Sáng tác

Người kiểm tu - Truyện ngắn của nhà văn Tô Ngọc Hiến

Nhà văn Tô Ngọc Hiến
Danh tác văn học
07:30 | 13/07/2024
Từ đó, tôi đã đi làm một người thợ kiểm tu đội xe, chuyên môn đi kiểm tra, siết chặt những cái bu lông còn lỏng lẻo, tu sửa lại các bộ phận hỏng hóc...
aa

Chiếc xe Gấu “I05B” chở công nhân trên công trường Hữu ngạn về thị xã Cẩm Phả đã căng ních những người. Tôi vừa bước lên xe thì một bàn tay túm lấy cổ áo tôi lôi tuột xuống:

- Anh này ăn cắp dầu... Mời anh xuống đã!

Tôi còn đang co kéo và định chuyển chai dầu cho người khác, trên xe đã kêu ầm lên:

- Ông ăn cắp dầu, mời ông xuống!

- Cho xe chạy thôi ông tài ơi!

- Ông ăn cắp dầu, xin mời ông ở lại lập biên bản cái đã!

- Định “hâm” anh em trên xe bao nhiêu độ nữa mới cho anh em về đấy, mấy bố tài nhà ta?

Anh lái xe rồ ga và phun ra một đám khói đặc xịt. Người định bắt giữ tôi lại về tội ăn cắp dầu đã chạy lên buồng lái, ngăn lại:

- Không được... Không được chạy! Để giải quyết xong mới được chạy!

Những người ở trên xe nhao nhao lên: người đồng tình với anh này, người kêu xe chạy, người nhảy xuống xem giải quyết ra sao. Vừa lúc ấy, ông Tạc - ông đội phó đội xe của tôi - bước tới.

- Báo cáo với đồng chí đội phó, anh này ăn cắp một chai dầu định lủi lên xe... Tôi đang đề nghị “ách” xe lại thì có người phản đối!

Tạc nheo mắt lại. Lướt qua người tôi một lát, rồi bảo anh chàng kia:

- Thời chiến này, anh nào mà chả thủ một chai dầu về nhà sơ tán thắp hở ông “hâm” ơi.

Một người ở trên xe phụ họa theo. Đội phó Tạc hất cái cằm đầy râu về phía anh tài xế:

- Cho xe chạy... Ông tài!

Chiếc xe Gấu nhấn ga, sang số và phun đầy khói vào một đám bụi mù...

Sáng hôm sau lên công trường, tôi vừa mới ra nhận xe của mình thì Đùng - đội trưởng đội xe của tôi - đã giữ tôi lại. Và chỉ cho tôi xem một vệt dầu đánh rỏ xuống như một vệt rắn bò, từ chỗ xe tôi đỗ đến chỗ máy xúc “A1-3”. Thì ra trong lúc lấy một ít dầu vào chai bia của mình, tôi đã vội vội vàng vàng vặn cái bút sông xả dầu không chặt. Lúc giao nhận xe cho ca sau, tôi nói là mới đổ dầu, nên cậu Phả lái ca này cũng không kiểm tra gì đến dầu mỡ nữa. Xe chạy cái nút sông bị lỏng, dầu văng ra ngoài, mãi sau ông Đùng trông thấy bảo, cậu ta mới biết.

Mặt tôi đỏ bừng lên:

- Đấy là do thằng Phả nó chạy ẩu để dầu văng ra ngoài, chứ tôi...

Đội trưởng Đùng nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Đành rằng thằng Phả nó chạy như vậy là cũng khuyết điểm... Nhưng thử hỏi cậu có khuyết điểm không? Đấy là cái bút sông xả dầu, chứ đấy là bu lông ở bộ phận lái, thì hôm qua cậu đã đưa thằng Phả nó đi ngủ với giun rồi! Làm cái anh lái xe, chỉ lần lỏng lẻo một tý là đưa cả mình lẫn xe xuống vực lúc nào không biết!

Tôi cho là ông Đùng suy diễn để trộ nhau. Chứ làm cái thằng lái xe, thằng nào lại để một con bu lông ở bộ tay lái lỏng lẻo được!

Ấy... Sự đời mấy ai học đến chữ ngờ. Có anh đi ngủ cũng còn soi lại gầm giường xem trộm có nấp ở trong đó không? Nhưng lúc ra ngoài đi giải, thằng trộm nó lại lẩn vào lúc nào không hay! Có thằng cha mất một cái ốc xe đạp cũng kêu toáng lên, nhưng lại quên mất một cái ốc trong chiếc xe ô tô của mình!

Thấy chúng tôi to tiếng, đội phó Tạc tưởng ông Đùng đang “xạc” tôi về cái chuyện lấy dầu hôm qua, nên bước lại gần và vỗ bồm bộp vào vai tôi.

- Thằng này mày ăn vụng mà không biết chùi mép... Hôm qua không có tao, có phải nó lại làm khó dễ mày không?

Rồi quay sang Đùng, Tạc nheo mắt lại, rung rung cái cằm đầy râu:

- Rau nào sâu ấy thôi! Làm cái thằng xe, đêm nằm vợ nó hãy còn kêu ầm lên về mùi dầu, thì cũng chỉ biết xà xẻo lấy ít dầu...

Nói rồi, Tạc đẩy vào vai tôi:

- Ra mà nhận xe đi... Ông tướng trẻ!

Khi tôi đã lên xe, Tạc hãy còn nheo mắt và hất cái cằm đầy râu lên, nháy tôi một cái không hiểu có ý gì. Từ đấy, tôi có một cảm tình đặc biệt với ông ta, như một người chịu ơn mà chưa trả được! Còn ông Đùng, xem ra mỗi ngày một xét nét từng bước đi của tôi. Một hôm, tôi chạy vô ý văng cái nắp đổ dầu ra ngoài, ông Đùng cũng nhặt được. Máy xúc mất điện, tôi ngủ quên trong buồng lái, ông Đùng ở đâu đến lôi tôi dậy... Một buổi trưa, mưa tầm tã, tôi ngồi nói chuyện với mấy cô chạy máy ép trong gầm chiếc xe của mình, ông Đùng đi qua, để một ngón tay ngang mồm và bảo cô kia, không hiểu đùa hay thật:

- Này, trong giờ sản xuất mà bỏ máy ra nói chuyện với tài xế của tôi là không được đâu đấy nhé!

Làm cô này sượng mặt phải bỏ đi ngay.

Nhưng cái làm tôi ức nhất là một hôm tôi đánh xe về nhà máy để thay một cái bơm cao áp, rồi lại đánh xe lên công trường, gặp một cô cán bộ kỹ thuật trung cấp rất xinh, tôi đã có cảm tình từ lâu. Trông thấy cái đầu phi-dê của cô ta lấp ló ở đằng trước cabin, tôi đã vội phanh xe lại và thò đầu ra ngoài cửa:

- Lan Anh ơi! Đi đâu đấy?

Lan Anh quay lại, nghiêng cái đầu phi-dê ngước mắt lên nhìn tôi, nói rất điệu nghệ:

- Em đi Tả ngạn để kiểm tra cái máy xúc Eca-ghê 3 bị gãy láp... Anh có lên trên đấy, cho em đi nhờ với!

Mặc dầu công trường Hữu Ngạn của tôi ở bên này, tôi cũng đẩy cánh cửa cabin, đón cô ta lên. Nhưng vừa mới đi được một quãng gặp ngay ông Đùng ở đâu nhô ra như một hòn núi, chắn ngang đường. Tôi định phóng xe tạt qua làm như không biết. Nhưng không kịp, đành phải phanh xe lại.

- Này! - Ông Đùng nhảy lên nắm lấy cái tay mở cửa - Bữa nay cậu đánh xe lên máy xúc “E650”, còn máy xúc “A1-3” nọ “ách” lại để sửa chữa rồi!

Chĩa cặp lông mày của mình về phía cô gái, ông ta hỏi:

- Cô đi đâu?

- Dạ... Cháu lên công trường Tả ngạn ạ.

- Thế mời cô xuống. Xe này là xe chở than chứ không phải xe chở người! Bao giờ cậu Chiến cậu ấy được lái xe chở người, xin mời cô đi - Đợi cho cô bạn gái xuống xe, ông Đùng lại tiếp - Gặp tôi, chứ gặp cán bộ an toàn hôm nay, thể nào họ cũng lập biên bản cả hai anh chị!

Làm chúng tôi đỏ hết cả mặt mũi lên.

Đối với những anh lái xe khác trong đội, ông Đùng cũng riết róng không kém. Một hôm, tôi thấy ông ta dẫn anh Nẫm, bí thư chi bộ của đội lên tận chỗ máy xúc “E3” và giở một quyển sổ trong túi mình ra, rồi phàn nàn với anh Nẫm về chuyện một cậu lái xe chạy bật cả cửa hậu, để than vung ra ngoài mà vẫn không hay.

- Đây! - Ông Đùng chọc một ngón tay vào cuốn sổ... Tôi đã ghi rõ ngày giờ, số xe, quãng đường... để xem lần này hắn có cãi được với tôi nữa không?

Trong một cuộc họp của anh em trong đội, ông đội trưởng đã chống cái ngón tay ấy xuống bàn, xô hẳn người về đằng trước, nhìn chúng tôi bằng con mắt dữ dội:

- Tôi đã trông thấy có cậu bỗng phanh độc xe lại chỉ vì một cô gái đội nón đi ở phía trước. Tôi đã bắt gặp có cậu phun khói ra như một đám cháy nhà để trêu một cô chạy máy ép... Là những người tài xế, chỉ vì muốn trêu một cô gái mà đang tự nhiên phanh độc xe lại, hoặc phì ra một lúc mấy lít dầu, thì hỏi là mình có biết thương cái xe của mình hay không?

Rồi ông Đùng đề nghị cả đội nghiêm khắc kiểm điểm cậu Tuấn là cậu đã đánh bẹp cả ba đờ sốc chỉ vì muốn vượt một chiếc xe Gấu. Lúc anh Nẫm ở đâu đến lôi ông Đùng ra ngoài, không hiểu có công việc gì, ông Tạc ở lại chủ trì cuộc họp đã cho qua “vấn đề” một cách nhẹ nhàng, chóng vánh...

Nhiều người có cảm tình với Tạc ở chỗ đó. Cho rằng Tạc “tâm lý” với anh em, chứ không “cứng đơ” và hay “bốc ga” như ông Đùng. Nhưng có người lại bảo vì Tạc dốt về máy móc kỹ thuật nên hay xuê xoa, xuôi chiều với anh em. Riêng tôi, tôi nghĩ: “Cái ông Đùng cũng khác nào như con sâu róm, chỉ muốn rụng lông vào người khác”.

*

Ít lâu sau, được tin tôi sắp lấy Lan Anh làm vợ, Đùng trèo lên cabin của tôi, nắm lấy cái vành vô lăng:

- Cậu lấy con bé ấy thật à?

Mặt tôi vênh lên, có vẻ hãnh diện vì đã lấy được một cô cán bộ kỹ thuật trung cấp người Hà Nội, rất kháu. Nhưng Đùng lại bảo:

- Cậu với con bé ấy khác nào như cái đôi đũa lệch!

Tôi đỏ mặt lên:

- Ông cho tôi là cái thằng “mèng” à?

- Tớ không nghĩ thế - Đùng ngắc ngứ một lúc rồi nói thẳng đuột - Nó là cái con bé làm đỏm hạng nặng!

- Sao ông biết?

- Con ruồi bay qua trước mặt cũng còn biết con đực con cái nữa là... Đằng này trèo lên cabin máy xúc mà nó mặc quần lụa xát xi. Dạo nọ tớ có việc lên phòng cơ điện mỏ họp một buổi về chung với nó một chuyến xe, ngồi bên cạnh nó. Thấy cái quần mình có mùi dầu, nó nhăn mặt lại và nhích ra xa... Hôm vừa qua tớ lại lên phòng cơ điện của nó để xin một cái phiếu cho thằng Tuấn “patinê”, đánh xe về nhà máy thay cái bơm. Mình vừa mới ngồi xuống cái ghế, đứng dậy đi ra ngoài, nó đã lấy giẻ phủi đi ngay...

Thấy tôi im như đất, Đùng lại tiếp:

- Người ta bảo trên đời này có ba cái sự hệ trọng. Thứ nhất chọn nghề. Thứ hai làm nhà. Thứ ba lấy vợ. Cái chuyện vợ con nó là cái sự cả đời mình. Nếu không cẩn thận thì rồi hối lại không kịp... Mà tớ xem ra cậu say nó quá, nên mới tính cái nước sốt sột như vậy! Tớ cứ nghĩ cái câu các cụ dạy ngày xưa: “Lấy vợ thì cưới liền tay”, bây giờ nó cũng chả đúng nữa đâu! Trước kia do cha mẹ đôi bên ép buộc. Bây giờ hai đằng tự do tìm hiểu... Trước kia khác, bây giờ khác chứ, phải không?

Lúc ấy tôi nghĩ: ông này lại đụng chạm thô bạo đến chuyện yêu đương của anh em. Chứ không nghĩ rằng ngay trong chuyện này tôi cũng có phần dễ dãi, vội vã. Chỉ cần mấy lần đưa đón, hò hẹn. Một vành nón nghiêng xuống. Một cặp mắt ngước lên. Và một giọng nói hết sức dịu dàng... là tôi đã phải lòng cô ta rồi!

Đưa Lan Anh lên công trường, đi qua đám các cô gái làm đường ở đây, Lan Anh nói thầm với tôi:

- Nóng bức thế này mà họ cũng chịu khó bịt mồm bịt miệng được, anh nhỉ!

Tôi bảo:

- Ở cái đất này, cốt sao khỏi bụi, chứ ai còn muốn bịt mồm bịt miệng làm gì!

Đi xem với Lan Anh, cô ta nhìn tôi có vẻ không bằng lòng:

- Đi xem mà anh cũng mặc quần áo “bảo hộ lao động”. Ở đây, chứ ở Hà Nội, người ta cười cho đấy!

Rồi Lan Anh bấm cho tôi thấy một anh chàng đi bên cạnh chúng tôi, diện cái áo pôpơlin cổ cồn rất trắng, nhưng lại lót miếng lụa đỏ quanh cổ, còn cô gái đi cặp kè với anh lại buộc cái khăn mùi xoa vào cổ tay.

- Ai lại buộc khăn mùi xoa như buộc chỉ cổ tay thế kia, hở anh?

Lan Anh cười, để lộ hai núm đồng tiền rất sâu và hàm răng thưa của mình. Tôi nói đùa Lan Anh rằng cô phải cái răng hơi thưa một tý. Và khen cái cô chạy máy ép ở công trường tôi có hàm răng nhỏ và đều. Lan Anh đã giận tôi đến một tuần lễ vì chuyện đó.

Lúc ấy, nghe bè bạn trong cánh lái xe của mình kháo nhau: “Thằng Chiến đẹp trai, có tài ‘tán’ được con bé đấy... Chỉ sợ lại không giữ được thôi!” Thế là ít lâu sau, tôi sấp ngửa lo tổ chức, sớm ngày nào hay ngày ấy. Sau này tôi mới ngẫm ra những điều ông Đùng nói với mình.

Từ khi chúng tôi ra ở riêng, đụng vào cái gì cũng thấy co quéo thiếu thốn. Tôi đi làm ca ba về, thấy vợ tôi buộc cái khăn mùi xoa rất đẹp lên đầu, xắn cái quần lụa cũ lên khỏi gót chân mà vẫn không dám xông vào lấy một gánh than với đám vợ con công nhân ở đây. Tôi ngứa mắt, lại phải giật lấy cái xẻng trong tay cô ta, xông vào lấy được mấy gánh than, rồi mới về tắm rửa đi ngủ... Từ đấy, một tay tôi phải lo liệu chạy vạy những thứ đồ ăn thức đựng trong nhà. Còn vợ tôi chỉ thêu thùa khâu vá và làm các món ăn là sành.

Biết hoàn cảnh nhà tôi, đến kỳ tôi đánh xe về nhà máy trung tu, bỗng dưng đội phó Tạc gọi tôi lại:

- Nhà cậu đun than hay đun củi?

Tôi bảo trước đây chúng tôi đun than, nhưng từ dạo than gặp khó khăn thi xoay sang đun củi. Tạc bàn với tôi ngày mai đánh xe về nhà máy trung tu thì hôm nay lúc chạy nốt chuyến than cuối cùng, giữ lại một ít ở thùng xe, lúc đánh về nhà máy, ghé qua nhà mình, đổ luôn xuống. Nhà tôi và nhà ông ta ít ra cũng đun được hằng tháng. Thấy tôi còn áy náy, Tạc nheo mắt lại hỏi:

- Cậu sợ à?

Rồi Tạc nói để tôi yên tâm:

- Mình làm cái chân lái xe ở mỏ, suốt đời đi chở than cho thiên hạ mà lại không chở được một ít về cho nhà mình hay sao?

Chuyến than ấy, nhà tôi đun ngót ba tháng giời mới hết. Biết rằng xe tôi đã trung tu xong, chỉ còn chờ đi thử là đánh lên công trường. Tạc lại nói với tôi:

- Khi nào đi thử, cậu đánh xe lên cây số bảy cho mình chở nhờ cái nhà sơ tán mình mới dỡ về dưới phố. Chứ cứ để trên đấy lâu ngày rồi mưa gió mối mọt nó cũng xà xẻo đi.

Thật ra hôm ấy tôi đã phải đánh đi hai chuyến mới hết được số gỗ lạt, tre pheo ở cái nhà sơ tán của Tạc về dưới phố.

Dạo ấy, một số xe chở than, phải chạy đi chở linh tinh. Xe tôi lúc chở choòng lên công trường, lúc chở đá để xây một cái lò thoát nước, lúc chở gianh đi làm nhà... Nhè lúc ông Đùng đi họp, Tạc đã điều xe tôi đi chở một chuyến cá mòi cho một hợp tác xã ngư nghiệp dưới bến Do. Mua được một lúc hơn hai chục ký lô cá tươi đem về phân phối cho anh em trong đội. Ông Đùng đi họp về, trông thấy, kêu ầm lên:

- Không hiểu các cậu nghĩ thế nào mà lại tính cái chuyện như vậy?

Tạc cười nheo hết cả mắt mũi lại:

- Mấy khi được một chầu cá tươi về cải thiện cho anh em trong đội một bữa, hở thủ trưởng?

Nhưng ông Đùng gạt ngay đi:

- Chuyện đó... Đã có anh đời sống phải lo. Xe của mình là cái xe chở than, chứ không phải đi chở cá!

Tạc sờ lên cái cằm đầy râu của mình, tím mặt lại và quay đi. Vừa đi vừa vặt sợi râu như có ý bực mình về cái sự ông Đùng vuốt mặt không nể mũi... Lúc ấy, tôi vừa đánh xe lủi đi, ông Đùng đã gọi tôi lại:

- Chiến!

Rồi nhảy ngay lên cabin. Một lúc sau, ông Đùng mới nói:

- Cái thằng Tạc là cái thằng việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng, thấy cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng... Làm cái thằng đội phó, đứa nào cũng làm ăn như nó thì rồi sẽ xuống hố lúc nào không biết! Nó là cái thằng bảo thủ mà lại ma lanh khôn vặt, nên không thể mỗi lúc mà bảo cho nó sáng mắt ra! Còn mày... Mày, tao cứ nói thật mà không sợ mày giận tao: đi với bụt mày mặc áo cà sa, đi với ma mày mặc áo giấy... Từ rầy mày bỏ cái lối theo voi ăn bã mía ấy đi, không có đắm đuối vào, lại trách tao là cái thằng đã từng dạy mày học lái cái xe mà không biết bảo mày đi vào con đường tốt!

Vì không hiểu ông Đùng, nên tôi đã hiểu ý ông ra một đằng. Từ đấy, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm ăn riêng lẻ, chứ cứ “canh ty” mãi với Tạc, tôi chỉ è cổ ra gánh vác cho ông ta mà lại còn giơ đầu ra để chịu báng. Thế rồi, tôi kêu sút lưng không lái được, xin một cái phiếu ốm, nghỉ hai ngày ăn 90% lương để lên làng “động” lùng mua một chai mật ong, cho thằng cháu bé nhà tôi. Nhưng không lùng được. Sáng hôm sau đi làm, vừa mới trông thấy tôi, Tạc đã nheo mắt và hất cái cằm đầy râu lên.

- Thế nào? Hôm qua có lùng mua được mật ong không, hở ông bạn trẻ?

Tôi còn đứng ngây râu ra không nói được câu gì, Tạc đã vỗ đồm độp vào vai tôi:

- Cậu có mua được mật ong ở đấy, cái dân làng “động” nó cũng cho cậu uống nước lã pha đường, chứ đừng hòng mật ong chính hiệu - Rồi Tạc ghé vào tai tôi, nói nhỏ - Cậu muốn mua được mật ong chính cống, phải ra Cái Rồng.

Tôi bảo làm gì đi được Cái Rồng để mua một chai mật ong. Tạc đã đẩy vào vai tôi một cái.

- Cậu nghĩ cạn lắm... Này nhá: sắp tới xe cậu thế nào mà chẳng ra Cái Rồng mua ít gianh về lợp nhà ăn cho tập thể. Tớ có một người quen ở đấy. Thế nào nó cũng lùng mua cho cậu được một chai mật ong chính cống! Tớ có cái chuồng lợn cũng dột nát tứ tung cả rồi, mà mình xin một chuyến xe ra đấy lấy mấy cái gianh, chẳng bõ. Nhân tiện chuyến này cậu đi... Vất lên cho tớ mấy cặp gianh, tớ đã ga răng ti với mấy tay hợp tác xã ngoài đấy rồi!

Tôi còn đang ngắc ngứ như mắc phải cái xương trong cổ, Tạc đã vỗ đánh “bốp” một cái vào vai, làm tôi bàng hoàng cả người:

- Thế nào? Hở ông bạn - Sút lưng!

Chuyến gianh lần ấy, tôi đã không đi lùng mua mật ong mà cũng không chở gì cho Tạc mấy cặp gianh ở Cái Rồng về nữa...

Nhưng bận sau, trong một chuyến chở chồng về nhà máy sửa chữa, tôi đã chở thêm một ít than kíp-lê, nói dối là chở về cho nhà máy, thì gặp ngay ông Đùng. Ông Đùng xem lại cái phiếu chở hàng của tôi, rồi chọc một ngón tay vào, và dựng cặp lông mày lên:

- Trong phiếu không có ghi chở than kíp-lê, cậu đổ than xuống đi!

Biết tính ông, nên tôi đành phải đổ than xuống mà không nằn nèo gì cả. Đợi cho tôi đổ xong, ông Đùng mới gọi tôi ra một chỗ bảo:

- Lần sau mà mày còn làm ăn thế này, tao lập biên bản, chứ không để cho mày đi đâu! Chỗ anh em tao hỏi thật: nhà mày túng cái đốt lắm không? Hay con vợ mày nó sợ bẩn quần áo mà không dám đi gánh lấy một gánh than về đun, thì bảo tao!

Tôi có vẻ lúng túng ra mặt. Nhưng vẫn chối. Ông Đùng định quay đi, nhưng nghĩ thế nào lại sấp ngửa quay lại:

- Thôi được, để tối nay đi họp về, tao tạt vào nhà mày xem vợ chồng chúng mày ăn ở ra sao.

Nhưng tối hôm ấy, tôi lại tìm đến nhà Tạc và dặn vợ tôi nếu ông Đùng đến thì bảo không biết tôi đi đâu. Sáng hôm sau lên công trường, ông Đùng hỏi, tôi tìm lý do nói để ông khỏi mất lòng. Cảm giác như có người đang đuổi theo mình, nên tôi cứ tìm mọi cách để lẩn trốn...

Từ đấy, ông Đùng không cho xe tôi đi chở những thứ linh tinh nữa. Một hôm, gặp hai bố con ông ta đi vác tre ở tận lô cốt về để làm một cái giàn mướp, tôi nói một câu để lấy lòng:

- Sao anh không lấy một chuyến xe cho đỡ vất vả?

- Xe mình chở than, chở đất nhưng cũng phải giữ nó trong sạch.

- Anh là đội trưởng... Làm gì mà chả xin được một chuyến xe?

- Mình làm cái anh “to đầu” mà lại đi đầu trò như vậy thì rồi bán cả đội xe này đi à?

Tôi càng gớm ông Đùng. Nên đến kỳ xe về nhà máy trung tu, tôi mới để lại ít than ở thùng xe, định bụng ghé qua nhà là đổ luôn xuống, bất đồ đụng ngay phải đội phó Tạc, không hiểu ông ta xuống nhà máy làm gì?

“Hắn mà biết mình đi ‘ăn mảnh’ thế này, thế nào hắn cũng làm khó dễ cho mình đây!”

Nghĩ thế, tôi vội vã sang số và nhấn thêm ga, ghé qua mặt Tạc để bứt lên, thì không may cho tôi... Tôi đã đâm ngay phải một chiếc mô tô đang đi đằng trước mà không kịp xin đường...

*

Trong cuộc họp xét kỷ luật tôi, có người bảo: cho tôi ra làm đường. Lại có người bảo cho tôi đi nhặt than để tôi biết thân. Cuối cùng phải lấy biểu quyết. Tôi thấy rất nhiều người giơ tay. Nhưng tôi chỉ để ý đến Tạc: Tạc nheo mắt lại và đưa đẩy cái cằm đầy râu của mình nhìn mọi người. Thấy số đông tán thành ý kiến đưa tôi ra làm đường ở công trường, Tạc cũng giơ tay lên, như một cái cây, gió chiều nào xoay chiều ấy... Lúc ấy, tôi mới biết lòng dạ con người. Ruột gan tôi còn đang quặn lại, anh Nẫm đã đặt một nắm tay xuống bàn hỏi:

- Anh Đùng có ý kiến gì không?

Bấy giờ đội trưởng Đùng mới đứng dậy. Cặp lông mày cụp hẳn xuống, ông nói một cách khó nhọc:

- Cậu Chiến mắc khuyết điểm mất bằng lái xe, tôi nghĩ cũng đã là nặng. Nhưng cậu Chiến không phải là cái anh lái xe bạt mạng. Tôi là đội trưởng, cậu ấy cũng đã từng đi phụ tôi... Tôi biết. Cái hồi thằng địch nó còn đánh ta, chính cậu Chiến đã bị thương vì cứu cái xe của mình thoát khỏi một quả bom! Nay vì không kiềm chế được mình mà sinh ra khuyết điểm, nghĩ đến cái nhỏ mà quên mất cái to, nên cậu ấy đã làm hỏng cả mình lẫn cái xe của mình. Tôi đề nghị giữ cậu Chiến lại đội xe của ta để cậu ấy làm nhiệm vụ kiểm tu... Chứ còn đưa ra đường làm thì... Tôi không tán thành đâu!

Anh Nẫm cũng thu một nắm tay của mình lại, nói:

- Tôi cũng đồng ý với anh Đùng! - Và anh Nẫm nói thêm - Vấn đề là ở chỗ có thấy được những cái lơi lỏng của mình để mà tu sửa lại hay không? Chứ còn đưa người này hoặc người khác ra làm đường hay đi nhặt than, cũng chưa phải là một cách để siết lại mình... Trong đội xe của chúng ta hiện nay, chưa phải đã hết những cái bu lông và cả những con người còn lỏng lẻo đâu!

Tôi thấy đội phó Tạc cúi xuống, sờ lên cái cằm đầy râu của mình. Lúc ra về, tôi không thấy mặt mũi ông ta đâu cả, mà chỉ thấy anh Đùng và ông Nẫm đến bên cạnh tôi:

- Về nhà tao uống chén nước cái đã...

Đùng vừa nói vừa kéo tôi đi. Về nhà Đùng, tôi mới nói ra được cái điều canh cánh của mình:

- Cái lúc sóng lặng gió dừng, vợ chồng em đã có nhiều chỗ so lệch. Bây giờ, em bị mất bằng lái xe thế này, thì rồi vợ chồng không chắc đã ăn ở được với nhau đâu, anh ạ! Nhà em nó...

Đùng đứng bật dậy, đánh đổ cả chén nước vào người và trợn mắt lên:

- Thế mày định bỏ nó à?

Tôi ngắc ở trong cổ, không nói ra được.

- Hử?... Mày tưởng mày hơn nó hử? - Đùng lại ngồi xuống nói, giọng vẫn có vẻ tức giận - Nó chỉ phải cái làm đỏm một tý, chứ nó đã đến nỗi nào... Cái xe mày đánh hỏng kia, cũng đem bỏ hử?

Anh Nẫm cũng nói vào:

- Vợ chồng ăn ở với nhau không thể mỗi lúc mà bỏ nhau được! Nếu cậu biết tu sửa lại mình thì vợ cậu nó cũng sẽ khá lên. Mà mình xem ra cô ấy bây giờ cũng đã thay đổi nhiều rồi đấy... Cái ông đội phó của cậu mới là cái anh hỏng nặng! Phen này mới vất vả với ông ấy đây...

“Cả tôi nữa... thực ra mối lo âu của tôi lúc này là về Tạc, nhưng người chủ chốt của đội đã nhìn thấy”. Nghĩ thế tôi chỉ còn biết nắm chặt lấy tay Đùng và Nẫm.

Từ đó, tôi đã đi làm một người thợ kiểm tu đội xe, chuyên môn đi kiểm tra, siết chặt những cái bu lông còn lỏng lẻo, tu sửa lại các bộ phận hỏng hóc và tra dầu mỡ vào các bánh khía, các ổ bi han gỉ lâu ngày... Cái nghề kiểm tu của tôi nó là thế đấy.

Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn Người bào chế thuốc giảm đau - Truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy Tào Lường - Truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài Đánh trận giặc lúa - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển Người cầm súng - Truyện ngắn của nhà văn Lê Lựu Trên vành chảo Điện Biên - Truyện ngắn của nhà văn Đặng Quang Tình
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.