- Tý! Mầy lên đây tao biểu.
Bốn bề im lặng, Bà Phương gằn giọng lớn hơn:
- Tý. Mầy đi đâu rồi hả ranh con? Biểu lên đây tao biểu mà.
Nhà Tý nghèo, Tý phải sớm lên thành phố giúp việc. Ảnh minh họa: Pixabay |
Con Tý khép nép đứng dưới cửa nhà sau. Nó đã biết tội của nó nên thập thò chẳng dám bước lên, mặt cắt không còn một chút máu.
Bà Phương chạy xồng xộc xuống nhà dưới, nắm tóc con Tý lôi lên. Vừa đi bà vừa nhiếc:
- Đồ ranh con. Mới nứt mắt mà định qua mặt tao. Mày tưởng tao không biết hả?
Bà Phương giật mạnh tóc con Tý, lắc lư đầu nó mấy lần. Bà hét lớn:
- Sao lại câm cái họng? Cái họng chó nào biết hả ra ăn, bây giờ lại ngậm câm?
Con Tý hoảng hồn:
- Dạ.
Bà Phương nạt lớn:
- Dạ cái gì? Mầy tưởng qua mặt được tao hả? Tao đã dặn tiệm phở rồi. Trong ba tô phải có một tô đầy dành cho tao. Biết chưa? Mầy dám ăn bớt. Mầy tưởng tao không biết chắc?
Bà Phương dìm đầu con Tý xuống sát ba tô phở:
- Nè. Nè. Mầy coi có phải bây giờ ba tô bằng nhau không?
Tý líu ríu:
- Dạ… con lỡ dại. Xin bà tha lỗi cho.
Bà Phương lồng lộn:
- Đâu có dễ vậy mậy! Cẩm Loan đâu? Mầy lấy giấy viết thơ, nhắn mẹ con Tý lên gấp.
Con Tý hốt hoảng:
- Con lạy bà. Bà đừng kêu má con lên. Con xin chừa.
- Đâu có đơn giản vậy được. Không báo cho mẹ mầy biết, mai mốt mầy lại ăn cắp tiền bạc, vòng vàng của tao thì ai đền? Phải cho mẹ mầy biết, mầy là cái dòng ăn chận.
Tý mếu máo:
- Con lạy bà. Con không dám nữa đâu.
Bà Phương xán cho con Tý một bạt tay, đẩy nó chúi nhủi ra cửa. Bà hăm dọa vói theo:
- Mai mốt mẹ mầy lên tao tính tiếp. Tao không nói chuyện với thứ ranh con.
Tý ê ẩm đầu óc. Suốt mấy đêm nó nằm khóc. Nó gọi thầm: “Má ơi. Con khổ quá!”
Tý khổ nhất là má nó sắp lên đây chịu nhục vì cái lỗi ăn vụng của nó. Nó tưởng tượng mai mốt má nó lên ngồi gục mặt nghe bà Phương chửi, nó khóc ướt chiếc gối. Sáng ra, cặp mắt sưng húp.
Gia đình Tý nghèo lắm. Má nó buộc lòng phải cho nó nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nó được người bà con giới thiệu lên thành phố nầy giúp việc cho bà Phương mấy tháng nay. Gọi là giúp việc cho nhẹ nhàng, thật ra nó là đứa đầy tớ hạng bét. Trong nhà, còn có nhiều người có quyền hơn nó. Thậm chí chị bếp cũng chửi nó được. Nó chỉ để bà Phương và những người khác sai vặt và trút cơn thịnh nộ. Mọi buồn bực của họ, họ đều đổ lên đầu con Tý. Hễ dùi đánh đục thì đục lại đánh săng! Một lý do nữa, dường như bà Phương cũng muốn đánh đập con Tý đễ dằn mặt những người giúp việc khác. Dù sao họ cũng lớn tuổi, bà không thể mắng chửi và đánh đập được.
Lâu ngày, chịu những cơn hành hạ của bà Phương và của nhiều người khác, Tý quen dần. Công việc trong nhà dù cực khổ đến đâu nó cũng chịu đựng được. Chỉ mỗi một việc nó không thể nào chịu đựng nổi, đó là mỗi sáng bà Phương bắt nó phải bưng mâm đi mua phở.
Chiều nào cũng vậy, đâu có bữa nào con Tý ăn cơm được no. Tối nằm ngủ cái bụng cứ kêu ọt ọt. Sáng mở mắt ra, chưa có gì vào bụng, lại nghe cái mùi phở thơm phưng phức, con Tý chịu không nổi.
Từ hồi nhỏ đến lớn Tý chưa ăn phở lần nào. Nó tưởng tượng chắc là ngon lắm. Chỉ nhìn ông bán phở ở trần trùng trục, tay cầm cái vá xốc xốc lọn phở đổ vào tô cũng phát thèm rồi. Đến chừng ông ta thái thịt, đổ nước lèo vào tô; nước béo nổi lên một lớp vàng hếu, con Tý nuốt nước miếng ừng ực.
Sáng nào, nhìn con Cẩm Loan, con của bà chủ, xới xới đũa, gắp mấy cọng phở dài thòn đưa lên miệng, con Tý phải quay mặt chỗ khác. Có khi phải bỏ xuống nhà bếp mà nước miếng vẫn chảy ra. Ngược lại, Cẩm Loan không bao giờ ăn hết tô phở. Nó vừa ăn vừa vít cho con chó Ky ngểnh cổ chực sẵn dưới đất.
Mấy tháng nay Tý cắn răng chịu đựng. Sáng đó, mùi phở, mùi thịt tái, mùi mỡ cháy thơm lựng, lại thêm mùi chanh chua chua, mùi rau ngò rau quế dìu dịu, bụng con Tý cồn cào, nước dãi chảy ra hoài. Tý cầm lòng không đậu. Thấy có một tô phở lại đầy hơn những tô phở khác, con Tý gắp vội mấy miếng thịt và ít cọng phở bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Nó tưởng bà chủ không biết, nào ngờ…
Mặc dù khác biệt, hai cô bé vẫn tạo dựng một tình bạn đẹp. Ảnh minh họa: Pixabay |
Bị nhắn gấp, tưởng con bị bệnh, chị Tư –má con Tý– vội vã xách giỏ ra xe về thành phố. Chị thập thò trước cửa nhà bà Phương. Khi ấy, chị nhìn lại mới thấy bắp chân còn dính mấy vệt bùn khô.
Đàn chó nghe động, sủa ầm ĩ. Tý chạy ra nhìn thấy má, nó khóc ròng. Chị Tư bước vào nhà, nhét cái giỏ đệm và cái nón lá xuống đi-văng, e dè cúi chào bà Phương:
- Thưa chị vẫn khỏe?
Bà Phương nhìn chị Tư nói mát:
- Khỏe không nổi với con gái cưng của chị rồi.
Chị Tư biết bà Phương đã bắt đầu gây chuyện, chị nhỏ nhẹ:
- Chắc con gái tôi đã làm điều gì không phải? Chị nhắn tôi lên có điều gì để chỉ dạy?
Bà Phương trề môi:
- Ai dám chỉ dạy chị. Tôi… mời chị thì có. Nhưng mời chị lên đây đặng dắt con gái cưng của chị về dạy lại.
Chị Tư lo lắng:
- Con Tý có điều gì sai trái chị cứ dạy bảo dùm. Cũng bởi cha nó đã hi sinh, mẹ con tôi mới cơ cực như thế nầy.
Bà Phương lại trề môi :
- Tôi không cần biết chuyện ấy. Nó có liên quan gì đến tôi đâu? Mà biết chồng chị có hi sinh thật không, hay là bị chồng bỏ? Có điều chị chắc cũng không vừa gì, mới đẻ ra con nhỏ hỗn xược vậy.
Chị Tư ứa nước mắt. Chỉ vì nghèo mà vô cớ người ta sỉ nhục mình. Chị cố xuống nước:
- Chị nói vậy cũng tội cho tôi. Cha mẹ nào lại dạy con cái sai quấy? Tại con Tý còn khờ dại.
Bà Phương gạt ngang:
- Thôi, không nói dông dài gì nữa hết. Bây giờ chị dắt con gái chị về. Tôi không mướn nữa.
Chị Tư hốt hoảng nài nỉ:
- Mong chị thương gia đình tôi. Con Tý mà không đi làm phụ tôi thì các em nó chắc chết đói!
Bà Phương giả ơn giả nghĩa:
- Thôi được. Tôi làm phúc cho gia đình chị một lần nữa. Tôi nói trước cho chị biết, con gái chị tham lam lắm. Đi mua phở cho tôi, nó còn dám ăn trên đầu trên cổ tôi đó. Có chuyện gì, chị phải chịu trách nhiệm về nó à.
Chị Tư vâng dạ rồi chào bà Phương ra về. Con Tý chạy theo khóc sướt mướt. Chị Tư giận dỗi quát:
- Mầy chết thèm rồi hả Tý? Nhục nhã quá con ơi!
Chị bước nhanh ra cổng, sợ bà Phương đổi ý, bỏ mặc con Tý đứng khóc. Đi một đoạn xa, chị ngoái đầu nhìn lại, nước mắt chảy dài. Chị toan trở lại dắt con về nhưng nghĩ lại cảnh gia đình, chị uể oải bước đi…
Từ ngày có Tý đến phụ việc, Cẩm Loan đã bắt đầu để ý và suy nghĩ về người con gái trang lứa mình, suy nghĩ về những người xung quanh. Nó theo hỏi Tý đủ điều.
Thì ra Tý lớn hơn Cẩm Loan hai tuổi, đã học xong tiểu học. Ba Tý là liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ…
Cẩm Loan quen sống trong cảnh sang giàu của gia đình mình và của nhiều người ở thành phố. Nó không ngờ rằng có những người chịu thiếu thốn, cực khổ như Tý. Hôm đó lại thấy Tý vì ăn vụng phở bị mẹ đánh và làm nhục cả hai mẹ con; Cẩm Loan động lòng muốn ngăn mẹ nhưng không dám. Nó nhớ khi đến trường, thầy cô thường khuyên phải thương yêu, giúp đỡ người nghèo khó, giúp đỡ gia đình liệt sĩ; nó không biết làm sao giúp Tý.
Chiều nầy, khi đi học về, Cẩm Loan thấy Tý ngồi khóc thút thít dưới bếp, nó đến bên Tý hỏi:
- Chị Tý, mẹ Loan nói chị Tý ăn bớt phở của mẹ mà có hôn?
Tý xấu hổ không dám nhìn Cẩm Loan, lí nhí trong họng:
- Tôi có lỗi với bà. Tôi thèm quá! Tôi cũng xin lỗi Cẩm Loan nữa...
Cẩm Loan ngạc nhiên:
- Hồi nào đến giờ chị không ăn phở sao?
Tý nói thật nhỏ:
- Không có! Nhà tôi nghèo lắm!
Cẩm Loan thật không ngờ. Nó nhìn kĩ vóc dáng Tý: da Tý xanh mét, mắt u buồn. Cẩm Loan nắm tay Tý, nó lại giật mình. Cánh tay Tý nhỏ xíu, nổi đầy gân xanh. Cẩm Loan xúc động nói:
- Loan không giận chị Tý đâu…
Sáng hôm sau, lấy cớ tập thể dục, Cẩm Loan không ăn sáng chung với ba mẹ. Đợi ông bà Phương đi làm, Cẩm Loan xớt phở chia cho Tý. Lúc đầu Tý không dám ăn, sau thấy Cẩm Loan nài nỉ mãi, nhất là thấy Cẩm Loan muốn khóc, Tý mới cùng ăn với Cẩm Loan. Cẩm Loan ngắm Tý ăn một cách ngon lành.
Ăn xong nửa tô phở, Tý giật mình dặn:
- Loan đừng nói với bà.
Cẩm Loan cười:
- Chị yên tâm mà.
Từ đó, Cẩm Loan thường chia phở cho Tý. Thỉnh thoảng thấy Tý ăn cơm ở nhà sau một mình, nó lén mọi người múc thịt cho Tý ăn. Những lúc ông bà Phương đi vắng, Cẩm Loan xuống bếp rù rì với Tý suốt buổi.
Một hôm, Tý cầm chiếc bông tai đưa Cẩm Loan:
- Loan ơi! Cái nầy phải của Loan hôn?
Mắt Cẩm Loan tròn xoe. Nó nhảy tới ôm chầm lấy Tý:
- Ờ… ờ … của Loan đấy. Chị Tý lượm ở đâu vậy?
Tý nhanh nhẩu:
- Ngoài đường kia kìa
Cẩm Loan thành thật kể:
- Mấy bữa rày sợ mẹ đánh. Loan giấu mẹ luôn. Loan cảm ơn chị Tý nhen. Không có chị cho lại, chắc Loan bị đòn.
Một buổi sáng khác, Cẩm Loan sửa soạn đi học, Tý thấy Cẩm Loan luẩn quẩn, lục lạo hoài. Tý hỏi:
- Loan tìm cái gì vậy?
Cẩm Loan ngập ngừng mãi mới nói:
- Mẹ Loan mới cho tiền đóng học phí, Loan để đâu quên mất. Loan không dám hỏi, sợ chị buồn.
Tý chỉ tay:
- Tôi thấy Loan để ngoài nắp hồ nước kìa.
Cẩm Loan không giấu được vui mừng, reo to:
- Vậy hả? May quá!
Vừa nói Cẩm Loan vừa chạy đi lấy tiền. Nó hát nho nhỏ theo nhịp nhảy và vội vã đạp xe đến trường.
Ảnh minh họa: Pixabay |
Đầu năm học mới, Cẩm Loan được vào lớp 6. Nhà Cẩm Loan tổ chức ăn mừng. Những người trong gia đình đều tặng Cẩm Loan những món quà đắt tiền. Sau bữa tiệc, Tý e dè đến bên Loan nói:
- Tý không có nhiều tiền, chỉ có món quà nhỏ nầy, mong Loan đừng chê.
Tý móc túi lấy chiếc nơ màu tím đưa cho Cẩm Loan. Cẩm Loan ngắm nghía, cảm ơn Tý rồi cất vào hộp bút.
Công việc làm ăn của ông bà Phương ngày một khó khăn. Bà Phương bàn với chồng đuổi bớt một ít người giúp việc, trong đó có Tý. Bà nhắn má con Tý lên rồi bảo:
- Vừa rồi trong nhà mất mấy chỉ vàng. Ai cũng nghi con Tý lấy. Họ bảo “Phở của bà nó còn dám ăn bớt, cái gì mà nó không dám lấy, nhất là nghèo như nó.” Tôi không quả quyết con Tý, nhưng ngăn ngừa là tốt hơn. Nó cũng đã gian dối một lần. Ngựa có thể quen đường cũ. Thôi chị hãy dắt nó về.
Chị Tư còn dùng dằng nài nỉ. Bà Phương xách cái giỏ của con Tý và hai trăm ngàn đồng ném trước mặt chị Tư. Quần áo trong giỏ vung vãi ra ngoài. Mắt bà Phương long lên thật sự. Bà vừa thấy mấy bộ đồ của Cẩm Loan trong giỏ của con Tý. Bà lôi ra và la lớn:
- Rõ nó là đồ ăn cắp mà!
Mấy người giúp việc chạy vào. Ai cũng xác nhận mấy bộ đó là của Cẩm Loan. Chị Tư tái mặt, nắm tay con Tý giật mạnh:
- Tý ơi! Sao con hư quá vậy? Má đã dặn con như thế nào? Nghèo cho sạch, rách cho thơm mà. Miếng ăn tấm áo có đáng gì mà hai lần con đã làm nhục nhã má quá!
Tý khóc lớn:
- Không phải vậy. Đồ nầy Cẩm Loan đã cho con.
Bà Phương gằn từng tiếng:
- Mầy cũng dụ dỗ gì nó mới cho. May mà tao phát hiện sớm, không thôi mầy sẽ dụ dỗ con tao, lấy hết đồ đạc trong nhà nầy! Thảo nào nghe nói tối ngày mầy rì rịt với nó dưới bếp. Đi! Mẹ con mấy người đi khỏi nhà tôi ngay. Chần chừ tôi gọi công an bây giờ.
Bà Phương giận dữ thật sự. Bà giật mấy bộ quần áo lại. Chị Tư sợ hãi dắt con về trong tiếng nghẹn ngào của hai mẹ con. Chị không dám trách gì bà Phương cả. Chị tra hỏi con Tý đủ điều và lôi nó xềnh xệch ra xe…
Cẩm Loan đi học về thấy mặt mẹ còn hầm hầm. Nó hỏi :
- Nhà có chuyện gì vậy mẹ?
Được khơi lại, bà Phương tức tối:
- Con ranh con đã ăn cắp quần áo mầy chứ gì! Tao tống cổ nó về rồi.
Cẩm Loan hốt hoảng ném chiếc cặp lên bàn, chạy vội xuống nhà sau tìm Tý rồi trở lên kêu lớn:
- Mẹ ơi! Không phải vậy đâu mẹ. Quần áo đó đã cũ. Con cho chị Tý đó. Con nói chỉ để dành cho em chỉ.
Cẩm Loan gục đầu dưới bàn nức nở:
- Mẹ không biết đâu: chị ấy đã thấy tiền học phí con bỏ quên mà không lấy. Chị ấy lượm được bông tai của con còn trả lại… Chị ấy không tham đâu mẹ. Mẹ đã nghi oan cho chỉ rồi!
Cẩm Loan đoán rằng chắc Tý bị mẹ đánh nhiều lắm. Nó tưởng tượng cảnh Tý vừa khóc vừa xách giỏ đi về, lại càng khóc lớn hơn và khe khẽ rên:
- Chị Tý ơi…. Tha lỗi cho mẹ Loan.
Bà Phương hất hàm hỏi:
- Có thật vậy không? Không lẽ nghèo như nó mà không tham tiền tham vàng sao?
Sáng hôm sau, Cẩm Loan ngồi trầm ngâm hằng giờ bên tô phở. Mắt nó ướt rượt, đỏ hoe. Từ hôm đó, nó không chịu ăn phở nữa…
Cũng từ hôm đó, người ta nghe tiếng chửi rủa trong nhà bà Phương bớt dần. Ngày ngày, các bạn Cẩm Loan thấy cô bé ấy ít nói và trầm buồn hơn. Trên mái tóc Cẩm Loan, lúc nào cũng cài chiếc nơ màu tím…
Nguyễn An Cư | Báo Văn nghệ