Chạy nắng - truyện ngắn của Đỗ Lê Diệu Cầm |
Làm sao quên được đây, mới mờ sáng hôm qua thôi, mặt đá sàn nhà trơn láng lạnh trắng, cô đã nuốt hết cả chàng vào trong người, mà vẫn chẳng đã đầy. Thở hắt hết cả ra mà vẫn chẳng thiêu đốt đi cho cái cảm giác âm u bức bối ngạt thở choán hết cả người. Bàn tay chàng bịt miệng cô. Và tất tật lửa nóng trong người dồn hết cả lên phần trước ngực. Phần sau lưng đá hoa trắng lạnh ngắt.
Suốt cả phần ngày tiếp theo buổi sớm hôm đó, cô bơi ngoi ngóp muốn chết đuối trong cái cảm giác ngầy ngật bềnh bồng, thỉnh thoảng như hụt hơi, thỉnh thoảng như chết ngạt, thỉnh thoảng lại như rỗng không kiệt sức... Và tim đập cuồng loạn, đau nhói.
Cô đã rời chàng vào mờ sáng hôm ấy, ngay hôm ấy, lúc đó trời đã bắt đầu rạng sáng. Trước khi ra khỏi căn phòng còn nồng hơi người lẫn hơi rượu cô-nhắc, cô còn ngoái đầu nhìn lại chàng đang ngủ vùi, chiếc chăn đơn đắp ngang bụng, thở bình yên, khuôn mặt giãn nở rộng tươi như mặt một đứa bé. Trời vừa mới rạng, sương lam sớm dâng đầy đường phố, dâng lam cả cái khuôn viên cận kề nơi chàng ở. Vỉa hè buổi sớm la liệt nằm các chồng báo mới ra khỏi xưởng in - những tờ báo khổ rộng nhiều màu mới tinh sột soạt trong cả một đám người ngồi xổm, đang buộc buộc, xếp xếp đặng mang đi giao ở đâu đó cho thật sớm, thật tươi. Rau sớm, hoa sớm cũng đang rộn ràng bên kia đường, đón đưa, gói buộc và vận chuyển.
Cô đau đâu đó âm ỉ trong người. Cô cũng không quả quyết rằng cô có đau thật không? Bởi hình như không hẳn đau, mà cảm giác này ở giữa đau đớn kiệt sức và hoan lạc thỏa thuê - cái cảm giác lưng chừng tưng túc khó chịu, trùng trùng, mịt mờ sự nửa vời này, luôn ngưng lặng vào đúng cái lằn ranh lưng chừng đó - bắt đầu ám cô, từ khi chàng hiện diện. Chàng nhấc cả cổ tay và bàn tay cô lên, lúc cô đang để chúng ơ hờ trên bàn nước, trong một quán cà phê ngoài trời, tranh tối tranh sáng với hai cái ghế đặt dưới bóng một cây ngọc lan, chẳng hiểu sao, vào cái đêm Sài Gòn tháng bảy mưa tuôn luôn luôn này, tự nhiên lại có một buổi tối tạnh ráo, những bông ngọc lan trắng nở bung, để trần cánh trắng cong cong, xoã xượi, trễ nải, mà chẳng chút tỏa hương.
Sự quấn dính chặt chịa lấy chàng trong tâm tưởng bằng các cảm giác âm âm ong ong suốt ngày khiến cô kinh sợ tan nát. Cô ngồi chẳng nổi, đứng cũng không đặng, và cô hiểu rằng cứ thế mãi trong mấy tuần lễ liên tiếp, cô chắc chết. Và chàng cũng đi ngay buổi sáng sớm đó, sau khi cô rời khỏi cần phòng, đi tuốt luốt về một tỉnh nào xa ngắt miền Tây, và cũng vậy, bỏ lại sau lưng cái buổi sớm lưng cô ẩm lạnh để trần trên nền đá hoa lạnh trơn láng, và cô không thể kêu hộc lên, vì bị tay chàng bịt chặt lấy miệng.
Rồi chuyến đi đột ngột cũng xảy ra, với cô. Cô khăn gói cuống quýt lên đường, bỏ ngay thành phố ngột ngạt tức tưởi. Hai người hai hướng ngược nhau.
Giờ đây, cô đã ngồi bó gối trên bãi cát ngay cạnh biển, bên phải cô là một dãy kè đá đen to tướng, lổm ngổm, đằng trước mặt là biển, thuyền đậu san sát, sóng trắng xóa ầm ào, xô nhau ngay trước mặt cô. Mấy đứa trẻ con đen đúa quần đùi đang ré lên đùa cười, đá bóng, tranh bóng. Một quả bóng lăn đúng vào chân cô. Giá kể khi khác cô đã đứng phắt dậy, lấy mũi giầy đón lấy khéo léo và vung lên nghịch ngợm, nhưng cô bây giờ hờ hững dửng dưng. Mẹ ôi, sao con nghẹt lòng thế này, sao chàng lại đẩy con vào cái cảm giác kinh khủng chân không thế này. Ai cứu con đây?
Bỗng dưng mưa rơi những hạt to tướng vào đầu tóc cô. Rồi nhiều hơn, mau hơn, xuyên tóc, lạnh thót da đầu. Chạy về. Chạy về mau. Những cặp chân rám nắng để trần chạy hết, vù hết như đàn chim sẻ. Cô hơi sững người, rồi cũng đứng lên và chạy trốn mưa. Nếu mưa dứt được mình ra khỏi chính mình, dứt dứt cái lưới tình giăng mắc mạng nhện vô phương này, thì tôi xin cảm tạ trời đất. Cô vừa chạy, vừa thở, vừa nghĩ, bỗng thấy ngay trước mặt là một mái lều và một liếp cửa nhỏ làm lối vào, được chống hờ bằng cây gậy nhỏ - ngay trên bãi cát biển cô đang chạy. Có mấy cặp chân trẻ con thấp thoáng đen đúa nhỏ gầy ngay cửa lều. Cô kéo cây gậy nhỏ chống liếp cửa: Cho tôi trú mưa một tí nào? Bốn cái đầu trẻ con cháy nắng ngẩng lên. Tám con mắt tròn xoe ngơ ngơ. Một người đàn bà nhô ra sau lưng chúng: Cô vào trú mưa đi. Bỏ giầy ra ngay cái sàn đó. Lòng chiếc lều hẹp chỉ vừa bằng cái chiếu, với những tấm gỗ tạp ken lại, thành cái sàn nhà - cao hơn mặt đất chừng nửa mét.
Cô ngồi bệt, xếp bằng tròn ngay xuống ván gỗ đã lên nước đen bóng - có lẽ do ngồi nằm đã quá nhiều thời gian.
- Nhà chị có mấy đứa bé? Tất cả là của chị à?
- Con tôi 5 đứa đó. Đứa lớn đi vắng rồi.
- Chị có 5 đứa con, với chị nữa là 6?
- Không! Còn tôi thứ 7 nữa chớ!
Từ trong ngách bếp khuất, một người đàn ông nhô ra cười, hàm răng hô to trắng xin xỉn khói thuốc trên khuôn mặt đen cháy. Thì ra ông chủ, miệng ngậm một điếu Mai, một tay cầm ấm trà, một tay cầm mấy cái bát con con.
Chuyện trò lai rai trong lều. Lòng lều bé tí chẳng đồ đạc gì, để trống trơn, nên khá nhiều khoảng sàn gỗ dùng để thở, và để ngồi, để ngủ. Có một thằng cu đã lăn quay ra góc lều ngủ từ hồi nào, trùm kín bưng trong cái "vỏ chăn" đan bằng lá dừa, bố nó đi qua không khéo xém chút nữa dẫm vào nó, may nó ngáy, nên không dẫm phải.
- Tên nó là gì?
- Nó tên thắng Đen.
- Thế thằng bé hơn kia?
- Tên Trắng.
- Tên Trắng mà nó lại đen quá nhỉ?
Chính thằng Trắng cười khi nghe cô nhận xét. Quả thật là nó đen nhẻm. Tóc râu ngô vàng rộm.
- Còn hai con bé?
- Một đứa tên Bé. Đứa kia tên Dung.
- Thì ra đứa áp chót là Bé, mà đứa cuối lại là Dung. Chị định đẻ đứa Thứ Sáu nữa không?
- Thôi mà, nhiều rồi - Anh chồng trả lời.
- Ở đây người ta không phạt à?
- Không! Ai muốn đẻ nhiều thì đẻ. Làng biển mùa chúng tôi trên sóng. Có trẻ con thì cho nó theo làm nhân công chính. Con bé lớn vẫn đi câu với tôi thường...
Con bé tên Dung bé nhất chẳng hề nhìn cô lần nào. Nó đang nằm lọt thỏm trong lòng mẹ, một tay sờ ti, cái đầu nhỏ biến mất sau cái vạt áo hoa bẩn màu sẫm của mẹ nó. Nó đang hì hục bú. Chị chủ nhà cười cười ngượng ngùng: Nó hai tuổi mà vẫn thích bú mẹ đó. Chắc là nó bú vú không thôi, cái bầu ngực bé tong teo kia lấy đâu ra một tí sữa nào nhỉ?
Cô chợt nghe đau nhức hết cả bầu ngực, chỗ hai đầu vú buốt nhói. Miệng chàng đã cắn chặt vào đó nút nuốt hết hơi, làm đau đến đỉnh óc, đau tới mấy ngày liền sau đó. Dai dẳng, nhói buốt.
Người đàn ông cười rót trà ra cái bát nhỏ cho cô. Trà xanh như nấu bằng lá trà tươi, và đưa cho cô mấy con mực bé mới nướng xong, trên cái đĩa nhỏ bằng sứ sứt sẹo:
- Mực tôi câu đó. Hôm rày cô hên nên gặp tôi ở nhà, chứ ngày nào tôi cũng đem ghe ra biển câu cá mực, tối khẩm mới về.
- Anh câu cá mực đủ nuôi cả nhà cơ à? - Cô hỏi tò mò.
- Đủ chứ. Không đủ cũng phải đủ. Rồi! Đồ nghề câu của tôi kia!
Ông chủ chỉ tay lên trên cao, sát trần mái lều, ngay trên đầu cô, bó cần câu, mấy ống dây câu và một hộp nhựa trong, nhỏ nhỏ, vuông vuông, anh ta lấy xuống, mở nắp, cô nhìn thấy mấy con tôm mồi bằng nhựa xanh đỏ, trên mình chúng mắc chi chít lưỡi câu chùm sắc cạnh.
- Thì ra đây là mồi nhử. Bọn cá bọn mực biển thật ngây thơ, dễ mắc lừa.
Cô hơi chua chát vỡ lẽ với chính mình và thấy hơi buồn cười. Cô cố gắng thở đều nhịp, nén thở dài, mà không ngớt thắt lòng nhớ chàng. Sài Gòn đã cách mấy trăm cây số, cô đang dật dờ ở một thị xã như đã bị bỏ quên, chàng cũng cách xa thành phố hơn nữa, ngược hướng với cô, mà sao cô vẫn vật vã ập ã với nỗi nhớ điên cuồng thế này?
- Cô ăn con mực này đi. Không như mực khô bán ở chợ đâu, mực tôi đây phơi qua nắng thôi, còn mềm tươi, ăn thế ngọt hơn!
Thằng Trắng sán đến, nhón một con mực nhỏ bỏ vào bát cơm nguội đã để sẵn một con cá nục kho.
Nó xé con mực thành mấy sợi to, nhai ngỏn ngoẻn. Con mèo ở đâu chui ra, nằm xuống ngay bên cạnh nó, nó xé một sợi mực đút vào miệng mèo. Con mèo nhai ngon lành. Con mèo rất đẹp, lông hai màu xen nghệ nhạt với trắng hườm.
- Ông chủ nuôi mèo à?
- Không nuôi đâu. Thằng cu nó nhặt về con mèo ốm sống dở chết dở ngoài đường. Nuôi mấy tháng, ăn cá mực, giờ nó đẹp lên ghê chưa!
Con mèo đúng là đẹp, rất sạch sẽ và hơi kiêu ngạo như bà hoàng trong túp lều biển chật chội. Nó còn sạch sẽ óng mượt hơn cả mấy đứa trẻ nữa. Thấy trong nhà thắp sáng đèn nê-ông, cô hỏi:
- Điện ở đâu mà ra tận biển đây ông chủ?
- Điện cả xóm này chứ đâu một mình nhà tôi?
- Thế nước ngọt thì kiếm đâu?
Chị vợ xen vô hấp tấp:
- Nước ngọt mua mỗi ngày dùng hết 500 đồng. Cả tháng mất 15 ngàn đồng. 10 ngàn điện nữa là 25 ngàn.
- Ít thế thôi sao?
- Ít thế thôi. Nhà tôi còn phải gom tiền mua ti vi màu cho lũ trẻ khỏi đi xem ké hàng xóm.
Ông chủ kể lể. Cả nhà không ai biết chữ, cũng chẳng đứa con nào chịu đi học, chỉ thích quanh quẩn trong lều, rồi thỉnh thoảng đi mót cá tôm bán, mỗi ngày mỗi đứa có khi kiếm được cả chục ngàn đồng.
Đơn sơ quá. Hạnh phúc một nhúm nhỏ thế cũng đủ cho cả 7 con người sao? Những tiếng cười trùm phủ quanh cô. Hàm răng của hai vợ chồng phô ra trắng đục như nhau. Mắt trẻ con lóng lánh đen nhưng nhức trong veo. Có gì mà phải buồn phiền đau đớn phức tạp như cô, như chàng - những người đô thị mệt mỏi, luẩn quẩn trong cái tấm chăn hẹp, ai đó gọi là hạnh phúc - mà cứ người này kéo thì người kia lại hở?
Vẫn mưa rơi lộp bộp trên mái lều, mau hơn, rồi thưa hơn và đột nhiên tạnh hẳn. Tạnh ngắt.
Chiều tối hôm đó, cô ra biển nữa, xống áo phong phanh, tóc tại không chằng buộc, chạy một mạch trên bãi cát phẳng, chạy và bơi ào ào thấy nóng ngốt trong người có hơi dịu bớt, thấy có thể trốn chạy được chàng, dù hoảng hốt như chạy nắng.
Cô cứ chân trần chạy miết trên nước biển ven bờ lấp xấp cát chảy dưới bàn chân. Hai bầu ngực nảy tưng tưng nặng trĩu trước người. Cô cảm giác chúng nặng đến mức nếu chẳng may cô vấp, ngã sấp mặt xuống cát biển, cô sẽ không tự dậy được. Chân trần cứ thế chạy trên cát ướt mép nước - nước bắn toé lên. Gió, cát, nắng biển chiều ngập ngụa người cô. Cô cứ chạy. Giá mà trút hết tất cả xống áo vướng bận này để trần cả thân thể lẫn nỗi nhớ chàng, thì nỗi nhớ có thể nguôi ngoai vơi bớt được chăng?...
Dính dấp, ướt át, cứ thế cô chạy ào ào vào bãi tắm nước ngọt nhưng không tắm mà để nguyên áo bơi bên trong, xỏ vội quần jean và áo pul ở ngoài, nghe muối biển thấm sâu vào da, cứ thế cô đi bộ lòng vòng trong thị xã X. Cô hít thở sâu mùi nước mắm khăm khẳm mặn mòi hoi hoi nồng ấm vào trong phổi - cái mùi nước mắm đã dậy mùi từ lúc cô đến đây, cái thị xã bé nhỏ, nhà thấp lúp xúp, cây cối cũng bé nhỏ lùn tè, phố xá vắng cây để trần y như nỗi buồn của cô. Cô bỗng tưởng ra chính mình đâu đó thuở nào thiếu nữ, một lần cô đứng chờ ở cây cột điện đường Hàng Khay, đối diện là rạp chiếu bóng Kim Đồng. Chỗ ấy là điểm hẹn hai đứa, là bến chờ xe buýt đưa cô hàng ngày đi làm và về nhà ở Cống Vọng. Cô bỏ qua 10 chuyến xe buýt mà chàng vẫn bặt tăm dạng, không đến như đã hẹn chắc. Hôm ấy của hai mươi năm trước nắng chang chang như trưa biển hôm nay. 10 chuyến xe qua, cô thấy mình già đi 10 tuổi, cô thiếu nữ 20 tuổi bỗng chốc thành ra người thiếu phụ!
Nắng chang chang chang chang, sao mà nắng.
Nắng ôi là nắng, cả một trời chỉ dồn nắng sắc cứa vào mỗi một mình em bé nhỏ, cô đơn đứng ở góc đường chờ 10 chuyến xe qua, người yêu không thấy đến, già đi 10 tuổi thành người thiếu phụ.
Nhưng bây giờ đây, cô đang chạy nắng, trở về tuổi thiếu nữ - trở về bản thể. Véc tơ đã quay ngược chiều mất rồi...
Apparition of My Cousin Carolinetta on the Beach at Rosas của Salvador Dali |
--------
Bài viết cùng chuyên mục: