Khoảng năm mười một mười hai tuổi gì đó, thì tôi được gửi ra sống với ông nội trên thị trấn Ngoi. Ngày đó, mọi thứ trong thị trấn đều cũ kĩ, như là dấu vết của thời đại lịch sử xa xôi để lại. Khu nhà ông nội sống nằm trong khuôn viên cơ quan, giống như của một tu viện hay trường dòng gì đó xây từ thời Pháp thuộc, nhà cửa đã sập sệ, riêng bên cạnh khu gia đình có một gò đất cây cối rậm rạp, thâm u. Cây quanh năm ít được chăm sóc, nhưng những khóm trúc vàng, những bụi hoa hồng lúc lỉu chùm hoa đỏ thì trở làm nơi trú ngụ cho vô số côn trùng, rắn rết. Cơ quan của ông nội tôi đặt Văn phòng ở đây, ban ngày người ra vào tấp nập, nhưng ban đêm thì không khí náo nhiệt biến mất, mấy bóng đèn công cộng toả ánh sáng lờ mờ, gò cây trở nên tối tăm, kỳ dị nhưng lại là nơi thích hợp để bọn trẻ khám phá trốn tìm, đùa nghịch.
Minh hoạ Phạm Hà Hải |
Anh là nhân viên mới dưới quyền ông, được xếp ở trong một căn phòng hẹp vốn xưa là phòng tắm, đối diện với căn phòng của ông tôi, đủ kê cái giường cá nhân, cái tủ đựng quần áo, cánh tủ gắn tấm gương soi.
Mẹ anh, một bà giáo quê gốc Thuỷ Nguyên Hải Phòng, ăn mặc giản dị nhưng lịch sự, bà mặc chiếc áo len màu trắng như tuyết, tóc búi cao, rất đoan trang và rất xinh đẹp. Bà dạy học ở tỉnh, chỉ ở chơi vài ngày rồi đi. Anh cỡ ngoài hai mươi, ít nói. Ông tôi dặn dò, anh bị bệnh nguy hiểm, không được đến gần.
Là nhân viên văn phòng, nhưng không được giao công việc gì quan trọng, phần lớn thời gian nhàn rỗi anh dùng để đọc báo. Thoạt đầu ít người biết anh bị mắc bệnh, hơn nữa, dù ít nói nhưng anh tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người, nên mọi người đều yêu mến anh. Tôi đã nghe không ít người nói sau lưng anh, rằng anh đẹp trai. Mà tôi thấy anh đẹp thật, dong dỏng cao, đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh toả ánh sáng, ít cười nhưng đã cười thì rất duyên.
Một hôm sương muối đậu trắng trên các tàn cây, ngọn cỏ, anh bất ngờ đổ bệnh. Anh cởi trần lao ra khỏi nhà, mặt đỏ gay, mắt long lên hung dữ, gặp ai cũng húc đầu vào ngực. Tôi vừa đi học về, chứng kiến anh điên như thế, hai đầu gối run lên, cơ chừng muốn khuỵu ngã. Ông tôi từ trong văn phòng nghe ồn ào, chạy ra, hô hào mấy thanh niên cơ quan dùng sức giữ anh lại, đưa ra bệnh viện thị trấn. Sau hơn tháng điều trị, anh trở về, đi làm bình thường. Nhưng ánh mắt mọi người nhìn anh bắt đầu thay đổi, không ít người tìm cách xa lánh anh.
Tôi không rõ anh có biết rõ bệnh của mình không, nhưng nếu có biết anh cũng không nói, giữ sao để cho số người biết bệnh anh càng ít càng tốt. Căn bệnh của anh khiến nhiều người trong khu gia đình e ngại. Những người biết anh bị bệnh tâm thần đều tránh mặt. Trẻ con như đám chúng tôi thì luôn được nhắc nhở. Đặc biệt là tôi. Ông tôi nghiêm mặt nói, cấm không được trêu tức, anh ấy mà giận thì cháu không có đường chạy đâu.
Sau khi anh phát bệnh, mọi người càng lảng xa anh, ông tôi cũng không giao việc cụ thể nào cho anh nữa. Vốn đã lầm lì ít nói, anh lại càng ít nói hơn. Nhiều hôm tan học về, tôi thấy anh đi lại loanh quanh trong phòng, nếu không thì cầm tờ báo im lặng như một pho tượng, như là chỉ nhìn mà không đọc.
Tôi cho là anh chỉ bị bệnh từng lúc, khi lên cơn thì hung dữ có vẻ nguy hiểm, lúc thường thì anh hiền khô. Nghe mọi người mỗi khi tụm hai, tụm ba cứ kháo nhau, rằng anh điên là tôi thấy xót xa trong lòng. Anh ấy không phải là kẻ mất trí. Tôi tò mò muốn biết về anh, bỗng muốn làm thân với anh. Tôi không cắt nghĩa được tại sao lại như thế. Mà anh rất hay mỉm cười mỗi khi nhìn thấy tôi. Nụ cười của anh buồn, nhưng lại hút hồn, khiến hai vành tai tôi cứ nóng bừng. Anh hơi gày, nhưng lại chịu lạnh rất giỏi, luôn chỉ mặc chiếc áo mỏng, chả bao giờ rùng mình.
Muốn ra gò cây chơi, tôi phải đi ngang qua phòng của anh. Anh luôn có mặt và luôn mỉm cười với tôi. Bất giác tôi cũng đáp lại nụ cười của anh, rồi co chân chạy vụt đi. Tôi như nhìn thấy đôi mắt anh sáng lên trên khuôn mặt đẹp u sầu.
Một lần anh đứng ở cửa, cười với tôi và nói, anh chào em. Em chào anh, tôi đáp lại.
Tết Nguyên Đán đến gần, ông tôi đi công tác dưới địa phương. Vào một buổi tối, tôi thấy cửa phòng nhà anh mở rộng đèn bật sáng, có thêm một người khách quen, mẹ anh. Vậy là tôi bèn bước vào nhà, chào bà mẹ và chơi với anh ấy. Mẹ anh vẫn mặc bộ cánh như lần trước tôi thấy, gọi tôi lại gần, ôm lấy tôi và xoa đầu, nói cháu lớn nhanh thật đấy.
Trên thân thể bà toát ra một mùi hương quyến rũ. Bà ngó sang con trai, hỏi gần đây con có bị ốm không? Anh lắc đầu. Bà nói tiếp, con xung phong ở lại trực tết cơ quan cũng tốt, nhớ ăn uống, giữ gìn sức khoẻ nhé. Anh ngoan ngoãn đáp lời mẹ, con xin vâng ạ.
Cuộc gặp gỡ ở nhà anh cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Mẹ anh nom sang trọng thế, còn bố anh ấy thì sao nhỉ, liệu có nghiêm khắc? Không biết bố anh ấy có yêu con trai không, sao không thấy ông đến thăm anh ấy nhỉ.
Cái tết năm ấy nghèo, nhưng yên ổn, qua đi một cách thầm lặng. Sau Tết, mẹ anh còn lên thăm anh vài lần nữa. Nghe nói bà lên để thuyết phục anh xây dựng gia đình.
Gò cây trở nên xum xuê, xanh biếc, cỏ dại nở hoa trắng miên man, gió trời bỗng thơm một cách lạ lùng.
Một hôm, khi ở trong sân một mình, anh ra hiệu gọi tôi lại, lồng vào tay tôi một chuỗi hạt cườm, bảo anh làm cho em. Chuỗi hạt cườm rất đẹp, anh thu nhặt ở đâu đó, xâu lại bằng một sợi cước đỏ. Anh hỏi khi tôi đang ngắm nhìn nó, em có thích không. Cảm ơn anh, em rất thích. Anh dịu dàng, em là một cô bé rất tốt. Anh nói có thật không? Thật, mọi người sợ anh, vậy em có sợ anh không? Không, khi anh không ốm, em không sợ.
Mặt anh hơi tái đi, trở nên u ám và trông rất buồn. Anh bảo, không sao đâu em, bất cứ lúc nào em cũng có thể thoải mái đến chơi với anh. Vâng, tôi đáp khẽ.
Một sớm chủ nhật, tôi thực sự chán khi chỉ có một mình, tình cờ nhìn ra cửa thấy anh đang kiểm tra xe đạp, chắc chuẩn bị đi đâu đó. Anh ấy đi đâu vậy nhỉ, tôi bỗng tò mò, thường anh ấy không bước ra khỏi cổng khu nhà trừ khi có điều gì đó đặc biệt. Tôi cũng vậy. Bất ngờ anh cất tiếng, em có muốn đi chơi với anh không? Chơi đâu anh? Thành thực mà nói, tôi rất muốn đi, nhưng tôi do dự. Ông tôi mỗi khi đi đâu xa nhà đều nói, khu này rộng rãi đủ để cháu chơi, không được đi ra phố, không được xuống sông nghịch nước, sông sâu đuối nước không ai cứu đâu. Những ngày thường, ông buộc tôi phải ngồi vào bàn, ôn bài, luyện chữ, làm bài tập và học vẽ, còn tôi thì chỉ muốn đi chơi.
Đừng lo lắng, anh khoẻ mà. Chắc anh thấy tôi do dự nên nói vậy. Tôi đáp, không lo, em không lo. Em sẽ… Anh nói để tôi yên tâm, đi đến phố bờ sông thăm bạn của mẹ anh, chuyển cho bà ấy chút quà. Có về sớm không anh? Về sớm, nhoáng cái về ngay mà.
Vậy là tôi đã mạnh dạn ngồi lên xe đạp của anh. Trên đường, anh rủ rỉ chuyện trò. Lúc không nói chuyện, anh ấy huýt sáo một điệu dân ca gì đó, nom rất hạnh phúc. Tôi hiếm khi ngồi xe đạp, nên ngồi sau xe anh người cứ lắc lư, đảo đi đảo lại, khiến anh khó điều khiển. Anh bảo, em đừng sợ, ôm chặt lấy lưng anh mới dễ đi. Tôi làm theo. Vòng lưng của anh gầy, dường như nếu tôi ôm chặt hơn một chút thì lưng anh sẽ gãy mất. Đi ngang qua khu trung tâm thị trấn, đi qua con đường dài rợp bóng cây báng súng, ra phố bờ sông.
Phố nhỏ nhìn ra con đường nằm sát bờ sông. Dải đất ven sông mọc đầy hoa cải vàng. Quãng sông chảy qua thị trấn khá rộng. Bên kia thấy um tùm những lùm tre được trồng để chắn sóng, chống lở đất. Nắng hình như có mầu xanh.
Phố mỗi ngày mỗi thưa, một nỗi lo sợ ngấm ngầm, liệu anh có đưa tôi đến một chỗ nào đó hoang vắng không. Tôi nhìn xuống dòng sông, thấy những xoáy nước rất mạnh. Két, tiếng má phanh cọ sát vào vành xe, đến rồi.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn thấy một ngôi nhà tuyềnh toàng lợp lá cọ mưa nắng đã mòn vẹt. Anh dựng xe, bảo tôi theo anh tiến vào nhà. Chủ nhà là một phụ nữ chạc tuổi mẹ anh. Hai người ngồi lại với nhau, thì thầm trò chuyện, không ai quan tâm đến tôi. Thấy mình như bị thừa ra, tôi bước ra ngoài ngắm nghía mây trời, ngẫm ngợi vơ vẩn.
Một cái vỗ vai làm tôi giật nẩy mình, ngoảnh lại hoá ra là anh. Anh bảo, mình ra sông chơi đi. Tôi muốn thoát khỏi sự nhàm chán nên lập tức đồng ý. Chúng tôi đi dọc theo bờ sông, tìm được một bãi cỏ sạch, cùng ngồi xuống. Gió từ dưới sông thổi lên tươi mát, chếch xuống dưới là bờ đá, sóng đánh rì rào, có cảm giác những giọt nước li ti bắn lên tận chỗ chúng tôi ngồi. Anh bứt một cọng cỏ đưa lên miệng nhấm, tôi biết thứ cỏ ấy khi nhấm thì tiết ra vị ngọt. Anh nhắm mắt, không nói gì. Lúc này, cảm giác lo sợ đã rời khỏi tôi, anh tỏ ra thật đáng yêu, đang ở rất gần tôi. Tôi luôn muốn có một người bạn, một người bạn tốt. Tôi cũng thầm mơ tưởng, nếu anh là anh trai tôi thì tôi sẽ đối xử với anh ấy như thế nào nhỉ? Liệu mối quan hệ của chúng tôi có trở nên thân thiết hơn không? Nếu anh ấy là một phần của gia đình tôi, thì hoàn cảnh gia đình tôi sẽ như thế nào nhỉ?
Ở đây có vui không? Anh cất tiếng. Tôi bảo rất vui. Anh bảo, đến lúc phải đi về rồi, lần sau anh sẽ lại dẫn em đến đây chơi. Đúng vào lúc chúng tôi dợm đứng lên thì bất ngờ toàn thân anh run lên cầm cập, hàm răng nghiến chặt, đôi mắt nhìn chằm chặp như gắn lên mặt sông.
Tôi ngay lập tức nhận ra rằng, anh bắt đầu lên cơn đau. Làm thế nào đây? Anh sẽ giết tôi? Tôi có nên chạy trốn không? Tôi thực sự muốn chạy, nhưng chân tôi như đeo chì, không thể nhấc lên nổi. Ông tôi có lần nói, vào mùa xuân, những người bị bệnh thần kinh và loài chó nhìn thấy hoa cải vàng là có thể phát điên. Những đám hoa cải vàng dọc bờ sông quả thật có làm anh xúc động. Nhưng sao lúc ấy tôi lại không nhớ ra được. Tôi cảm thấy rất sợ hãi, căng thẳng và lo lắng. Tôi run run nói, anh làm sao vậy, không được ốm nhé, cố lên nhé.
Nghe tôi nói, anh quay lại nhìn tôi. Đôi mắt anh lờ đờ không có một chút sinh khí. Miệng anh mấp máy, cố gắng nói điều gì đó với tôi, nhưng anh không thể thốt thành lời. Toàn thân anh tiếp tục run lên. Anh đưa hai tay vò đầu một cách tuyệt vọng, rồi cơ thể anh cứng đờ, như đông cứng lại. Có cảm giác như anh đang phải vật lộn với một thứ gì đó ở bên trong và sắp vỡ bung ra. Anh cắn chặt môi, vẻ mặt rất đau khổ. Tôi nghĩ anh đang cố gắng kiểm soát bản thân. Tôi muốn giúp anh, nhưng tôi không biết phải làm gì.
Tôi nhìn thấy đôi mắt anh dán chặt vào tôi, như thể cầu xin sự giúp đỡ.
Tôi choáng váng.
Không, trái tim tôi tan nát. Tôi nghĩ anh tin tưởng tôi. Tôi muốn giúp anh. Khoảnh khắc đó, tôi hoàn toàn quên đi nỗi sợ hãi của mình và lập tức nắm lấy tay anh. Tay anh lạnh ngắt, như thể được ướp đá. Anh nắm chặt tay tôi, người vẫn run lên. Những ngón tay anh mạnh mẽ một cách lạ thường. Tôi có cảm giác bàn tay mình sắp vỡ vụn. Nhưng tôi phải cố gắng chịu đựng. Tôi nhìn anh và anh ấy cứ nhìn tôi chằm chằm, cố nói điều gì đó, nhưng vẫn không nói được lời nào.
Sau một vài phút, thậm chí có thể lâu hơn, anh không còn run rẩy nữa. Đôi mắt anh dần trở lại bình thường. Cơ thể anh chùng xuống, mồ hôi nhễ nhại, sắc mặt tái nhợt không còn hột máu. Cuối cùng anh thở một hơi dài và nở một nụ cười khổ sở với tôi.
Anh đã khỏe chưa, tôi khẽ khàng hỏi. Anh chỉ ậm ừ trong miệng. Tôi lo lắng tiếp, vừa xẩy ra chuyện gì vậy anh? Một lúc rất lâu, như là rất cố sức, anh đáp cũng chẳng biết nữa. Tự nhiên tôi có cảm giác, như là tôi có lỗi với anh. Tại sao anh lại phải trải qua sự hành hạ đau đớn như vậy, qua rồi liệu anh có được nhẹ nhõm hơn. Nhưng dù sao thì anh cũng đã kiểm soát được cơn đau, điều này khiến tôi nghĩ anh thực sự mạnh mẽ. Tôi thực sự tin chắc rằng, trong những phút anh nắm tay tôi, anh ấy đã làm chủ được mình.
Trên đường về, anh vẫn chở được tôi, chỉ hơi gắng sức một chút. Tôi im lặng vì không dám hỏi. Đến gần cổng, anh bảo tôi xuống xe, đi vòng qua gò cây. Anh cảm ơn em, nhưng đừng nói với ai là hôm nay em đi chơi với anh nhé. Tôi tự nhủ, sẽ không nói với ai về việc trên, kể cả ông tôi. Tôi sợ.
Ông là người rất nghiêm khắc, đã phạt là phạt nặng. Nhưng không lâu sau đó, tôi đã buột miệng nói ra và ngay lập tức ông cho tôi một cái tát.
Anh thi thoảng lại bị đau, nhưng may mắn không xẩy ra sự việc đáng tiếc gì, lần nào anh cũng cố gắng hết sức để kiểm soát bản thân. Dù vậy, mọi người vẫn cảnh giác tình trạng bệnh của anh, sợ tình trạng của anh ngày càng nặng thêm, vì dường như không thể phòng ngừa, không thể đoán trước, hơn nữa sức lực con người thì có hạn. Tôi loáng thoáng nghe, một vài người trong cơ quan đã ý kiến với ông tôi, đòi đưa anh vào hẳn bệnh tâm thần. Nhưng không hiểu sao ông tôi vẫn không làm theo.
Cả khu dân cư chỗ chúng tôi ở, có một bể nước ngầm rất to. Cư dân ở đấy cũng như những người trong cơ quan đều dùng nước bể. Nấu nướng, giặt giũ, tất tần tật. Mùa hè nóng nực, người ta thường tắm muộn. Phụ nữ thì xách thùng nước lúm thúm gột rửa trong cái phòng tắm lộ thiên được dựng một cách tạm bợ, những nan vách nứa do lũ trẻ tinh quái rút đi để lại khe hở toang hoác được che lại bằng manh áo hoặc cái khăn quàng. Đàn ông thì không cần nhà tắm, đánh độc cái quần cụt, dùng xô múc nước dội ào ào ngay cạnh bể.
Đêm ấy trăng rất sáng, tôi tình cờ đi qua chỗ bể nước công cộng, bắt gặp anh đang tắm. Anh nhìn về phía tây, quay lưng về phía lối đi, nên không nhận ra tôi. Tôi bất chợt nhìn thấy tấm lưng anh lấp lánh những vẩy sáng, giống như những vẩy cá trắng bạch nhấp nháy dưới ánh trăng. Giật mình sửng sốt, tự hỏi tôi bị làm sao thế nhỉ. Mắt hoa lên. Sợ hãi, tôi vội nhắm mắt, cố thở thật đều để trấn tĩnh lại. Dường như anh xoay người, nhìn thấy tôi và mỉm cười. Nụ cười thân thiện vẫn ẩn chứa điều gì bí mật. Khi tôi mở mắt ra, thì anh đã quần áo chỉnh tề đi lại phía tôi, hỏi đi đâu về muộn thế. Đáng lẽ phải lảng xa anh như nhắc nhở của ông, thì tôi lại làm ngược lại, tôi bắt đầu thấy thân thiết với anh. Tôi ngước nhìn anh, đáp em đi chơi với mấy đứa bạn cùng lớp. Anh khẽ chạm bàn tay lên mái tóc tôi, em về nhanh kẻo ông đợi. Tôi nghe thấy trong giọng anh sự trìu mến, thông cảm. Tôi cảm thấy anh tươi mát trong sạch, không gợn gì bệnh tật.
Lại một buối tối khác, ông tôi bận việc cơ quan về muộn, tôi nhìn sang phòng anh thấy sáng đèn. Bèn chạy sang phòng anh, dừng lại trước cửa một lát để cho tim đập bình thường rồi gõ cửa.
Anh ra đón, nói chào em. Tôi làm bộ người lớn, nói em có thể vào thăm anh được không. Ô, dĩ nhiên là được. Tôi thấy anh vô cùng vui vẻ, nụ cười luôn nở trên môi.
So với lần trước, trên chiếc giường cá nhân treo một ngọn đèn chiếu ra ánh sáng đỏ. Tôi nhìn thấy trên tường có dán một bức tranh chân dung người phụ nữ nước ngoài. Người phụ nữ trong bức tranh đang ở trong một tư thế đầy mê hoặc, chỉ quấn một tấm khăn lụa mỏng. Tôi cảm thấy hai tai nóng ran.
Anh cười hỏi, đẹp không em? Trông không đẹp! Tôi có chút ngượng ngùng, đáp lại.
Kéo chiếc ghế duy nhất trong phòng đặt trước bàn làm viêc, anh ra hiệu bảo tôi ngồi xuống đó, còn anh thì ngồi ghé mép giường. Tôi run run nói, anh là cá biến thành người à? Sao em lại nói thế, anh lúng túng hỏi lại. Hôm nọ em nhìn thấy. Anh mỉm cười bí hiểm, vậy là em đã phát hiện ra bí mật của anh rồi, đừng nói với ai nữa nhé. Tôi gật đầu, nhưng không tin. Trong tiềm thức, tôi vẫn nghĩ anh là một bệnh nhân. Đây có thể là lời nói dối mà anh đưa ra nương theo ý tôi, để tình bạn của anh và tôi thêm thân thiết. Thực đấy, anh là cá đã biến thành người. Anh nhìn thấy ánh mắt nghi ngờ của tôi, bèn nói thêm. Anh biết khi nào sông sẽ lụt to, cả thị trấn mình sẽ phải đi chạy lụt. Em chả tin, tôi bướng bỉnh nói. Được thôi, anh nói, anh với em đánh cuộc, mùa hè năm sau, sẽ có một trận lụt thế kỷ, nước lụt làm chìm cả thị trấn.
Có thể lắm chứ, đại hồng thuỷ, cả trái đất còn bị nhấn chìm cơ mà. Tôi mơ hồ thấy sợ. Anh liền an ủi, không sao, thị trấn sẽ chuyển lên vùng đồi. Nhưng anh sẽ ở lại, đây là cơ hội của anh, anh sẽ trở lại sống trong nước. Khi đó anh sẽ không làm ai sợ cả. Tôi vẫn còn là một đứa trẻ con, hay nghĩ vẩn vơ, nửa tin nửa ngờ hỏi, anh đi về cõi nước bằng cách nào? Đương đương nhiên em không hiểu, phép thuật ấy chỉ anh có thôi.
Anh lấy từ trong ngăn kéo ra một chiếc gương nhỏ, bảo tôi cầm lấy và nhìn vào chiếc gương trên tủ, hỏi em có thấy gì không. Có thấy, em nhìn thấy em cứ xa hút và nhỏ dần. Sau này tôi mới biết, đó chỉ là hiệu ứng của hai tấm gương phản xạ lặp lại vô hạn. Nhưng khi đó tôi thấy lạ, bèn xem xét kỹ lưỡng kĩ lưỡng chiếc gương, hy vọng sẽ tìm thấy cái gì đó đặc biệt. Nhưng chẳng có gì đặc biệt cả, hình ảnh trong gương giống như kính vạn hoa, khiến có cảm giác lóa mắt, chóng mặt và thậm chí buồn nôn.
Đấy là lối để anh trở về, anh nói. Tôi vẫn còn nghi ngờ. Anh cười độ lượng, em ngốc thật đấy, con đường trở về thế giới của anh, anh đã nói với em rồi. Em nhớ đây là bí mật của anh và em, phải giữ kín đấy. Tôi gật đầu lia lịa, không dám nhìn vào mắt anh, đôi mắt anh ấy đen nâu thăm thẳm. Tôi luôn cảm thấy ở anh ấy có gì rất dễ lây nhiễm qua tôi. Đêm đêm tôi ngủ mơ thấy anh, cùng anh bay lên trên một đỉnh núi tràn ngập ánh sáng mầu hồng, đầy cây trái. Những lúc ấy tôi muốn gần gũi anh, cầm tay anh nhưng sắp cầm được tay thì lại tỉnh giấc.
Khi đó, anh đã chuyển đến sống trên căn phòng áp mái của ngôi nhà sát với cổng sau khuôn viên. Căn gác cũ kỹ, sàn nhà luôn kêu lên ầm ĩ mỗi khi đi lại. Tầng một có một gia đình, tứ đại đồng đường, bốn thế hệ cùng chung sống. Cầu thang đi lên hẹp và cũ. Thành thử nhưng ngày ở nhà, để không làm phiền những người ở tầng một, anh hầu như không ló mặt ra ngoài.
Từ khi chuyển chỗ ở, hầu như tôi không gặp anh. Rồi chẳng mấy chốc, tôi đã quên mất sự tồn tại của anh, nói đúng hơn là anh càng ngày càng trở nên vô hình.
Vào một đêm trời lạnh cắt da cắt thịt, ông tôi chuẩn bị đi ngủ, thì có mấy người đập cửa, gào to ông trưởng phòng, thằng điên lên cơn rồi, đốt chăn chiếu, khéo cháy chết cả nút.
Ông tôi vội khoác chiếc áo bông lao ra cửa, tôi cũng vội lao theo. Trên đường ông gọi thêm mấy người trai trẻ, xông lên tầng áp mái. Cửa phòng không cài then trong. Trước giường có một chiếc chăn bông cháy xém một góc, sàn gỗ cũng bén lửa, còn bốc khói. Anh ngồi bên đống lửa, hai tay bó gối, im như tượng. Ông tôi hỏi, làm cái gì vậy? Anh đáp, tôi lạnh quá, đốt lửa sưởi. Hai ba người tay xách thùng nước trèo lên đổ vào đám lửa, miệng chửi đồ điên, sao không “Thích Quảng Đức” luôn đi! (Ý nói tự thiêu).
Anh ngước cặp mắt cầu xin, nhìn mọi người như muôn nói, đừng nói oan thế. Và anh nhìn thấy tôi trong đám đông. Ánh mắt anh dán vào tôi. Ngay lập tức tôi cảm thấy rằng anh ấy đang kêu cứu. Nhưng tôi có thể làm gì chứ? Tôi không thể làm gì cả. Và tôi vô cùng sợ hãi, chân tôi bất giác lùi dần, lùi cho đến đầu cầu thang. Đầu óc tôi trống rỗng, như thể mọi thứ xảy ra trong quá khứ chỉ là ảo ảnh.
Tôi có cảm giác đôi mắt anh vẫn bám theo tôi, như muốn nói hãy làm điều gì đó đi em. Nhưng tôi cứ như một con bù nhìn. Anh coi tôi như vị cứu tinh, còn tôi đã làm anh thất vọng. Tôi cảm thấy như mình đã phản bội anh. Trái tim tôi tràn ngập cảm giác tội lỗi, giá tôi có thể làm điều gì đó cho anh, cho dù không thể ảnh hưởng đến tình trạng của anh ấy, thì trái tim tôi chắc sẽ nhẹ nhàng hơn một chút.
Có lẽ vì sợ hãi hay vì một lý do nào khác, anh đột ngột lao ra khỏi đám đông khi không ai để ý. Tôi có cảm giác anh lao về phía tôi, muốn làm gì đó với tôi. Tôi sợ đến mức bám chặt vào tường. Nhưng anh không làm gì tôi cả, chỉ dừng lại trước mặt tôi chưa đầy tích tắc, rồi lao như tên xuống dưới.
Đám đông chen nhau lao xuống đuổi theo anh. Những người đứng hóng ở dưới thì xô dạt vì sợ hãi. Anh như con thú bị săn đuổi chạy biến vào gò cây tối om. Lát sau ai đó kêu lên, thằng điên trên mái nhà. Quả thực là như vậy. Anh chạy băng băng trên mái nhà đạp vỡ ngói rơi tung toé.
Rồi thì họ cũng bắt được anh, dùng dây thừng trói lại. Mấy tay vũ phu thô tục còn chửi bới, đánh anh. Dường như không một ai trong đám đông tỏ ra thương xót anh, chỉ lạnh lùng đứng nhìn. Cuối cùng thì ông tôi cũng lên tiếng, yêu cầu mọi người dừng rủa xả, đánh đấm. Một cán bộ dưới quyền hỏi cách giải quyết, ông bảo đưa đến bệnh viện tâm thần. Và một chiếc com măng ca được điều động, ông tôi cùng hai thanh niên khiêng anh lên xe, đưa anh đi.
Tôi buồn bã trở về nhà. Liệu người ta có thực sự gửi anh vào bệnh viện tâm thần hay sẽ đưa đi đâu khác? Liệu những người tiếp xúc với anh có đánh đập anh không? Liệu anh có được điều trị bình thường, chu đáo và hiệu quả? Rất nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng của tôi? Tôi không biết. Tôi không suy nghĩ được gì thêm, nhưng trái tim tôi đau nhói.
Đúng, tôi là một kẻ phản bội, một kẻ hèn nhát.
Rồi lại mùa xuân nữa đến.
Tôi sắp trở thành thiếu nữ rồi.
Đã có lúc tôi nghĩ anh sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Nhưng đúng vào khi tôi thực sự muốn quên anh, thì anh đã quay lại.
Anh vẫn làm việc trong văn phòng như một người bình thường. Anh chủ động chào mọi người. Rõ ràng là anh vui vẻ hơn trước. Một số người nói rằng anh gặp thầy gặp thuốc, nay đã gần như bình phục. Thật vậy, từ khi anh trở lại, bệnh không tái phát nữa. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rõ ràng rằng, mọi người vẫn đang cảnh giác với anh.
Một hôm, tôi chủ động đi tìm anh. Anh vẫn sống trong căn áp mái. Căn phòng đã được anh sửa sang lại, đồ đạc vẫn đơn giản như mọi khi, nhưng sạch sẽ. Tường treo các bức tranh anh vẽ. Tôi nghĩ nếu anh là một người khoẻ mạnh chắc hẳn sẽ có rất nhiều cô gái theo đuổi. Tôi sẽ luôn nhớ về khoảng thời gian đó, căn phòng đó. Lúc đó, nắng xuân tràn vào phòng, gió thổi qua cửa sổ tạo không khí thật sảng khoái. Anh dựa vào cửa sổ, lặng lẽ nhìn mây ngoài xa. Trên bệ cửa sổ có một bình rượu trong suốt, một lọ hoa nhỏ cắm một bông hồng đỏ thắm. Một bức tranh đang vẽ dở nằm trên giá. Tôi dường như hiểu được bức tranh, một dòng sông trong mưa mù, dù mới chỉ phác thảo.
Anh đang vẽ gì vậy? Anh muốn bơi ra biển. Anh cười nhẹ, rất mơ hồ. Tôi thấy anh mạnh khoẻ hơn trước, tóc vẫn rậm xanh. Tôi nhìn vào mắt anh, đen nâu nhưng có chút gì không thể gọi ra tên. Linh cảm khiến tôi lo lắng.
Em xin lỗi, tôi lấy hết can đảm mở chuyện, nói một mạch không để anh chen vào, ngày đó em đã không có đủ dũng khí để cứu anh. Anh lúc lắc đầu, có chuyện gì đâu em. Đến giờ anh không còn nhớ được những gì đã xảy ra. Em không nên tự trách mình thế. Tôi đã bình tâm lại, nói anh với em vẫn là bạn tốt của nhau nhé. Đương nhiên rồi, anh nhớ em mà, tên em là My. Vậy anh có nhớ anh đã nói…Anh đưa tay ra hiệu ngăn tôi nói, rồi thì thầm, bên ngoài có người nghe trộm. Họ theo dõi anh, không buông tha. Tại sao họ không để cho anh yên, đầu óc anh nhiều lúc… Bất ngờ anh dừng lại, chuyển câu chuyện. Em là bạn anh, anh nói với em một chuyện bí mật, em hứa không. Tôi trịnh trọng gật đầu, em hứa.
Hóa ra anh là một nhà tiên tri.
Nhưng ngay trước khi cơn hồng thuỷ ập đến, anh lại bị bắt đưa đi. Mãi sau này, tôi mới biết sự tình. Ông tôi kể, khi đó anh lại lên cơn đau. Tôi không rõ tình trạng của anh nghiêm trọng đến đâu và anh có hành động nguy hiểm gì không, ông tôi không nói. Tôi cũng không nghe ai nói. Sự ra đi của anh cứ như là một sự tất nhiên nhưng vô cùng bí ẩn.
Trong khi anh bị lãng quên, thì tôi lại luôn suy nghĩ về anh. Tại sao mẹ anh, kể từ lần tôi gặp trước, đã không đến thăm anh? Tại sao cha anh không bao giờ xuất hiện? Và những người họ hàng của anh, họ ở đâu?
Mùa hè năm đó trời mưa dai dẳng. Nước sông bất ngờ dâng cao và nhanh chóng tràn ngập các con đường của thị trấn. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một thảm họa. Toàn bộ thị trấn phải sơ tán khẩn cấp đến một địa điểm nghe nói đang được xây dựng làm thị trấn mới.
Kế hoạch di chuyển thị trấn đến địa điểm mới hiển nhiên đã được hoạch định từ lâu, nhưng tôi vẫn tin rằng anh đã dự đoán chính xác.
Sau cơn hồng thuỷ, thị trấn nhỏ trở nên hoang tàn và đổ nát, đường phố đầy phù sa, tràn ngập rác rưởi, mùi hôi thối nồng nặc. Rồi công nhân đã bắt đầu công việc phá dỡ. Thị trấn nhỏ mang tất cả ký ức của tôi đã bị những người công nhân đập thành gạch vụn. Mọi dấu vết thời thơ ấu của tôi đã bị xóa sạch. Lũ lụt rút đi, tin anh mất tích đến với tôi. Không ai biết anh đã đi đâu và biến mất khi nào. Một số người nói rằng anh đã nhẩy xuống sông tự tử, khi đang ở trên thuyền. Không có nhân chứng. Một nhân viên y tế nhớ rõ khi đến địa điểm sơ tán, kiểm đếm số lượng bệnh nhân, vẫn có tên anh, nhưng trong danh sách kiểm đếm được lưu giữ lại chỉ có tên anh mà không có tên và chữ kí của nhân viên y tế.
Tôi còn nhớ, khi nước rút tôi đã theo ông về khu nhà ở và đã một mình chạy đến ngôi nhà ở cổng sau khuôn viên. Tôi cẩn thận leo lên tầng áp mái, hi vọng mơ hồ có thể sẽ thấy anh ở đó. Tôi đẩy cửa, một sự im lặng chết chóc bao trùm. Cảm giác mất mát to lớn khiên tôi vô cùng sợ hãi, như thể anh đang theo dõi tôi từ đâu đó. Tấm gương gắn trên cánh tủ vẫn còn, dù đã vỡ.
Tôi sững sờ nhìn vào gương, nghĩ về bí mật mà anh đã nói với tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi thấy hình trong gương không phải tôi mà là anh.
Không, cũng không phải anh, mà là cá ... một con cá. Mà cá thì người ta có thể thả câu, buông lưới, trước sau cũng không thoát được.
Hà Phạm Phú | Báo Văn nghệ
-------------
Bài viết cùng chuyên mục