sạo dưới ruộng nước. Thằng Bồng đi bắt cá lia thia.

Ở cái đất Đồng Cát này chẳng ai lạ gì chuyện thằng Bồng đi bắt cá lia thia. Người ta cũng không lạ khi thấy nhiều đứa cùng lứa với thằng Bồng cũng dự vào cái trò ấy. Trước kia bọn trẻ cũng thường đi bắt cá lia thia về đấu đá cho vui. Nhưng giờ đây sự tình có biến cố đổi thay. Bọn trẻ bắt cá về không phải để cho chúng vui chơi mà để phục vụ hai ông chủ Triệu Hên và Vạn Lợi. Một cuộc chọi cá tầm cỡ trị giá một bàn thắng được nghe loáng thoáng rằng bằng cả một năm lam làm của nhà nông.

Triệu Hên là tay lái bò kiêm tay đồ tể. Ngày trước nghề này cấm đoán, chủ nhân hành nghề lén lút, trốn chui trốn nhủi, đầu hôm gà gáy, làm thịt con vật phải bịt mồm bịt miệng, cơ man gian khổ. Thời đổi mới, nghề này tự do, vô tư phục vụ quần chúng. Cơ quan làng xã cũng có nhu cầu triền miên, liên tục.

Vạn Lợi là ông chủ bầu số đề. Nghề này, thời nào cũng cấm. Nhưng không hiểu sao, nó vẫn vừa công khai vừa âm thầm tồn tại, từng bước phát triển. Cứ nhìn những kẻ tán gia, bại sản, bán vợ đợ con, trôi giạt đến đất xa trời lạ của người Đồng Cát cũng thừa đánh giá sức giàu có, lớn mạnh của ông chủ Vạn Lợi...

Hai ông chủ ganh đua hầm hè hơn thua nhưng nảy ra cái chọi cá là bắt đầu từ trò tiêu khiển thói chơi ngông sau chuyển sang một dạng đánh bạc. Những đứa trẻ Đồng Cát trở thành những tay săn cá về bán lại cho hai ông chủ. Vô hình trung, chúng chia thành hai quân. Quân Triệu và quân Vạn. Bồng làm lính cho quân Vạn.

*

Qua những đoạn này Bồng hơi kiêng nể. Nước trong leo lẻo, rong rêu lờn vờn, lợt nhợt dưới ánh mặt trời chói chang. Bồng bước lụt vụt. Câu hát chơi trò, ê a rề rà của bọn trẻ như vọng lên ở những khúc này “Ma da, ma da dính chùm. Một đùm mà... gỡ không ra...”. Bồng chợt rùng mình.

Qua khỏi con mương sâu, trong là tới gò Cô Tiên. Truyền thuyết kể lại câu chuyện cũng không lâu lắc gì. Ngày xưa, Cô Tiên là một cô gái xinh đẹp, hiền lành. Cô đẹp lắm, đẹp đến nỗi khi nhìn người ta cứ say đờ con mắt, tay chân mồm miệng cứ xui dại đi. Mà Cô Tiên cũng hiền lành lắm. Đến khi lấy chồng vẫn chưa biết lái cái xe đạp. Thật thà tới mức, một lần đang gặt lúa ngoài đồng, bỗng nhảy mũi, cô liên "Dạ" một tiếng rồi chạy ù một hơi về nhà, sợ có người nhắc. Sau, bị người ta cười, cô mới biết là mình khờ khạo.

Chồng cô đi lính. Cuộc sống xuôi chảy, bình yên nếu như không xảy chuyện. Một ngày nọ, Cô Tiên phát hiện chiếc nhẫn cưới của mình đã bị rơi mất. Bà mẹ chồng đối đãi gay gắt. Đay nghiến lu loa. Buộc tội cô đàng điếm tằng tựu với trai làng nên trao của cho chúng nó. Ôi trời! Bởi tại cô xinh đẹp quá. Trai làng có nhiều đám phải lòng để ý chọc ghẹo cô. Bây giờ ra cái nông nỗi này. Cô Tiên uất ghẹn, chồng đi xa mà oan khiên không giải được. Vì mất bình tĩnh nên giữa đêm cô chạy ra gò đất ngoài đồng mà tự vẫn. Người ta chôn luôn cô ở đó, gọi mãi thành tên là gò Cô Tiên.

Chuyện chiếc nhẫn, sau này mới sáng tỏ. Người nhà phát hiện trong đống phân lợn. Chuyện, lúc Cô Tiên thái rau, chiếc nhẫn rơi vào đấy...

Người chồng của cô, sau đi lính về biết chuyện, đâm sầu khổ, bỏ làng mà đi. Mấy chục năm sau bỗng dưng thấy xuất hiện ở làng trở thành một ông chủ giàu có, bề thế bên cạnh một cô vợ khôn ngoan, đáo để. Người đàn ấy ông ấy là ông chủ Vạn Lợi bây giờ.

Gò Cô Tiên hoang rợn, cỏ dại mọc đầy. Có cây dừa cao ngất nhìn chật ót ra đằng sau mới thấy ngọn. Vì không được làm cỏ nên dừa không ra trái, tàu dừa dày kịt, dơi bám đầy. Buông chùng đánh xòe phát khiếp. Mấy đệ tử của Lưu Linh vẫn thường mang giàn thun ra đây bắn hú họa cũng được 1 xâu mang về nhậu lai rai.

Quanh gò Cô Tiên là ruộng lúa nước sâm sấp tổ cá lia thia rất nhiều. Bồng biết nhìn tướng tá thấu tận tính nết từng con. Anh cá to xác nhưng xòe đuôi hẹp, màu sắc nhợt nhạt là đồ bỏ đi. Anh lia thia hay phải có thân thon dài vừa xòe hình cánh quạt, màu sắc rực rỡ, càng đậm đà hơn khi giáp trận. Những anh bại trận bao giờ màu sắc cũng nhợt nhạt dần, tái lợt hẳn đi như một cái xác chết. Người có "kinh nghiệm" chỉ cần đưa mắt nhìn thoáng qua cái tổ là đủ đánh giá được anh nào hay anh nào dở.

Tổ nào bọt phù to bằng cái chén, trắng bệch bạc là tổ anh cá xoàng. Anh cá hay tổ bao giờ cũng nhỏ, bằng ngón tay cái, bọt nhú lên nu nhọn, trắng tinh. Những anh cá này rất ít khi quanh quẩn ở nhà. Nhưng hễ ta thả câu que hay ngón tay xuống tỏ ý phá phách, tức khắc anh chàng bay về, xòe đuôi, lượn mình mổ trót rất dữ dằn. Bắt cá lia thia về phải nhốt trong bóng tối. Lâu lâu mang ra để một bên tấm kiếng cho anh chàng "kình". Bị nhốt trong bóng tối lâu ngày, nay được đưa ra ánh sáng, anh chàng kình với cái bóng của mình rất hăng. Những anh cá ăn được ớt, tánh rất nóng, cầm cự rất dai...

Từ ngày đi bắt cá lia thia đến giờ Bồng chưa tìm được con nào ưng bụng. Những con cá đẹp đá hay bao giờ cũng hiếm hoi. Tiền bán cá được Bồng cho thằng Bột mua thêm sách vở. Bồng học chơi chơi tàng tàng, lên lớp đều đều, không cố gắng mắc công. Như để cân bằng, thằng Bột rất có chí đèn sách, tối ngày cứ chúi mũi vào sách vở. Thành tích là một mớ giấy khen dán đầy vách nhà.

- Bồng! Bồng ơi!... mày cứ luẩn quẩn ở gò Cô Tiên mãi có ngày ma bắt mày đi.

Nghe mẹ mắng Bồng nhe răng cười hi hi. Thằng Bồng vẫn nghe cái chuyện ma bắt dắt bỏ bụi nhưng nó nghĩ mình làm mình ăn, “họ” làm họ ăn chứ cơn cớ chi. Với lại nó đã thuộc lòng cái cách, ma bắt lạc đường thì lấy nước đái rửa mặt!

Mẹ thằng Bồng là cô giáo Nhường đấy. Cô giáo trường làng dạy dỗ thì ít mà mắng mỏ lại nhiều.

Bố thằng Bồng là ông Kính làm nghề gò hàn, thùng xô thau chậu... nhà ai bị rò rỉ sứt mẻ cần chắp vá hay làm mới hoàn toàn đều mang đến ông Kính. Ông Kính khéo cái tay hay cái mắt hàn được cả những đồ gốm sứ, phục chế cái đồ cổ giá trị. Bây giờ đồ gốm rất dở, đồ dùng cứ bị sứt mẻ luôn. Nhiều lúc mua cái bình mới về rót nước thấy chảy le te lắt tắt trông rất chán đời. Thế là phải bỏ đi làm lại. Mới hay, ở đời có khi phải bỏ đi cái mới thay bằng cái cũ. Cố nhiên phải ngon lành hơn đàng hoàng hơn.

Bồng vừa bán được con lia thia, mua chai rượu cắp nách về cho bố. Bố thằng Bồng chiều nay đi ăn đám giỗ. Bố đang tắm táp cho thằng Bột, chiều nay bố dẫn Bột đi theo. Thằng Bột là niềm kiêu hãnh của cả nhà. Trông thấy anh Bột mỉm cười và hạnh phúc. Bồng ghẹo em:

- Chuẩn bị cho lắm đến nơi lại chẳng ăn được mấy miếng vì ngượng.

Bố nạt:

- Thằng này sang đàng, sang xã riết rồi sinh hư - nhưng rồi bố lại hỏi - Bồng ơi mày mua rượu ở hàng nào đấy hở?

Bồng đáp:

- Ở hàng bà giáo đấy bố ạ. Rượu uống đằm lắm, có hậu.

*

- Bồng! Bồng ơi!... đêm hôm khuya khoắt thế này mà mày đi đâu, hay lại mò ra gò Cô Tiên rồi. Ôi trời có con cái nhà ai như con cái nhà này không? - Mẹ thằng Bồng rối lên nức nở.

Bồng đang ngủ bỗng thấy Cô Tiên hiện ra. Bồng mường tượng Cô Tiên xinh đẹp và hiền hậu như cô Tấm trong truyện cổ tích. Cô Tiên dẫn Bồng đi, Cô Tiên mách cho Bồng được chỗ con lia thia hay nhất có một không hai. Bồng nhỏm dậy, xách chụp đi theo một luồng ánh sáng lạnh lẽo, lướt thướt dưới chân Cô Tiên. Bồng nhắm mắt, gió vi vút, buông tuốt hai bên thái dương...

Ông Kính đốt đuốc đi tìm thằng Bồng nhưng vừa ra tới đầu ngõ, ông đã giáp mặt nó. Thằng Bồng đang chạy cun cút, thấy bố Bồng hơi khựng lại. Người nó ướt nhẹp, môi hé nụ cười yếu ớt:

- Con vừa bán cho ông Vạn Lợi con lia thia chiến nhất. Cô Tiên dẫn con đi...

Ông Kính giấu cây roi đằng sau lưng, vung tay quật cho thằng Bồng một nhát. Bồng lãnh chọn một roi rồi chạy thẳng vào nhà. Mẹ thằng Bồng chửi cho nó một trận đến vuốt mặt không kịp.

Rồi Bồng đi ngủ. Thằng Bồng đi ngủ mà không bao giờ trở dậy nữa

Ôi trời!... Ôi đất!... Ôi thôi... thằng Bồng nó đi rồi. Nó bị cảm lạnh xoàng xĩnh thế thôi mà sao lại ra đi nhanh thế, không ai ngờ được.

- Ôi Bồng!... Bồng ơi là Bồng ơi!...

*

Như thường lệ cô giáo Nhường dậy rất sớm lục đục nấu nồi cơm nhỏ, bắc ấm nước sôi chế bình thủy, đánh thức thằng Bột dậy học bài rồi lo dọn dẹp quét tước trong nhà ngoài sân. Bữa ăn sáng nhanh buồn tẻ, cô giáo Nhường lại công tác đạp xe đèo thằng Bột đến trường.

Còn lại một mình ông Kính ngồi hút thuốc vặt rồi thẫn thờ, nao lòng. Bỗng ông thấy bóng người ai như ông Vạn Lợi đang lò dò vào sân. Đúng là ông Vạn đấy, ông Kính vẫn ngồi yên ơ hờ. Ông Vạn Lợi hơn ông Kính những mấy chục tuổi mà trông hãy còn trẻ, khỏe, đẹp như một trung niên, nụ cười vẫn lấp lánh. Từ ngày thằng Bồng mất thỉnh thoảng ông Vạn Lợi lại đến đây.

Thằng Bồng đã mang về cho ông một con lia thia hay độc nhất vô nhị. Trận chọi cá ấy diễn ra rất căng thẳng. Ông Vạn thắng ông Triệu một độ rất đậm. Triệu Hên bị một cú liểng xiểng. Nhưng ngày hôm sau, ông Vạn Lợi giật mình sửng sốt, con lia thia vàng ngọc, tuyệt kì của ông bỗng dưng biến mất. Trong bể kiếng còn loang một vệt máu đỏ tươi.

Ông Vạn mang đến cho ông Kính một chai rượu, bà Giáo với khoảnh ruột non con lợn. Và một buổi sớm, gió reo lạnh nắng vàng đượm thế này nhắm rượu với cỗ lòng non rất thú. Nhưng giờ này ông Kính còn bụng dạ, hứng thú gì mà rượu với chè. Ông nhìn ra đầu hè, nơi có cái lu nước sẫm màu mật ong, chiếc gáo dừa úp mặt trên chạc cây mì, cây ớt bên cạnh lấp ló trái đỏ trái xanh, dưới gốc ớt là một cái chụp, một cái chai sáu lăm, đồ chơi của thằng Bồng. Ông Kính đang nhớ con, cái thằng không biết đã uống rượu lần nào chưa mà mỗi khi ông hỏi, cứ bảo, "Rượu uống đằm lắm, có hậu." Ông Kính ngửa cổ, dốc một hớp rượu, cái hậu đắng ngắt. Ông ứa nước mắt, "Con ơi! Bồng ơi là Bồng ơi!..."

Vụt một cái đã qua đi những ngày nắng ấm, tới ngày mưa dầm. Sấm chớp ở đâu mà nhiều thế, chém ngang bổ dọc, ùng oằng ì đùng cả ngày lẫn đêm. Ông Vạn Lợi cả đời không biết sợ ai, thế mà bây giờ không hiểu sao mỗi lần nghe tiếng sét là ông run bắn người, mặt mày tái xanh tái xám. Ông đang trẻ đẹp thế vụt già xọm đi như một cái cây khô. Ông Vạn Lợi sợ trời đánh. "Trời đánh còn tránh bữa ăn", nên ông rang gạo thủ trong người, bỏ miệng nhai chem chép suốt ngày, cả lúc đi nằm.

*

Thằng Bột đi thi học sinh giỏi văn cấp một toàn quốc. Về đến nhà trước ngày giỗ anh một hôm. Bột đội nón đi thực tế một vòng ngoài đồng ruộng, qua những nơi mà người anh mông muội của mình đã rong chơi. Trong lòng Bột dâng lên một niềm cảm kích lẫn nỗi xúc động, bùi ngùi. Giờ giỗ anh, Bột xá ba lạy, rót một chén rượu đầy, rồi đằng hắng cất giọng ngâm nga :

"Anh Bồng, ơi Bồng!

Bắt cá lia thia,

Mê chơi không về..."

Lời thơ quyện vào hương khói ngợm ngợp bay lên.


Trần Nhã Thụy | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Chùm tạp văn của Trần Nhã Thụy Trong và ngoài căn phòng tôi: Hai thế giới của Trần Nhã Thụy Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Bức tranh - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Văn nghệ Trẻ, số 28/1996
Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp

Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp

Baovannghe.vn - Nước Việt Nam ở vào khu vực thời tiết nhiệt đới gió mùa, đã thế lại có vị trí địa lý “mặt tiền”: nằm trải dài đến hơn ba ngàn ki lô mét dọc theo chiều Bắc - Nam bên bờ Thái Bình Dương, một đại dương vốn nổi tiếng nhiều bão tố. Bởi thế như một hệ quả tất yếu, hằng năm nước ta thường phải hứng chịu khá nhiều cơn bão từ biển đổ bộ vào đất liền. Và bão dĩ nhiên là kèm theo mưa, nên lũ lụt là câu chuyện cũng thường tình với những người sống trên đất này, từ nhiều đời rồi.
Nắng trên hiên nhà. Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

Nắng trên hiên nhà. Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

Baovannghe.vn - Đường xuống làng đi qua đầu hồi nhà ông Bẩy. Căn nhà lụp xụp, ngói đã mục nát thành từng mảnh nhỏ giắt trên mái nhà. Tôi buộc phải chú ý đến ông cụ chỉ vì trong vườn nhà ông có một cây khế ngọt vô cùng.
Khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Sáng 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 38. Phiên họp diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 7-10 đến ngày 10-10 và ngày 14-10-2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương

Baovannghe.vn - Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.
Cánh đồng - Thơ Hồ Minh Thông

Cánh đồng - Thơ Hồ Minh Thông

Baovannghe.vn- Em chân trần chạy giữa đồng ruộng tháng năm/ da thịt cọ vào gốc rạ mềm/ trên cánh đồng sau cơn sinh nở/ vài nhánh mạ non tái sinh